(GLO)- Liên quan đến chính sách giải quyết việc làm cho quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương; sửa đổi các quy định có liên quan đến quyền lợi bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) cho người hoạt động không chuyên trách cấp xã của cử tri huyện Krông Pa, Báo Gia Lai điện tử xin trích đăng nội dung trả lời của UBND tỉnh về vấn đề trên.
*Cử tri huyện Krông Pa
Kiến nghị:
Hiện tại số lượng công dân sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự về địa phương không có việc làm rất nhiều. Đề nghị có chính sách giải quyết việc làm cho quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương.
Kết quả giải quyết:
Hiện nay, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự theo các quy định sau: Được hỗ trợ đào tạo nghề theo quy định tại Điều 14 Nghị định 61/2015/NĐ-CP ngày 9-7-2015 của Chính phủ và tư vấn, định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm miễn phí theo quy định tại khoản 2 Điều 21 của Luật Việc làm. Trong thời gian qua, UBND tỉnh đã thường xuyên quan tâm chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai nhiều giải pháp để giải quyết việc làm cho quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Nhờ đó đã đạt nhiều kết quả tích cực, trong giai đoạn 2016-2021, toàn tỉnh đã tuyển sinh và đào tạo nghề cho 12.298 người (bình quân mỗi năm hơn 2.000 người). Hàng năm, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm cho trên 1.500 quân nhân nhân tại buổi lễ ra quân (4 tháng đầu năm 2022 đã tổ chức tư vấn cho 1.469 quân nhân tại Trung đoàn 1 và Trung đoàn 38 thuộc Sư đoàn 2, Quân khu 5 và 100 quân nhân tại Ban Chỉ huy Quân sự huyện Chư Păh), tại buổi tư vấn có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh có nhu cầu tuyển dụng lao động vào làm việc và đưa đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Để nâng cao hiệu quả chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho quân nhân xuất ngũ trong thời gian tới, đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố tích cực, chủ động chỉ đạo các phòng ban chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn rà soát, nắm danh sách quân nhân xuất ngũ hiện nay chưa có việc làm để phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm và các doanh nghiệp, tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí. Đồng thời đề nghị các chủ đầu tư, ban quản lý dự án đang triển khai đầu tư xây dựng trên địa bàn cấp huyện ưu tiên tuyển dụng lao động tại địa bàn vào làm việc, nhất là quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn nói chung và giải quyết việc làm cho quân nhân xuất ngũ nói riêng.
Đại diện lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tặng quà cho các quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự về địa phương. Ảnh: Anh Huy |
* Kiến nghị:
Quy định về chế độ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người hoạt động không chuyên trách cấp xã giữa Nghị quyết số 136/2021/NQ-HĐND ngày 25-2-2021 của HĐND tỉnh Gia Lai và Luật BHXH (số 58/2014/QH13 ngày 20-11-2014) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (số 46/2014/QH13 ngày 13-6-2014) có sự bất cập, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia bảo hiểm, cụ thể:
Từ khi Nghị quyết số 136/2021/NQ-HĐND có hiệu lực, những người hoạt động không chuyên trách cấp xã được hưởng mức phụ cấp 1,6 lần mức lương cơ sở/người/tháng và trích tiền trong khoản phụ cấp này để đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) cho cơ quan BHXH huyện theo quy định tại khoản 1.1 và khoản 1.2 của Điều 6 của Nghị quyết (do bộ phận Tài chính kế toán UBND thực hiện qua các kỳ thanh toán lương, phụ cấp hàng tháng). Đối chiếu với các quy định tại điểm i khoản 1 Điều 2, khoản 1 Điều 85, khoản 3 Điều 86 của Luật BHXH (số 58/2014/QH13 ngày 20-11-2014) và khoản 6 Điều 1 sửa đổi Điều 12. Đối tượng tham gia BHYT tại khoản 7 Điều 1 sửa đổi, bổ sung “Điều 13. Mức đóng và trách nhiệm đóng BHYT” của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT (số 46/2014/QH13 ngày 13-6-2014): Hiện nay những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã phải tự trích tiền trong khoản phụ cấp 1,6 mức lương cơ sở theo Nghị quyết 136/2021 của HĐND tỉnh để đóng 22% BHXH; 4,5% BHYT cho cá nhân mình là chưa đúng với quy định của Luật BHXH và BHYT hiện hành (là đối tượng tham gia bảo hiểm tự nguyện).
Đề nghị UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, sửa đổi các quy định có liên quan đến quyền lợi BHXH, BHYT cho người hoạt động không chuyên trách cấp xã tại Nghị quyết 136/2021 cho phù hợp với quy định của Luật BHXH và Luật BHYT.
Kết quả giải quyết:
Khoản 5, Điều 2 Nghị định số 34/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định:
“1. Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được hưởng chế độ phụ cấp, chế độ BHXH và chế độ BHYT. Ngân sách nhà nước thực hiện khoán quỹ phụ cấp, bao gồm cả hỗ trợ BHXH và BHYT để chi trả hàng tháng đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã theo Quyết định phân loại đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn như sau:
a) Loại 1 được khoán quỹ phụ cấp bằng 16,0 lần mức lương cơ sở;
b) Loại 2 được khoán quỹ phụ cấp bằng 13,7 lần mức lương cơ sở;
c) Loại 3 được khoán quỹ phụ cấp bằng 11,4 lần mức lương cơ sở.”
Từ nguồn khoán quỹ phụ cấp theo phân loại cấp xã ở trên và thực hiện nhiệm vụ theo thẩm quyền phân cấp, HĐND tỉnh đã quy định cụ thể tại khoản 1, khoản 2 Điều 6 Nghị quyết số 136/2021/NQ-HĐND ngày 25-2-2021 về mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã, mức phụ cấp này bao gồm cả kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng BHXH, BHYT theo đúng quy định của Nghị định số 34/2019/NĐ-CP và phù hợp với quy định của Luật BHXH, Luật BHYT (các nội dung của Nghị quyết số 136/2021/NQ-HĐND đã được Bộ Nội vụ kiểm tra và có Kết luận kiểm tra số 6815/KL-BNV ngày 31-12-2021 là đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và pháp luật chuyên ngành).
(Còn nữa)
GLO