Ủy ban nhân dân TP. Pleiku: Không để người dân thiệt thòi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Báo Gia Lai vừa nhận đơn kiến nghị của bà Nguyễn Thị Lệ (thôn Hàm Rồng, xã Chư Hdrông, TP. Pleiku) xung quanh việc TP. Pleiku thu hồi đất của bà để triển khai dự án. Làm việc với các bên, chúng tôi đã có những thông tin cơ bản về sự việc này.

Đồng thuận chủ trương, chưa đồng ý giá trị bồi thường

Theo bà Lệ, bà và chồng là ông Nguyễn Văn Lơ mua mảnh đất có diện tích 560,5 m2 được UBND TP. Pleiku cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AL 726861 ngày 31-1-2008 (226,07 m2 đất ở và 334,43 m2 đất nông nghiệp trồng cây lâu năm), sau đó vợ chồng bà Lệ đã xây ngôi nhà cấp 4C để ở. Mảnh đất nằm trong quy hoạch Khu dân cư Hàm Rồng được UBND tỉnh phê duyệt năm 2001, mới đây được điều chỉnh một phần để làm Trung tâm trưng bày, bảo hành, bảo trì ô tô tại TP. Pleiku.

 

Ảnh internet
Ảnh internet

Qua trao đổi và lắng nghe ý kiến, bà Lệ ủng hộ chủ trương quy hoạch, kêu gọi đầu tư của TP. Pleiku nhưng không đồng ý việc đền bù, vì theo bà là chưa thỏa đáng. Vị trí nhà đất của bà nằm ở mặt tiền đường Trường Chinh (đoạn từ đường vào UBND xã Ia Kênh đến đường đi xã Ia Tiêm) vị trí 1, loại đường 4C. Vị trí ấy giá trị lớn nhưng thành phố áp giá đền bù, hỗ trợ chưa tương xứng. Trong đơn kiến nghị, bà Lệ cho rằng mức đền bù phải là 500 triệu đồng cho một mét ngang thì bà mới chịu!

Thêm nữa, bà Lệ cho biết, gia đình bà ở đây từ rất lâu, khi cả vùng này chưa có mấy người, trải qua nhiều nghề gian khổ mưu sinh, vì vậy mà quen thuộc gắn bó. Năm 2012, chồng bà vướng vào lao lý, rồi vay ngân hàng 200 triệu đồng song làm ăn thua lỗ, bỏ nhà đi để lại bà một mình chèo chống, làm lụng vất vả nuôi 3 người con. Các con bà hiện nay vẫn chưa xin được việc làm (1 người còn đang học phổ thông). Khi biết mảnh đất hiện tại được quy hoạch làm dự án, ông Lơ lại quay về đòi phân chia tài sản cùng vợ, và đã vội vàng ký xác nhận đồng ý phương án đền bù.

Từ khi có chủ trương thu hồi đất thực hiện dự án Trung tâm trưng bày, bảo hành, bảo trì ô tô tại TP. Pleiku, chính quyền xã Chư Hdrông đã 2 lần làm việc với hộ bà Lệ xung quanh việc đền bù với thành phần gồm có Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP. Pleiku, chính quyền xã, các bên liên quan. Sau đó, Phó Chủ tịch UBND TP. Pleiku Nguyễn Kim Đại cũng đã 2 lần làm việc với bà Lệ về nội dung tương tự. Gần đây nhất, trong tháng 9 vừa rồi, Chủ tịch UBND TP. Pleiku Trần Xuân Quang đã trực tiếp mời bà Lệ cùng đối thoại để giải quyết khúc mắc. Tuy nhiên, trước sau bà Lệ đều không đồng ý với mức giá bồi thường mà thành phố đưa ra.

Cưỡng chế chỉ là giải pháp cuối cùng

Các buổi gặp mặt đối thoại giữa chính quyền, các ban, ngành, hội, đoàn thể và bà Lệ tựu trung để giải thích làm rõ thêm một số chính sách của Nhà nước, chính quyền địa phương đối với bà Lệ như: thời điểm khảo sát giá đất để lập phương án đền bù, thành phố trình Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Tài chính để thẩm định và thống nhất giá (tháng 1-2017). Cơ sở xác định giá đất và thông tin thu thập để xác định giá đất tại thời điểm khảo sát giá là trong điều kiện chuyển nhượng bình thường và giá đất đã được phê duyệt theo quy định. Các cơ quan đã phối hợp tích cực và tạo điều kiện, vì vậy hộ bà Lệ nên sớm thống nhất phương án đền bù và bàn giao mặt bằng...Ngoài ra, còn để làm rõ quan hệ, trách nhiệm của bà Lệ và ông Lơ về tài sản, nợ nần.

Tại Văn bản số 1723/UBND-VP ngày 29-8-2017 về việc trả lời công dân do Phó Chủ tịch UBND TP. Pleiku Nguyễn Kim Đại ký một lần nữa xác định, tổng giá trị bồi thường, hỗ trợ đối với trường hợp bà Lệ là 1.629.806.565 đồng. Trong đó, bồi thường về đất là 888.603.497 đồng theo đơn giá được phê duyệt tại Quyết định số 20/QĐ-UBND ngày 9-1-2017 của UBND TP. Pleiku. Về bồi thường nhà, vật kiến trúc, cây cối hoa màu với mức 577.301.444 đồng, dựa trên Quyết định số 10/2013/QĐ-UBND ngày 22-5-2013 của UBND tỉnh về việc ban hành bảng giá nhà xây dựng mới, bảng giá vật kiến trúc xây dựng mới, cũng như Quyết định số 342/QĐ-UBND ngày 26-5-2016 của UBND tỉnh ban hành đơn giá đền bù cây cối, hoa màu trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, thành phố thực hiện chính sách hỗ trợ đối với trường hợp này với mức 163.901.624 đồng. Công văn cũng cho rằng “Đề nghị bồi thường (theo bà Lệ-N.V) với giá đất 500 triệu đồng/m ngang đất mặt đường là không có cơ sở”.

Ông Huỳnh Công Quang-Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP. Pleiku được UBND thành phố ủy quyền làm việc với báo chí mới đây, cho rằng: Dự án Trung tâm trưng bày, bảo hành, bảo trì ô tô TP. Pleiku có diện tích khoảng 35 ngàn m2 với tổng giá trị đền bù trên 30 tỷ đồng, thu hồi đất của 19 hộ. Quá trình triển khai thu hồi, bồi thường đều thực hiện theo đúng quy trình, quy định về thủ tục, kiểm kê tài sản, xác định giá đất, lập phương án, có hội đồng thẩm định (5 sở) trước khi trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thực hiện.  Sau nhiều lần điều chỉnh, phương án do thành phố đưa ra đã được cấp thẩm quyền chấp thuận.

Hiện tại đã có 13/19 hộ đồng ý phương án đền bù, nhận tiền với diện tích đạt trên 85%. Trong 13 hộ đồng ý nhận tiền đền bù, bàn giao mặt bằng thì 11 hộ có đất nằm ở vị trí mặt tiền đường Trường Chinh, 2 hộ trong đường hẻm. Cơ chế đền bù như nhau và phương án đền bù như vậy là không thấp, không thiệt thòi cho ai. Trong 6 hộ chưa đồng thuận có 2 hộ chưa tìm ra chủ đất và 4 hộ là Nguyễn Thị Lệ, Huỳnh Thị Hạnh, Phạm Đình Triển và Huỳnh Quang Hậu (chỉ hộ bà Lệ có nhà trên đất).

Cũng theo ông Quang, thành phố đã triển khai đúng quy trình từ vận động, tuyên truyền, đối thoại, biện pháp cuối cùng mới là cưỡng chế. Các trường hợp trong diện thu hồi đất để triển khai dự án, thành phố đều áp giá đền bù căn cứ quy định giá đất, vật kiến trúc, cây cối hoa màu của tỉnh; những ưu đãi cũng được tính đến. Với trường hợp hộ bà Lệ, nếu có nhu cầu, khi dự án triển khai, thành phố sẽ tạo điều kiện vào làm việc. Bà Lệ lo ngại rời chỗ cũ không còn nơi buôn bán, thành phố sẽ giải quyết cho bà một lô trong chợ Hoa Lư để làm ăn. Thậm chí, bà Lệ yêu cầu bố trí nơi buôn bán ở cạnh khu vực cũ cũng được xem xét đáp ứng. Nơi ăn chốn ở của hộ di dời cũng được tính tới là Khu tái định cư Trại kỷ luật quân đội. Theo kế hoạch, đến quý I-2018 sẽ giải tỏa toàn bộ diện tích để bàn giao cho nhà đầu tư.

Hiện vợ chồng bà Lệ đã làm thủ tục ly hôn. Tại biên bản buổi làm việc tại phòng họp A HĐND-UBND TP. Pleiku ngày 8-6-2017, thành phần gồm có: chính quyền, Mặt trận, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Phát triển Quỹ đất, xã Chư Hdrông và gia đình ông Nguyễn Văn Lơ-bà Nguyễn Thị Lệ, ông Lơ và bà Lệ thống nhất phân chia tài sản: bà Lệ và ông Lơ cùng hưởng 40%, 20% còn lại cho các con. Hiện thành phố đang chờ phán quyết của Tòa án để có hướng xử lý tiếp theo.

Thất Sơn

Có thể bạn quan tâm

Trung tâm huyện Đức Cơ nhìn từ trên cao. Ảnh: Vĩnh Hoàng

UBND tỉnh Gia Lai trả lời giải quyết kiến nghị của cử tri liên quan việc cấp GCNQSD đất trên đất lâm nghiệp do Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc An Khê quản lý

(GLO)- Báo Gia Lai trích đăng nội dung UBND tỉnh giải quyết kiến nghị của cử tri liên quan việc cấp GCNQSD đất trên đất lâm nghiệp do Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc An Khê quản lý; nghiên cứu và lập các dự án đầu tư trồng rừng đối với diện tích đất rừng khộp chưa có rừng...

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện hỗ trợ bò sinh sản cho hộ nghèo ở làng Bua, xã Ia Pnôn. Ảnh: V.H

Đức Cơ quan tâm tạo sinh kế cho hộ nghèo

(GLO)- Cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) chiếm 10,19%. Nhưng đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm xuống còn 7,92%. Để có được kết quả này, huyện đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể, đặc biệt là tạo sinh kế giúp hộ nghèo chủ động vươn lên trong cuộc sống.

Ảnh: Hùng Hoa Lư

UBND tỉnh Gia Lai trả lời cử tri về thông tuyến đường Trần Hưng Đạo trước Quảng trường Đại Đoàn Kết

(GLO)- Báo Gia Lai trích đăng nội dung UBND tỉnh giải quyết kiến nghị của cử tri về thông tuyến đường Trần Hưng Đạo đoạn trước Quảng trường Đại Đoàn Kết; phí thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước; khắc phục tình trạng nước tràn qua đường tại Ngã ba Di tích Quốc gia chiến thắng Plei Me trên tỉnh lộ 665. 

Ảnh: Internet

UBND tỉnh Gia Lai trả lời giải quyết kiến nghị của cử tri về dãy nhà số 08 Phan Đình Phùng, TP.Pleiku

(GLO)- Báo Gia Lai trích đăng nội dung UBND tỉnh giải quyết kiến nghị của cử tri liên quan dãy nhà số 08 Phan Đình Phùng, TP. Pleiku do Hội LHPN tỉnh quản lý đang xuống cấp, lãng phí; cải tạo hồ nước trước Bảo tàng tỉnh để trồng sen; cơ chế cho thuê rừng trồng dược liệu...

Đoàn giám sát HĐND tỉnh làm việc tại huyện Kbang về “việc cấp giấy CNQSDĐ cho các đối tượng được hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Ảnh: Lê Nam

Kbang thực hiện cấp giấy CNQSDĐ cho 11/68 hộ được hỗ trợ nhà ở

(GLO)- Sáng 4-12, Đoàn giám sát HĐND tỉnh Gia Lai do bà Đinh Ly An-Trưởng Ban Dân tộc làm trưởng đoàn đã giám sát tại huyện Kbang về “việc cấp giấy CNQSDĐ cho các đối tượng được hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi”.

Theo vợ chồng ông Nguyễn Hồng Sinh, trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình ông được cấp năm 2005, đường hẻm rộng 7 m tiếp giáp với thửa đất của bà Nguyễn Thị Duyên. Ảnh: T.D

Cần giải quyết thỏa đáng khiếu nại liên quan đến đường hẻm 771/7 Phạm Văn Đồng

(GLO)- Từ năm 2020 đến nay, một số hộ dân ở tổ 2 (phường Yên Thế, TP. Pleiku) đã nhiều lần kiến nghị vì cho rằng cơ quan chuyên môn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) chồng lên đường hẻm 771/7 Phạm Văn Đồng gây ảnh hưởng đến việc đi lại và mất mỹ quan đô thị.