Vang xa tiếng chiêng "nhí" Ia Pia

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Là xã khó khăn nhưng các phong trào văn hóa-văn nghệ nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống trên địa bàn xã Ia Pia (huyện Chư Prông) luôn được duy trì và củng cố. Điểm sáng là sự trưởng thành của đội cồng chiêng “nhí” do Đoàn xã Ia Pia thành lập từ cuối năm 2018.
Đã có khoảng thời gian cồng chiêng vắng bóng trong đời sống của bà con các thôn, làng trên địa bàn xã Ia Pia. Các nghệ nhân đã ở tuổi xế chiều, gặp nhiều trở ngại trong việc giữ lửa cho nghệ thuật truyền thống, thậm chí có người đã chính thức “buông dùi”. Nét đẹp văn hóa cồng chiêng có nguy cơ mai một dần. Thanh thiếu nhi lại không có sân chơi sau giờ học, khiến nhiều em sa vào các trò điện tử vô bổ. Xâu chuỗi thực tế đó, sau rất nhiều trăn trở, anh Nguyễn Thanh Phương-Bí thư Đoàn xã đã đưa ra ý tưởng thành lập đội cồng chiêng “nhí” trong cuộc họp Ban Chấp hành Đoàn xã cuối năm 2018.
Nhất loạt đồng tình hưởng ứng, đoàn viên, thanh niên của Đoàn xã Ia Pia đã cất công đến từng thôn, làng để tuyển chọn, vận động những bạn trẻ có tố chất từ hàng trăm thanh thiếu nhi trên địa bàn xã. Sau gần 2 tháng, Đoàn xã đã tập hợp được một đội chiêng gồm 32 thành viên có độ tuổi từ 7 tuổi trở lên, trong đó học sinh của Trường Tiểu học Anh Hùng Núp chiếm đến 60%. Những buổi đầu, cán bộ Đoàn gặp khá nhiều khó khăn trong việc tổ chức luyện tập cho cả đội. Đa phần các em còn nhỏ, chưa nhận thức được các khái niệm về âm hưởng, tiết tấu, chưa hình dung được cách đánh cồng chiêng và múa xoang còn vụng về. Thêm vào đó, đội cồng chiêng chưa nhận được sự tin tưởng, truyền dạy kịp thời của các nghệ nhân lớn tuổi, giàu kinh nghiệm. Nhưng với sự dẫn dắt nhiệt tình của anh Phương và các cộng sự tâm huyết như anh Nay Jon-Bí thư chi đoàn làng Ngó và chị Rơ Lan H'Plot-Phó Bí thư Đoàn xã thì hoạt động của đội cồng chiêng “nhí” bắt đầu khởi sắc. Sự nỗ lực của các em trong đội cũng bắt đầu nhận được ánh mắt kỳ vọng và sự nhiệt tình hướng dẫn của các già làng.
 Đội cồng chiêng “nhí” xã Ia Pia trong một buổi tập luyện. Ảnh: L.H
Đội cồng chiêng “nhí” xã Ia Pia trong một buổi tập luyện. Ảnh: L.H
Theo đó, các thành viên của đội đã miệt mài luyện tập vào chiều tối từ 17 giờ đến 19 giờ các ngày trong tuần. Khi đã quen với âm điệu vang vọng của tiếng chiêng, tiếng cồng, các em bắt đầu thích thú và hăng say hơn; các điệu xoang cũng ngày một dẻo hơn, thu hút hơn. Mỗi lần được gặp gỡ, trò chuyện và luyện bài cùng nhau là một lần đầy ắp tiếng cười của các bạn trẻ, bất kể không gian tập luyện là trung tâm học tập cộng đồng hay chỉ vỏn vẹn một khoảng đất trống của nhà người dân trong làng.
Bí thư Đoàn xã Ia Pia chia sẻ: “Tôi thật sự vui mừng khi phần đông thanh thiếu nhi xã nhà đã bắt đầu chú ý đến nét đẹp văn hóa cồng chiêng của dân tộc mình. Không chỉ những thành viên chính thức của đội mà các em thiếu nhi khác trên địa bàn cũng tham gia cổ vũ hết sức hào hứng, nồng nhiệt trong mỗi buổi tập, buổi trình diễn cồng chiêng và múa xoang. Dân làng ban đầu còn e ngại nhưng đến giờ đã chủ động khuyến khích con em mình tham gia các buổi sinh hoạt tập thể do Đoàn xã tổ chức, nhất là các hoạt động có đội cồng chiêng “nhí” biểu diễn. Phấn khởi là thế, nhưng bản thân tôi còn đau đáu khi kinh phí cho mỗi buổi tập luyện, trình diễn còn hạn hẹp, riêng bộ cồng chiêng hơn chục chiếc vẫn phải mượn của làng, trang phục biểu diễn cho các thành viên chủ yếu tự túc, nhiều em còn thiếu trước hụt sau”.
Nhờ Đảng ủy xã Ia Pia quan tâm, hỗ trợ một phần kinh phí hoạt động và được người dân ủng hộ về tinh thần, các bạn trẻ ngày càng có thêm động lực để tiếp tục duy trì hoạt động văn hóa-văn nghệ. Đội cồng chiêng đã tham gia biểu diễn ở hầu hết các sự kiện trên địa bàn xã như: lễ mừng lúa mới, lễ bỏ mả… hay đơn thuần là ma chay, cưới hỏi. Mỗi sự kiện như vậy đều có bài nhạc chiêng cụ thể như “Mừng lúa mới”, “Đi hái rau rừng” hay “Nhịp chiêng ngày mùa”… Dù các nhạc cụ vẫn chưa đa dạng, thiếu tiếng đàn trưng, klông pút hòa nhịp nhưng chỉ cần tiếng cồng chiêng ngân lên ở nơi nào đó giữa thung sâu thì hồn thiêng của núi rừng như được vang vọng.
Em Rơ Lan Ân-học sinh lớp 2 Trường Tiểu học Anh Hùng Núp, thành viên nhỏ tuổi nhất của đội cồng chiêng-rụt rè nói: “Nhà em xa lắm, ở tận làng Ngó. Nhưng chiều hoặc tối nào ăn cơm xong, em cũng theo chị đi tập. Trong xóm em có nhiều bạn thích lắm nhưng chưa đánh được chiêng. Em đánh chiêng tốt rồi. Trong đợt biểu diễn gần đây, chúng em còn được tặng quà nên rất vui”. Đó là Rơ Lan Ân nhớ về tiết mục biểu diễn trong buổi trao quà từ thiện cho học sinh nghèo vượt khó của nhóm từ thiện Thanh niên Chư Prông đầu tháng 6 vừa qua.
Những nỗ lực của Đoàn xã Ia Pia và bản thân các em trong đội cồng chiêng “nhí” là một tín hiệu rất đáng mừng, góp phần không nhỏ vào sứ mệnh giữ gìn bản sắc dân tộc ở từng thôn, làng xa xôi. Anh Phương cho hay, đội cồng chiêng “nhí” Ia Pia mong mỏi tiếp tục nhận được sự đồng hành, tiếp sức của chính quyền cùng các đoàn thể để không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên luôn là vốn quý trong đời sống sinh hoạt văn hóa của bà con nhân dân. Bởi lẽ, một tiếng chiêng ngân lên trong khoảnh khắc cũng góp phần đưa hồn thiêng dân tộc vang vọng.
 LỮ HỒNG

Có thể bạn quan tâm

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

(GLO)- Đây là số cuối cùng của chuyên mục “Gương mặt thơ” trên báo Gia Lai Cuối tuần do tôi phụ trách.Chuyên mục đã đi được hơn 2 năm (từ tháng 10-2022), tới nay đã giới thiệu tác phẩm của hơn 100 nhà thơ nổi tiếng trên thi đàn cả nước.

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

(GLO)- Rời quê vào thôn Đà Bắc (xã Ia Lâu, huyện Chư Prông) lập nghiệp đã hơn 30 năm, nhưng cộng đồng người Mường vẫn luôn duy trì và nỗ lực bảo tồn văn hóa cồng chiêng của dân tộc. Với họ, “giữ lửa” cồng chiêng chính là cách làm thiết thực nhất tạo sự gắn kết bền chặt với quê hương, nguồn cội.

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là di sản có tiềm năng khai thác kinh tế du lịch. Ảnh: Minh Châu

Những ngày làm hồ sơ “Không gian văn hóa cồng chiêng”

(GLO)- Ngày 23-3-2004, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) ban hành quyết định về việc xây dựng hồ sơ ứng cử quốc gia “Vùng văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” là di sản tiếp nối trình UNESCO công nhận là kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại.

Già làng Đônh (bìa phải) giới thiệu về chiếc nỏ của người Bahnar. Ảnh: R.H

Điểm tựa Kon Brung

(GLO)- Không chỉ tâm huyết với công tác hòa giải, già làng Đônh (SN 1960; làng Kon Brung, xã Ayun, huyện Mang Yang) còn rất tâm huyết với việc bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Với bà con, ông là điểm tựa của làng Kon Brung.

Về miền di sản

Về miền di sản

(GLO)- Những địa danh lịch sử, điểm di sản là nơi thu hút nhiều người đến tham quan, tìm hiểu. Được tận mắt chứng kiến và đặt chân lên một miền đất giàu truyền thống luôn là trải nghiệm tuyệt vời và xúc động đối với nhiều người.

Mừng lúa mới trên cao nguyên

Mừng lúa mới trên cao nguyên

(GLO)- Sau khi thu hoạch mùa vụ và đưa lúa về kho, đồng bào Jrai náo nức với lễ mừng lúa mới. Nghi lễ nông nghiệp cổ truyền độc đáo này đã được bà con duy trì từ bao đời nay.

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

(GLO)- Quà lưu niệm từ sản phẩm văn hóa vừa là “sứ giả” du lịch, vừa góp phần đem lại thu nhập cho người dân. Việc tổ chức các cuộc thi tay nghề đan lát, dệt thổ cẩm nhằm tìm kiếm sản phẩm đặc sắc làm quà tặng đã góp phần nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy du lịch nông thôn phát triển.