Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị ASEAN- SEAFDEC. |
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) Việt Nam Chu Tiến Vĩnh đã tham gia và phát biểu tại hội nghị diễn ra vào các ngày 16 đến 17-6, với chủ đề “Đánh bắt cá vì nhân dân 2020: Thích ứng với một môi trường đang thay đổi”.
Ghi nhận vai trò đóng góp quan trọng của ngành nghề cá đối với sự phát triển bền vững, an ninh lương thực và cải thiện đời sống trong khu vực, Hội nghị bày tỏ hài lòng trước sự hợp tác và tiến triển trong việc thực hiện nghị quyết và các kế hoạch hành động đã được thông qua tại Hội nghị ASEAN- SEAFDEC trước đó.
Hội nghị cũng chỉ ra những thách thức và tác động của biến đổi khí hậu mà ngành đánh bắt cá đang phải đối mặt, nhất là sự xuống cấp của nguồn thủy hải sản và môi trường sống của chúng, sự thay đổi trong hoạt động thương mại.
Hội nghị cho rằng cuộc họp cấp Bộ trưởng là dịp để thúc đẩy và tăng cường sự hợp tác tiến tới thực hiện đánh bắt cá bền vững vì an ninh lương thực, cải thiện đời sống của nhân dân ASEAN trong bối cảnh môi trường đang thay đổi; tạo ra nền tảng hợp tác giữa ASEAN và Trung tâm phát triển nghề cá Đông Nam Á (SEAFDEC), đồng thời giao cho các cơ quan liên quan đẩy mạnh hợp tác với các nước đối tác như ASEAN+3, Australia, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), FAO, Ủy ban sông Mekong, Trung tâm WorldFish, Ngân hàng Phát triển châu Á và Ngân hàng Thế giới.
Trong cuộc gặp gỡ với phóng viên Vietnamplus bên lề cuộc họp, Phó Tổng cục trưởng Chu Tiến Vĩnh cho biết Chính phủ Việt Nam đã chú trọng đến chủ đề nêu trên, hiện đang triển khai nhiều chương trình theo hướng nâng cao hiệu quả và duy trì sự bền vững của hệ sinh thái vì lợi ích lâu dài của nhân dân, nhất là các cộng đồng dân cư ven biển; đồng thời đánh giá cao các sáng kiến và chương trình hoạt động của các nước thành viên trong việc giải quyết những thách thức, nhất là xây dựng cơ chế hỗ trợ, chuyển giao và chia sẻ về kinh nghiệm quản lý cũng như công nghệ kỹ thuật và đào tạo nhân lực.
Theo Phó Tổng cục trưởng Chu Tiến Vĩnh, ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đã ký các biên bản ghi nhớ (MOU) với Indonesia, Philippines và đang xúc tiến ký các MOU tương tự về khai thác và nuôi trồng thủy sản với Myanmar, Malaysia và một số nước ASEAN khác.
Đến tháng 6-2011, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 3 tỷ USD thủy hải sản và giá trị xuất khẩu mặt hàng này trong cả năm nay nhiều khả năng sẽ tăng lên 5,5-6 tỷ USD, so với con số 5 tỷ USD năm 2010.
Ngoài việc nâng cao chất lượng và đảm bảo vệ sinh thực phẩm, ngành thủy hải sản đang đa dạng hóa nuôi trồng và chế biến sản phẩm, đẩy mạnh nuôi nhuyễn thể hai mảnh vỏ như nghêu, ngao, sò... và cá rô phi để có thể xuất khẩu nhiều như cá tra và cá ba sa.