Truyền hình số mặt đất: Dễ chuyển đổi, không trả phí

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chỉ còn gần 2 tháng nữa, truyền hình tương tự mặt đất (analog) sẽ chính thức ngừng phát sóng để chuyển sang phát sóng truyền hình kỹ thuật số mặt đất DVB-T2. Nhiều người dân đặt câu hỏi: Ti vi mình đang dùng có xem được truyền hình số mặt đất hay không và sau khi chuyển đổi có phải đóng phí hàng tháng không? 
Quá trình số hóa truyền hình mặt đất được thực hiện cả ở phía phát và phía thu nhằm mang lại nhiều lợi ích cho người xem truyền hình. Khi quá trình số hóa này hoàn thành, truyền hình số mặt đất DVB-T2 sẽ thay thế hoàn toàn truyền hình analog.
Trước những thông tin liên quan đến số hóa truyền hình mặt đất, chị Hoàng Thị Đông (số 256A Tăng Bạt Hổ, TP. Pleiku) thắc mắc: “Ti vi nhà tôi mua cách đây 3 năm. Nếu chuyển sang truyền hình số mặt đất thì liệu tôi có phải mua ti vi mới hay không? Có tốn kém gì nhiều không?”. Đây cũng là câu hỏi của khá nhiều người dân trên địa bàn tỉnh.
Xung quanh vấn đề này, ông Hà Văn Hóa-Phó Giám đốc Đài Phát thanh-Truyền hình Gia Lai-thông tin: Đối với ti vi cũ chưa tích hợp chuẩn DVB-T2, để xem được truyền hình số mặt đất thì người dân cần kết hợp sử dụng đầu thu truyền hình số mặt đất SDTV và ăng ten thu sóng DVB-T2. Đối với ti vi cũ hiện người dân đang sử dụng để xem truyền hình analog và trong vùng phát sóng truyền hình số mặt đất thì chỉ cần trang bị đầu thu truyền hình số mặt đất DVB-T2.
Tất cả ti vi hiện bán trên thị trường đều có tích hợp tính năng DVB-T2. Ảnh: Internet
Tất cả ti vi hiện bán trên thị trường đều có tích hợp tính năng DVB-T2. Ảnh: Internet
Cách đây 3 năm, Đài Truyền hình Việt Nam cũng lắp đặt tại đỉnh núi Hàm Rồng một máy phát hình truyền hình số mặt đất có công suất 2,4 kW, phát kênh 27 chuẩn phát DVB-T2. Theo đó, Đài Truyền hình Việt Nam chính thức phát sóng truyền hình số mặt đất trên địa bàn tỉnh từ ngày 12-10-2017 với 9 kênh VTV (gồm: VTV1 HD, VTV2 HD, VTV3 HD, VTV4, VTV5, VTV6 HD, VTV7, VTV8, VTV9 HD) và kênh Truyền hình Gia Lai (THGL).
Chị Lê Thị Minh (số 41/12 Nguyễn Văn Cừ, TP. Pleiku)-một trong những gia đình đã sử dụng truyền hình số mặt đất-cho biết: “Gia đình tôi trước nay dùng truyền hình cáp, có thể xem kênh Youtube. Nhưng nhà tôi có mẹ già, cụ không rành việc sử dụng Youtube. Qua tìm hiểu và được nhiều người tư vấn, chúng tôi đã mua thêm đầu thu truyền hình số mặt đất DVB-T2. Chỉ tốn khoảng 150 ngàn đồng mua đầu thu và thêm ít tiền công lắp đặt, ngoài ra không tốn thêm khoản phí gì mà chất lượng truyền hình rất tốt, hình ảnh sống động, lại có nhiều kênh để xem”. 
Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia Việt Nam dành cho thiết bị thu truyền hình số mặt đất DVB-T2. Theo quy định, các đầu thu truyền hình số mặt đất DVB-T2 hoặc ti vi có tích hợp đầu thu truyền hình số DVB-T2 khi lưu thông trên thị trường phải có nhãn hàng hóa, dấu hợp quy và phải dán biểu trưng truyền hình số mặt đất. Trong nhãn hàng hóa có ghi dòng chữ: “Hỗ trợ thu truyền hình số mặt đất DVB-T2”. Biểu trưng truyền hình số mặt đất DVB-T2 là hình con mắt cách điệu có 3 màu: đỏ, xanh lá, xanh lam. 

Theo Phó Giám đốc Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh, quá trình số hóa truyền hình mặt đất đang diễn ra trên quy mô toàn thế giới vì các lợi ích mà nó mang lại, đó là chất lượng cao về hình ảnh và âm thanh, số lượng kênh phong phú. Sử dụng truyền hình số mặt đất cũng có thể thu xem miễn phí nhiều kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của Đài Truyền hình quốc gia, Đài Phát thanh-Truyền hình địa phương và các kênh không khóa mã. 

Bên cạnh đó, khi chuyển sang truyền hình số mặt đất, nguồn tài nguyên tần số vô tuyến điện được sử dụng rất hiệu quả vì một kênh tần số có thể truyền được nhiều kênh chương trình truyền hình số. Sau khi kết thúc quá trình số hóa truyền hình, một phần của băng tần UHF đang sử dụng bởi truyền hình mặt đất sẽ được giải phóng. Đây là nguồn tài nguyên tần số quan trọng để triển khai các dịch vụ thông tin vô tuyến băng rộng mới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
HÀ DUY

Có thể bạn quan tâm

500 nhà khoa học, lãnh đạo quốc tế bàn về trí tuệ nhân tạo cho tương lai

500 nhà khoa học, lãnh đạo quốc tế bàn về trí tuệ nhân tạo cho tương lai

Phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) an toàn và vững bền, các hệ thống trí tuệ tăng cường kết hợp trí tuệ tự nhiên và trí tuệ nhân tạo, Chính phủ sử dụng AI phục vụ tốt nhất cho công dân... là những vấn đề thời sự toàn cầu được các nhà khoa học quốc tế thảo luận tại hội thảo diễn ra sáng nay 11.1.