Về làng 'Cùng em khoác chiếc áo tơi ra đồng'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thôn Yên Lạc, xã Quang Lộc, huyện Can Lộc được xem là cái nôi của nghề thủ công chằm áo tơi nổi tiếng nhất ở Hà Tĩnh, nghề đã tồn tại khoảng 300 năm. Dù cuộc sống có nhiều đổi thay, nhưng với người dân nơi đây thì còn mưa, còn nắng, còn đồng ruộng, còn nông dân là còn chằm áo tơi.
 
Nghề chằm áo tơi truyền thống tại Hà Tĩnh
Nghề chằm áo tơi truyền thống tại Hà Tĩnh
Bình dị làng
Sau đợt rét Nàng Bân, khi những cây lúa đang thì con gái trở mình, chẽn đòng bung cựa cũng là lúc người dân thôn Yên Lạc, xã Quang Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) vào vụ chằm áo tơi. Cũng như cánh đàn ông trong làng, đều đặn tuần một lần, từ 4h sáng ông Nguyễn Văn Đông (59 tuổi) lại chạy xe máy vượt hơn 60km vào những khu rừng sâu giáp biên giới Lào ở huyện Hương Khê thu hái lá nón để về làm áo tơi.
Hành trang mang theo chỉ có dao mẹo và đùm cơm nắm với lạc vừng cứ thế lên đường. Chuyến đi kéo dài từ 1-2 ngày, có hôm may mắn đủ lá để làm 20-30 áo tơi, cũng có ngày chỉ được vài áo.
Vốn sinh ra ở làng nghề truyền thống có trên 300 năm tuổi nên từ nhỏ ông Đông đã làm thành thạo công việc chằm tơi. Cứ đến dịp tháng 3 đến tháng 6 âm lịch, gia đình ông cùng hàng chục hộ dân ở làng lại hối hả vào vụ chằm tơi. Đây là lúc nhà nông bước vào mùa ba vụ giáp một, thời điểm bận rộn nhất. Mỗi người một việc, đàn ông khỏe mạnh sẽ lên rừng hái lá nón, còn trẻ em, phụ nữ, người già ở nhà chằm tơi.
Căn nhà ngang rộng chừng 40m2 của gia đình ông Đông bà Sỹ là nơi đựng lá nón và dụng cụ làm áo tơi. Những sợi dây mây rừng đã vót, dây thừng đã quấn, lá nón cuốn thành từng xấp treo sẵn ở từng vị trí trong nhà. Hè này bà Sỹ bước sang tuổi 57 nhưng đã có thâm niên hơn 40 năm trong nghề chằm tơi. Người làng phong bà là “vua” chằm tơi vì độ nhanh và tỉ mỉ nhất vùng khó ai sánh bằng. Bởi lẽ với người khác phải mất 2-3 giờ đồng hồ mới chằm xong một chiếc áo tơi, nhưng với bà Sỹ chỉ cần 45 phút đã hoàn thành.
“Nghề này tính công làm lãi, may có chồng lên rừng lấy được lá nón nên không phải mua lá, dư thêm được ít đồng. Nếu ngày vừa làm việc nhà, vừa chằm tơi cũng phải được trên 10 chiếc áo tơi”, bà Sỹ cười. Nói xong người phụ nữ lấy tấm gỗ được kẻ sẵn những đường chỉ ngang đặt bệt giữa nền nhà, đưa dây thừng móc vào 4 vị trí cố định bằng đinh để tạo hình chiếc áo tơi. Đôi bàn tay chai hết 10 đầu ngón nhưng vẫn nhẹ nhàng vuốt từng lá nón xếp vào nhau như lợp mái tranh, lá đặt đến đâu dùng đôi chân trần dẫm tới đó. Dây mây được xâu vào kim, đôi tay thoăn thoắt chằm từ trên xuống dưới, lớp lá này đến lớp lá khác.
Bà Sỹ chia sẻ, nghề làm áo tơi không kỳ công như nghề làm nón, nhưng để chằm được hoàn chỉnh phải trải qua rất nhiều công đoạn, đòi hỏi có sự kiên trì, chịu khó, tỉ mỉ, khéo léo của người làm nghề. Từ khâu chuẩn bị, lá phải được chọn lựa kỹ lưỡng, vừa đủ độ không quá già mà cũng không quá non. Lá khi hái xong phải dùng lửa để hơ qua cho khô chuyển thành màu trắng đều. Sau đó, cuộn lá lại thành bó, đem về nhà tiếp tục phơi hai ngày nắng, một sương cho đến khi lá nón xòe ra, dai hơn.
Cũng nắng, cũng mưa nhưng nắng mưa ở dải đất hẹp miền Trung khốc liệt hơn bất cứ nơi nào. Dường như chỉ có những chiếc áo tơi mới là “áo giáp” chống lại được với nhiệt độ khắc nghiệt như vậy, khi thời tiết trở mình, gió Lào biến dải đất Bắc miền Trung thành “chảo lửa”.
Vừa chằm tơi, bà Đặng Thị Phương (48 tuổi) tâm sự, trong tất cả các công đoạn, phần làm cổ khó nhất và đòi hỏi phải cẩn thận, nếu lỡ tay làm lệch thì chiếc áo sẽ bị xấu và không chắc chắn. Trước đây ở Yên Lạc làm chằm tơi theo hai mùa là nắng và mưa. Với mùa nắng chằm áo tơi hoàn toàn bằng lá nón, còn mùa mưa chằm được kết hợp lớp ngoài bằng lá cọ để giữ ấm.
“Nghề này nuôi sống được bao nhiêu thế hệ, vì thế những đứa trẻ sinh ra từ làng đều được cha mẹ hướng dẫn làm chằm tơi. Công việc đơn giản, nhưng cầu kỳ, đòi hỏi phải có sự kiên trì, chịu khó mới làm được”, bà Phương nói.
 
Áo tơi được xem là “áo giáp” lá giúp người nông dân chống chọi được với thời tiết khắc nghiệt
Áo tơi được xem là “áo giáp” lá giúp người nông dân chống chọi được với thời tiết khắc nghiệt
Còn nắng, còn mưa, còn áo tơi…
Bên dãy đồi bát úp, dưới rặng tre xanh, làng Yên Lạc vẫn bất chấp thị trường để âm thầm bảo lưu một làng nghề chằm tơi truyền thống cha ông để lại. Nghề chằm tơi như là nghề tất yếu của cuộc sống người Yên Lạc, nó ăn vào máu, vào thịt và ngay cả trong tiềm thức của những đứa trẻ vừa lên ba, lên bốn.
“Còn mưa, còn nắng, còn đồng ruộng, còn nông dân là còn áo tơi”, bà Nguyễn Thị Lam (50 tuổi) nói với tôi. Ngồi bó gối, đôi mắt chăm chú kết hợp với hai bàn tay, bà Lam tỉ mẩn thực hiện từng bước làm áo tơi dưới nền nhà.
Với bà Lam, công việc này phụ nhưng cũng như là chính đối với gia đình vì mỗi vụ mùa có thể thu được chục đến hai chục triệu từ nghề làm chằm tơi. Mỗi ngày ngoài công việc đồng áng, bà có thể tranh thủ làm được từ 5-6 chiếc áo tơi, trung bình mỗi áo được bán với giá từ 90-100 ngàn đồng.
Với công việc này, mỗi vụ các gia đình làm và bán được từ 200-450 áo tơi. Người làm tơi Yên Lạc nói rằng, họ sẽ vẫn cố giữ lấy nghề, như giữ một phần hồn quê không chỉ riêng cho làng mà còn cho cả mảnh đất miền Trung nhiều nắng, nhiều gió.
Hình ảnh chân thực của người nông dân không chỉ được khắc họa qua tấm áo tơi mà còn là chủ đề sáng tạo trong thi ca: “Áo tơi mẹ mặc một thời/Che mưa, che nắng, che trời bão dông/Hai sương một nắng trên đồng/Cái nắng tháng sáu mưa dông ngày hè”.
Trước đây, khi cuộc sống làng Yên Lạc còn khó khăn, áo tơi đổi từng bát gạo về nuôi sống gia đình. Nay ổn định hơn nhưng họ vẫn giữ nghề như một phần hơi thở cuộc sống của họ.
Trên cánh đồng xanh mướt, những tấm thân cò khoác trên mình tấm áo tơi vẫn cần mẫn vun trồng hứa hẹn một vụ mùa tháng 5 bội thu. Khoác trên mình chiếc áo tơi để thu hoạch vụ ngô, thi thoảng ông Nguyễn Trần Long (trú xã Quang Lộc) lại dùng tay đẩy áo tơi lên xuống liên tục để tạo gió mát. Bàn tay ướt nhẹp, gương mặt ửng đỏ vì cái nắng đầu hè.
“Mới đầu hè thôi mà nóng ran người rồi. May có áo tơi mới làm được đến giờ không phải về nhà từ lúc 8h”, ông Long nói.
Yên Lạc đang có hơn 30 hộ dân theo nghề chằm tơi. Dọc đường bê tông dẫn vào làng, mùi lá nón hun khói phảng phất khiến cho không khí làng quê trở nên bình dị, thân thương, một hương vị khó lẫn vào đâu được. Ở vùng “chảo lửa, túi mưa”, manh áo tơi nay đã sờn bạc qua năm tháng, là người bạn thấm hết nỗi gian lao của người nông dân. Trải qua bao thăng trầm, biến động cùng lịch sử, nghề chằm áo tơi ở xóm Yên Lạc vẫn tồn tại và giữ được nét riêng độc đáo của nó.
Theo Hoài Nam (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.