Trở lại mưu sinh: Chợ nổi chờ trông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Buổi trưa trên dòng kênh Tẻ (Q.7, TP.HCM) không quá oi bức, mặt nước hắt lên những chùm mây đen vần vũ.
Chắc trời sắp đổ cơn mưa! Đã hơn 4 tháng ròng, dân thương hồ ở dòng kênh này phải gồng mình trong cơn bão dịch, giờ lại tiếp tục thấp thỏm kế sinh nhai vì nước ngập, triều dâng.
Chúng tôi hỏi rất nhiều nhưng ai nấy cũng chỉ biết mỉm cười, những ánh mắt trông có vẻ nhẫn nhịn như chính cái nghề mà họ đang nặng nợ.
Nổi trôi giữa dòng dịch giã
14 giờ ngày 24.10, đường Trần Xuân Soạn thưa thớt dòng xe. Cặp dòng kênh Tẻ là một dãy thuyền ghe bạc màu nằm im lìm, nối sát nhau. Trên bến, chị Lê Thị Kim Phượng (43 tuổi, quê Tiền Giang) vẫn kiên nhẫn ngồi đó, mặt chị buồn xo nhìn tủ mít còn “nặng trịch”. Chừng nửa tiếng đồng hồ, họa may mới có 1 - 2 khách hàng ghé lại. Hễ mít còn chất đầy bao nhiêu thì lòng chị càng thêm trĩu nặng bấy nhiêu, vì đó là kế sinh nhai duy nhất trong ngày của gia đình nhỏ gồm 4 thành viên suốt 10 năm nay. “Bán buôn kiểu này oải quá”, chị Phượng chép miệng. Phố xá như chậm lại trong đôi mắt chất đầy nỗi lo.
15 giờ 30, gió bắt đầu nổi lên, kéo theo những con nước nối đuôi ì oạp vỗ vào mạn thuyền. Xóm ghe ngụ cư từng hồi lắc lư theo nhịp triều dâng. Từ dưới ghe, tiếng một người đàn ông í ới gọi lên bến: “Triều dâng nữa rồi bà ơi!”. Chị Phượng giật mình nhìn xuống, thảng thốt thấy dòng nước đã kịp tới chân. “Nữa hả trời?”, chị lại chép miệng thêm lần nữa, hỏi bâng quơ. Nỗi lo chồng lấy nỗi lo!

Chiếc ghe chưa đầy 30 m2 và đã quá bạc màu, là nơi cư trú của gia đình bà Gái. Ảnh: Bích Ngân
Chiếc ghe chưa đầy 30 m2 và đã quá bạc màu, là nơi cư trú của gia đình bà Gái. Ảnh: Bích Ngân
17 giờ 30, dưới ánh chiều chệnh choạng, nước đã ngập nửa chân người. Phố xá giờ tan tầm đông đúc nhưng chẳng ai muốn dừng xe lại để mua thứ gì đó vào lúc này, vì họ phải thật nhanh lội qua dòng nước đục. Gánh hàng của chị Phượng cứ thế trơ trọi giữa dòng người. “Nước cứ lên đúng lúc người ta đi làm về kiểu này thì bán buôn gì được đây?”, chị vừa bước xuống ghe, vừa hỏi người chồng đang lủi thủi bắc nồi cơm lên bếp trong chiếc ghe nhỏ, nhưng đáp lại chỉ là sự im lặng đến bất lực của anh. Mắt họ chạm nhau, buồn hiu hắt!
Chuyện bán buôn không phải lúc nào cũng “xuôi chèo mát mái”, nhưng với tình cảnh hiện tại của những thương hồ trên dòng kênh Tẻ, thì đó là nỗi lo không hề nhỏ. Đã hơn 4 tháng ròng, những chiếc ghe của họ phải nép mình trong cơn bão dịch, nay lại tiếp tục thấp thỏm kế sinh nhai vì nước ngập, triều dâng.
“Chợ nổi” ở kênh Tẻ ngày thường sầm uất, tấp nập bao nhiêu thì giờ hiu quạnh thấy hẳn. Nhiều ghe thuyền vẫn “cửa đóng then cài”, vì họ không muốn mạo hiểm “ôm lỗ” khi lượng khách không còn nườm nượp như trước. Những buổi bán hàng thất thểu trong cảnh “ngóng khách” của vợ chồng chị Phượng là minh chứng rất điển hình cho thực cảnh ấy!
20 năm “sống nhờ” trên dòng kênh Tẻ, bà Phạm Thị Gái (50 tuổi, quê Long An) dẫu tràn trề kỹ năng và mối mang buôn bán, vậy mà vẫn còn lận đận trăm bề, huống chi với những người mới “cập bến” làm ăn! Hồi dịch chưa bùng phát, ngày nào bà Gái cũng bán trên dưới chục ký mít, có đồng vô đồng ra thong thả. Giờ, ngày nào dư được 100.000 đồng là đã “mừng húm” trong bụng. Rồi mấy ai biết, để kiếm được những đồng tiền lời ít ỏi ấy, bà phải ngồi từ sáng sớm đến tận tối mịt mới xong.
Đó là chưa tính lượng hàng bị ế, qua vài hôm phải đem đổ bỏ vì hư, coi như “lỗ trắng”. Xót của mình một, xót công người trồng gấp bội phần. Nhưng đành chịu chứ biết làm sao. Trên kênh Tẻ, khoảng tầm 30 chiếc ghe của dân thương hồ còn sót lại. Có những chiếc ghe quạnh vắng neo qua ngày dịch, bỏ mặc cho dòng nước xô đẩy. Kiếp thương hồ như nhánh lục bình trôi vô định, không biết bến đỗ sẽ về đâu…

Em Ngọc Anh học trực tuyến trên ghe
Em Ngọc Anh học trực tuyến trên ghe
Lối rẽ nào ở tương lai
Vậy vì sao họ vẫn trụ lại? Đơn giản, vì họ đã xem dòng kênh này như mái ấm, như quê hương thứ 2 của họ. “Sống đâu quen đó, dòng kênh này đã cưu mang cô chú bao nhiêu năm nay, bỏ nó mà đi sao đành! Ở đâu mình thấy vui thì mới làm tốt được”, bà Gái nói.
Vợ chồng bà Gái đến nay có với nhau 3 mặt con, cả gia đình cùng tá túc, sinh hoạt trên chiếc ghe chưa đầy 30 m2 và đã quá bạc màu với thời gian. Đứa con trai lớn 24 tuổi, đã nghỉ học; đứa con gái giữa chưa tròn 18 tuổi, cũng tính… nghỉ học. Còn đứa con út tên Ngọc Anh (14 tuổi), người con mà hễ mỗi lần nhắc đến, mắt bà Gái sáng lên niềm kỳ vọng. Hồi Ngọc Anh đến tuổi đi học, vốn là dân ngụ cư trên sông nước, nhà bà Gái làm gì có được tờ giấy KT3 nào để “lận lưng”. Nhìn con người ta hằng ngày đến lớp học chữ, vợ chồng bà trằn trọc không chợp mắt nổi khi đêm xuống. Hai đứa lớn, vì cảnh nghèo của cha mẹ, nên đã không thể chuyên tâm học hành. “Kịch bản” đó với bà Gái, chắc chắn không thể được tái diễn thêm lần nữa.
Nghĩ bụng, vợ chồng bà lần mò hỏi han hết chỗ này đến chỗ khác, quyết tìm đường cho con gái được đi học đàng hoàng như bạn bè đồng trang lứa. Nhờ người Sài Gòn bao dung, nghe câu chuyện bà Gái, một tiểu thương gần đó nhận ngay Ngọc Anh làm cháu ngoại, nhập tên vào hộ khẩu để làm hồ sơ cho em vào lớp 1.

Nhiều gia đình thương hồ mưu sinh lênh đênh trên dòng kênh Tẻ
Nhiều gia đình thương hồ mưu sinh lênh đênh trên dòng kênh Tẻ
Bây giờ, Ngọc Anh đã học lớp 8, nhưng ngày chở con vào khai giảng, đứng trước cổng trường, vợ chồng bà Gái hạnh phúc đến nỗi rơi nước mắt hồi nào chẳng hay. Xem như, sự nỗ lực của vợ chồng người phụ nữ tần tảo này là một món quà vô bờ bến, để Ngọc Anh có được hành trang tốt, giúp em bước tiếp chặng đường nhiều hy vọng nhưng còn quá đỗi chông chênh phía trước.
Thật ra, chẳng riêng vợ chồng bà Gái mà hầu như thương hồ nào sống trên đoạn kênh Tẻ này cũng có chung một nỗi niềm như thế. Cũng vì cái nghiệp lênh đênh sông nước mà ước mơ về sự ổn định của họ cũng nổi trôi, không biết đến hai chữ “ngày mai”. Nhưng Sài Gòn mình đâu bao giờ thiếu sự bao dung! Chỉ cần lòng người dốc tâm lao động thì ắt được đền đáp, sẻ chia. Mà trước mắt, đó là sự chung sức chung lòng, đồng cam cộng khổ với những khó khăn của chính quyền thành phố trong công cuộc khôi phục lại nhịp sống kinh tế sắp tới.
Đã có những kiến nghị về một đề án chợ nổi trên dòng kênh Tẻ, vừa đưa việc buôn bán trên sông nước trở thành một sự riêng biệt, tô điểm cho văn hóa đô thị đặc trưng của Sài Gòn, phục vụ cho ngành du lịch; lại vừa ổn định cuộc sống, thu nhập của những thương hồ, giúp họ không còn sống cảnh trông chờ vào ngày mai. Nhất là sau một trận đại dịch hiểm nguy thì tâm lý cần sự ổn định trong làm ăn, lại càng là vấn đề thời sự vô cùng nhức nhối! Rất tiếc, tất cả đến nay chỉ là những ý tưởng chưa được cụ thể hóa bằng những quyết tâm thật sự…
“Mong chờ sự ổn định lắm, chứ lênh đênh vầy hoài thì không biết ngày mai sẽ ra sao? Nhưng biết đến bao giờ?”, cả bà Gái và chị Phượng đều đặt ra những câu hỏi mà họ không biết rằng, bản thân tôi khó thể nào lý giải được.
Phố lên đèn, dãy thuyền trên dòng kênh Tẻ in sâu bóng xuống mặt nước, như một bức tranh huyền diệu của màn đêm. Vẳng lại từ phía xa, tiếng đọc bài qua lớp học trực tuyến của con trẻ từ dưới ghe vang vọng, làm lòng người nhẹ nhàng đến lạ. Bình an đang dần trở lại và tôi tìm thấy được sự bình an ở ngay giây phút này. Còn ngày mai, chắc chắn sẽ lại là những nỗi chờ trông…
(còn tiếp)
Theo Bích Ngân (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.