Vì sao rừng vẫn liên tục bị thảm sát?: Loạn chiếm đất rừng để trục lợi bất động sản

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tại tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông, rừng thông không chỉ để điều tiết hệ sinh thái, mà đó còn là biểu tượng thiên nhiên bản địa. Thế nhưng, rừng thông nơi đây liên tục bị tàn phá để chiếm đất, trục lợi phi pháp.

Bị “thảm sát triền miên”

Rừng thông già chạy dọc QL14, nhất là đoạn qua H.Đắk Song (Đắk Nông) được xem là biểu tượng sinh thái và là “mặt tiền” của tỉnh này. Thế nhưng, những năm gần đây, nhiều khoảnh rừng thông nơi đây bị “thảm sát” vô tội vạ. Đáng nói, có những vị trí bị xâm hại trong thời gian dài, chính quyền địa phương “đã xử lý nhiều lần nhưng vẫn tái phạm” và nay xảy ra bình thường.

 

Rừng thông 20 năm tuổi tại tiểu khu 263B bị triệt hạ hàng loạt. Ảnh: Lâm Viên
Rừng thông 20 năm tuổi tại tiểu khu 263B bị triệt hạ hàng loạt. Ảnh: Lâm Viên



Trước đó vào năm 2015, UBND tỉnh Đắk Nông giao H.Đắk Song quản lý 256 ha đất có rừng. Tuy nhiên, hiện nay đã có tới hơn 70 ha diện tích rừng bị mất, cùng với hơn 16.000 cây thông bị chết.

Ông Võ Quốc Tuấn, Phó chủ tịch UBND H.Đắk Song, cho rằng thời gian qua đất dọc QL14 tăng giá, có lô lên đến tiền tỉ, nên một số người thường xuyên cất nhà trái phép ở rừng thông với ý định chiếm đất. Mặc dù chính quyền địa phương “liên tục kiểm tra và cưỡng chế tháo dỡ, nhưng một số đối tượng vẫn thường xuyên vi phạm”.

Theo ông Tuấn, liên quan việc buông lỏng quản lý rừng thông, những năm gần đây có rất nhiều cán bộ bị kỷ luật, trong đó có 2 chủ tịch xã bị cách chức. Năm 2021, UBND H.Đắk Song cũng đã kiểm điểm nhiều cán bộ liên quan đến những vấn đề tồn đọng từ những năm trước trong việc quản lý rừng thông. “Để phục hồi lại rừng thông, hằng năm huyện đều tổ chức trồng thông non ở các khoảnh rừng bị phá. Năm 2021, huyện đã trồng hơn 5.000 cây thông non”, ông Tuấn nói.

Nhức nhối là không chỉ những khoảnh rừng thông già bị đầu độc chết, hiện nay tình trạng thông non mới trồng bị đốt chết ở ven QL14 rất nhiều, có khoảnh bị thiêu rụi hàng trăm cây.

Để làm rõ trách nhiệm rừng thông bị “thảm sát triền miên”, PV Thanh Niên đã liên hệ với nhiều lãnh đạo, cơ quan quản lý bảo vệ rừng tỉnh Đắk Nông, nhưng đa số các vị này đều né tránh trả lời. PV liên hệ ông Phan Ngọc Khoa, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm H.Đắk Song, nhưng ông Khoa cũng từ chối trả lời vì nhiều lý do, trong đó có nguyên nhân “đang bị Covid-19”.

 

San ủi đất lâm nghiệp trái phép tại tiểu khu 267C
San ủi đất lâm nghiệp trái phép tại tiểu khu 267C


Xuất hiện đất phân lô

Tại tỉnh Lâm Đồng, địa phương có nhiều rừng thông nhất cả nước cũng đang chứng kiến cảnh “thảm sát” liên tiếp xảy ra. Rừng ở đây bị phá theo kiểu không ồ ạt cùng lúc, từng khoảnh lớn mà âm ỉ, gặm nhấm từng ngày. Chỉ riêng trong 2 tháng đầu năm 2022, tỉnh Lâm Đồng phát hiện và lập biên bản 35 vụ lấn chiếm đất lâm nghiệp (chủ yếu có thông) với diện tích hơn 13 ha.

Vụ gần đây nhất được phát hiện vào khuya 26.2, rừng thông hơn 20 năm tuổi tại tiểu khu 263B (TT.Nam Ban, H.Lâm Hà) bị triệt hạ, cắt khúc, dồn đống đốt để phi tang. Nghiêm trọng hơn, có người dùng xe cơ giới san ủi chôn lấp luôn nhiều cây thông khác. Khi các lực lượng chức năng có mặt, những kẻ “thảm sát” rừng đã nhanh chóng bỏ trốn, để lại một chiếc xe máy múc vẫn đang nổ máy.

Ông Trần Phú Cường, Chủ tịch UBND TT.Nam Ban (H.Lâm Hà), cho biết sau khi thu giữ và đưa phương tiện san ủi đất rừng trái phép về trụ sở TT.Nam Ban, thì rạng sáng 27.2, nhóm phá rừng ngang nhiên quay lại hiện trường, gom cây thông và dùng lốp xe đốt phi tang.

 

Để xảy ra phá rừng chiếm đất, chủ tịch xã bị đình chỉ công tác

Chủ tịch UBND H.Bảo Lâm (Lâm Đồng) vừa ký quyết định tạm đình chỉ công tác 15 ngày (kể từ ngày 28.3) để tiến hành kiểm điểm đối với ông Nguyễn Đình Cường, Chủ tịch UBND xã Lộc Phú, do để xảy ra phá rừng để chiếm đất trên địa bàn (lâm phần được giao cho DNTN Anh Hải thực hiện dự án - cũng để rừng bị phá, đất rừng bị lấn chiếm).

Chủ tịch UBND H.Bảo Lâm cũng yêu cầu tổ chức kiểm điểm trách nhiệm Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm H.Bảo Lâm vì để xảy ra vụ phá rừng trên.

Gia Bình


Còn ông Vương Hoàng Trụ, Phó giám đốc Công ty CP Tập đoàn Tân Mai - chi nhánh Lâm Đồng (quản lý tiểu khu 263B), nói: “Giá đất tại khu vực rừng thông bị phá (không sổ đỏ) có giá lên đến hơn 1 tỉ đồng/1.000 m2, chính vì vậy mà tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp thường xuyên xảy ra tại đây”.

Có mặt tại tiểu khu 267C (xã Hiệp An, H.Đức Trọng), thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Đại Ninh, PV Thanh Niên chứng kiến nhiều sườn đồi sát khe núi, rừng thông bị cạo trọc, san ủi, cày xới tạo thành những thửa đất bằng phẳng hoặc tựa như ruộng bậc thang. Cả một khu vực rộng lớn trơ ra màu đất đỏ, thay vì màu xanh của núi rừng vốn quen mắt bấy lâu nay.

Điều đáng nói, ngay quanh nhà bảo vệ rừng của BQLRPH Đại Ninh, nhiều khu vực rừng bị tàn phá, cưa hạ, đốt cháy nham nhở; hàng loạt cây thông đã, đang chết đứng vì bị khoan gốc, bị đầu độc bằng chất độc. Có những khoảnh rừng được đóng cọc sắt làm ranh chia lô để bán.

Dẫn chúng tôi thị sát hiện trường rừng bị “thảm sát”, ông Hồ Hữu Hiếu, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hiệp An, nói: “Do tình hình giá bất động sản tại địa bàn Hiệp An đang tăng cao, nên một số đối tượng manh động phá rừng lấy đất, sang nhượng trái phép cho người khác để thu lợi bất hợp pháp”.

Ông Hiếu thừa nhận các vị trí phá rừng chủ yếu nằm trên lâm phần giao cho các doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư. “Nạn phá rừng, chiếm đất, san ủi mặt bằng trái phép trên địa bàn diễn ra khá phức tạp. Trong năm 2021, xã Hiệp An đã xử lý 50 trường hợp lấn chiếm đất rừng, san gạt, cải tạo mặt bằng trái phép trên đất rừng”, ông Hiếu cho biết thêm.

Lãnh đạo chi cục kiểm lâm nói gì ?

BQLRPH Đại Ninh thừa nhận tại tiểu khu 267C có nhiều diện tích rừng đã giải tỏa để trồng lại rừng năm 2021, nay bị tái lấn chiếm, đào hố trồng cây. Liên quan đến vụ san ủi đất lâm nghiệp tại tiểu khu 267C, BQLRPH Đại Ninh cho biết đã đình chỉ công tác 2 viên chức phụ trách địa bàn.


Chính phủ chỉ đạo xử lý

Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 1999/VPCP-NN ngày 31.3.2022 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Văn Thành giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp Bộ NN-PTNT, Bộ TN-MT điều tra, xử lý nghiêm tình trạng phá, lấn chiếm rừng ở Lâm Đồng.

Như Thanh Niên đã nhiều lần phản ánh, trên địa bàn Lâm Đồng liên tiếp xảy ra nhiều vụ phá rừng san ủi, lấn chiếm đất rừng, sang nhượng đất lâm nghiệp trái pháp luật. Các vụ phá rừng nổi cộm nhất xảy ra tại các huyện: Bảo Lâm, Lâm Hà, Đức Trọng, Đam Rông, Lạc Dương…

Ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cũng vừa chỉ đạo Giám đốc Sở NN-PTNT rà soát lại toàn bộ diện tích rừng, các vụ phá rừng, vi phạm luật Lâm nghiệp từ năm 2018 đến nay; giao lãnh đạo công an tỉnh chỉ đạo tổ chức rà soát, xử lý triệt để các băng nhóm, đối tượng phá rừng trên địa bàn.

Lâm Viên


Trả lời Thanh Niên, ông Vũ Đình Cường, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng, thừa nhận công tác quản lý, phục hồi lại rừng trên diện tích rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm sau khi xử lý vi phạm còn chưa hiệu quả. Nhiều diện tích vi phạm bị người dân lấn chiếm canh tác nông nghiệp trái phép, còn nhiều trường hợp tái lấn chiếm sau khi các cơ quan chức năng đã tiến hành tổ chức giải tỏa.

Bên cạnh đó, tình trạng phá hoại cây trồng rừng trên đất giải tỏa diễn biến phức tạp, nhưng chế tài xử lý chưa nghiêm. Lực lượng nhận khoán bảo vệ rừng chưa chủ động trong việc tuần tra, kiểm tra bảo vệ rừng, nên một số vụ vi phạm phá rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật chậm được phát hiện, ngăn chặn hoặc không bắt được đối tượng vi phạm…

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng, thời điểm trước, trong và sau dịp Tết Nhâm Dần 2022, trên địa bàn Lâm Đồng liên tiếp xảy ra nhiều vụ triệt hạ rừng thông rồi đốt cháy phi tang, san ủi rừng để chiếm đất. So sánh với cùng kỳ năm 2021 số vụ lấn chiếm đất lâm nghiệp tăng 20 vụ (tăng hơn 57%) với diện tích bị xâm hại tăng lên đến 108.576 m2 (tương ứng tăng hơn 83%).

(còn tiếp)
 

Theo Lâm Viên-Thanh Quân (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.