Từ Quảng Nam-Khánh Hòa, Kon Tum, Gia Lai nguy cơ có lũ quét, lở đất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Dự báo, các tỉnh từ Quảng Nam đến Khánh Hòa, Kon Tum và Gia Lai có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; nguy cơ ngập úng cục bộ tại vùng trũng thấp, khu đô thị như thành phố Hội An, thành phố Tam Kỳ.

Các khu phố thấp trũng của thành phố Nha Trang bị ngập cục bộ do mưa lớn không kịp thoát nước. (Ảnh: TTXVN phát)
Các khu phố thấp trũng của thành phố Nha Trang bị ngập cục bộ do mưa lớn không kịp thoát nước. (Ảnh: TTXVN phát)


Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết ngày 13/11, các tỉnh từ Quảng Nam đến Phú Yên, Kon Tum, Gia Lai đã có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to.

Cụ thể, tại Núi Thành lượng mưa đo được 64,4mm, Xuân Bình 49,6mm, Trà Kót 46mm (Quảng Nam); Lưu vực hồ Núi Ngang 183,4mm, Phổ Phong 183mm, Ba Cung 148,6mm, Ba Tơ 148,2mm, Sơn Kỳ 102,6mm (Quảng Ngãi), Nghĩa Điền 171,4mm, An Nhơn 171,4mm, An Hòa 146,7mm (Bình Định); Xuân Lộc 80mm, Xuân Bình 77,6mm (Phú Yên); Pờ E 46,8mm, Ngọc Tem 39,4mm (Kon Tum); Hồ An Khê 45,2mm, Nghĩa An 36,6mm (Gia Lai)...

Dự báo, các tỉnh từ Quảng Nam đến Khánh Hòa, Kon Tum và Gia Lai có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Nguy cơ ngập úng cục bộ tại vùng trũng thấp, khu đô thị ở các khu vực: Núi Thành, Phú Ninh, thành phố Tam Kỳ, Thăng Bình, thành phố Hội An (Quảng Nam); thị xã Đức Phổ, Mộ Đức, Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, thành phố Quảng Ngãi, Ba Tơ (Quảng Ngãi); An Lão, thị xã Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, thị xã An Nhơn, Tuy Phước, thành phố Quy Nhơn (Bình Định); Đồng Xuân, thị xã Sông Cầu, Tuy An, thành phố Tuy Hòa (Phú Yên); thị xã Ninh Hòa, Vạn Ninh (Khánh Hòa). Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1.

Theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, người dân nên cảnh giác, quan sát kỹ các hiện tượng biến động lạ về địa chất, nhanh chóng di chuyển khỏi khu vực có thể xảy ra lũ quét.

Các địa phương trong vùng ảnh hưởng mưa lũ kiểm tra, rà soát nhà ở không an toàn tại các vùng núi, khu dân cư ven sông, suối, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét; sẵn sàng phương án sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ cao đến nơi an toàn; rà soát, bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông các khu vực ngập lụt, chia cắt; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt khi mưa lớn.

Theo Diệu Thúy (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm