Từ đại ngàn đến biển xanh: Hành trình gắn kết qua Famtrip Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngành du lịch Gia Lai vừa tổ chức chương trình Famtrip đầu tiên sau hợp nhất tỉnh mới, quy tụ nhiều doanh nghiệp lữ hành khảo sát thực tế các điểm đến của cao nguyên. Famtrip Gia Lai được kỳ vọng sẽ mở lối cho tour tuyến mới, đánh thức cảm hứng trải nghiệm "một hành trình hai hệ sinh thái".

dscf6284.jpg
Đoàn Famtrip tại Bảo tàng Pleiku-địa điểm được nhiều đơn vị lữ hành đánh giá cao trong hành trình. Ảnh: Hoàng Ngọc

Từ hàng thông trăm tuổi đến núi lửa Chư Đăng Ya kỳ vĩ, từ Di tích quốc gia đặc biệt Tây Sơn Thượng đạo đến Bảo tàng Pleiku-“ngôi nhà lịch sử” hay những làng văn hóa Bahnar, Jrai đậm hồn Tây Nguyên, từ ngôi chùa cổ trầm mặc giữa đồng trà mênh mông đến các điểm trải nghiệm mới lạ như dược liệu, sầu riêng…Gia Lai hiện lên vừa mộc mạc vừa kỳ vĩ trong hành trình Famtrip của các doanh nghiệp lữ hành.

Những trải nghiệm thực địa ấy không chỉ mở ra góc nhìn mới về vùng đất cao nguyên, mà còn là cơ sở thực tế để các bên cùng ngồi lại, chia sẻ và đề xuất tại hội thảo hướng tới việc xây dựng những tour tuyến mới, giàu bản sắc và khả thi cho du lịch Gia Lai.

Cảm hứng cho những hành trình mới

img-9464-snapseedcopy.jpg
Sự hòa quyện giữa các giá trị văn hóa-thiên nhiên làm nên sức hấp dẫn riêng có của cao nguyên Gia Lai. Trong ảnh: Ảnh núi lửa Chư Đang Ya. Ảnh: Quốc Nguyễn

Chia sẻ sau hành trình khảo sát, chị Huỳnh Thị Thơ, Giám đốc Công ty Du lịch Huỳnh Lê Travel cho biết, Gia Lai sở hữu kho tàng di sản văn hóa phong phú, độc đáo với nhiều câu chuyện truyền cảm hứng cho phát triển du lịch.

“Tôi rất ấn tượng với Làng du lịch cộng đồng Mơ Hra-Đáp và mô hình Farmstay Sâm Phát. Làng Mơ Hra-Đáp mang vẻ đẹp mộc mạc, đậm hồn cốt văn hóa Bahnar, rất phù hợp cho các tour trải nghiệm văn hóa bản địa. Trong khi đó, Farmstay Sâm Phát là mô hình trồng sầu riêng kết hợp giữa nông nghiệp và khai thác du lịch sinh thái rất đặc trưng. Từ đây có thể ngắm toàn cảnh đập thủy điện Ia Ly từ trên cao, một trải nghiệm rất khác biệt”, chị Thơ chia sẻ.

dscf6342.jpg
Chị Huỳnh Thị Thơ trải nghiệm vòng xoay an lạc tại chùa cổ Bửu Minh trong chuyến Famtrip. Ảnh: Hoàng Ngọc

Ngoài hai điểm đến nổi bật trên sẽ được đơn vị bổ sung vào các tuyến khám phá Tây Nguyên trong thời gian tới, chị Thơ cũng đánh giá cao Trường Sinh Group-một điểm đến mới lạ, mang tính trải nghiệm thực tế chứ không đơn thuần là ngắm cảnh.

Đồng thời, chị đề xuất ngành du lịch Gia Lai cần tăng cường quảng bá, để doanh nghiệp lữ hành có thông tin rõ ràng khi xây dựng chương trình tour, cũng như duy trì hoạt động ổn định tại các làng du lịch cộng đồng để thu hút không chỉ khách trong nước mà cả khách quốc tế yêu thích trải nghiệm văn hóa bản địa.

dscf6420.jpg
Đoàn Famtrip tìm hiểu thế giới dược liệu trong lòng hang nhân tạo tại Trường Sinh Group. Ảnh: Hoàng Ngọc

Không chỉ dừng lại ở cảm nhận bản sắc địa phương, nhiều doanh nghiệp hướng đến xu hướng du lịch mới, chú trọng vào trị liệu, chữa lành. Bà Nguyễn Thị Xuân Lan, Giám đốc Công ty TNHH Lữ hành quốc tế Golden Life chia sẻ: mục tiêu khi tham gia Famtrip lần này là tìm kiếm những sản phẩm du lịch mới, mang tính chuyên sâu, giàu cảm xúc và chạm tới nhu cầu trải nghiệm tinh thần của du khách hiện đại.

“Chúng tôi từng khai thác các tuyến “Trường ca biển biếc, rừng xanh” hay “Lên rừng, xuống biển”. Nhưng sau chuyến famtrip này, tôi sẽ hoàn thiện các tour theo hướng chuyên biệt hơn, hướng đến dòng sản phẩm du lịch trị liệu, du lịch chữa lành-loại hình đang ngày càng được người dân đô thị quan tâm. Không gian thiên nhiên hùng vĩ, không khí trong lành, thực phẩm sạch, năng lượng từ rừng và các giá trị văn hóa-tâm linh của đại ngàn Gia Lai là những yếu tố rất phù hợp để phát triển các tour “về với thiên nhiên, chạm vào tâm hồn”, bà Lan cho biết.

dscf6307.jpg
Con đường hàng thông trăm tuổi gắn liền với lịch sử hình thành đồn điền trà Biển Hồ trên cao nguyên. Ảnh: Hoàng Ngọc

Đặt nền” cho sản phẩm liên vùng

Với góc nhìn chiến lược, một số doanh nghiệp lại nhấn mạnh lợi thế về mùa vụ để kiến tạo các hành trình bốn mùa cho du lịch Gia Lai. Anh Trương Quang Khải, Giám đốc Công ty Du lịch KMK Tourist & Event, cho biết: “Mùa thấp điểm của du lịch cao nguyên (mùa mưa) thì lại là mùa cao điểm đón khách hè của du lịch biển. Ngược lại, khi biển bước vào mùa lạnh thì cao nguyên Gia Lai vào mùa đẹp nhất trong năm với cảnh sắc thiên nhiên rực rỡ. Đây là lợi thế tự nhiên để xây dựng các tour liên tuyến quanh năm, mùa nào đến Gia Lai khách cũng sẽ có những trải nghiệm giá trị”, anh Khải phân tích.

Từ thực tế đó, anh kỳ vọng sau chuyến khảo sát lần này, KMK Tourist cũng như các doanh nghiệp có thể sớm xây dựng các sản phẩm liên tuyến, kết nối hai hệ sinh thái biển-rừng. Trong đó, những điểm đến nổi bật như núi lửa Chư Đăng Ya hay hàng thông trăm tuổi với cảnh quan độc đáo sẽ là lựa chọn tiềm năng cho các tour mùa khô sắp tới.

img-3560.jpg
Mùa khô cũng là mùa đẹp nhất trong năm ở cao nguyên Gia Lai. Ảnh: Bi Ly

Bên cạnh những ý tưởng sản phẩm mới, một số đơn vị lữ hành cũng chỉ ra các điểm đến có thể sớm triển khai trong thực tế. Đánh giá sau chuyến khảo sát, bà Hoàng Thị Thu Sen, Giám đốc Vietravel Bình Định cho rằng tiềm năng du lịch của Gia Lai là rất lớn, tuy nhiên để hình thành sản phẩm thực sự hấp dẫn, cần có quá trình đầu tư nghiêm túc về thời gian, công sức, trí tuệ và cả tài chính.

Bà Sen nhận định: “Trước hết, muốn xây dựng tour liên kết hiệu quả, cần xác định rõ đối tượng khách hàng để thiết kế sản phẩm phù hợp. Qua 2 ngày khảo sát, tôi thấy điểm có thể triển khai sớm nhất chính là Khu di tích Tây Sơn Thượng Đạo. Đây là điểm đến rất hấp dẫn và có ý nghĩa, đồng thời cũng là đầu mối gần gũi, gắn kết chặt chẽ nhất giữa 2 vùng thượng đạo và hạ đạo”.

Tuy nhiên, bà cũng thẳng thắn cho rằng, điểm đến này cần có sự đầu tư nâng tầm về mặt nội dung và trải nghiệm. “Hiện tại, phần thuyết minh còn khô cứng, chưa truyền cảm hứng. Cần có người kể chuyện hấp dẫn, biết khơi gợi cảm xúc. Thậm chí, nên dàn dựng lại cảnh biểu diễn võ thuật để tái hiện hào khí của nghĩa quân Tây Sơn-điều đó sẽ khiến du khách ấn tượng hơn”, bà Sen đề xuất.

dscf6482-2.jpg
Bà Hoàng Thị Thu Sen đưa ra nhiều đề xuất tại hội thảo để xây dựng sản phẩm du lịch mới cho Gia Lai. Ảnh: Hoàng Ngọc

Không chỉ từ phía doanh nghiệp, đại diện các Hiệp hội cũng ghi nhận đây là thời điểm “vàng” để định hình diện mạo du lịch mới cho tỉnh. Ông Nguyễn Tấn Thành, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Gia Lai (cũ) nhìn nhận chuyến Famtrip là hành động rất năng động, kịp thời, tạo động lực cho việc làm mới sản phẩm ngay sau sáp nhập.

Ông Thành nhận định: “Sắp tới, chắc chắn sẽ hình thành các tour tuyến đặc sắc kết hợp giữa rừng và biển-một hành trình trải nghiệm hai hệ sinh thái. Chỉ có qua khảo sát thực tế, các doanh nghiệp mới có cơ sở để tạo ra sản phẩm mới, sẵn sàng giới thiệu ra thị trường. Những khác biệt trong cách làm giữa doanh nghiệp vùng biển và cao nguyên là điều tất yếu, nhưng sẽ dần được xóa bỏ. Hiệp hội sẽ làm cầu nối để các bên cùng hợp tác, tạo nên sản phẩm thực chất và hấp dẫn”.

img-6592.jpg
Chùa cổ Bửu Minh ẩn hiện giữa đồng trà Biển Hồ trong sương sớm. Ảnh: Quốc Nguyễn

Chia sẻ định hướng từ phía quản lý nhà nước, bà Nguyễn Thị Kim Chung, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Gia Lai cho hay, chương trình Famtrip lần này là bước khởi đầu nhằm cụ thể hóa chiến lược phát triển du lịch trong không gian mới sau sáp nhập. “Không gian mới đã mở ra nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch tiềm năng, từ nghỉ dưỡng sinh thái biển đến du lịch sinh thái rừng, du lịch văn hóa-lịch sử và đặc biệt là du lịch cộng đồng mang đậm bản sắc của đồng bào Tây Nguyên”, bà Chung cho biết.

Thông qua chuyến khảo sát thực tế, Sở kỳ vọng các doanh nghiệp lữ hành sẽ có thêm cơ sở để kết nối, xây dựng các tuyến du lịch đặc trưng, hấp dẫn, từ đó đưa vào khai thác, quảng bá và phục vụ du khách trong thời gian tới. Đây cũng là dịp để lan tỏa các giá trị văn hóa bản địa, góp phần định vị hình ảnh du lịch Gia Lai trên bản đồ du lịch quốc gia và khu vực.

Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Phạm Anh Tuấn nghe báo cáo về quy hoạch Khu du lịch Biển Hồ - Chư Đăng Ya

Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Phạm Anh Tuấn nghe báo cáo về quy hoạch Khu du lịch Biển Hồ-Chư Đang Ya

(GLO)- Chiều 19-7, tại trụ sở UBND tỉnh Gia Lai (cơ sở 2, phường Pleiku), đồng chí Phạm Anh Tuấn-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp với đại diện lãnh đạo một số sở, ngành và xã Biển Hồ để nghe báo cáo hiện trạng và định hướng quy hoạch chung Khu du lịch Biển Hồ-Chư Đang Ya.

Hội An là 1 trong 6 thành phố tốt nhất thế giới

Hội An là 1 trong 6 thành phố tốt nhất thế giới

(GLO)- Nét đẹp cổ kính, văn hóa đa dạng, đặc sắc lại một lần nữa giúp cho Hội An (TP. Đà Nẵng) được tạp chí du lịch danh giá Travel+Leisure vinh danh "World’s Best Awards 2025". Với 91/100 điểm, phố cổ Hội An xếp thứ 6 trong danh sách 10 thành phố tốt nhất thế giới.

Thong dong qua miền mây xanh

Thong dong qua miền mây xanh

Trên các cung đường đến với đèo Hải Vân trùng điệp, du khách có dịp hòa mình cùng thiên nhiên để ngắm Hải Vân huyền thoại. Trong những điểm đến của cung đường này, Hải Vân Xanh cũng khá thú vị mà phượt thủ khó bỏ lỡ.

Di sản thế giới liên biên giới đầu tiên của Việt Nam gọi tên Phong Nha-Kẻ Bàng

Di sản thế giới liên biên giới đầu tiên của Việt Nam gọi tên Phong Nha-Kẻ Bàng

(GLO)- Ngày 13-7, Ủy ban Di sản thế giới UNESCO đã phê duyệt việc điều chỉnh ranh giới Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Trị) để mở rộng sang Vườn quốc gia Hin Nam Nô (tỉnh Khăm Muộn, Lào), hình thành Di sản thế giới liên biên giới đầu tiên giữa 2 quốc gia.

Du lịch bứt tốc dẫn đầu khu vực

Du lịch bứt tốc dẫn đầu khu vực

Sau khi bỏ xa "đối thủ" Thái Lan trên đường đua hút khách Trung Quốc, VN tiếp tục bứt tốc vươn lên trở thành điểm đến đạt mức tăng trưởng khách du lịch quốc tế cao nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Bình yên Cù Lao Xanh

Bình yên Cù Lao Xanh

(GLO)- Xã Nhơn Châu, hay như dân gian quen gọi Cù Lao Xanh, là một trong những hòn đảo vẫn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ, nằm cách trung tâm Quy Nhơn khoảng 24 km về phía Đông.

Xem phim rồi check-in Bàu Trắng

Xem phim rồi check-in Bàu Trắng

Những ngày qua, sau khi phim “Lật Mặt 8” mang tên “Vòng tay nắng” với những cảnh quay tại Khu du lịch Bàu Trắng (huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận) khởi chiếu tại các rạp thì ngày càng có nhiều người đến check-in hơn với các địa danh được nhắc đến trong phim.

null