Tự truyện của cô gái khuyết tật viết bằng 1 ngón tay: Tôi là thiên thần 6 chân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Cô gái khuyết tật chỉ cao hơn 1m, đi lại và nói năng rất khó khăn... đã quyết rời quê nghèo Quảng Trị để một mình vào TP.HCM 'tự đứng bằng đôi chân'.

 

Trà My có tuổi thơ ốm đau nhưng rất hiếu động (Trà My cầm ghế đẩy) - Ảnh: NVCC
Trà My có tuổi thơ ốm đau nhưng rất hiếu động (Trà My cầm ghế đẩy) - Ảnh: NVCC


Kỳ 1: Tuổi thơ chết đi sống lại



Tôi đã "ngủ" gần một ngày trong nhà xác lạnh lẽo nên sau này không có gì làm tôi sợ nữa...

Tôi "quấy" từ bụng mẹ

Ba mẹ tôi cưới nhau vào năm 1981, ít lâu sau ba tôi đi bộ đội biên giới Việt - Lào. Mãi đến giữa năm 1985, ba tôi mới trở về quê.

Ngày mẹ tôi mang thai là ngày mà cả gia đình nội ai cũng vui mừng vì ba tôi là con trai trưởng. Mẹ bảo lúc mang thai tôi chỉ cần ngửi thấy mùi tanh của cá thịt là đã buồn nôn. Vậy nên trong suốt thai kỳ mẹ tôi gần như ăn chay.

Bởi vậy mà cho tới tận bây giờ gần như 80% thực phẩm tôi nạp vào cơ thể chỉ toàn rau củ quả và các loại hạt. Thậm chí tôi còn có tâm niệm một ngày nào đó đủ duyên, tự khắc tôi sẽ không ăn cá và các loại hải sản để chuyển qua ăn chay trường.

Trong suốt thai kỳ, mẹ liên tục ốm nghén, tôi gần như "quấy" mẹ suốt 9 tháng 10 ngày. Thật ra sau này học về thai giáo, tôi hiểu ra một điều rằng: không phải tự nhiên mà thai nhi liên tục "quấy" mẹ, bởi nó cảm nhận được những dấu hiệu bất ổn từ môi trường bên ngoài.

Nhưng ba tôi bảo lúc trong bụng mẹ, tôi đã không hề quẫy đạp như các bào thai khác. Và cái "quấy" của tôi làm cho mẹ liên tục ốm nghén mà thôi.

Tất nhiên là vào những năm đất nước còn nghèo khó, y tế thiếu thốn, thì làm sao người mẹ có thể hiểu được "những tín hiệu" phát ra từ đứa con trong bụng mình?

Bởi từ lúc mang thai mẹ tôi đã đi buôn thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ. Loại chất này cực kỳ độc hại cho người sử dụng và tối kỵ với phụ nữ mang thai, thế nhưng hằng ngày mẹ tôi vẫn phải ngửi chúng rồi mới đem đi bán cho người sử dụng. Mẹ kể mỗi lần ngửi thuốc xong là người cứ thấy chóng mặt, buồn nôn.

À, quay trở lại lý do vì sao tôi lại có tên Trần Trà My. Bởi hồi đi bộ đội, ba tôi là người mê đọc sách. Ông đọc cuốn tiểu thuyết nào đó có nhân vật tên Trà My rất đẹp, nên ông đã ước mơ sau này sinh được con gái thì sẽ đặt tên đó.

Và Trà My như một "định mệnh" cho công việc của tôi sau này. Tôi ra đời cũng khỏe mạnh và đầy đủ tay chân như bao trẻ khác. Là cháu đầu tiên nên từ nhỏ tôi đã được hai bên nội ngoại cưng chiều.


 

 Và lớn lên cô đã trở thành nhà văn viết nhiều cuốn sách đi vào lòng người - Ảnh: NVCC
Và lớn lên cô đã trở thành nhà văn viết nhiều cuốn sách đi vào lòng người - Ảnh: NVCC



8 giờ nằm ở nhà xác

Và cuộc đời đứa bé mới 3 tháng tuổi đã chính thức "rẽ ngang" khi bàn chân phải tôi xuất hiện một nốt ruồi son.

Ban đầu nó bé bằng hạt đậu đỏ nhưng dần to ra. Mọi người cứ nghĩ đó chỉ là cái bớt mà thôi. Nhưng nó ngày một to ra thì nỗi lo sợ của ba mẹ tôi ngày một tăng theo.

Bỏ ngoài tai những lời can ngăn, ba mẹ vẫn muốn đưa tôi vào Bệnh viện T.Ư Huế để mổ. Bởi họ sợ nếu không giải phẫu cắt bỏ thì tôi có nguy cơ sẽ chết nếu như ai đó vô tình chạm vào cái bớt kia, làm những mạch máu rất dễ vỡ ra và khó cầm máu kịp.

Ba tháng tuổi tôi đã lên bàn mổ. Êkip hôm đó chỉ hai bác sĩ chính và thực tập. Cái thời điều kiện y tế chỉ có một cái bình oxy thay cho máy oxy, chỉ cần người cầm bình oxy sơ suất có thể làm nguy hiểm tính mạng bệnh nhân.

Bác sĩ ra thông báo cho ba mẹ tôi đang ngồi ở ngoài rằng tôi đã chết, và họ làm thủ tục chuyển tôi vào nhà xác để sau này mổ tử thi chứ tuyệt đối không cho mang thi thể về nhà.

Thời đó điện thoại chưa thông dụng, ba tôi nhờ người gọi về báo tin rằng tôi đã chết và gia đình chuẩn bị lo hậu sự!

...17h chiều cùng ngày, tự nhiên trong nhà xác phát tiếng khóc ré lên, ba tôi đạp cửa xông vào bế tôi ra khỏi đó. Kết quả là não tôi bị thiếu oxy, đã tổn thương nặng về hệ thần kinh vận động và hệ thần kinh giọng nói, còn tất cả những cơ quan khác vẫn bình thường.

Bởi lẽ nếu như não tôi bị chết đi một số chức năng nữa thì chắc chắn tôi sẽ không thể có được như ngày hôm nay. Bản thân tôi nhận thấy cơ thể mình tự phục hồi qua mỗi năm.

Tôi từ một đứa trẻ có mùi mồ hôi rất kinh khủng, thậm chí lên 7 tuổi tôi vẫn phải ăn cơm bằng cách để người khác nhai hộ (thời đó không có máy xay sinh tố) rồi cho vào miệng tôi mới có thể nuốt được.

Cơ thể tôi mềm như cọng bún, miệng lúc nào cũng chảy nước miếng và đến 9 tuổi ba tôi đã tự trang bị nhiều dụng cụ phục hồi chức năng để bắt tôi tập đi. Hình như lúc tôi 7 tuổi còn ở quê, ba đã tự chế một chiếc khung xe bằng mây để tôi có thể đẩy đi quanh sân nhà.

Cán bộ phục hồi chức năng ở xã Cam An (huyện Cam Lộ, Quảng Trị) đã giới thiệu gia đình tôi cho những đoàn tập huấn trong nước lẫn quốc tế.

Và 7 tuổi, tôi đã được làm "người mẫu ảnh" cho trang bìa của cuốn cẩm nang về hướng dẫn tập phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật.

Tuy giọng nói ú ớ nhưng 4 hay 5 tuổi tôi đã biết xem đồng hồ. Mẹ tôi chỉ dạy có một lần là tôi đã nhớ. Còn những bài thơ, ca dao hay bài hát thiếu nhi do mẹ tôi hay cô ruột tôi dạy, tôi đều ghi nhớ rất nhanh.

Từ nhỏ, tôi như cuốn "notes" của gia đình vì tôi có trí nhớ đặc biệt để nhắc việc cho từng người, dù lúc đó tôi chỉ nằm một chỗ và mỗi lần nhà có đám giỗ thì mọi người sẽ thay phiên nhau bế tôi đi chơi khắp xóm.

5 tuổi tôi chỉ nói được ú ớ, nhưng đã có biệt danh "mụ tám mươi" bởi khả năng nhận biết ngôn ngữ và óc quan sát của tôi cực tốt dù không hề được đi học mẫu giáo. Ở nhà chỉ có mẹ và cô tôi dạy những điều cơ bản như phân biệt màu sắc, đồ vật, thứ ngày, thời gian, nhận biết các con số...

6 tuổi, tôi đã học thuộc hết bộ đồ chơi lắp ghép chữ cái do ba tôi mua về. Nhà tôi lúc đó ba chị em san sát nhau ra đời. Ba tôi đã xin vào lái xe ở Sở Y tế tỉnh Quảng Trị, nên mỗi khi đi công tác ba đều tranh thủ mua đồ chơi cho chúng tôi.

Thậm chí, tôi và em gái mình vẫn còn chơi đồ hàng cho đến năm 15, 16 tuổi thì bị mẹ tôi dẹp bỏ do chúng tôi không chịu sắp xếp gọn gàng, chứ nếu không chắc hai chị em tôi vẫn chơi đến già ...


 


Ba định "cướp" xác tôi

Cô ruột tôi kể rằng lúc hay tin tôi chết ở bệnh viện, ai cũng khóc và đã lo mua sẵn hòm, vải để chờ đem thi thể tôi về làm đám tang.

Ba mẹ tôi vẫn thất thần ngồi ngoài nhà xác và ba tôi đã "mưu đồ" cướp cho bằng được thi thể tôi đem về chứ tuyệt đối không cho ai mổ xác con mình.

Ba tháng tuổi tôi đã một mình nằm ở nhà xác suốt 8 tiếng đồng hồ, thành ra giờ tôi vẫn hay nói vui rằng bé tí đã nằm nhà xác rồi nên giờ chả có gì làm tôi sợ hãi cả!


 




Từ nhỏ, tôi đã bị ám ảnh cái nghèo, ám ảnh cảnh đông con, ám ảnh cảnh toàn phải đi xin vật dụng cũ và ám ảnh những bữa cơm chỉ có rau muống, đậu hũ và bí đao. Nhưng tôi đã quyết tâm học bằng được "con chữ" với cách học không giống ai của đứa trẻ ốm đau...

 

Kỳ tới: Những con chữ "giun bò" của tôi.


 

Theo TRẦN TRÀ MY (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Thung lũng Ia Drăng: Ngày ấy, bây giờ

Thung lũng Ia Drăng: Ngày ấy, bây giờ

(GLO)- Nói đến thung lũng Ia Drăng, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến nơi ghi dấu trận thắng Mỹ đầu tiên của quân và dân ta ở Tây Nguyên. Nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, vùng chiến địa năm xưa đang từng ngày “thay da, đổi thịt”.

Vững niềm tin chiến thắng

Vững niềm tin chiến thắng

(GLO)- Với niềm tin chiến thắng, những thầy thuốc kiên trung đã vượt mọi gian khổ, hy sinh cho đến ngày thống nhất đất nước. Trong tháng Tư lịch sử này, nhớ lại những năm tháng cống hiến sức trẻ vì độc lập, tự do của Tổ quốc, ai cũng xúc động xen lẫn tự hào.

50 năm vẹn nguyên ký ức

50 năm vẹn nguyên ký ức

Ở tuổi 83, cơ thể chằng chịt vết thương của những trận đánh sinh tử, nhưng ký ức về trận đánh cuối cùng tiến về Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vẫn vẹn nguyên trong trái tim, mãi mãi khắc ghi trong máu thịt Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh....

Kỳ tích cao su vươn mình trên xứ sở Angko - Kampong Thom: Kỳ cuối-Đời sống người lao động ngày càng nâng cao

Cao su vươn mình trên xứ sở Angkor - Kampong Thom: Kỳ cuối - Đời sống người lao động ngày càng nâng cao

(GLO)- Bên cạnh xây dựng tổ chức Đảng vững mạnh, phát triển sản xuất kinh doanh, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công ty cổ phần Cao su Chư Sê - Kampong Thom luôn quan tâm cải thiện đời sống cho hơn 3.300 lao động tại Campuchia với thu nhập bình quân 10 triệu đồng/tháng.

Chuyện cả gia đình làm cách mạng - Kỳ 1: Gia đình anh hùng

Chuyện cả gia đình làm cách mạng - Kỳ 1: Gia đình anh hùng

Về miền trong đã lâu nhưng thói quen uống trà từ ngày trên đất bắc, ông Hồ Bút vẫn còn giữ. Bên ấm trà nghi ngút khói, qua lời kể của mình, ông đưa tôi về lại làng Tam Hải, huyện Núi Thành (Quảng Nam), nơi ông sinh ra và lớn lên những ngày tháng tươi đẹp đầu đời, những ngày được ở bên ba mẹ.

Nghề giặt ủi thời hiện đại

Nghề giặt ủi thời hiện đại

(GLO)- Cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, hiện nay, nghề giặt ủi truyền thống không chỉ gói gọn trong việc giặt hấp đồ dùng, quần áo mà còn mở rộng dịch vụ làm sạch vật dụng, phụ kiện theo nhu cầu của khách hàng.