Vaccine COVID-19 dạng hít của Trung Quốc có hiệu quả thử nghiệm tích cực

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trong số hơn 100 loại vaccine COVID-19 đang nghiên cứu lâm sàng được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận, có 8 loại là vaccine dùng qua đường mũi.

 Vaccine COVID-19 dạng hít Trung Quốc vừa cho kết quả thử nghiệm giai đoạn 1 tích cực. Ảnh minh họa. Ảnh: Tân Hoa Xã
Vaccine COVID-19 dạng hít Trung Quốc vừa cho kết quả thử nghiệm giai đoạn 1 tích cực. Ảnh minh họa. Ảnh: Tân Hoa Xã


CanSino Biologics của Trung Quốc tuần trước công bố kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn đầu cho thấy một phiên bản dạng hít của vaccine Ad5-nCoV đã kích hoạt các phản ứng miễn dịch mà không gây tác dụng phụ nghiêm trọng.

Hai liều vaccine COVID-19 dạng hít được dùng cách nhau 28 ngày, mỗi liều dạng hít bằng 1/5 liều lượng của liều tiêm và tạo ra mức độ kháng thể trung hòa tương tự, theo các nhà nghiên cứu Viện Công nghệ Sinh học Bắc Kinh, Viện Hàn lâm Khoa học Quân y Trung Quốc và CanSino.

Thử nghiệm vaccine COVID-19 dạng hít ở Trung Quốc được tiến hành trên 130 tình nguyện viên. Các tình nguyện viên được tiêm một liều vaccine Ad5-nCoV trước sau đó được cho sử dụng liều vaccine này bằng dạng hít khí dung vào 28 ngày sau đó. Theo các nhà nghiên cứu, các tình nguyện viên đã tạo ra phản ứng kháng thể trung hòa mạnh mẽ.

Các nhà nghiên cứu nêu trong bài báo đăng trên tạp chí y khoa The Lancet Infection Diseases ngày 2.8 rằng: “Việc hít khí dung Ad5-nCoV không gây đau đớn, đơn giản, dung nạp tốt và tạo miễn dịch”.

Theo các nhà nghiên cứu, dữ liệu này hỗ trợ cho thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 và 3 của vaccine dạng hít.

Trả lời phỏng vấn trên kênh quân sự đài truyền hình nhà nước Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) tuần trước, các nhà nghiên cứu cho biết, vaccine CanSino dạng hít sẽ được sử dụng thông qua một ống hít đặc biệt.

Vaccine được đưa vào cơ thể qua dạng hít tạo ra kháng thể hơi khác với kháng thể được tạo ra khi tiêm vaccine và có hiệu quả trong việc bảo vệ đường hô hấp khỏi lây nhiễm.

 

Vaccine COVID-19 dạng hít có nhiều lợi thế về triển khai so với vaccine dạng tiêm. Ảnh minh họa. Ảnh: Tân Hoa Xã
Vaccine COVID-19 dạng hít có nhiều lợi thế về triển khai so với vaccine dạng tiêm. Ảnh minh họa. Ảnh: Tân Hoa Xã


Trong khi vaccine COVID-19 dạng tiêm thường yêu cầu bảo quản lạnh và nhân viên y tế phải được đào tạo, vaccine dạng hít có thể được đưa vào cơ thể thông qua các thiết bị dùng một lần mà không cần nhân viên y tế đã qua đào tạo, giúp việc tiêm chủng hàng loạt dễ dàng hơn.

Phương pháp này cũng hiệu quả với những người sợ tiêm, qua đó góp phần tăng đáng kể mức độ sẵn sàng tiêm chủng của người dân.

Ngoài ra, theo Hou Lihua - nhà nghiên cứu Học viện Khoa học Quân y Trung Quốc đang nghiên cứu về vaccine dạng hít của CanSino - vaccine dạng hít cần liều lượng thấp hơn nhiều so với vaccine tiêm, giúp sản xuất nhiều dễ dàng hơn.

Vaccine dạng hít là loại vaccine tương đối mới và chủ yếu được sử dụng cho bệnh cúm, nhưng CanSino không phải là bên duy nhất đang nghiên cứu phát triển vaccine dạng hít để ứng phó với COVID-19.

Vaccine COVID-19 dạng hít do Giáo sư Yuen Kwok-yung và Chen Honglin, Đại học Hong Kong (Trung Quốc), đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng ban đầu. Vaccine này đang được phát triển với sự hỗ trợ của bệnh cúm và COVID-19 và đang được phát triển với sự hỗ trợ của Liên minh Đổi mới sáng tạo Sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI).

Đại học Oxford, Anh, cũng đang nghiên cứu các phản ứng miễn dịch từ việc đưa vaccine mà trường phát triển với AstraZeneca vào cơ thể qua đường mũi. Thử nghiệm nạp vaccine dạng này được triển khai với 30 tình nguyện viên.

Một thử nghiệm khác để kiểm tra tính an toàn và phản ứng miễn dịch của COVI-VAC - loại vaccine đơn liều dùng qua đường mũi đang được thử nghiệm ở Anh. Vaccine này do công ty Codagenix của Mỹ phát triển.

Các vaccine dạng hít tương tự cũng đang được thử nghiệm ở Australia và Ấn Độ.

Tuy nhiên, một loại vaccine xịt vào mũi của công ty Altimmune ở Mỹ đã bị loại bỏ sau khi không tạo đủ phản ứng miễn dịch.

https://laodong.vn/the-gioi/vaccine-covid-19-dang-hit-cua-trung-quoc-co-hieu-qua-thu-nghiem-tich-cuc-937670.ldo
 

Theo HẢI ANH (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Cảnh báo nguy cơ bùng phát bệnh sởi

Cảnh báo nguy cơ bùng phát bệnh sởi

(GLO)- Những ngày gần đây, số ca mắc sởi trên địa bàn tỉnh Gia Lai có chiều hướng tăng nhanh. Trước tình hình đó, ngành Y tế đang triển khai đồng bộ nhiều biện pháp phòng ngừa, quyết tâm không để bệnh sởi bùng phát và lây lan trên diện rộng.