Sau 35 năm sưu tầm hàng ngàn lốp xe đủ loại, 'vua' lốp phế liệu Nguyễn Văn Phúng (58 tuổi, ở xã Phước Đồng, TP.Nha Trang, Khánh Hòa) dành thời gian, sức lực để biến thứ tưởng như vứt đi thành những sản phẩm độc đáo.
Ông Nguyễn Văn Phúng bên một lốp xe “khủng” mua về từ Campuchia. Ảnh: Nguyễn Chung
Mới đây, Tổ chức Kỷ lục VN đã trao bằng xác lập Bộ sưu tập sản phẩm làm từ lốp phế liệu có số lượng nhiều nhất VN cho ông.
Cơ duyên với... lốp
"Lốp xe phế liệu là một trongnhững loại rác thải khó phân hủy nhất. Nếu chúng ta biết tận dụng những phế liệu, phế thải để tái sử dụng hoặc tạo ra những tác phẩm nghệ thuật cũng là cách góp phần bảo vệ môi trường". Ông Nguyễn Văn Phúng |
Ông Phúng là người gốc Huế. Khi trưởng thành, ông vào Nha Trang định cư và làm nhiều nghề kiếm sống. Năm 20 tuổi, một lần trên đường đi làm thuê về, ông Phúng tình cờ gặp một nhóm người từ miền Nam đi thu mua lốp xe cũ để tái chế. Biết ở Khánh Hòa có những điểm tập kết lốp cũ nên ông đã chớp thời cơ, thu mua rồi về bán lại kiếm lời. Thấy công việc thuận lợi, ông Phúng quyết định chuyển luôn qua nghề mua bán lốp phế liệu. Cái tên “Phúng lốp” xuất hiện từ đó.
Ông Phúng gắn bó với nghề mua bán lốp phế liệu được chừng 10 năm thì dừng vì “thời thế thay đổi”. Sau đó, ông làm xây dựng, thiết kế mỹ thuật nhưng vẫn luôn dành thời gian đi “săn” lốp xe. “Từ thời còn mua bán lốp phế liệu, tôi đã sưu tầm các loại lốp, giữ riêng ở một góc vườn. Có hàng ngàn chiếc lốp khác nhau về kích thước, bề mặt, kết cấu, tính năng… Sau này chuyển nghề tôi có dịp đi khắp đất nước, đi đâu cũng để mắt đến lốp xe. Nhiều lần đi Lào, Campuchia, thấy những lốp xe hiếm gặp và lạ mắt tôi cũng mua về. Không tính được đã bỏ ra bao nhiêu tiền cho “cái thứ bỏ đi” này. Lốp xe ám ảnh mình luôn cả trong suy nghĩ, cả lúc ngủ. Thấy cái lốp nào “hay hay” là mắt mình sáng ra, mừng húm”, ông Phúng chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Thanh Lan, vợ ông Phúng, kể có lần đang đứng trong vườn nhà, ông Phúng thấy một chiếc máy cày đi ngang qua, miệng ông thốt lên “ơ, cái lốp nhìn hay vậy”, rồi lật đật chạy theo, hỏi người ta về loại lốp, hẹn “khi nào hỏng thì để lại cho tui nghen”.
Ông Nguyễn Văn Phúng trong xưởng thực hiện những tác phẩm từ lốp phế thải tại nhà mình
"Siêu phẩm" từ lốp xe
Gia đình ông Phúng từng có nhà ở trung tâm TP.Nha Trang, nhưng với tính cách phóng khoáng, thích cái mới lạ, gần 15 năm trước, ông mua khu đất hơn 3.000 m2 ở thôn Phước Thượng (xã Phước Đồng), rồi chuyển vào đây ở cho đến nay. Chuyển nhà cũng là cách để ông tìm được chỗ chứa đủ số lốp xe mà ông đã sưu tầm trong khoảng nửa đời người.
Bàn ghế từ lốp phế liệu
Đến nhà ông Phúng sẽ thấy lốp xe ở mọi ngõ ngách. Ngoài vườn, lốp được chất thành đống, xếp thành hàng rào, mới nhìn ngỡ như một bãi tập kết phế liệu. Khi nhìn vào trong nhà lại là một không gian khác. Lốp được tái chế thành nhiều sản phẩm độc đáo, quét sơn bóng láng. Từ vật dụng hữu ích như bàn ghế, võng, giày dép, túi xách, mũ, thắt lưng... đến các tác phẩm nghệ thuật như: tháp thời gian, đồng hồ, lồng đèn, lẵng hoa, mô hình siêu nhân…
Tái chế lốp xe phế liệu thành các đồ vật hữu ích không hề đơn giản. Không kể những sản phẩm như: trống, loa thùng... giữ nguyên hình dáng của lốp, thì đa số các tác phẩm nghệ thuật đều phải qua công đoạn “lộn lốp”. Ông Phúng kể: “Để làm các tác phẩm như bộ ấm chén khổng lồ, hồ lô khổng lồ… thì phải lộn lốp vì bên trong láng đẹp hơn và vân lốp cũng tạo thành đường nét thú vị. Trước khi lộn phải bóc bớt phần cao su bên ngoài. Khi lốp đủ mỏng thì huy động đông người dùng xà beng, đòn bẩy, kẹp... để lộn. Lốp xe là cao su, có độ nhún nên khi lộn phải dùng cả thế và lực. Có những lốp lớn phải 15 - 20 người tập trung mới lộn được. Nghe tiếng “pụp” của cái lốp lộn cũng rất sướng tai”.
Ông Phúng bên tác phẩm Tháp thời gian
Ông Phúng cho biết thêm, một số tác phẩm như các loại bon sai, các loài thú thì phải “lóc lốp” và cũng vất vả không kém. Tìm được thớ và độ đàn hồi thì “lóc” rất nhanh, nhưng không đúng thớ thì có gãy dao cũng không được, chưa kể những lốp có cấu tạo bên trong là sợi thép, càng phải công phu hơn. Hiện nay, để phục vụ cho các ý tưởng của mình, ông Phúng luôn có gần 10 lao động hỗ trợ. “Trong hàng ngàn chiếc lốp ngoài vườn, mình nảy ra ý tưởng làm tác phẩm gì thì biết ngay cái lốp cần tìm đang nằm ở góc nào. Lốp xe với mình như bạn thân. Mình hiểu nó mà hình như nó cũng hiểu mình”, ông nói.
Thông điệp từ lốp
Từ năm 2016, ông Phúng mới bắt tay thực hiện những sản phẩm tái chế từ lốp và đến nay đã có hơn 500 sản phẩm. Hiện tại, ông Phúng đang thực hiện bộ tác phẩm “Khát vọng hòa bình”, gồm hàng loạt mô hình về vũ khí như: súng thần công, bom, mìn, tên lửa... phục vụ cho tham quan, triển lãm nghệ thuật. Qua đó muốn nói lên sự khốc liệt của chiến tranh, ca ngợi và trân trọng cuộc sống hòa bình. Một công trình khác cũng đang được ông thực hiện là “Cung điện lốp xe” được thiết kế mang dáng dấp của một cung điện xưa, điểm độc đáo là chất liệu cũng như nội thất đều làm hoàn toàn từ lốp xe. Dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm nay.
Bộ tác phẩm Khát vọng hòa bình đang hoàn thành
Nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã đặt ông làm những sản phẩm từ lốp xe. Tuy nhiên, ông Phúng nói chưa từng nghĩ đến lợi nhuận từ việc bán các sản phẩm lốp xe tái chế. Ông vẫn đang làm để thỏa đam mê và hơn hết muốn gửi gắm những thông điệp qua các sản phẩm của mình. “Lốp xe phế liệu là một trong những loại rác thải khó phân hủy nhất. Mục đích của tôi là tạo ra càng nhiều tác phẩm độc đáo càng tốt và không bỏ đi bất cứ thứ gì. Nếu chúng ta biết tận dụng những phế liệu, phế thải để tái sử dụng hoặc tạo ra những tác phẩm nghệ thuật cũng là cách góp phần bảo vệ môi trường”, ông Phúng vui vẻ nói.
"Vua” lốp phế liệu vừa dứt lời thì một chiếc ô tô chở khoảng trăm chiếc lốp cũ các loại đỗ trước cổng. Giọng người đàn ông trên xe sang sảng: “Giải quyết sao đây ông Phúng ơi?”. “Cứ quăng xuống sân cho tui”, ông Phúng đáp. Rồi ông Phúng tiến lại đống lốp xe, tay cầm một cái, lật lật, nói: “Ôi chao, cái loại này sẽ làm được nhiều thứ cho “cung điện” lắm đây. Tôi nhờ mua từ Campuchia về cơ đấy!”.
“Không giống ai” "Vua” lốp phế liệu Nguyễn Văn Phúng tự nhận mình là người muốn làm những thứ “không giống ai”. Cách đây chừng 3 năm, ông thiết kế ngôi nhà 2 tầng, rộng khoảng 20 m2 trên cây thị ở sân vườn, dùng để nghỉ ngơi và trưng bày một số đồ vật cổ. Ngôi nhà nặng khoảng 4 tấn, trải qua nhiều cơn bão nhưng vẫn vững chắc. Cuối năm 2017, ông Phúng tiếp tục thiết kế ngôi nhà chủ yếu bằng chất liệu xốp, gồm 3 tầng và mang dáng dấp của cung điện thời xưa. “Không hiểu sao tôi có những đam mê “kinh khủng” lắm, nhưng được cái vợ con luôn chiều lòng. Tôi từng thiết kế cả máy bay. Làm xong, cũng định bay thử rồi, nhưng vợ năn nỉ: Thôi, anh cứ vui với lốp xe cho an toàn”. |
Nguyễn chung (Thanh Niên)