Từ những con đường mòn xương cá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thi thoảng tôi được mời nói chuyện hoặc giảng bài về văn hóa thì đều nói rằng: Nước ta có 2 nền văn minh chạy song song nhau. Văn minh lúa nước ở đồng bằng và văn minh nương rẫy ở Trường Sơn Tây Nguyên. Theo truyền thuyết thì 2 miền xuôi-ngược gắn liền với sự tích 50 người con lên rừng và 50 người con xuống biển từ bọc trăm trứng nở ra trăm con của mẹ Âu Cơ khởi nguồn, gầy dựng, nối truyền mà thành.

Nếu cắt ngang 2 nền văn minh ấy thì có Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ. Cắt dọc có núi và biển. Trường Sơn Tây Nguyên là núi. Trước khi có những con đường rất đẹp và tiện dụng hiện nay nối biển với rừng như đường 19 nối Quy Nhơn-Pleiku, đường 24 nối Kon Tum-Quảng Ngãi, đường 26 nối Buôn Ma Thuột-Nha Trang,... thì người Thượng và người Kinh đã mở những đường mòn xương cá để thông thương với nhau, mục đích chính là buôn bán, đổi chác. Cái câu “Ai về nhắn với nậu nguồn/Mít non gửi xuống cá chuồn gửi lên” có từ thời ca dao còn khuyết danh, cái thời trao đổi hàng hóa đơn sơ những sản vật của chính mình kiếm được từ nơi mình sống.

Có thời, các báo tìm được nhân vật Thế trong tiểu thuyết “Đất nước đứng lên”. Đấy là một nhân vật văn học nhưng có thật ngoài đời, quê ở Đà Nẵng. Từ những ngày mịt mù ấy, đứng ở đồng bằng ngước mắt nhìn lên, chỉ thấy thăm thẳm một màu xanh đến đen kịt hoặc là sương mù giăng kín những đỉnh núi. Không ai nghĩ trên ấy có... người. Nhưng những người như ông Thế thì nghĩ khác. Họ đóng khố, cà răng căng tai, vượt những nơi chưa có dấu chân người. “Đi mãi thì thành đường”-Lỗ Tấn nói thế. Họ vạch ra đường, lên với Núp, với Kông Hoa, với Tây Nguyên...

 Đèo An Khê. Ảnh: Phan Nguyên
Đèo An Khê. Ảnh: Phan Nguyên


Tôi cũng từng đến cái nơi giữa rừng già Kbang, lúc ấy đang còn là rừng già thật, ngày xưa được đặt tên là “thị trấn Dân Chủ”. Những cán bộ dưới xuôi, lội rừng lên đây, lấy đây làm căn cứ cách mạng và gọi bằng cái tên Dân Chủ như mong ước của họ thời ấy. Họ tạo ra giữa rừng một thị trấn đồng bằng, một ký ức đồng bằng và một ước mơ đồng bằng. Không phải là những người đầu tiên, nhưng những bước chân của họ, cuộc đời của họ, những cán bộ cách mạng người Kinh ấy đã góp phần khai mở vùng đất này. Giờ nơi ấy là di tích lịch sử, nhưng những người dân bản địa vẫn tiếp tục sống tiếp cuộc đời của họ ở đấy, như ngàn năm trước cha ông họ đã ở, chỉ có điều nó đông đúc và no ấm hơn.

Tôi cũng từng viết về con đường cồng chiêng, con đường ghè/ché rượu từ đồng bằng ngược lên Tây Nguyên để người Tây Nguyên sở hữu và biến thành đặc sản của mình. Cả cồng chiêng và ghè/ché rượu đều vượt núi vượt đèo lên và khi đến tay người Tây Nguyên bản địa, nó trở thành của họ, gắn chặt với đời sống vật chất và tinh thần của họ.

Lại nhớ có lần tôi đã quay xe lại khi đi trên đường Hồ Chí Minh thấy cái biển “Làng Rô”. Dẫu chạy quá một đoạn nhưng tôi vẫn quay lại. Thế hệ chúng tôi ai mà chả thuộc cái trường ca “Nước non ngàn dặm” của Tố Hữu và sự tích làng Rô được phát lộ từ câu thơ “Ơi làng Rô nhỏ của tôi/Cao cao ngọn núi chiếc nôi đại bàng”. Thì hồi đi học đọc thế biết thế, thậm chí là làm bài thi thế, nhưng cứ nghĩ nó xa tít tù mù, nó heo hút tận đâu, làm sao mình thấy mình biết. Thế mà rồi một ngày, trên đường thiên lý, ta gặp. Hà cớ gì không ghé vào thăm. Dẫu vẫn biết, giữa những trang sách và hiện thực nhiều khi nó không trùng nhau. Có nhiều lý do mà thời gian cũng là một lý do cay đắng. Như tôi cũng từng đi tìm lại “Rừng xà nu”, một tác phẩm ai là học trò cũng phải học và tôi đi cùng một đoàn làm phim để làm phim về phục vụ học trò và rồi đã... không tìm ra rừng xà nu cũng như cái làng Xô Man trong sách đã học. Thời gian mà nó biến cái làng Stơr ở xã Nam thăm thẳm hiểm trở, là cái làng Kông Hoa chiến đấu ngày nào, nơi bao nhiêu lần quân Pháp vào càn nhưng đều bất lực bởi những mũi tên bẫy đá, bởi những người Bahnar hiền lành nhưng dũng cảm, thành một làng Stơr bây giờ, như một đô thị với quán xá bảng hiệu nhấp nháy xanh đỏ, với những homestay phục vụ khách du lịch khám phá Kon Ka Kinh.

Trong thời đại hiện nay, những cuộc xâm nhập văn hóa là không thể đảo ngược. Mà chả cứ bây giờ. Người ta đã phát hiện những yếu tố biển trên cao nguyên như năm nào đấy phát hiện ra cái vỏ sò khổng lồ ở một hang đá Tây Nguyên. Và nếu đọc các “trường ca”-cách người Kinh gọi các hơ a mon, hri, khan của người Tây Nguyên ta sẽ thấy rất nhiều biển. Đấy là những cuộc đánh nhau bất phân thắng bại trên rừng, dưới biển. Ngày xưa, các làng Tây Nguyên sống biệt lập, ẩn trong ngút ngàn rừng già. Làng này biệt lập với làng kia, mỗi làng là một “vương quốc”. Các làng chỉ gặp nhau trong vài trường hợp như: đánh nhau giành đất, được mời sang dự pơ thi hoặc lễ gì đấy. Người Việt cũng lấy lũy tre làng làm ranh giới, nhưng hàng tháng họ còn có cái chợ phiên để đến giao lưu. Người Mông, người Thái cũng vậy. Người Tây Nguyên không có chợ, không có các hoạt động liên làng nên việc họ gặp nhau rất là hãn hữu. Huống gì thấy biển. Thế mà trong các “trường ca” cổ ấy, có rất nhiều biển.

Rồi khoa học chứng minh những cuộc trôi lục địa. Và mới nhất, các nhà khảo cổ tận nước Nga phát hiện ra di chỉ Rộc Tưng (thị xã An Khê), nơi gần một triệu năm trước, những con người tối cổ đã xuất hiện, khiến cho bản đồ về sự xuất hiện của con người phải thay đổi.

Lại chợt nhớ tới nghĩa của từ “đồng bào”. Hiện rất nhiều người dùng sai nghĩa của từ này, như giới thiệu anh này “người đồng bào”, nhiều gia đình giờ xuống làng mua heo về mổ bán tại nhà, đề biển “heo đồng bào”. Buồn nhất là ngay báo chí có khi cũng dùng sai, cũng anh này là “người đồng bào”. Thực ra từ “đồng bào” xuất phát từ một truyền thuyết rất hay, rất ý nghĩa của Việt Nam, ấy là mẹ Âu Cơ đẻ ra bọc trăm trứng. Và những người con trong bọc ấy tỏa ra, lên rừng xuống biển làm nên dân tộc Việt Nam. Đồng bào là những người con trong cùng một bọc của mẹ Âu Cơ đẻ ra ấy. Chúng ta hiểu sai đồng bào thành tộc người và ngay từ dân tộc nhiều khi cũng hiểu sai là tộc người. Dân tộc nó lớn hơn, bao trùm hơn, gồm cư dân nhiều tộc người trong một đất nước.

Và cũng không phải ngẫu nhiên mà hàng trăm năm nay, cứ ngày 10 tháng 3 Âm lịch, hàng triệu dân Việt ta lại hành hương về núi Nghĩa Lĩnh, nơi có đền thờ Vua Hùng để tưởng nhớ công ơn tổ tiên. Rồi giờ, nhiều “chi nhánh” Đền Hùng, nơi thờ các Vua Hùng đã có mặt ở nhiều tỉnh thành, mà mới nhất là TP. Cần Thơ vừa khánh thành đền thờ Vua Hùng rất lớn rất đẹp. Ngay ở Pleiku, nhiều năm trước, đã có một mô hình đền thờ Vua Hùng tại công viên Đồng Xanh để những con dân Việt không có điều kiện về Phú Thọ có thể tới đấy tỏ lòng thành kính. Câu ca dao “Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba” hầu như không con dân Việt nào không biết. Ngày ấy, ngoài việc tới đền thờ Hùng Vương dâng lễ, nhiều gia đình làm cỗ thắp hương tại bàn thờ gia đình, như giỗ một đấng tiên tổ thành viên gia đình.

Đang viết bài này thì tôi nhận được thông tin: Một nữ bác sĩ người Hre sống tại Pleiku tên là Đinh Y Quyên vừa lọt vào tốp 70 Hoa hậu hoàn vũ Việt Nam. Hỏi thêm cô “nguyên là ca sĩ” Uyen Nie ở xã Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh) thì biết cô bé Đinh Y Quyên này là con bác sĩ Đinh Quy, nhà ở đường Trần Hưng Đạo. Anh Đinh Quy mới qua đời vì tai nạn, nghe nói cả gia đình đều theo nghề Y. Thì thôi coi như cô bé Quyên an ủi bố bằng tin vui ấy, khiến bác sĩ Đinh Quy ở suối vàng cũng thanh thản. Còn nói cô bé Uyen Nie “nguyên là ca sĩ” là bởi cô này từng học Trường Đại học Nghệ thuật Quân đội, tốt nghiệp về công tác ở Đoàn Nghệ thuật Đam San một thời gian rồi giờ nghỉ, về giúp dân làng Ia Mơ Nông của cô làm du lịch cộng đồng. Tôi đã xuống làng ấy và thấy cô cùng dân làng đang đi rất đúng hướng. Có học có khác, có đi ra ngoài có khác. Giờ dân làng ở đấy đang sống đủ, sống được dẫu chưa giàu, bằng chính đời sống của mình, bằng những việc làm hàng ngày của mình.

Từ những đường mòn xương cá, những đại lộ thênh thang đang mở ra. Vấn đề là làm sao để trên đại lộ ấy, từng cá thể, từng thân phận, từng con người vẫn chính là mình, không bị xóa nhòa, bị khuất lấp. Dẫu là từ một bọc, nhưng 50 người con trên non không thể thay thế 50 con dưới biển và ngược lại. Họ bổ trợ nhau để thành một nước Việt hôm nay hàng triệu con dân đang thành tâm hướng về Giỗ Tổ Hùng Vương.

 

 HOÀNG HƯƠNG GIANG

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.