Vợ chồng Robinson

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Tìm vợ chồng Robinson ở hồ Trị An, tôi hỏi tên thiệt hổng ai biết, nhưng nói Năm Bầu họ lại gật đầu cái rụp. Biệt danh người vợ lúc mới ra đảo từ 36 năm trước và... có bầu vẫn quyết sống biệt lập trên đảo hoang.
Đảo Năm Bầu ở xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai
Đảo Năm Bầu ở xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai
Sau mấy lần lạc đường, tôi cũng tìm được bến đò ra đảo Năm Bầu ở xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai. Đảo này còn hoang sơ đến nỗi khi tôi hỏi, nhiều người dân địa phương lắc đầu vì... chưa từng nghe đến tên.
“Sống ngoài đảo tui thấy thoải mái vô cùng, mình lớn tuổi rồi nên thích chỗ yên tĩnh, bớt nghĩ ngợi. Ở đây tui sống thọ hơn.
Ông NGUYỄN VĂN LONG

Bỏ quê ra đảo

Chiếc xuồng máy lạch tạch cập bến sau 15 phút. Đảo xanh hiện ra trước mắt tôi. Khác với con đường đất đỏ đầy đá và bụi bặm dẫn vào bến, đảo Năm Bầu trong lành, yên tĩnh vô cùng.
Hôm tôi đến, trên đảo có khách du lịch. Bà Trần Thị Thanh Nga (59 tuổi) đang dở tay làm đồ ăn cho khách. 
Người chồng Nguyễn Văn Long (61 tuổi, quê Long An) cười rổn rảng nói cuối tuần khách đến đây đông lắm, vợ chồng "mần hổng kịp thở" vì không có người phụ. Hòn đảo 4 hecta từ khi được nhiều người tìm đến khiến vợ chồng Robinson này bớt cô quạnh hẳn.
36 năm, vợ chồng ông Long vẫn cùng nhau ở đảo - Ảnh: DIỆU QUÍ
36 năm, vợ chồng ông Long vẫn cùng nhau ở đảo - Ảnh: DIỆU QUÍ
Nhưng đó là câu chuyện của hôm nay...
"Năm 1984, sau khi đi bộ đội về, mấy người bạn cùng quê rủ lên vùng này lập nghiệp. Bận đó, tui dựng lều trên rừng ở tạm, làm đủ thứ nghề, từ lấy củi bán đến trồng mía, mần ruộng. Nhưng sau đó có trận ngập lớn, khu đất rừng tui ở biến thành đảo. Thế là trắng tay, bứt vốn luôn vì tất cả tiền của đều dồn vô làm rẫy" - ông Long kể lại những ngày tháng đầu đầy sóng gió khi sống ở đảo.
Năm đó cũng là lúc hồ Trị An hình thành. Và đảo Năm Bầu nằm giữa hồ chính là gò đất còn sót lại sau khi ngăn sông Đồng Nai làm nhà máy thủy điện. Ở hồ Trị An có rất nhiều đảo. Để phân biệt với các đảo khác, người dân đã đặt tên cho hòn đảo ông Long đang sống là đảo Năm Bầu, vì vợ ông tên thường gọi là Năm và khi ấy đang... có bầu.
Từ ngày vùng này biến thành đảo, những người dân sinh sống trước đó đều bỏ đi vì không có chỗ ở, đất canh tác, đi lại cũng rất bất tiện. 
Khi ấy chỉ có vợ chồng ông Long trụ lại bởi không có tiền đi nơi khác. Đảo chẳng còn ai, vợ chồng ông Long phải tự xoay xở mọi thứ. Gia đình đơn chiếc, mỗi lần bà Nga sắp sanh, vợ chồng lại dắt díu nhau về quê. Đợi bà ở cữ xong, họ liền quay lại đảo. Con tới tuổi đến trường thì gửi về Long An nhờ ông bà nội chăm sóc.
Trên đảo không có điện, ông bà xài đèn dầu với đèn bình ăcquy. Mấy năm gần đây, họ mới lắp pin năng lượng mặt trời trên mái nhà để xem tivi và cho khách đến đảo có điện xài, còn nước sinh hoạt bơm dưới hồ lên rồi lóng trong. 
Ông Long tâm sự ở đây thiếu thốn đủ thứ nhưng tình làng nghĩa xóm luôn đủ đầy. Những ngày mới ở đảo, vợ chồng hay đi xuồng máy qua bờ, có hôm đi chợ, khi thì qua chơi với xóm giềng.
"Mấy hàng xóm bên kia đảo lâu lâu qua đây chơi, cho tui số điện thoại rồi nói khi nào cần giúp đỡ thì cứ gọi. Họ thương vợ chồng lủi thủi trên đảo, sợ tui với bả ban đêm ban hôm lỡ có chuyện gì không biết kêu ai" - ông Long tâm sự.
Ở đây sống thọ
Có được chút vốn dành dụm sau khi chuyển qua nghề đánh cá, ông Long trồng thêm xoài, điều vì hợp thổ nhưỡng. Hiện 3 hecta điều với 3 tấn hạt mỗi năm là nguồn thu chính của gia đình, nhưng ông nói năm nay điều rớt giá, chỉ còn 27.000 đồng/kg. Ngoài điều, vợ chồng ông còn trồng tràm, nuôi gà, heo rừng lai.
Ngày trước, ông đi đánh cá quanh năm, giờ chỉ chủ yếu thả lưới mùa nước lên. "Bận đó nước lên, cá nhiều lắm, có khi kéo lên muốn rách lưới. Cá lăng, cá hoàng đế, cá rô phi. Vào mùa cá, mỗi ngày bắt được một, hai trăm ký là bình thường" - ông cười.
Hằng ngày ông Long ra vườn lượm hạt điều, làm rẫy, hôm nào có thời gian thì giăng lưới, kiếm được vài ký đem ra chợ bán. Bà Nga sáng sớm chở đứa cháu 6 tuổi đi học bằng xuồng, sau đó đi chợ rồi về quét dọn, cho gà, heo ăn. 
Bé Hiếu là cháu nội sống với vợ chồng ông Long từ lúc mới sinh. Cha mẹ bé sống ở nhà thuê trên mảnh đất gần đảo, hằng ngày đón đưa khách tham quan. Hai cô con gái lớn của ông có gia đình riêng, sống ở quê.
Cuộc sống nơi đảo hoang bình dị khiến vợ chồng ông chẳng còn muốn đi nơi khác. Ông nói thời khó khăn nhất ở đảo cũng đã trải qua rồi, giờ ổn định hơn nên có lẽ ông bà sẽ sống ở đây đến cuối đời. Ông cười chỉ tay lên tóc, nói nhờ ở đảo mà tóc chỉ vài sợi bạc, không "muối tiêu" nhiều như người trạc tuổi.
Nhiều du khách dần biết đến đảo như nơi yên tĩnh, gần gũi thiên nhiên - Ảnh: DIỆU QUÍ
Nhiều du khách dần biết đến đảo như nơi yên tĩnh, gần gũi thiên nhiên - Ảnh: DIỆU QUÍ
Tập mần du lịch
Sống trên đảo mấy mươi năm chỉ làm nông và đánh bắt, ông Long chưa từng nghĩ có ngày mình khởi nghiệp du lịch. "5 năm trước, vài người đến đảo Năm Bầu câu cá, nhờ nhà tui làm gà ăn rồi ngủ qua đêm với vợ chồng tui. 
Mấy lần sau thấy họ hay lên đảo chơi nên tui làm cái chòi để họ ở. Rồi người này rủ người kia lên, càng lúc càng đông. Thấy ai lên đây cũng thích nên tui mới bắt đầu thử làm du lịch đảo" - ông chia sẻ.
Thế là ông cất thêm mấy cái chòi có view hướng mặt hồ. Tiếng lành đồn xa, đảo Năm Bầu ngày càng đông khách tới tham quan và ở lại những ngày cuối tuần. 
Ông Long cho biết sắp tới sẽ nhờ thêm người tới phụ giúp vì ông bà làm không xuể. Mỗi ngày của họ nếu không phải làm việc vườn tược quen thuộc thì cũng là phục vụ du khách.
Anh Nguyễn Anh Kiệt (36 tuổi, ngụ Q.9, TP.HCM) cho biết lần đầu đến đây vì thấy trên mạng giới thiệu. "Cuối tuần không biết đi đâu chơi gần Sài Gòn, lên mạng thấy người ta review chỗ này nên tôi rủ vợ con với mấy người bạn tới chơi. 
Ở đây đã thiệt, đúng là chỗ cho người ta muốn rời thành phố ồn ào để về đây thư giãn. Cô chú cũng dân dã, tử tế với khách lắm". Anh kể mình đến hôm thứ bảy, ngủ lại một đêm để tối ca hát, đốt lửa trại, rồi qua hôm sau chèo thuyền câu cá...
"Để có thời gian, tui sẽ dựng thêm vài chòi rồi thuê người phụ. Khách đến đông quá mà vợ chồng lớn tuổi rồi, nếu không có người phụ sẽ làm không nổi nữa" - ông Long cười nói và ngân một câu vọng cổ thiệt dài như lượn sóng.
Cuộc đời vợ chồng Robinson Năm Bầu nhẹ nhàng như mặt nước hồ xuân...
Trái vườn, cá hồ
Ngoài việc để khách tự phục vụ, vợ chồng ông Long còn nhận nấu ăn. Thức ăn ở đây chủ yếu "cây nhà lá vườn" như gà ta, heo trong chuồng, cá bắt dưới hồ, trái cây là xoài cho khách tự hái.
Nếu khách có nhu cầu thêm về thức ăn khác, bà Nga sẽ chèo thuyền vào đất liền để mua về chế biến. Khách đến đây sẽ được tính tiền theo đầu người, mọi thứ đều rất bình dân.
Theo DIỆU QUÍ (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Lão nông cả đời bảo tồn cá quý trên dòng Mê Kông

Lão nông cả đời bảo tồn cá quý trên dòng Mê Kông

Sông Mê Kông đang ngày càng cạn kiệt về các loài cá quý hiếm. Ông Bảy Bon - lão nông ở Cần Thơ trên dòng sông Hậu dành gần cả đời sưu tầm và bảo tồn các loài cá quý với hy vọng chúng sẽ không biến mất. Kết hợp du lịch, ông đã tạo nên một điểm đến hấp dẫn mỗi khi khách đến cồn Sơn của TP Cần Thơ.

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.