Trung Quốc đã sử dụng trí tuệ nhân tạo trong dự báo thời tiết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong tháng 7 vừa qua và tháng 8 này, Phòng thí nghiệm AI Thượng Hải đã triển khai thí điểm hệ thống dự báo thời tiết tiên tiến dựa trên AI có tên là Fengwu.
Ảnh minh họa.(Nguồn: Reuters)

Ảnh minh họa.(Nguồn: Reuters)

Theo Tân Hoa Xã, Trung Quốc đã sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong ngành khí tượng thủy văn để nâng cao độ chính xác trong dự báo thời tiết.

Ứng dụng này được triển khai trong bối cảnh Trung Quốc đã phải hứng chịu những điều kiện thời tiết cực đoan trong mùa Hè như nắng nóng cực đoan, bão lũ gây thiệt hại lớn.

Trong tháng 7 vừa qua và tháng 8 này, Phòng thí nghiệm AI Thượng Hải đã triển khai thí điểm hệ thống dự báo thời tiết tiên tiến dựa trên AI có tên là Fengwu. Hệ thống này có khả năng đưa ra dự báo và cảnh báo khí tượng và thời tiết chính xác hơn đối với những cơn bão đang đến gần.

Ví dụ, cho đến nay, bão Doksuri được đánh giá là cơn bão mạnh nhất đổ vào Trung Quốc trong mùa Hè này. Đối với cơn bão này, hệ thống Fengwu đưa ra thông tin dự báo trong vòng 24 tiếng đồng hồ với sai số thấp hơn đáng kể so với sai số dự báo của Trung tâm dự báo thời tiết châu Âu hoặc Trung tâm dự báo môi trường quốc gia của Mỹ. Tương tự, sai số của hệ thống Fengwu đối với thông tin dự báo bão Khanun cũng thấp hơn so với các trung tâm dự báo khác.

Được công bố hồi tháng 4, Fengwu là hệ thống dự báo thời tiết tầm trung toàn cầu. Dựa trên công nghệ học sâu đa nhiệm và đa mô hình, hệ thống này có khả năng đưa ra kết quả dự báo khí tượng toàn cầu có độ chính xác cao cho 10 ngày tới chỉ trong vòng 30 giây. Điều này cho thấy khả năng dự báo hiệu quả hơn so với các hệ thống không sử dụng AI vốn phần lớn dựa trên hệ thống siêu máy tính.

Theo nhóm nghiên cứu hệ thống Fengwu, mô hình dự báo dựa trên AI này có thể bổ sung cho các mô hình truyền thống trong tương lai. Mô hình dự báo dựa trên AI có thể giúp cung cấp thông tin dự báo thời tiết chính xác hơn cho các ngành như nông - lâm nghiệp, chăn nuôi, đánh bắt thủy sản, hàng không, hàng hải và an toàn công cộng.

Dự kiến, nhóm nghiên cứu cũng sẽ áp dụng công nghệ AI cho nghiên cứu khoa học Trái đất ở phạm vi rộng lớn hơn, bao gồm môi trường, thiên văn học, địa chất và các lĩnh vực khác. Điều này góp phần giúp Trung Quốc đạt được mục tiêu trung hòa carbon, ngăn ngừa và giảm thiểu thảm họa cũng như đảm bảo an ninh năng lượng.

Một hệ thống dự báo thời tiết khác cũng dựa trên AI do Trung Quốc phát triển là Pangu-Weather. Một nhóm nghiên cứu của công ty điện toán đám mây Huawei Cloud đã công bố kết quả nghiên cứu hệ thống Pangu-Weather trên tạp chí Nature hồi tháng 7.

Pangu Weather có thể dự báo độ ẩm, tốc độ gió, nhiệt độ và áp suất mực nước biển. Đây là những thông tin rất quan trọng để dự đoán sự phát triển của các hệ thống thời tiết, đường đi của bão, chất lượng không khí và các hình thái thời tiết.

Độ chính xác dự đoán của mô hình này từ 1 tiếng đồng hồ đến 7 ngày cao hơn độ chính xác trong dự báo của một số trung tâm khí tượng ở châu Âu và Mỹ trong cùng khoảng thời gian so sánh. Hệ thống này đã đưa ra những thông tin dự báo hiệu quả về đường đi của bão Mawar hồi tháng 5 và sau đó được sử dụng trong dự báo bão Doksuri trong tháng 8 này.

Việc Trung Quốc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng AI trong bối cảnh nước này thúc đẩy phát triển kinh tế số. Năm 2022, Trung Quốc ghi nhận quy mô nền kinh tế số tăng lên 50.200 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 7.000 tỷ USD), chiếm 41,5% GDP của nước này. Theo đó, kinh tế số trở thành một động lực quan trọng cho tăng trưởng ổn định cũng như cho quá trình chuyển đổi số ở nước này.

Có thể bạn quan tâm

500 nhà khoa học, lãnh đạo quốc tế bàn về trí tuệ nhân tạo cho tương lai

500 nhà khoa học, lãnh đạo quốc tế bàn về trí tuệ nhân tạo cho tương lai

Phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) an toàn và vững bền, các hệ thống trí tuệ tăng cường kết hợp trí tuệ tự nhiên và trí tuệ nhân tạo, Chính phủ sử dụng AI phục vụ tốt nhất cho công dân... là những vấn đề thời sự toàn cầu được các nhà khoa học quốc tế thảo luận tại hội thảo diễn ra sáng nay 11.1.