Trở lại 'điểm nóng' da cam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Niềm hy vọng hồi sinh nơi 'điểm nóng da cam' A So (H.A Lưới, Thừa Thiên - Huế) vừa thắp lên, khi có tin về dự án xử lý đất nhiễm dioxin do Bộ Quốc phòng sắp triển khai vào tháng 7.
 
Vùng “lõi” sân bay A So, cây cối cằn cỗi. Ảnh: HOÀNG SƠN
Khách không dám bước… xuống xe
Phó chủ tịch UBND xã Đông Sơn (H.A Lưới) Hồ Văn Tôi báo tin cho tôi qua điện thoại, giọng như reo: “Hay tin Bộ Quốc phòng sẽ xử lý 15 ha đất nhiễm chất độc da cam (dioxin) xung quanh sân bay A So, mấy ngày nay bà con trong xã ai cũng mừng. Chúng tôi chờ đợi dự án này lâu lắm rồi. A So sẽ rất khác sau 2 năm nữa…”.
Sự đổi khác mà anh Tôi kỳ vọng là làm sao thu hút được du khách đến với mảnh đất A So để thăm thú sân bay, ghé khu di tích lịch sử quốc gia Khu chứng tích chiến tranh hóa học của Mỹ (được công nhận vào năm 2013). Còn hiện tại, cảnh tượng A So không khác nhiều so với cách đây 10 năm, khi Hồ Văn Tôi còn là Bí thư xã đoàn đang nỗ lực phủ xanh các đồi trọc.
Dẫn chúng tôi vào “lõi” sân bay A So, Trưởng thôn Cà Vá 28 tuổi Nguyễn Văn Giang cứ một hai thúc giục phải đi nhanh bởi mưa Trường Sơn dễ khiến chất độc da cam từ lòng đất bốc lên, xộc vào mũi. Bà con người dân tộc Pa Koh, Tà Ôi, Cơ Tu sinh sống xung quanh sân bay dù đã quen, nhưng hễ có cơn giông là không ai ra khỏi nhà.
“Năm 1992, bố mẹ tôi từ biệt anh em ở xã Hồng Thủy (H.A Lưới) để vào lập nghiệp trên mảnh đất Đông Sơn, ngay cạnh khu sân bay này. Thế rồi cứ mỗi sáng thức dậy, nhiều người không thể lên rẫy vì quá mệt mỏi. Trẻ con ốm đau thường xuyên. Mãi sau này, ngành chức năng mới cho biết xung quanh khu vực sân bay tồn dư chất độc da cam rất nặng nề”, Giang kể. Thêm một cuộc di dân khỏi vùng lõi sân bay vào năm 2004. Thoát khỏi “rốn” da cam, nhưng Giang bảo hằng ngày vẫn cảm nhận được loại chất độc này qua từng hơi thở...
 
Hồ Thị Ngọc Thư với cuốn sách chữ nổi, ước mong sân bay A So sớm được xử lý chất độc
Lội bộ qua nhiều lùm gai bồ kết được trồng để vừa “giải độc” vừa ngăn gia súc vào sân bay ăn cỏ, chúng tôi vấp phải những tảng bê tông lớn. Giang bảo, đây chính là những nền móng công trình sân bay A So - nơi trong chiến tranh Việt Nam, quân đội Mỹ đã sử dụng để đậu máy bay chở chất độc da cam đi rải trên các cánh rừng già Trường Sơn.
Nhiều tài liệu ghi chép, tháng 8.1965 - 12.1970, riêng H.A Lưới có tới 256 phi vụ rải chất độc hóa học. Trong đó, sân bay A So gánh chịu nặng nề nhất vì việc rửa máy bay đã khiến chất độc thấm sâu xuống đất. Chỉ cho chúng tôi xem hàng cao su còi cọc trên sân bay, Giang bảo đấy là những gì còn sót lại của đợt trồng cây cách đây 10 năm. Cây cối ở vùng này nếu không chết cũng chỉ cao không quá 3 m.
“Khách đến thăm A So vẫn sợ lắm. Nhiều người chỉ dám ngồi trên xe nhìn xuống, rồi vẫy tay chào đám trẻ”, giọng Giang chùng xuống.
11 lần mang nặng, chỉ 3 lần đẻ đau
Trời đất bỗng tối sầm, sấm sét xé mây đánh xuống cánh rừng phía xa. Chúng tôi nhảy né từng hố sâu trên sân bay rồi chạy vào nhà của một người dân gần đó. Đúng như Trưởng thôn Nguyễn Văn Giang nói, trong cơn giông có thể ngửi thấy mùi khó chịu bốc lên từ mặt đất, gây ra cơn đau đầu thoáng qua.
“Chúng tôi sống như thế mấy mươi năm qua. Lâu dần cũng thành quen…”, chủ nhà Hồ Giang Ngân nói rồi vội vã tránh đi. Đã từ lâu, ông Ngân không muốn kể câu chuyện đau buồn của mình. Cứ có khách lạ là ông lảng tránh vì biết thế nào cũng có người hỏi về hoàn cảnh. “Cứ mỗi lần như thế, ông ấy lại khóc. Nên lần nào có khách, tôi cũng tiếp thay chồng mình”, bà Hồ Thị Liên (vợ ông Ngân) nói.
47 tuổi, người phụ nữ Pa Koh này có 3 người con gái. Đó là kết quả của 11 lần mang thai. 8 người con khác của bà đã mất vì những di chứng khủng khiếp của chất độc da cam. Trong số đó, bà sẩy thai nhiều đứa khi chỉ vài tháng là dự sinh, có đứa sinh non trong thân hình dị dạng. “Cả thảy 6 đứa sinh non, không sống được. Một đứa sinh lúc mới 7 tháng, sống được 15 ngày. Năm 2004, thêm một đứa con nữa ra đời. Cả nhà mừng khôn xiết vì thấy cháu lành lặn. Nhưng rồi cháu chỉ sống được 2 năm, cơ thể cứ teo dần…”, bà Liên gạt nước mắt.
 
Dự án nước sạch đang được kéo thêm về A So để người dân dùng nguồn nước an toàn hơn
Từ dưới bếp vọng lên tiếng của Hồ Thị Ngọc Thư gọi mẹ để xin nước uống. Bà lật đật dìu con lên. Cô gái đã 24 tuổi nhưng sống gần như phụ thuộc vào mẹ. Ngọc Thư bị mù khi mới 9 tuổi. Đau ốm thường xuyên, lại lên cơn động kinh. Đi khám mới biết Thư bị di chứng chất độc da cam nên bị u não. Mổ não 3 lần thì Thư mù luôn đôi mắt. Giờ cứ mỗi tháng lại lên cơn động kinh 3 - 4 lần...
Chưa nguôi nỗi đau vì cuộc sống Thư chìm vào bóng tối, bà Liên lại hay tin 2 cô con gái Hồ Thị Ngọc Thủy (26 tuổi) và Hồ Thị Ngọc Linh (21 tuổi) cũng bị bệnh liên quan đến hệ thần kinh. Bà Liên bảo ở Đông Sơn, nhiều người cũng gặp bi kịch do di chứng của chất độc da cam. Họ cũng muốn tìm nơi khác để ở nhưng nghèo khó nên cam chịu. Gần 30 năm gắn bó với “điểm nóng” da cam, sức khỏe của nhiều người sa sút. Gần đây, số người chết vì ung thư tại Đông Sơn nhiều thêm. Già Hồ Văn Phai (70 tuổi) góp chuyện, hôm qua làng bên vừa chôn cất người đàn ông bị ung thư gan.
Phó chủ tịch xã Hồ Văn Tôi cho hay di chứng chất độc da cam giờ đã ảnh hưởng sang đến đời F3. Năm 2018, ngành chức năng đã khảo sát trên 600 người, ghi nhận đến 200 người nghi nhiễm. “Bệnh ngoài da như nổi mẩn đỏ ở thế hệ F3 rất nhiều. Bệnh ung thư gan cũng nhiều. Ở xã đa số chết vì ung thư. Đây là những bệnh nằm trong số 9 loại bệnh do chất độc da cam gây ra mà Bộ Y tế đã công bố”, anh Tôi bùi ngùi.
Ước vọng “đổi đời”
10 năm trước, khi gặp tôi, Hồ Văn Tôi là thanh niên Đông Sơn nổi lên như một điển hình làm kinh tế bằng việc trồng rừng. Không tấc đất lập nghiệp, anh lặng lẽ mang cây keo đi khai hoang khắp các đồi trống núi trọc với ước mơ phủ xanh “điểm nóng da cam”. 10 năm sau gặp lại, Tôi giờ là chủ một trang trại rộng 50 ha rừng cùng đàn bò, trâu, dê cả 100 con. “Xét về quy mô, trang trại của tôi có lẽ lớn nhất H.A Lưới, giải quyết thường xuyên 6 lao động với thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng. Mỗi năm, sau khi trừ hết chi phí, tôi lãi ròng khoảng 200 triệu đồng. Có năm thu hoạch đồng loạt 50 ha rừng, tôi thu về gần 1 tỉ đồng”, anh tâm sự.
Là cán bộ ở A So, hiểu hết sự khó khăn của người dân nên anh không ngần ngại chia sẻ cách trồng rừng, chăn nuôi cho nhiều thanh niên. Đã có ít nhất 10 gia đình thoát nghèo, vươn lên làm giàu nhờ học hỏi mô hình của anh. Nhiều gia đình vay vốn rồi khai hoang trồng rừng. Đếm kỹ, toàn xã có đến 800 ha keo, tràm của 350 hộ trồng xung quanh sân bay A So. “Trước đây người dân khai hoang, sau đó chia theo thửa đất. Mới đây, xã tiếp tục chia đất cho 97 hộ. Người dân khi khai thác rừng xong thì trồng rừng lại ngay chứ không để hoang hóa, nên “điểm nóng da cam” trơ trọi đang dần lùi vào dĩ vãng”, anh Tôi nói.
Nhưng nỗi bất an vẫn cứ hiển hiện. Anh Tôi cho hay nghiên cứu từ năm 1994 - 2000, UB 10-80 và Hatfield Consultants (Canada) đưa ra kết luận sân bay A So nhiễm chất độc da cam rất nặng. Các chuyên gia đã khuyến cáo không nên ăn các loại thực phẩm là nội tạng gà, vịt… và nhất là cá vì hàm lượng tồn dư chất độc cao. Người dân nơi này cũng chỉ tự cung tự cấp gia cầm chứ bán không ai mua…
Dễ hiểu vì sao dự án tẩy độc đất nhiễm dioxin trị giá 76 tỉ đồng của Bộ Quốc phòng đang được người dân háo hức chờ đón đến như vậy. “Đến năm 2022, dự án thực hiện thành công, địa phương sẽ được hưởng lợi rất nhiều. Môi trường sẽ an toàn hơn, sản phẩm của bà con cũng có giá trị hơn hiện tại, sức khỏe người dân cải thiện hơn, có thể thu hút khách tham quan khu chứng tích chiến tranh. Địa phương cũng có cơ hội phát triển du lịch sinh thái”, anh Tôi tràn đầy hy vọng.
Cơn mưa rừng vừa dứt. Không khí nơi “thung lũng chết” cũng bớt ngột ngạt. Hồ Thị Ngọc Thư được mẹ dẫn ra bậc cửa. Cô lò dò từng nét chữ nổi trên cuốn sách có tựa “Đời mới”. Khi nghe tôi hỏi về ước mơ, Ngọc Thư thổ lộ sớm dứt bỏ những cơn động kinh để khỏi nghe tiếng khóc của ba mẹ, về một dải đất A So “lành lặn” để mọi người được tự tin bước đi…
Hoàng Sơn-Huy Đạt (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.