Võ Thị Ngọc Huyền - Doanh nhân tuổi 20

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hiện đang theo học năm 2 ngành Kế toán-Trường Đại học Hutech (TP. Hồ Chí Minh), nhưng nữ sinh viên đến từ Phố núi-Võ Thị Ngọc Huyền đã tự lực gây dựng nên Công ty TNHH một thành viên Huyền Cò mang thương hiệu mỹ phẩm riêng của mình. Đáng kể hơn, cô Giám đốc sinh năm 1995 này vừa được vinh danh Doanh nhân Việt Nam thế kỷ XXI và Thương hiệu sản phẩm-dịch vụ xuất sắc được tin dùng năm 2014 do Trung ương Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam bình chọn.

  (Ảnh nhân vật cung cấp)
(Ảnh nhân vật cung cấp)

Sinh ra trong một gia đình mà cả ba và mẹ đều làm kinh doanh tại Pleiku, dường như cô gái nhỏ nhắn tuổi 20 Ngọc Huyền đã sớm thừa hưởng “máu” buôn bán. Mặc dù gia đình khá giả nhưng Huyền vẫn muốn tự mình kiếm tiền. Chính vì vậy, ngay từ khi còn là học sinh lớp 11, Huyền đã tự tìm hiểu nhu cầu làm đẹp của các nữ sinh lứa tuổi “teen” như mình và lấy các sản phẩm về bán. “Những mặt hàng khi ấy Huyền thường hay bán là quần áo, lens (kính giãn tròng-P.V), mỹ phẩm của thương hiệu khác. Ban đầu, Huyền chỉ nghĩ là mình bán cho vui, mỗi món hàng cũng chỉ lời từ 15.000 đến 30.000 đồng, để có thêm tiền tiêu vặt hàng ngày, không phải xin thêm từ ba mẹ. Nhưng dần dần, Huyền bị cuốn vào công việc kinh doanh và mê nó từ lúc nào không hay”-Ngọc Huyền tâm sự. Tuy không có ai chỉ cách buôn bán, nhưng thông qua các trang mạng xã hội, bằng sự nhạy bén cùng khiếu kinh doanh sẵn có, các sản phẩm do cô học sinh bán ngày càng tạo được uy tín và thu hút đông đảo khách hàng.

“Mặc dù mình bán khá nhiều mặt hàng, nhưng lại cảm thấy có duyên với bán mỹ phẩm nhất. Lúc đó, mình vẫn hay lấy nhiều loại mỹ phẩm khác nhau về bán. Thế rồi, mình muốn làm chủ một thương hiệu sản phẩm mỹ phẩm của riêng mình”-nữ doanh nhân trẻ chia sẻ.

Từ số tiền ba mẹ chu cấp hàng tháng, Huyền tích góp lại để dành cho việc theo học các khóa học về mỹ phẩm của các thầy chuyên dạy mỹ phẩm nổi tiếng. Những ngày mới học, nguồn kinh phí hạn hẹp cho các khóa học đắt tiền khiến Huyền gặp không ít khó khăn. Huyền tâm sự: “Không chỉ vậy, lúc mới quyết định thực hiện, ba mình phản đối nhiều lắm vì muốn mình chuyên tâm vào việc học tập, còn mẹ thì luôn lo lắng vì mình chưa va vấp, chưa có kinh nghiệm kinh doanh lớn bao giờ”. Không nản lòng, bắt đầu từ những kiến thức cơ bản nhất, Huyền tự tìm tòi, học hỏi để có thể làm thành công những sản phẩm đầu tiên của mình.

Thế rồi, mỹ phẩm mang tên Huyền Cò ra đời nhưng khá chật vật trên thương trường bởi chưa tạo được tên tuổi; người tiêu dùng e dè vì chưa biết hiệu quả ra sao. Cô sinh viên nhỏ bị áp lực bởi số hàng tồn quá nhiều. Khi đó, kỹ năng, kinh nghiệm bán hàng thời còn là học sinh đã giúp Huyền rất nhiều trong việc quảng bá sản phẩm. “Ban đầu mình chủ yếu giới thiệu, bán qua mạng online và tự đi chào hàng. Sau khi đã tạo dựng được niềm tin, nền móng vững chắc, mình mở các chi nhánh và tuyển cộng tác viên, sau cùng là thành lập công ty”-Huyền hào hứng cho biết. Có lẽ với những bước đi nhỏ nhưng chắc chắn, Công ty TNHH một thành viên Huyền Cò tuy mới thành lập chưa đầy 1 năm nhưng đã tạo được uy tín và có sự phát triển không ngừng. Hiện nay, công ty của Huyền có hơn 30 chi nhánh tại 30 tỉnh, thành trên cả nước, hàng trăm cộng tác viên bán lẻ. Với 7 dòng sản phẩm chuyên về chăm sóc da, tên mỹ phẩm Huyền Cò đã được hàng chục ngàn khách hàng biết tới và sử dụng. Tổng doanh thu mỗi tháng từ việc cung cấp mỹ phẩm cũng lên tới vài trăm triệu đồng.

Khi biết mình được bình chọn là Doanh nhân Việt Nam thế kỷ XXI và Thương hiệu sản phẩm-dịch vụ uy tín xuất sắc 2014, nữ giám đốc trẻ không khỏi bất ngờ. Huyền nói trong niềm hạnh phúc: “Mình thật sự rất vui mừng và tự hào khi đạt được thành tích cao như vậy bởi công ty và bản thân mình còn rất trẻ. Đó cũng là động lực để mình tiếp tục phát triển công ty, tạo dựng uy tín hơn nữa cho các dòng sản phẩm sau này”. Nữ doanh nhân trẻ cũng chia sẻ thêm, trong năm tới Công ty dự kiến mở rộng chi nhánh trên toàn quốc và sẽ tiếp tục nâng cấp chất lượng, mẫu mã sản phẩm để đúng với tiêu chí: “Trao niềm tin, nhận sắc đẹp”.

Phương Linh

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: “Đánh thức” tiềm năng phát triển kinh tế đêm

Gia Lai: “Đánh thức” tiềm năng phát triển kinh tế đêm

(GLO)- Gia Lai có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế đêm như: dân số trẻ, sở hữu nét văn hóa-nghệ thuật và ẩm thực đặc sắc, thời tiết ban đêm dễ chịu... Trên cơ sở đó, các địa phương đang đề xuất những mô hình phát triển kinh tế đêm phù hợp, hấp dẫn nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Tạo sức bật từ nông sản chủ lực địa phương

Tạo sức bật từ nông sản chủ lực địa phương

(GLO)- Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), những năm gần đây, nhiều loại nông sản đặc trưng ở địa phương được các hộ gia đình, hợp tác xã (HTX) và doanh nghiệp đầu tư nâng cao chất lượng và giá trị, đa dạng mẫu mã, mở rộng kênh tiêu thụ.

6 sản phẩm công nghiệp ở Gia Lai có mức tăng trưởng khá trong 11 tháng

6 sản phẩm công nghiệp ở Gia Lai có mức tăng trưởng khá trong 11 tháng

(GLO)-

Theo thông tin từ Sở Công thương, tổng giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) thực hiện trong 11 tháng năm 2023 ước đạt 27.840 tỷ đồng (đạt hơn 88% kế hoạch, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2022). Riêng công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 63% với giá trị đạt hơn 17.560 tỷ đồng (đạt 90% kế hoạch, tăng 15,5% so với cùng kỳ).

Nhập khẩu bắp đạt gần 2,4 tỷ USD

Nhập khẩu bắp đạt gần 2,4 tỷ USD

(GLO)- Báo Công thương dẫn số liệu thống kê mới nhất từ Tổng cục Hải quan cho biết, trong tháng 10-2023, Việt Nam đã nhập khẩu 1,24 triệu tấn bắp, trị giá hơn 330 triệu USD (tăng 37,3% về lượng, tăng 12,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022).
Sửa đổi tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp lại giai đoạn 2021-2025

Sửa đổi tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp lại giai đoạn 2021-2025

(GLO)- Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg về tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021-2025.
Mang Yang ưu tiên đầu tư vùng dân tộc thiểu số

Mang Yang ưu tiên đầu tư vùng dân tộc thiểu số

(GLO)- Những năm qua, huyện Mang Yang (tỉnh Gia Lai) đã huy động nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nhằm cải thiện đời sống người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).