Viết ở Chư Pao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Cuộc gọi lúc chiều muộn ngày 25/7 của Chủ tịch UBND thành phố Kon Tum Nguyễn Thanh Mân khiến tôi quyết định gác lại mọi công việc đã lên kế hoạch trong ngày mai, 26/7.

“Sáng 26/7, Đảng bộ, chính quyền thành phố, xã Hòa Bình và nhân dân sẽ tổ chức lễ dâng hương tưởng nhớ, tri ân các liệt sĩ, chiến sĩ đã hy sinh trong các trận đánh cắt đường 14 của quân và dân ta năm 1972 ở đồi Chư Pao. Nếu ông đi được thì 7h xuống cùng đi với anh Hùng- Phó Chủ tịch thành phố nhé”. Anh Mân nói nhanh và gọn, rồi cúp máy.

Kể từ đó, cái tên đồi Chư Pao cứ ám ảnh trong tâm trí, khiến tôi không thể nghĩ đến chuyện khác, mà giục giã tôi tìm hiểu về nó, và những ghi chép về trận chiến khốc liệt năm xưa.

Nhưng rất tiếc là tư liệu vô cùng ít ỏi. Tôi chỉ nắm sơ lược rằng: Chư Pao là dãy núi kéo dài phía Tây Quốc lộ 14. Cùng với Chư Thoi, Chư Pao tạo thành hai “cánh cổng” sừng sững hai bên Quốc lộ 14 tại điểm giáp ranh giữa Kon Tum và Gia Lai.

Trong chiến tranh, bên nào chiếm được Chư Pao là khống chế trục giao thông huyết mạch 14, chia cắt thị xã Kon Tum với Pleiku. Do đó, trong chiến cuộc mùa hè 1972, Chư Pao trở thành mục tiêu trọng điểm của quân ta tại chiến trường Tây Nguyên.

Và tôi sực nhớ lại lời anh Nguyễn Thanh Mân “dâng hương tưởng nhớ, tri ân các liệt sĩ, chiến sĩ đã hy sinh trong các trận đánh cắt đường 14 của quân và dân ta ở đồi Chư Pao”. Sao vậy nhỉ?

Trong trí nhớ của tôi, đó là một vùng đồi núi hiểm trở, rậm rạp, chỉ có những con đường mòn của người dân làm rẫy. Cách đây hơn chục năm, tôi và một số cán bộ kiểm lâm thành phố Kon Tum đã bị lạc cả ngày trời ở đây khi truy quét “lâm tặc”.

Điều đó càng thôi thúc tôi một lần nữa lên với Chư Pao- dãy núi mà mỗi tấc đất, mỗi gốc cây, hòn đá đều thấm máu bao liệt sĩ, chiến sĩ ta trong những năm tháng chiến tranh.

Sáng 26/7, sau một tiếng đồng hồ đánh vật với mười mấy cây số, chủ yếu là đoạn đường rừng chưa tới 5 cây số từ làng Plei Chor trở đi, chúng tôi cũng lên tới điểm làm lễ.

Đó là khu miếu thờ được dựng trên đỉnh đồi, thuộc địa bàn thôn Plei Chor, xã Hòa Bình, với diện tích gần 100m2, trong đó miếu thờ rộng gần 30m2, và khoảng sân hơn 50m2. Xung quanh là những cây thông non đang vươn cành vẫy lá.

Miếu mang kiến trúc đặc trưng, với 4 mái cong. Chính giữa là hình lưỡng long chầu nguyệt, 4 mái lợp ngói, với tượng rồng chầu về chính giữa. Vì vậy tuy nhỏ nhưng vẫn toát lên sự trang nghiêm, tôn kính.

Đồng chí Nguyễn Đức Tuy- Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Kon Tum đã đến từ khi nào, đang cùng đoàn viên thanh niên sửa sang lại hương hoa, đèn nến để chuẩn bị dâng lên các anh hùng liệt sĩ.

Anh xúc động nói: Việc dựng miếu thờ là mong mỏi của bà con nơi đây. Việc dựng miếu thờ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh ở Chư Pao là việc làm có ý nghĩa, không chỉ để thờ cúng, tri ân anh linh liệt sĩ, mà còn nhắc nhở các thế hệ mai sau rằng, để có được cuộc sống hôm nay, cha ông đã phải đổ bao xương máu.

Lãnh đạo thành phố Kon Tum dâng hương tri ân, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ. Ảnh: HL

Lãnh đạo thành phố Kon Tum dâng hương tri ân, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ. Ảnh: HL

Trời tuy nhiều mây, nhưng tầm nhìn lại quang đãng đến lạ. Từ đỉnh núi có thể thấy rõ những xóm làng, đồng ruộng trù phú. Xa xa, thành phố Kon Tum đang ngời lên trong nắng, với những mái nhà xanh đỏ, lô xô cao thấp, mang hơi thở của một đô thị đang phát triển theo hướng hiện đại.

Nhưng gần đến giờ làm lễ thì bất chợt mưa. Không phải là kiểu mưa rừng trút sầm sập như mấy ngày nay, mà chỉ bay bay, nhè nhẹ đủ phủ trắng những mái tóc xanh đang thành kính nghiêng mình.

Và trong khoảnh khắc ấy, tôi như nghe thấy sông núi cũng đang thì thầm kể về những tháng ngày bi tráng đã xa.

Tháng 8/1971, Bộ Chính trị ra nghị quyết mở cuộc tiến công chiến lược năm 1972 trên các hướng chiến lược Trị - Thiên, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Chiến trường Tây Nguyên được giao nhiệm vụ: Tiêu diệt một bộ phận quan trọng chủ lực của Quân đoàn 2 Ngụy và lực lượng tổng dự bị quân Ngụy, giải phóng Đăk Tô - Tân Cảnh, sau đó giải phóng thị xã Kon Tum, có điều kiện thì phát triển xuống Pleiku.

Để tạo thuận lợi cho hướng chính của chiến dịch tiến công vào các mục tiêu then chốt, Bộ Tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên đã giao cho Trung đoàn 95 cùng với một số đơn vị khác đảm nhiệm chia cắt địch trên tuyến đường Quốc lộ 14, đoạn Ninh Đức đến dãy Chư Thoi, Chư Pao, chia cắt thị xã Kon Tum với thị xã Plei ku.

Trung đoàn 95, được tăng cường Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 24, Tiểu đoàn 631, Tiểu đoàn đặc công 37, đại đội cối 120mm, đại đội ĐKZ, đại đội súng máy phòng không 12,7mm, làm nhiệm vụ cắt đường 14, đoạn qua dãy núi Chư Thoi, Chư Pao. Các đơn vị của Bộ như Tiểu đoàn đặc công 20 thuộc mặt trận B3 và một số đơn vị khác cùng phối hợp chiến đấu.

Từ ngày 26/3 đến ngày 17/6/1972, quân ta đã tổ chức đánh hơn 15 trận, phá hủy 116 xe, 7 đại liên, 2 máy 15W, 3 máy PRC25; diệt 1.638 tên địch, bắt 42 tên làm tù binh, thu 117 súng các loại, 11 máy PRC 25, một máy 15W và 2 bản đồ.

Ta diệt gọn 5 đại đội, đánh thiệt hại 4 đại đội khác cùng ban chỉ huy tiểu đoàn 7 và 1 chi đội thiết giáp; tiêu diệt căn cứ hỏa lực 41 và một căn cứ hỏa lực khác; phá hủy 4 khẩu pháo 105mm, bắn rơi 2 máy bay, bắn cháy 1 kho đạn.

Trong 3 tháng chiến đấu liên tục, ác liệt, suốt ngày đêm sống trong hầm, hứng chịu bom đạn của địch, thiếu thốn lương thực, đạn dược, ốm đau, nhưng chiến sĩ ta vẫn kiên trì bám trụ, biến Chư Thoi, Chư Pao thành “cánh cửa thép” chặn đường 14, đánh bại mọi cuộc phản kích của địch, làm cho quân địch ở Pleiku không đi cứu Kon Tum được.

Kỳ tích này đã góp phần làm nên chiến thắng Đăk Tô-Tân Cảnh (24/4/1972), tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975).

Trong những trận đánh ác liệt ấy biết bao chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Máu các anh thấm đỏ từng tấc đất, gốc cây, dòng suối.

Khi đất nước hoàn toàn thống nhất, mặc dù các cấp, các ngành đã có nhiều cố gắng, cùng với sự phối hợp của các cựu chiến binh đã từng chiến đấu nơi đây, trong việc tìm kiếm, quy tập hài cốt các chiến sĩ hy sinh trên mảnh đất này.

Nhưng do năm tháng, địa hình địa vật đã có nhiều thay đổi, thông tin của liệt sĩ không đầy đủ, nên công việc gặp rất nhiều khó khăn.

UBND thành phố Kon Tum cho hay mới chỉ tìm kiếm, quy tập được 3 bộ hài cốt về Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh. Ngoài ra còn một số mộ liệt sĩ do gia đình, thân nhân tự tìm kiếm và đưa về an táng tại quê nhà.

Còn nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, vẫn nằm lại với núi rừng, với mưa nắng. Tên tuổi các anh vẫn khắc vào đá núi Chư Pao.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Anh Hùng, thể theo nguyện vọng của nhân dân và các thế hệ cựu chiến binh về việc dựng miếu thờ khang trang hơn để thờ cúng, hương khói các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại đây, Thành ủy, UBND thành phố Kon Tum đã thống nhất cho Đảng ủy, UBND xã Hòa Bình huy động nhân dân trong xã, các nhà hảo tâm trên mọi miền Tổ quốc đóng góp tiền, ngày công xây dựng, tôn tạo ngôi miếu thờ trên một mỏm đồi, thuộc địa bàn thôn Plei Chor, xã Hòa Bình.

Dựng miếu thờ là việc làm rất có ý nghĩa và cần thiết, không chỉ thể theo tâm nguyện của nhân dân, các cựu chiến binh đã từng chiến đấu trên mảnh đất này, của thân nhân liệt sĩ hy sinh tại đây mà còn để thế hệ mai sau không được quên rằng, đây là nơi cha ông mình đã đổ máu để có hòa bình, độc lập và tự do

Cán bộ, nhân dân xã Hòa Bình (thành phố Kon Tum) dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ tại miếu thờ. Ảnh: HL

Cán bộ, nhân dân xã Hòa Bình (thành phố Kon Tum) dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ tại miếu thờ. Ảnh: HL

Còn cựu chiến binh Phạm Thanh Bình (Hội CCB xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum) cho biết, nơi đây vốn đã được bà con DTTS tại chỗ khai khẩn, canh tác nhiều năm. Trước đây, một số bà con lên đây làm rẫy đã lập một trang thờ để thờ cúng, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, và cầu mong các anh phù hộ cho bà con được bình an, tránh được bom đạn còn sót lại.

Rồi từ đó, bà con thường xuyên lên thắp nhang, nhất là các ngày rằm, lễ, tết. Sau này, bà con mong muốn có một nơi thờ cúng các anh khang trang hơn. Và bây giờ bà con đã được thỏa nguyện. Tôi thấy đây thật sự là việc làm giàu ý nghĩa, bởi ngôi miếu không chỉ là để thờ cúng các liệt sĩ, mà còn là để giáo dục thế hệ trẻ về sự hy sinh của cha anh vì cuộc sống độc lập, hạnh phúc hôm nay- ông Phạm Thanh Bình chia sẻ.

Cùng với việc dựng miếu, đã có hàng ngàn cây thông non được cán bộ chiến sĩ Sư đoàn 10 và đoàn viên thanh niên trồng kín mỏm đồi. Chỉ ít năm nữa, nơi đây sẽ vi vút thông reo, ngày đêm hát ru các anh trong giấc ngủ ngàn năm.

Những hàng thông non trồng trước miếu thờ liệt sĩ trên đồi Chư Pao. Ảnh: HL

Những hàng thông non trồng trước miếu thờ liệt sĩ trên đồi Chư Pao. Ảnh: HL

Những ngọn nến bắt đầu cháy đỏ dưới màn mưa bụi, trong sự che chắn của các cựu chiến binh và đoàn viên thanh niên.

Kỳ lạ thay, khi những nén nhang thơm được dâng lên, những ngọn nến xếp hình trái tim cùng sáng, cũng là lúc mưa ngừng.

Có ai đó nói, các anh đã về! Và nhiều đôi mắt rưng rưng!

Có thể bạn quan tâm

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 17: Phát triển để tri ân

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 17: Phát triển để tri ân

Sau 70 năm giải phóng, mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng có rất nhiều thay đổi đáng tự hào trên. Để làm rõ hơn kết quả đạt được của Điện Biên trong 70 năm qua và định hướng sắp tới, phóng viên Tiền Phong có cuộc trao đổi với ông Lê Thành Đô - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên.
Tiếng kèn địch vận trên đồi C1

Tiếng kèn địch vận trên đồi C1

Ký ức xưa ùa về, vị tướng già 92 tuổi đã ôm máy trợ tim hơn 20 năm, ánh mắt như cười khi thổi những giai điệu rộn ràng của cây kèn Harmonica cho tôi nghe, những bản tình ca tha thiết của 31 ngày đêm chiến đấu trên đồi C1...
70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ-Bài 16: Kỳ tích điện hóa toàn bộ Điện Biên Đông

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ-Bài 16: Kỳ tích điện hóa toàn bộ Điện Biên Đông

Có lẽ, ít ở đâu trên nước ta, quyết tâm đưa điện về bản lại cao như ở huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên. Địa bàn nghèo nên không thể cấp cho dân “cá”, muốn cấp “cần câu” cũng khó nên chính quyền chọn cách đưa cho dân “mồi câu”. “Mồi câu” ở đây chính là điện lưới quốc gia.
Tôi đi chiến dịch Điện Biên

Tôi đi chiến dịch Điện Biên

(GLO)- "Tôi có cảm tưởng như cả đất nước, tất cả các dân tộc đang hành quân đi giành lấy độc lập tự do. Làm sao mà có thể đè bẹp ý chí của cả một dân tộc yêu nước. Tôi vô cùng tự hào là người chiến sĩ Ê Đê thuộc Tây Nguyên miền Nam duy nhất cũng có mặt trong đoàn quân ấy".

Phong vị Sài Gòn

Phong vị Sài Gòn

Có những người xa Sài Gòn hàng chục năm, hỏi rằng Sài Gòn những nét xưa có còn? Sài Gòn thế kỷ 21 có gì hay? Trong khi ấy, có những người xa Sài Gòn chỉ ít năm thôi cũng đã hỏi thành phố có gì mới?
Mật danh B29

Mật danh B29

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.
Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Những ngày đầu đất nước thống nhất, Tây Nguyên vẫn chưa được yên ổn bởi sự quấy phá của tổ chức phản động Fulro. Bộ Công an đã tăng cường một tiểu đoàn tinh nhuệ gồm 310 quân vào Tây Nguyên. Một nhân chứng sống trực tiếp chiến đấu đã chia sẻ cùng Tiền Phong cuộc chiến đẩy lùi “bóng ma” Fulro.