1. Nhớ hồi nhỏ, vì nhà xa trường nên mẹ gửi tôi đến nhà bà ngoại để tiện đường đi học. Mẹ thường đón tôi về nhà vào cuối tuần. Tôi thấm sao cái cảm giác đợi chờ đến ngày cuối tuần. Mỗi chiều thứ sáu, tôi ôm cặp ngồi trước bậc thềm nhà ngoại, hễ nghe tiếng xe đạp vọng vào từ ngoài ngõ là lại chạy ra xem. Có hôm đúng là mẹ nhưng có lần chỉ là tiếng xe của các cô chú hàng xóm đi làm về, rồi tôi ngồi thút thít khóc khi nghe ngoại bảo: “Tuần này, mẹ con bận không đón được”. Tôi nhớ nhà, nhớ ba mẹ và hình dung dáng em tôi buồn xo nơi gốc xoài với món đồ chơi khi chị không về. Một lần, vì nhớ quá mà khi tan học, tôi trốn ngoại đi bộ về nhà, khiến ông bà và các cậu dì được một phen hốt hoảng. Và từ ngày đó, mẹ không gửi tôi lên nhà ngoại nữa.
Là chị cả trong nhà nên tôi nhận nhiệm vụ trông em cho ba mẹ ra đồng. Những hôm ba mẹ đi làm đồng xa lỡ việc về muộn, tôi cõng em ra cây cầu bắc qua con kênh trước nhà ngồi đợi. Trời nhá nhem tối, tiếng muỗi vo ve từ mặt kênh bám lấy chị em tôi, tiếng lá tre cọ vào nhau xao xác trong gió, lòng dạ trẻ con gợn lên nỗi sợ, chỉ mong ba mẹ về thật nhanh. Cô Luân bảo: “Lát nữa mẹ về thôi, đừng ngồi đó muỗi cắn!”. Từ đằng xa, thấy ánh đèn pin loang loáng đầu dốc, tôi gọi em trai “Ba mẹ về rồi!”. Thế rồi, hai chị em chạy thẳng về phía dốc, vừa chạy vừa gọi váng lên: “Ba ơi, mẹ ơi…!”. Mẹ cho em vào một đầu quang gánh, đầu còn lại để những thứ vật dụng làm đồng về, rồi vừa gánh vừa nói chuyện. Ba thì cõng tôi. Gia đình tôi trở về nhà dưới ánh trăng quyện đều trên mái đầu mẹ cha.
2. Con trai tôi có thói quen ôm tay bố mỗi khi ngủ. Có lẽ vì thế mà những ngày có bố ở nhà là niềm vui rất lớn của con. Ăn, ngủ, chơi… mọi việc con đều muốn làm cùng bố. Vì vậy, khi bố hết phép quay trở lại đơn vị, con thấy hụt hẫng, đi học về không thấy bố thế nào cũng chạy tìm khắp nhà, rồi ngồi buồn thiu khi biết bố đã đi công tác. Và những ngày sau đó, tôi cảm giác trong lòng con lúc nào cũng mong ngóng, chờ đợi. Y như cái ngày còn bé tôi vẫn thường đợi đến cuối tuần để được mẹ đón về nhà vậy.
Có lần vì công việc, sau hơn 3 tháng ở đơn vị, chồng tôi mới về nhà. Thoáng nghe tiếng xe ngoài cổng, con trai tôi đã đạp chăn vùng dậy quay về phía tôi và reo lên: “Bố về”. Rồi không đợi tôi trả lời, con chạy ào ra, vừa chạy vừa gọi: “Mẹ ơi! Bố!”. Đúng là anh về thật. Thằng bé lao vào bố, cười tíu tít, nó liên tục xoa đôi bàn tay bé xíu lên má bố, rồi thơm, rồi cười “Bố đi lâu quá!”. Tôi thấy khóe mắt mình cay cay. Còn mắt anh thì rơm rớm.
Thường ngày, tôi luôn cố gắng sắp xếp công việc để đón con đúng giờ, không để con phải mong ngóng khi các bạn đã về hết, vì tôi hiểu cảm giác khi phải ở lại một mình. Tôi cũng hiểu, sau một ngày dài ở trường, con cũng rất mong ngóng được về nhà, nơi có người thân yêu của mình. Nhà tôi bây giờ ở ven thành phố, bà con hàng xóm là những người Jrai. Nơi ấy, mùa mưa thì đường lầy lội, mùa khô thì bụi đỏ cuốn che cả tầm nhìn. Vậy nhưng, dù đi đâu tôi vẫn muốn được về nhà. Nhà mình, dù bé, dù chật… nhưng được nhìn con vui đùa cùng các bạn trước khoảng sân chưa tráng bê tông, đất đỏ lấm lem chân tay, được nghe tiếng nói quen thuộc của người thân yêu… là cũng đủ ấm lòng.