Vì sao cần cài đặt và sử dụng ứng dụng Bluezone?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bluezone được ví như một chiếc 'khẩu trang điện tử' bởi đây là ứng dụng có thể giúp người sử dụng bảo vệ bản thân và cộng đồng trước nguy cơ tiếp xúc và lây nhiễm COVID-19.
 
Cài đặt và sử dụng Bluezone là tự trang bị
Cài đặt và sử dụng Bluezone là tự trang bị "khẩu trang điện tử" để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng động - Ảnh: THANH PHONG
Với tên gọi đầy đủ là "Ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần - Bluezone", ứng dụng này có thể dễ dàng tải về và cài đặt trên smartphone. Ứng dụng có sẵn trên App Store và Google Play để tải về dùng được trên tất cả các smartphone sử dụng hệ điều hành iOS và Android.
Đúng như tên gọi của mình, Bluezone có tính năng nổi bật nhất là cảnh báo nếu bạn đã tiếp xúc gần với người nhiễm COVID-19, góp phần giảm thiểu các nguy cơ lây lan trong cộng đồng. Vì khi cài Bluezone, nếu phát hiện thiết bị đã từng tiếp xúc với người nhiễm COVID-19 (F0) trong thời gian đủ lớn, hệ thống sẽ báo cho người dùng về nguy cơ có thể lây nhiễm bệnh khi bản thân trở thành F1.
Ứng dụng Bluezone được Bộ Thông tin - truyền thông, Bộ Y tế dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ triển khai. Hiện nay trước đợt dịch COVID-19 đang bùng phát tại Đà Nẵng và lây nhiễm ra một số địa phương, Bluezone đang được Bộ Y tế và Bộ Thông tin - truyền thông khuyến nghị tất cả mọi người dân nên tải về và sử dụng "khẩu trang điện tử" này để bảo vệ bản thân và cộng đồng.
Tính đến cuối ngày 2-8-2020, cả nước đã có hơn 2 triệu lượt tải ứng dụng Bluezone. Theo Bộ Thông tin - truyền thông, số lượng người cài đặt và dùng ứng dụng này đang tăng mạnh so với trước ngày 25-7.
Càng nhiều người dùng, càng an toàn hơn
Khi một người nhiễm COVID-19 (F0), dữ liệu của người nhiễm bệnh đó sẽ được nhập lên trên hệ thống, từ đó chuyển thông tin xuống tất cả các thiết bị đang sử dụng Bluezone.
Khi có thông tin về một ca nhiễm bệnh COVID-19 mới, lịch sử tiếp xúc trong ứng dụng cho biết bạn đã từng tiếp xúc với người này hay chưa nếu cả hai đều dùng Bluezone. 
Các chuyên gia của Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin - truyền thông cho biết nếu cài đặt Bluezone, trong quá trình sinh hoạt hằng ngày, khi mọi người có tiếp xúc, ứng dụng trên điện thoại của họ sẽ tự "nói chuyện" với nhau. Nếu phát hiện có sự tiếp xúc gần trong khoảng cách 2m, thiết bị sẽ tự ghi nhận vào nhật ký.
Ứng dụng Bluezone trên máy cũng sẽ so sánh dữ liệu của F0 với lịch sử tiếp xúc được ghi nhận từ trước. Nếu phát hiện thiết bị đã từng tiếp xúc với F0 trong thời gian đủ lớn, hệ thống sẽ báo cho người sử dụng về nguy cơ có thể lây nhiễm bệnh khi chính mình trở thành F1.
Vì vậy, càng nhiều người cài đặt Bluezone thì hiệu quả bảo vệ càng cao. Theo đơn vị phát triển ứng dụng, càng nhiều người cài đặt Bluezone thì dữ liệu của hệ thống càng lớn và người dùng càng được bảo vệ tốt hơn. 
Sử dụng Bluezone như thế nào?
Người dùng nên lưu ý để Bluezone hoạt động hiệu quả, điện thoại phải luôn luôn bật Bluetooth. Bluezone sử dụng công nghệ Bluetooth (Bluetooth Low Energy - BLE) năng lượng thấp giúp tiết kiệm pin. Các chuyên gia phát triển sản phẩm khẳng định sóng Bluetooth không gây tác động xấu đến sức khỏe con người.
Bluezone sẽ duy trì hoạt động kể cả trong trường hợp máy tắt màn hình. Tuy vậy, ứng dụng chỉ lưu dữ liệu trên máy người dùng, tuyệt đối không đưa lên server và cũng không thu thập vị trí. 
Khi bạn cài đặt Bluezone trên Android và kích hoạt Bluetooth thì máy sẽ xin cấp quyền vị trí, điều này là do chính sách của Google khi bật Bluetooth BLE máy sẽ tự động xin quyền vị trí. Tuy nhiên Bluezone không sử dụng tới quyền đó.
Do đó người dùng cũng có thể hoàn toàn yên tâm về vấn đề bảo mật thông tin. Bluezone chỉ ghi nhận 2 người có gặp nhau lúc nào đó và trong bao lâu, chứ không biết ở chỗ nào. Người dùng Bluezone sẽ ẩn danh do sử dụng ID mà hệ thống tự sinh ra.
Một số ý kiến băn khoăn về việc Bluezone hỏi quyền truy cập ảnh, phương tiện và tệp. Trả lời về vấn đề này, đơn vị phát triển sản phẩm cho biết Bluezone chỉ sử dụng quyền "truy cập tệp" để ghi lịch sử "tiếp xúc gần" lên bộ nhớ thiết bị. Mặc dù vậy, theo chính sách của Google, thiết bị vẫn tự động đề nghị "cho phép truy cập vào ảnh, phương tiện và tệp" ngay cả khi Bluezone không sử dụng các quyền còn lại. Người dùng cần cấp quyền để có thể ghi nhận các "tiếp xúc gần".
Theo các chuyên gia phát triển ứng dụng này, trong một số trường hợp kể cả người nhiễm bệnh không sử dụng Bluezone nhưng họ có bật Bluetooth thì các máy khác cài Bluezone vẫn có thể ghi nhận khi tiếp xúc với máy của người nhiễm bệnh.
Với Bluezone chỉ cần cài đặt trên smartphone và bật Bluetooth là mọi tiếp xúc đều được ghi nhận. Bộ Thông tin - truyền thông khẳng định ứng dụng Bluezone chỉ lưu dữ liệu trên máy của người dùng. Toàn bộ dữ liệu liên quan do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý, khai thác theo quy định của pháp luật.
Với tính năng độc đáo của mình, ứng dụng Bluezone đã nhanh chóng vươn lên vị trí số 1 về ứng dụng miễn phí phổ biến nhất về sức khỏe trên cả 2 kho ứng dụng Android và iOS.
Trên kho ứng dụng Android, phần lớn trong tổng số hơn 3.000 lượt đánh giá đã xếp hạng ứng dụng Bluezone ở mức 5 sao. Nhiều phản hồi tích cực hoan nghênh ý tưởng và những nỗ lực của đội ngũ phát triển, đồng thời kêu gọi mọi người cùng cài đặt ứng dụng Bluezone để làm dày thêm cơ sở dữ liệu cho cộng đồng.
T. HÀ (TTO)

Có thể bạn quan tâm