Vỡ mộng dó bầu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trồng cây dó bầu hàng chục năm với mong muốn tạo trầm để đổi đời.

 Vườn dó bầu ông Ôn đã bán đổ bán tháo sau 16 năm trồng và nuôi hy vọng - ẢNH: PHẠM ANH
Vườn dó bầu ông Ôn đã bán đổ bán tháo sau 16 năm trồng và nuôi hy vọng - ẢNH: PHẠM ANH

Ai ngờ, khi trồng xuống thì nhiều cây bị chết, đến thời điểm cần bán thì thương lái đến mua với giá quá rẻ. Giấc mơ đổi đời với dó bầu xem như tan vỡ.

Tan mộng tiền tỉ

Chúng tôi tìm về thôn Đông, xã Trà Sơn, H.Trà Bồng (Quảng Ngãi), nơi thiên hạ kháo nhau có một người Kor ở địa phương trồng cả rừng cây dó bầu, đã gần 20 năm tuổi. Đến cuối một con đường bê tông, chúng tôi qua con suối mát lạnh tới ngôi nhà chênh vênh ở sườn đồi thoai thoải, xung quanh cây cối mát lành.

Thấy khách vào khu vườn nhà mình, ông Hồ Thanh Ôn (47 tuổi) từ trong nhà đi ra. Nghe hỏi cây dó bầu, ông cười cười đưa chúng tôi ra phía sau vườn chỉ cho xem hàng trăm cây dó bầu nằm khắp nơi, cây lớn nhất có đường kính khoảng 20 - 25 cm, nhỏ khoảng 15 cm. Theo hướng tay chỉ của ông Ôn, có hàng trăm cây dó bầu đã bị lột vỏ, thân cây đen sì hiện ra trong nắng giữa bạt ngàn cây vườn xanh màu lá. Tại một khoảnh vườn nhỏ, ông Ôn cho biết đang ươm hàng ngàn cây dó bầu con và cây sưa đỏ, nói là để cây lớn thì mang ra rẫy ngoài núi rộng để trồng.

Đập tay bôm bốp vào một thân cây sần sùi, có đàn kiến bò theo hàng từ trên xuống dưới, chui vào hang ở thân, ông Ôn bảo đây là lứa cây đầu tiên ông trồng khoảng năm 2005. “Hồi đó, trên địa bàn H.Trà Bồng có nhiều người đồn là trồng cây dó bầu tạo trầm hương. Trồng nhiều cây cho nhiều tiền, tiền tỉ chứ không phải ít tôi mới trồng ấy chớ”, ông Ôn nói rồi kể: Dạo đó có đứa cháu ruột kêu bằng chú làm cho trang trại 400 ha cây dó bầu ở TX.Đồng Xoài (Bình Phước) về khuyên trồng cây dó bầu, sau bán cây để ép lấy dầu xuất khẩu ra nước ngoài. Nó còn mang cả hạt về cho ông ươm ra cây con. Sau thời gian, 5.000 cây giống dó bầu con mọc lên, ông Ôn mang ra vườn quanh nhà rộng vài héc ta trồng 1.000 cây. Số cây giống còn lại ông bán và cho bà con trong thôn, xã cùng trồng. Hồi đó, ông tính toán: Cứ mỗi cây cho 10 triệu đồng thì sau mươi năm, ông có chục tỉ trong tay, chỉ việc ngồi nhà rung đùi đếm tiền.

Cây dó bầu mới trồng xuống xanh um, xinh lắm. Vậy mà càng lớn, cây bị loài sâu gì ăn lá, đục thân chết dần dần, khi đó lại chưa có thuốc trị bệnh. Đến khoảng năm 2009, bão đến làm vườn dó bầu te tua. Ông Ôn nói: “1.000 cây, bị sâu ăn, bão gãy. Giờ quanh vườn chỉ còn 400 cây thôi, mà cũng chẳng có 10 triệu đồng/cây đâu. Ban đầu trồng cây xuống, ai cũng nói chừng 7 - 8 năm tuổi là khoan lỗ, bơm chế phẩm sinh học đợi vài năm sau dó bầu tạo trầm, rồi… thành tỉ phú”. Ấy vậy mà khi cây dó vườn nhà đã hơn 10 năm, ông Ôn vẫn không tìm ra người có kỹ thuật giúp mình cấy tạo trầm. Đến năm 2017, tìm được người cấy tạo trầm thì không có thương lái nào đến mua. Mãi đến tháng 3.2019, có tư thương từ Đà Nẵng vào mua dó bầu, ông Ôn bán 116 cây, chỉ được 55 triệu đồng. “Do vay tiền ngân hàng lo cho con cái ăn học nên phải bán cây, chứ tiếc lắm. Thế nhưng nói thật là trồng cây dó bầu giờ trầm hương đâu chưa thấy, chỉ thấy tháng 10.2020, bão số 9 làm cây dó bầu lớn gãy đập xuống nhà, sập mái giờ chưa sửa lại được”, ông Ôn thở dài.

 

Ông Ôn ươm cây sưa đỏ để trồng thay thế dó bầu
Ông Ôn ươm cây sưa đỏ để trồng thay thế dó bầu


Chưa thấy ai thành công

Những năm thập niên 2000, ở huyện miền núi Trà Bồng có phong trào trồng cây dó bầu. Từ các vườn, rẫy, không khó để nhận ra cây dó bầu mọc lên nằm lẫn với cây quế, cây keo. Thời đó, ông Hồ Văn Phong trồng đến 2.000 cây dó bầu từ cây giống ông Ôn ươm. Thế nhưng càng trồng thì dó bầu càng chết dần do sâu và bị gãy đổ. Mộng tiền tỉ xem như không thành, ông Phong chặt phá hết cây dó bầu, quay lại trồng keo.

 


Mô hình trồng dó bầu cấy tạo trầm mấy mươi năm qua không hiệu quả, mà chỉ là kỳ vọng ảo, mong manh. Nhiều người dân đã bỏ trồng cây khác, số cây dó còn lại bị ngã đổ rất nhiều sau bão số 9 khiến bà con thua lỗ. Cả xã chưa ai tạo được trầm từ cây dó.

Ông Đinh Văn Phong, Chủ tịch UBND xã Trà Sơn, H.Trà Bồng


Nhiều nông dân ở H.Trà Bồng tiếp xúc với chúng tôi cho biết cây trồng xuống hầu như chết 70 - 80%, số còn lại thì để làm “kỷ niệm” vì chẳng ai đoái hoài hỏi mua. Như ông Hồ Thanh Hùng (ở thôn Trà Ong, xã Trà Thanh, H.Trà Bồng) trồng 300 cây dó bầu trong rẫy với cây keo, quế, nhưng chẳng cấy tạo trầm được nên khoảng 7 - 8 năm trước đã bán tháo vài trăm ngàn đồng/cây để lấy đất trồng keo.


Ông Hồ Văn Kỳ (ở thôn Đông cùng với ông Ôn) đến nay là người duy nhất chưa bán cây dó bầu. Ông Kỳ kể khoảng hơn 15 năm trước, ông trồng hàng trăm cây dó bầu để nuôi giấc mơ thành tỉ phú. Vật lộn chăm sóc cây, nhưng giờ vườn dó bầu chỉ còn khoảng 20 cây. Vừa rồi thương lái đến mua 1 triệu đồng/cây, nhưng ông không bán. “Vì tiếc công chăm sóc, bán bấy nhiêu cũng chẳng đủ thiếu vào đâu”, ông Kỳ nói.

Trồng không xong, bán chẳng ra gì, ông Kỳ cất công đi tìm hiểu về cây dó bầu, lân la dò hỏi từ những người chuyên đi cấy tạo trầm trên cây dó. Lúc ấy ông mới vỡ lẽ: Không dễ tạo trầm. Ông Kỳ hiểu rằng dó bầu tự nhiên trong rừng có khi trăm năm mới cho trầm ở cây bị thương tích, ngã đổ. Từ các vết thương, kiến, mối đục thân cây làm tổ, cây tiết ra nhựa tự bảo vệ nên càng về sau, cùng với nắng gió thiên nhiên, cây có thân nhiều u bướu như tổ kiến, gốc có ổ mối lớn mới tạo ra trầm… Trong hàng trăm ngàn cây mới có một cây cho trầm, hàng triệu cây mới có tạo kỳ nam. “Chích thuốc tạo ra trầm chỉ là loại kém chất lượng, bán không được mấy đồng”, ông Kỳ khẳng định. Việc các chủ vườn ươm dó bầu nói rằng dó bầu 3 năm tuổi cấy trầm, sau 7 năm bán ra giá 2,7 triệu đồng/kg dó bầu, thì chỉ là lời đồn.

Những ngày đi tìm về vùng dó bầu ở huyện miền núi Trà Bồng, chúng tôi gặp một người tên Hải ở xã Trà Hiệp, là công nhân chuyên cấy tạo trầm lâu năm cho một doanh nghiệp sản xuất nhang trầm. Hỏi về việc tạo trầm trên dó bầu, anh lắc đầu cho biết việc tạo trầm không đơn giản như kỳ vọng của nhiều người, khó làm được. Theo anh Hải, sáng kiến tạo trầm trên cây dó bầu cũng có doanh nghiệp làm được, nhưng phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như loài dó, thổ nhưỡng và thảm thực vật nơi cây dó sống, chất lượng chế phẩm loại thuốc cấy tạo trầm. Tuy nhiên, cách làm này rất khó nhân rộng và chất lượng không như trầm tự nhiên được, nên giá trị rất thấp.

Một chủ doanh nghiệp chuyên sản xuất hương trầm ở H.Bình Sơn (Quảng Ngãi) cũng cho biết mặc dù tại Quảng Ngãi có trồng dó bầu nhưng lâu nay đơn vị vẫn nhập nguyên liệu từ các tỉnh Đồng Nai, Quảng Nam, vì có chất lượng tốt. Chủ doanh nghiệp này khẳng định, giá trị sử dụng của cây dó bầu thua kém những loại cây khác nên việc người dân trồng cây dó bầu không mang lại lợi ích gì mấy. Còn những ai cấy tạo trầm thì chất lượng ở hàng thứ cấp, chỉ sử dụng để làm hương.

Mang câu chuyện dân trồng dó bầu trao đổi với ông Đinh Văn Phong, Chủ tịch UBND xã Trà Sơn, H.Trà Bồng, ông Phong lắc đầu, nói: “Mô hình trồng dó bầu cấy tạo trầm mấy mươi năm qua không hiệu quả, mà chỉ là kỳ vọng ảo, mong manh. Nhiều người dân đã bỏ trồng cây khác, số cây dó còn lại bị ngã đổ rất nhiều sau bão số 9 khiến bà con thua lỗ. Cả xã chưa ai tạo được trầm từ cây dó. Vậy thì trồng làm gì?”.

Giữa tháng 4, khi trở lại vườn dó bầu của ông Hồ Thanh Ôn, chúng tôi thấy ông chặt bỏ nhiều cây dó bầu thành từng đoạn nhỏ, chất thành củi ở một góc sân. Ông đưa chúng tôi ra phía sau vườn, chỉ cho xem hàng ngàn cây sưa đỏ đang ươm, rồi nửa đùa nửa thật: “Loại cây này rồi sẽ thay cây dó bầu. Ngày xưa mà trồng cây sưa, nay đã giàu rồi…”.

Thất bại với dó bầu, không biết cây sưa có mang lại kỳ vọng cho người nông dân này?


Theo PHẠM ANH (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

(GLO)-Ngày 14-1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp ký ban hành Quyết định số 28/QĐ-UBND về việc công nhận kết quả đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm đợt II-2024.

Trung Quốc ra cảnh báo với sầu riêng, mít Việt Nam

Trung Quốc ra cảnh báo với sầu riêng, mít Việt Nam

Liên tiếp các lô hàng trái cây tươi của Việt Nam xuất khẩu bị nhiều nước nhập khẩu cảnh cáo vì không tuân thủ yêu cầu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Hệ thống kênh nhánh dẫn nước tại thủy lợi Plei Keo về làng Vơng Chép (xã Ayun). Ảnh: N.D

Chư Sê chủ động ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới

(GLO)- Trước thông tin dự báo về thời tiết diễn biến khắc nghiệt, cộng với việc công trình hồ thủy lợi Ia Ring gặp sự cố, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã chủ động xây dựng phương án ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới cuối vụ Đông Xuân 2024-2025 nhằm giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp.

“Làng yến” trên cao nguyên

“Làng yến” trên cao nguyên

(GLO)- Năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Phố Yến (thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) bắt đầu triển khai xây dựng mô hình “làng yến” với nhiều nhà nuôi yến được quy hoạch bài bản, khoa học. Mô hình mới này bước đầu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.