
Infobae của Argentina viết về chuyến thăm của Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva đến Việt Nam mới đây, cùng với kế hoạch của các nhà lãnh đạo Tây Ban Nha, Pháp và Ủy ban châu Âu (EC) thăm Việt Nam thời gian tới, cho thấy sự quan tâm của các nhà lãnh đạo thế giới đối với Việt Nam trong bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu gia tăng do tác động từ chính sách thuế quan mới của Mỹ.
Theo Infobae, các chuyến thăm phản ánh sự quan tâm của các nước và khu vực đối với Việt Nam, một trong những nền kinh tế năng động nhất châu Á, với mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025.
Đặc biệt, chính sách thuế quan của chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang thúc đẩy các nhà lãnh đạo này đến Việt Nam để tăng cường thương mại, đầu tư và giảm thiểu tác động.
Tờ báo cho rằng Việt Nam có nhiều điểm hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài như chính trị ổn định, nguồn lao động giá rẻ, vị trí địa lý thuận lợi, giúp tiếp cận nhanh chóng thị trường Trung Quốc và trở thành lựa chọn thay thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Việt Nam cũng đang tìm cách đa dạng hóa thương mại thông qua việc tham gia các hiệp định thương mại tự do quan trọng như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)...
Đối với Tây Ban Nha nói riêng, Infobae nhận định quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và quốc gia Nam Âu này nằm trong khuôn khổ của hiệp định thương mại tự do với châu Âu. Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez dự kiến tìm kiếm cơ hội thương mại và kinh doanh mới trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và cơ sở hạ tầng với Việt Nam
Ngay từ đầu năm, Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga Mikhail Vladimirovich Mishustin thăm chính thức Việt Nam từ ngày 14 đến 15/1.
Sau đó, Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon có chuyến thăm chính thức Việt Nam và dự Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025, từ ngày 25 đến 28/2, theo lời mời của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Mới đây, Vua Philippe của Bỉ và Hoàng hậu cũng đã có chuyến thăm cấp nhà nước Việt Nam từ ngày 31/3 đến 4/4. Đây là lần đầu tiên Vua Philippe đến Việt Nam với cương vị người đứng đầu hoàng gia. Trước đó, khi giữ cương vị thái tử, ông đã 3 lần thăm Việt Nam vào năm 1993, 2003 và 2012.
Các nhà lãnh đạo thống nhất Việt Nam và Bỉ cần phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn quốc tế và khu vực để thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, pháp quyền, phát huy trách nhiệm quốc tế để giải quyết các thách thức khu vực và toàn cầu.
Theo tờ Infobae Việt Nam đang tìm cách đa dạng hóa thương mại thông qua việc tham gia các hiệp định thương mại tự do quan trọng như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)...