Vì sao rừng vẫn liên tục bị thảm sát?: Cần chính sách mới để giữ rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đối mặt với áp lực giữ rừng, lâm tặc đe dọa, chế độ đãi ngộ lại thấp..., nhiều cán bộ lâm nghiệp, nhân viên kiểm lâm một số địa phương xin nghỉ việc hàng loạt.

Theo lãnh đạo nhiều tỉnh có diện tích rừng tự nhiên lớn, thiếu hụt lực lượng giữ rừng là ngay ở đầu vào. Hiện nay, không những nhiều sinh viên ra trường không muốn làm việc ở ngành lâm nghiệp, mà còn rất ít, nếu không nói là không có sinh viên đăng ký học ngành này của trường đại học trên địa bàn. Mai này có ai bảo vệ rừng đang là câu hỏi khó.

Cán bộ giữ rừng liên tục nghỉ việc

Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Krông Bông (Đắk Lắk) quản lý hơn 24.500 ha rừng và đất rừng; trong đó 3.700 ha rừng có cây pơ mu, một loại gỗ quý phân bố ở độ cao hơn 1.500 m so với mực nước biển. Vùng đệm quanh lâm phần quản lý của công ty có hàng ngàn hộ dân sinh sống, liên tục lấn chiếm đất rừng; không ít lâm tặc lợi dụng lén lút vào rừng khai thác gỗ trái phép…


 

 Lực lượng kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô (Đắk Lắk) kiểm tra hiện trường một vụ phá rừng. Ảnh: TRUNG CHUYÊN
Lực lượng kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô (Đắk Lắk) kiểm tra hiện trường một vụ phá rừng. Ảnh: TRUNG CHUYÊN


Ông Bùi Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Krông Bông, cho biết thời gian qua xảy ra nhiều vụ lâm tặc tấn công lực lượng quản lý bảo vệ (QLBV) rừng của công ty. Nhiều lần, lâm tặc vào cắt võng, phá lán trại, đốt xe máy ở các phân trường; thậm chí cài chông trên đường tuần tra, tấn công anh em giữ rừng bằng dao, súng tự chế…

Theo ông Tuấn, trước áp lực giữ rừng, đe dọa của lâm tặc, nhiều cán bộ, nhân viên QLBV rừng của công ty xin nghỉ việc; riêng năm 2021 có đến 14 người. “Lương cán bộ, nhân viên QLBV rừng chỉ từ 4 - 7 triệu đồng/tháng, nhưng hầu như quanh năm suốt tháng họ phải ăn ở trong rừng, trách nhiệm giữ rừng rất lớn. Nhiều người, có cả trưởng phân trường xin nghỉ việc, từ chức; có người về nhà đi buôn gà vịt. Trong khi đó, nhiều anh em được đề bạt lên trưởng phân trường thì từ chối, không dám nhận nhiệm vụ. Hiện chúng tôi đang thiếu nhân lực QLBV rừng, muốn tuyển thêm người để bổ sung lực lượng nhưng không có ai đăng ký tham gia”, ông Tuấn nói.

Tại Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Ea Sô (Đắk Lắk), nhiều nhân viên kiểm lâm cũng nghỉ việc. Cuối năm 2021, sau 21 năm gắn bó với nghề giữ rừng, ông N.N.B (kiểm lâm viên) xin nghỉ việc với lý do sức khỏe kém, ngày đêm phải trực, tuần tra trong rừng, không có thời gian hỗ trợ chăm sóc gia đình…

Cũng xin nghỉ việc, ông B.B.T, đội kiểm lâm số 3, Khu BTTN Ea Sô, cho biết lương của ông chỉ khoảng 6 triệu đồng/tháng, trừ tiền ăn, xăng xe khi làm nhiệm vụ thì chỉ còn 3 - 4 triệu. “Lương vậy thì không đủ, trong khi áp lực thì lớn. Bây giờ phân chia địa bàn QLBV rừng cho từng người rồi, mất một cây rừng ở địa bàn mình phụ trách là có thể bị kỷ luật; thậm chí bị truy cứu hình sự, mà chế độ đãi ngộ thì gần như không có. Yêu nghề, yêu rừng lắm nhưng áp lực lớn quá nên tôi đành bỏ nghề”, ông T. bộc bạch.


 

 Một vụ phá rừng tại H.Mang Yang (Gia Lai). Ảnh: TRẦN HIẾU
Một vụ phá rừng tại H.Mang Yang (Gia Lai). Ảnh: TRẦN HIẾU


 Một lãnh đạo Khu BTTN Ea Sô cho biết đơn vị có 70 cán bộ, nhân viên nhưng QLBV đến 26.000 ha rừng. Trong 6 năm gần đây, đơn vị có đến 15 người nghỉ việc, thậm chí có người tự nhận không hoàn thành nhiệm vụ để dễ xin thôi việc.

Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk, từ năm 2016 - 2021, toàn tỉnh này có 4 công chức kiểm lâm xin nghỉ việc, 7 người xin chuyển công tác, 42 người xin nghỉ hưu trước tuổi, 3 người cấp trưởng (Phòng QLBV rừng, Hạt kiểm lâm) xin từ chức, xuống chức.

Ông Nguyễn Quốc Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk, cho biết nhu cầu công chức của Chi cục khoảng 330 người, nhưng mới được giao 262 biên chế. Tuy vậy, số lượng công chức có mặt thực tế chỉ 227 người, đáp ứng khoảng 70% nhu cầu.

“Hiện ngành lâm nghiệp chịu rất nhiều áp lực trong công tác giữ rừng, trong khi cơ chế, chính sách cho hoạt động QLBV rừng còn nhiều bất cập; địa bàn quản lý rộng lớn, phức tạp; lực lượng mỏng, điều kiện làm việc, sinh hoạt, đi lại khó khăn, chế độ lương còn thấp… Từ đó dẫn đến việc nhiều cán bộ, nhân viên làm công tác QLBV rừng xin nghỉ việc”, ông Hưng đánh giá.

Do áp lực giữ rừng ngày càng lớn ?

Tương tự tại Gia Lai, nhiều cán bộ kiểm lâm trong thời gian qua đã xin nghỉ việc khi chưa đến tuổi hưu vì nhiều lý do khác nhau.

Vào tháng 3.2021, ông Lâm Văn Long (57 tuổi, đang giữ chức vụ Hạt trưởng Hạt kiểm lâm H.Ia Grai) đã làm đơn xin nghỉ hưu khi chỉ còn vài tháng nữa là đủ điều kiện nghỉ hưu. Sau 36 năm công tác, ông lại xuống làm kiểm lâm viên của hạt này chờ chế độ. Người được điều về thay ông Long là ông Trương Vũ Tường (51 tuổi), Phó hạt trưởng Hạt kiểm lâm H.Chư Prông. Tuy nhiên, chỉ 3 tháng sau, ông Tường cũng xin nghỉ việc vì lý do sức khỏe và thu xếp công việc gia đình.

Tiếp đó, ông Tống Hoài Long (57 tuổi), Hạt trưởng Hạt kiểm lâm TX.Ayun Pa, cũng có đơn xin từ chức vì lý do sức khỏe lẫn công việc gia đình. Hay ông Trần Đình Quy (47 tuổi), Phó phòng Thanh tra - pháp chế, Chi cục Kiểm lâm Gia Lai, cũng có đơn xin nghỉ việc.


 

Chế độ lương bổng thấp, điều kiện sinh hoạt khắc khổ, hiểm nguy khi đi tuần tra bảo vệ rừng khiến nhiều người nghỉ việc  TRẦN HIẾU
Chế độ lương bổng thấp, điều kiện sinh hoạt khắc khổ, hiểm nguy khi đi tuần tra bảo vệ rừng khiến nhiều người nghỉ việc. Ảnh:  TRẦN HIẾU


Chỉ trong hơn 2 năm qua, 3 người làm nhiệm vụ tham gia công tác quản lý, bảo vệ rừng tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Ly (H.Chư Pah) đã xin nghỉ việc. Một cán bộ quản lý ở đây cho biết: “Mức lương của người mới vào làm bình quân chỉ hơn 3 triệu đồng/tháng nhưng công việc thì nặng nề, địa bàn quản lý rộng đến trên 12.000 ha. Có người vào làm chưa hết 1 tuần đã không chịu nổi áp lực, bỏ việc. Tiền xăng xe đi lại, tiền ăn uống đã ngốn hơn chế độ lương bổng”.

Tại Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Krông Pa (H.Kbang), từ năm 2021 đến nay đã có 4 người xin nghỉ việc. Nhu cầu tuyển dụng làm việc hợp đồng vẫn còn nhưng không có ai nộp hồ sơ xin việc, bởi mức lương chỉ từ 3 - 5 triệu đồng/tháng. Hơn nữa, công ty này không có chỉ tiêu biên chế nên nhiều người cũng không mặn mà để gắn bó lâu dài.

Theo tìm hiểu, ngoài chuyện thu nhập, việc không ít cán bộ làm công tác quản lý, bảo vệ rừng ở Gia Lai đã xin nghỉ việc dù với nhiều lý do khác nhau, nhưng dường như có một mẫu số chung là từ áp lực giữ rừng.

Chỉ trong hơn 6 năm trở lại đây, trên dưới 10.000 ha rừng ở Gia Lai bị mất đã phần nào phản ánh lực lượng giữ rừng chưa thể làm tốt chức trách, nhiệm vụ của mình. Nhiều vụ việc bị khởi tố, nhiều ban quản lý rừng hễ cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra là lộ rõ nhiều bất cập trong QLBV rừng, sử dụng kinh phí…, nên đã tạo áp lực không nhỏ đến những người giữ rừng.

Ông Nguyễn Văn Hoan, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Gia Lai, nói: “Năm 2021 chúng tôi tuyển dụng được gần 80 viên chức để tăng cường lực lượng cho các ban quản lý, củng cố bộ máy. Đây cũng là sự bổ sung đáng kể nguồn nhân lực nhằm đảm bảo yêu cầu công tác bảo vệ rừng, nhưng đến nay vẫn còn thiếu đến 40 chỉ tiêu. Chúng tôi tiếp tục kiến nghị cấp trên sửa đổi chính sách, tăng thêm phụ cấp, thu nhập cho đội ngũ bảo vệ rừng chuyên trách. Chỉ có thay đổi chính sách thì mới thu hút được đội ngũ nhân lực làm công tác QLBV, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng”. (còn tiếp)


Tại Đắk Nông, từ năm 2019 - 2021, Chi cục Kiểm lâm tỉnh này đã tiếp nhận và giải quyết 48 đơn xin nghỉ việc, chuyển công tác. Riêng Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắk Măng, từ tháng 7.2017 - 3.2022 nghỉ việc 17 người. Còn tại Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Quảng Sơn và Đức Hòa, tính đến tháng 3.2022 đã có tới 37 nhân viên bảo vệ rừng xin nghỉ việc hoặc chuyển công tác khác.

Thanh Quân

Theo Trung Chuyên-Trần Hiếu (TNO)

Có thể bạn quan tâm

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 17: Phát triển để tri ân

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 17: Phát triển để tri ân

Sau 70 năm giải phóng, mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng có rất nhiều thay đổi đáng tự hào trên. Để làm rõ hơn kết quả đạt được của Điện Biên trong 70 năm qua và định hướng sắp tới, phóng viên Tiền Phong có cuộc trao đổi với ông Lê Thành Đô - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên.
Tiếng kèn địch vận trên đồi C1

Tiếng kèn địch vận trên đồi C1

Ký ức xưa ùa về, vị tướng già 92 tuổi đã ôm máy trợ tim hơn 20 năm, ánh mắt như cười khi thổi những giai điệu rộn ràng của cây kèn Harmonica cho tôi nghe, những bản tình ca tha thiết của 31 ngày đêm chiến đấu trên đồi C1...
70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ-Bài 16: Kỳ tích điện hóa toàn bộ Điện Biên Đông

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ-Bài 16: Kỳ tích điện hóa toàn bộ Điện Biên Đông

Có lẽ, ít ở đâu trên nước ta, quyết tâm đưa điện về bản lại cao như ở huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên. Địa bàn nghèo nên không thể cấp cho dân “cá”, muốn cấp “cần câu” cũng khó nên chính quyền chọn cách đưa cho dân “mồi câu”. “Mồi câu” ở đây chính là điện lưới quốc gia.
Tôi đi chiến dịch Điện Biên

Tôi đi chiến dịch Điện Biên

(GLO)- "Tôi có cảm tưởng như cả đất nước, tất cả các dân tộc đang hành quân đi giành lấy độc lập tự do. Làm sao mà có thể đè bẹp ý chí của cả một dân tộc yêu nước. Tôi vô cùng tự hào là người chiến sĩ Ê Đê thuộc Tây Nguyên miền Nam duy nhất cũng có mặt trong đoàn quân ấy".

Phong vị Sài Gòn

Phong vị Sài Gòn

Có những người xa Sài Gòn hàng chục năm, hỏi rằng Sài Gòn những nét xưa có còn? Sài Gòn thế kỷ 21 có gì hay? Trong khi ấy, có những người xa Sài Gòn chỉ ít năm thôi cũng đã hỏi thành phố có gì mới?
Mật danh B29

Mật danh B29

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.
Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Những ngày đầu đất nước thống nhất, Tây Nguyên vẫn chưa được yên ổn bởi sự quấy phá của tổ chức phản động Fulro. Bộ Công an đã tăng cường một tiểu đoàn tinh nhuệ gồm 310 quân vào Tây Nguyên. Một nhân chứng sống trực tiếp chiến đấu đã chia sẻ cùng Tiền Phong cuộc chiến đẩy lùi “bóng ma” Fulro.