Việt Nam-Trung Quốc thúc đẩy hợp tác Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tại Hội nghị Chuyển giao công nghệ, kết nối thương mại và đầu tư Việt Nam-Trung Quốc 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh, hai bên đều nhất trí còn nhiều dư địa hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực này.

nestle-viet-namdd.jpg
Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia và Ủy ban ngành Thương mại thuộc Hội đồng Xúc tiến Thương mại Quốc tế Trung Quốc ký kết hợp tác. Ảnh: Hương Giang/TTXVN

Dư địa hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vẫn còn rất lớn, song để hiện thực hóa, còn nhiều việc phải làm. Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị Chuyển giao công nghệ, Kết nối thương mại và đầu tư Việt Nam-Trung Quốc 2025 diễn ra chiều 29/5 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Sự kiện do Ủy ban Ngành Thương mại thuộc Hội đồng Xúc tiến Thương mại Quốc tế Trung Quốc, Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp Sáng tạo Quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ) và Mạng lưới Việt Nam Innovation Hub đồng tổ chức.

Theo ông Lê Toàn Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ Khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là yếu tố then chốt cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế trong kỷ nguyên số.

Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia được xem là trụ cột để đưa đất nước bứt phá. Vì vậy, Việt Nam hết sức quan tâm và coi trọng hợp tác sâu rộng trong lĩnh vực này, nhằm giúp các doanh nghiệp trong nước tiếp cận và tận dụng thành tựu công nghệ toàn cầu để phát triển.

Hội nghị Chuyển giao công nghệ, kết nối thương mại và đầu tư Việt Nam-Trung Quốc 2025. Ảnh: Hương Giang/TTXVN
Hội nghị Chuyển giao công nghệ, kết nối thương mại và đầu tư Việt Nam-Trung Quốc 2025. Ảnh: Hương Giang/TTXVN

Trung Quốc là một trong những quốc gia có nền khoa học, công nghệ phát triển, là thị trường tiềm năng cho doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm cơ hội hợp tác, tiếp cận những xu hướng công nghệ tiên tiến và thực tiễn chuyển giao hiệu quả.

“Hoạt động kết nối cung cầu rất thiết thực cho các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam tìm kiếm nhà đầu tư, thị trường và sự hỗ trợ thiết thực để phát triển trong tương lai. Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp Sáng tạo Quốc gia sẽ tiếp tục đồng hành và hỗ trợ các hoạt động kết nối, hợp tác trong lĩnh vực khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp hai nước, đặc biệt là các doanh nghiệp trẻ và doanh nghiệp công nghệ, có thể gặp gỡ, giao lưu, hợp tác hiệu quả và lâu dài,” ông Thắng nhấn mạnh.

Cũng quan tâm và mong muốn thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ hơn lĩnh vực khoa học, công nghệ trong cộng đồng doanh nghiệp hai nước, bà Vương Hi, Phó Chủ tịch Ủy ban Ngành Thương mại thuộc Hội đồng Xúc tiến Thương mại Quốc tế Trung Quốc cho rằng, tiềm năng hợp tác của hai quốc gia trong lĩnh vực khoa học, thương mại còn rất lớn.

Để tiến tới mục tiêu cao hơn, các doanh nghiệp cần chuẩn bị cho mình những kỹ năng, nền tảng quan trọng, và đặc biệt đó là sự hậu thuẫn của ngành chức năng hai nước.

Bằng những hoạt động thiết thực, Hội đồng Xúc tiến Thương mại Quốc tế Trung Quốc đã tổ chức nhiều chuyến công tác đến Đông Nam Á, trong đó Việt Nam là trọng điểm để giúp cộng đồng doanh nghiệp 2 nước có cơ hội tiếp xúc, tiềm hiểu về tiềm năng, lợi thế của nhau. Qua đó, tìm được tiếng nói chung cho mối quan hệ hợp tác lâu dài.

Cùng với việc giới thiệu về chính sách hợp tác, kết nối doanh nghiệp, Hội đồng Xúc tiến Thương mại Quốc tế Trung Quốc cũng chia sẻ về các kênh hợp tác, từ truyền thống đến thương mại điện tử xuyên biên giới, qua đó xây dựng một nền tảng thực tiễn để các nhà khởi nghiệp và doanh nhân của Việt Nam và Trung Quốc giao lưu, thúc đẩy thông suốt chuỗi dịch vụ kết nối nguồn lực xuyên biên giới.

Các doanh nghiệp Trung Quốc đánh giá cao môi trường kinh doanh tại Việt Nam hiện nay, với sự hoàn thiện về chính sách pháp luật, lợi thế chi phí sản xuất rõ rệt, cơ sở hạ tầng đầy đủ, tiềm năng ngành lớn, mang lại cơ hội mới cho sự hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước. Đây sẽ là tiền đề thúc đẩy hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp hai nước trong thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Đặng Đức Thành, Ủy viên Ban chấp hành Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Câu lạc bộ Kinh tế gia Việt Nam đã đề xuất thành lập Liên minh Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam-Trung Quốc, dưới sự bảo trợ của Bộ Công thương. Đây sẽ là cầu nối, nền tảng hợp pháp và quan trọng để hỗ trợ cộng đồng hai nước tiến tới các nấc thang hợp tác thương mại hiệu quả và thành công.

Một số ý kiến cũng cho rằng sự hợp tác của các doanh nghiệp hai nước phải tính đến yếu tố nền tảng, bền vững, coi trọng lợi ích của doanh nghiệp và cộng đồng, góp phần thúc đẩy tiềm năng, lợi thế và tăng sức cạnh tranh của cả hai nước trên bản đồ công nghệ toàn cầu.

Theo Hương Giang (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Hội thảo ứng dụng công nghệ Polymer khoáng vô cơ trong làm đường giao thông nông thôn

Hội thảo ứng dụng công nghệ Polymer khoáng vô cơ trong làm đường giao thông nông thôn

(GLO)- Chiều 12-6, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN (Sở Khoa học và Công nghệ), Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ VPS phối hợp tổ chức Hội thảo chuyên đề với chủ đề "Ứng dụng công nghệ polymer khoáng vô cơ để hóa cứng đường giao thông nông thôn".

Khai mạc Trường hè nâng cao về lý thuyết trường lượng tử và lực hấp dẫn lượng tử 2025

Khai mạc Trường hè nâng cao về lý thuyết trường lượng tử và lực hấp dẫn lượng tử 2025

Sáng 9/6, tại Trung tâm quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE), Bình Định, Trường hè nâng cao về Lý thuyết trường lượng tử và lực hấp dẫn lượng tử 2025 chính thức khai mạc, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học cơ bản tại Việt Nam.

Phòng trưng bày, giới thiệu sản phẩm khoa học và công nghệ: Gắn kết sáng tạo với tiêu dùng

Phòng trưng bày, giới thiệu sản phẩm khoa học và công nghệ: Gắn kết sáng tạo với tiêu dùng

(GLO)- Nhiều năm qua, Phòng trưng bày, giới thiệu sản phẩm khoa học và công nghệ (KH-CN) thuộc Sở KH-CN tỉnh Gia Lai trở thành điểm giới thiệu, quảng bá các sản phẩm ứng dụng KH-CN và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đến với người tiêu dùng, góp phần đưa dòng sản phẩm này vươn ra thị trường.

Trung Quốc phê duyệt lưu hành nội địa Vaccine Cecolin 9 ngừa HPV, tự sản xuất. (Ảnh: Global Times)

Sau Mỹ, Trung Quốc là quốc gia thứ hai tự sản xuất và cho phép lưu hành nội địa vaccine ngừa 9 chủng HPV

(GLO)- Ung thư cổ tử cung là một trong những loại ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ. Việc Trung Quốc thành công nghiên cứu, sản xuất và cho phép lưu hành nội địa vaccine ngừa 9 chủng HPV, là cột mốc đáng chú ý trong cuộc chiến phòng chống ung thư ở quốc gia đông dân thứ hai thế giới này.

Gia Lai phấn đấu đến năm 2045 thuộc nhóm 30 địa phương dẫn đầu chỉ số đổi mới sáng tạo

Gia Lai phấn đấu đến năm 2045 thuộc nhóm 30 địa phương dẫn đầu chỉ số đổi mới sáng tạo

(GLO)- UBND tỉnh Gia Lai vừa ban hành Kế hoạch số 1472/KH-UBND triển khai thực hiện Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Chính phủ về thực hiện Nghị quyết số 57/NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và CĐS quốc gia

null