Ứng xử đúng mực với thiên nhiên: Cần thay đổi nhận thức: *Bài cuối: Để không phải xin lỗi thế hệ tương lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: "Lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”.

Tiếp nối thông điệp đó, Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu rõ: “Phát triển kinh tế phải hài hòa với thiên nhiên, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế; phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, cac-bon thấp…”. Trong bối cảnh nước ta cam kết với thế giới sẽ đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, việc ứng xử đúng mực với thiên nhiên cần được xem xét kỹ lưỡng từ mỗi cá nhân. Có như vậy, mỗi người trong chúng ta- thế hệ đương thời mới không phải nói lời xin lỗi với thế hệ tương lai.

*Từ chính sách…

Những năm qua vấn đề môi trường luôn được đặt ở vị trí trung tâm trong các chương trình nghị sự; các chương trình, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của đất nước với mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe nhân dân, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái.

Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra thông điệp mạnh mẽ: “Không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, không đánh đổi môi trường để theo đuổi tăng trưởng”. Cam kết của Thủ tướng Phạm Minh Chính thể hiện quyết tâm chính trị của Việt Nam trong giải quyết những thách thức nghiêm trọng của toàn cầu về khí hậu, môi trường, hướng đến một hành tinh khỏe mạnh; đồng thời, đưa nước ta phát triển bền vững theo hướng “xanh hóa”, tận dụng cơ hội hiện thực hóa mục tiêu trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.

Dự án kè chống sạt lở thôn Đông Yên 2, xã Bình Dương, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi đang được đẩy nhanh thi công để đảm bảo an toàn trước mùa mưa bão. Ảnh: Phạm Cường/TTXVN

Dự án kè chống sạt lở thôn Đông Yên 2, xã Bình Dương, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi đang được đẩy nhanh thi công để đảm bảo an toàn trước mùa mưa bão. Ảnh: Phạm Cường/TTXVN

Hiện thực hóa những quyết sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, những năm gần đây, hệ thống chính sách bảo vệ môi trường ngày càng được hoàn thiện, trong đó Luật Bảo vệ môi trường 2020 với nhiều chính sách, giải pháp đột phá. Việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2013 đang được lấy ý kiến rộng rãi từ các tầng lớp nhân dân. Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) xây dựng trên cơ sở tổng kết Luật Tài nguyên nước 2012, cũng đang được thảo luận, lấy ý kiến rộng rãi. Một số nội dung khác được nghiên cứu sửa đổi theo hướng khắc phục chồng chéo, xung đột pháp luật, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, bổ sung các quy định mới nhằm tạo môi trường pháp lý đầy đủ.

Trong Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu của nước ta được nêu rõ: “Môi trường Việt Nam có chất lượng tốt, bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành và an toàn của nhân dân; đa dạng sinh học được gìn giữ, bảo tồn, bảo đảm cân bằng sinh thái; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; xã hội hài hoà với thiên nhiên, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, các-bon thấp được hình thành và phát triển, hướng tới mục tiêu trung hòa các-bon”.

Chiến lược đặt mục tiêu cụ thể là chủ động phòng ngừa, kiểm soát các tác động xấu gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, các sự cố môi trường; các vấn đề môi trường trọng điểm, cấp bách cơ bản được giải quyết, chất lượng môi trường từng bước được cải thiện, phục hồi; tăng cường bảo vệ các di sản thiên nhiên, phục hồi các hệ sinh thái; ngăn chặn xu hướng suy giảm đa dạng sinh học; nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu và đẩy mạnh giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

Phát biểu tại Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ 5 năm 2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước rất chú trọng công tác bảo vệ môi trường, vì đời sống, sức khỏe nhân dân và sự phát triển bền vững của đất nước.

“Quan điểm của Đảng, Nhà nước là không hy sinh môi trường để đánh đổi lấy kinh tế, không phát triển kinh tế đơn thuần mà không kiểm soát môi trường”, Phó Thủ tướng khẳng định.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho rằng, từ việc tăng cường quản lý nhà nước, đổi mới tư duy mạnh mẽ, khai thác nguồn lực tài nguyên, môi trường tốt nhất, hoàn thiện Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) để Quốc hội thông qua trong kỳ họp tới, cùng sự quyết liệt chỉ đạo thực hiện thành công các định hướng, giải pháp theo tinh thần các nghị quyết của Trung ương về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, ngành Tài nguyên và Môi trường sẽ tận dụng được các cơ hội từ xu thế toàn cầu về chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế carbon thấp, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh…

*…đến hành động cụ thể

Để hiện thực hóa các chính sách, nhiều hành động cụ thể đóng góp cho ngành Tài nguyên và Môi trường đã được triển khai.

Theo đó, giải pháp chuyển đổi mô hình kinh tế sang “xanh”, kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, các-bon thấp; đầu tư cho vốn tự nhiên đã và đang từng bước được triển khai song song với việc xây dựng lộ trình, nhiệm vụ triển khai có hiệu quả cam kết của Chính phủ tại COP26 về chuyển đổi năng lượng; giảm phát thải khí nhà kính; sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Quan trọng hơn cả, nhằm nâng cao nhận thức của mỗi người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội về bảo vệ môi trường, cần xây dựng bộ tiêu chí văn hóa, lối sống xanh trong toàn xã hội và đặc biệt là chấm dứt tư tưởng chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt mà bỏ qua trách nhiệm bảo vệ môi trường.

Ví dụ điển hình cho quá trình nâng cao nhận thức của người dân qua từng hành động cụ thể chính là việc thúc đẩy mạnh mẽ phong trào toàn dân tham gia thực hiện Chương trình trồng mới 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025, được Thủ tướng Chính phủ phát động với thông điệp: “Vì một Việt Nam xanh”. Chương trình có ý nghĩa to lớn nhằm phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, phục hồi hệ sinh thái, tăng cường màu xanh cho mỗi góc phố, con đường, từng công sở, sân trường hay chính mỗi gia đình tại khu đô thị, nông thôn nước ta.

Theo Chương trình này, đến hết năm 2025, cả nước phấn đấu trồng được một tỷ cây xanh, trong đó 690 triệu cây trồng phân tán ở các khu đô thị và vùng nông thôn, 310 triệu cây trồng tập trung trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và trồng mới rừng sản xuất, nhằm góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển bền vững của đất nước.

Bên cạnh đó, nhiều hoạt động bảo vệ rừng, phục hồi, trồng mới rừng ngập mặn; nâng cao tỷ lệ bảo tồn gắn với phát triển kinh tế sinh thái, sinh kế bền vững của người dân cũng được triển khai.

Từng bước hướng tới nền kinh tế-xã hội xanh, lối sống gần gũi với thiên nhiên, nhiều giải pháp đột phá cũng được đưa ra như việc xây dựng kè sinh thái chống sạt lở bằng cách trồng cây xanh. Tại Hậu Giang, chính quyền địa phương đã phát động phong trào trồng tràm và bần cặp bờ sông để ngăn ngừa sạt lở. Hơn 1 năm qua, 17 km kè sinh thái ở huyện Phụng Hiệp đã được dựng với tổng chi phí chưa tới 2 tỉ đồng. Vừa bảo vệ bờ sông, kè sinh thái còn góp phần tăng độ che phủ cây xanh, ứng phó tốt với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.

Còn tại Cà Mau, người dân dùng đã dùng cây mắm trồng ven sông để ngăn ngừa sạt lở. Đây là loại cây có rễ dày, mọc đan xen nhau và rất phổ biến ở địa phương. Rễ mắm đi đến đâu những chồi non cứ thế mà sinh sôi phát triển dày thêm. Ưu thế của việc làm bờ kè bằng cách trồng cây mắm là không bị hư hỏng theo thời gian như bờ kè bằng bê-tông cốt thép. Hiện ở Cà Mau, kè chống sạt lở bằng cây mắm rất phổ biến ở các huyện như Cái Nước, Năm Căn, Đầm Dơi.

Phong trào trồng 1 tỷ cây xanh cũng như việc dựng kè sinh thái bằng cây xanh còn là cơ sở giúp Việt Nam tham gia thị trường carbon hiệu quả trong bối cảnh Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng dự thảo Đề án "Phát triển thị trường carbon tại Việt Nam". Theo đó, đến năm 2025 Việt Nam sẽ bắt đầu thí điểm và đến năm 2028 sẽ vận hành chính thức sàn giao dịch tín chỉ carbon.

Ứng xử đúng mực với thiên nhiên không chỉ là câu chuyện của một cơ quan quản lý nhà nước cụ thể, mà đó là câu chuyện của mỗi người dân. Bảo vệ thiên nhiên, môi trường cũng là trách nhiệm của chúng ta- thế hệ đương thời đối với thế hệ tương lai.

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.