Trên những dặm dài

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thỉnh thoảng, tôi có dịp được đi xa. Những chuyến đi thường mang lại cho tôi rất nhiều cảm xúc, suy nghĩ, chiêm nghiệm. Tôi hay bông đùa với bạn bè rằng, đi là để gặp chính mình.
Cuộc sống hiện đại có quá nhiều áp lực, khiến đôi lúc chúng ta rơi vào cảm giác ngột ngạt, khi ngày ngày đối diện với những bức tường kín bưng, cao ngất. Những bức tường hữu hình chắn ngang tầm mắt và cả những bức tường vô hình ngăn cách người với người giữa chốn thị thành người xe chật chội. Vậy nên, bỗng dưng được ngồi bên một bờ biển nghe sóng vỗ lao xao, được đặt chân lên một bãi bờ ngút xanh cỏ lúa, nghe gió réo rắt trên vai mình, ta như được nạp thêm nguồn năng lượng.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Được đi nhiều nơi, trải nghiệm những cảm xúc khác nhau ở mỗi miền đất mình đặt chân đến cũng là một cách nuôi dưỡng tình yêu với nơi đang cưu mang mình. Có những buổi sáng thức dậy ở một nơi xa, không còn chạm vào cái lạnh se sẽ của sớm mai Pleiku, nếp sinh hoạt thường nhật cũng thay đổi, bỗng dưng lòng dạ lại bồn chồn nhớ khoảng vườn bé nhỏ líu ríu tiếng chim mỗi ban mai khi bình minh vừa thức giấc. Nhớ giọng những đứa trẻ í ới gọi nhau đến trường. Nhớ mùi xôi nóng thơm phưng phức, ngào ngạt đầu con dốc nhỏ. Nhớ cả ly cà phê bên vỉa hè dậy hương như đánh thức cả một ngày dài... Có những điều thân thuộc đến độ gần như ta không nhận thấy sự hiện diện của nó xung quanh mình, chỉ đến khi mọi thứ cách xa, lòng mới quay quắt nhớ nhung, hoài cảm. Đi để gặp mình, chính là như vậy.
Mỗi chuyến đi đều mang lại những điều mới mẻ, những hiểu biết nhất định về miền đất nơi mình đặt chân đến. Được nhìn ngắm phong cảnh, những nếp nhà với những kiểu kiến trúc khác nhau; được thưởng thức những món ăn dân dã thôi nhưng lại làm nên đặc trưng của từng vùng đất, mới thấy thiết tha yêu mến và trân trọng những khoảnh khắc không biết có quay trở lại trong cuộc đời. Hoặc giả, có được quay lại những nơi mình đã từng đến thì chắc chắn sẽ là một thời điểm khác, với những cảm nhận có lẽ cũng sẽ khác đi nhiều.
Tôi dành một vài ngày nghỉ cùng con gái nhỏ lang thang đôi nơi khi mùa xuân đang tràn ngập đất trời. Mùa này, từ miền núi đến đồng bằng, nơi nào cũng ngập tràn những sắc hoa. Nếu người Tây Nguyên chúng tôi thích thú được thấy hoa tam giác mạch ngay tại nơi mình sống thì du khách ở xa đến với Tây Nguyên lại tỏ ra đặc biệt say sưa với những vườn cà phê đang độ trổ bông trắng muốt. Mùa xuân phương Nam, nhìn đâu cũng thấy rực rỡ sắc mai vàng. Cả một đoạn đường dài mê mải vàng, bỗng xuất hiện một cây bích đào thắm đỏ. Con gái tôi reo lên như thể vừa phát hiện ra điều gì đó thật mới lạ. Tôi giải thích cho con biết hoa đào vốn là loài hoa nở vào mùa xuân ở miền Bắc. Giờ đường sá, xe cộ thuận tiện, người ta chuyên chở hoa đào vào miền Nam và hoa mai ngược ra phía Bắc. Chơi Tết xong, nhiều nhà trồng luôn ở đầu ngõ, trước sân hoặc trong vườn. Nhờ thế mà những loài hoa trước đây chỉ có ở một vùng miền nào đó, giờ đã có mặt khắp mọi nơi. Như cây hoa ban tím trước mặt kia, trước đây nó chỉ có ở miền Tây Bắc nước ta, nhưng giờ hầu như chỗ nào cũng thấy trồng. Đó là vì con người ta vốn yêu mến cái đẹp, cái đẹp được yêu mến thì sẽ được nhân rộng ra dần. Không biết con có hiểu được những gì tôi nói không, tôi cũng không bận tâm lắm, bởi tôi nói với con cũng là để nói với chính mình.
Qua cửa kính xe, vòm trời xanh rộng trong văn vắt hiện ra cùng với một tán cây đỏ rực những hoa. Ai đó thốt lên: “Hoa pơ lang kìa!”. Mọi người đều trầm trồ khen đẹp. Còn tôi thoáng nghĩ đến một bến sông quê lắc rắc mưa xuân, những bông gạo đỏ rụng xuống vạt cỏ non lun phun xanh màu mạ non đầy hoài niệm. Loài hoa đi từ miền núi phía Bắc vào đến Tây Nguyên đã mang những tên gọi khác nhau, mà tên nào cũng đẹp, cũng gợi nhớ gợi thương, cũng gắn với những kỷ niệm khắc khoải đời người. Cỏ cây cũng có một đời sống riêng, chúng hiện diện để chắt chiu tận hiến những khoảnh khắc đẹp nhất cuộc đời mình bằng cách nở hoa. Hoa nở vào lòng người thành những mùa kỷ niệm, mang theo trên suốt những dặm dài...
Các con tôi rồi sẽ lớn lên theo những mùa xuân. Mỗi chuyến đi cùng nhau chắc chắn sẽ trở thành những kỷ niệm trong lòng bọn trẻ. Tôi vẫn sẽ vu vơ nói với các con về hoa cỏ trên mỗi đoạn đường chúng đi qua như vậy. Biết đâu một ngày, rồi chúng cũng sẽ cảm nhận được những điều thật bình dị tạo nên cuộc sống, hiện diện ở quanh mình.
 KHÁNH CHÂU

Có thể bạn quan tâm

Âm sắc Tây Nguyên trên quê Bác

Âm sắc Tây Nguyên trên quê Bác

(GLO)- Từ ngày 16 đến 20-5, gần 40 ca sĩ, diễn viên, nghệ nhân Gia Lai đã tham gia 2 sự kiện vô cùng ý nghĩa tại tỉnh Nghệ An. Đó là hội diễn nghệ thuật quần chúng “Tiếng hát Làng Sen” và triển lãm “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người” năm 2025.

Khai mạc triển lãm ảnh “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Bình Định - Sắc màu hội tụ”

Khai mạc triển lãm ảnh “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Bình Định - Sắc màu hội tụ”

Nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2023); 47 năm Ngày Quốc tế Bảo tàng (18/5/1978 - 18/5/2025), sáng 12-5, Bảo tàng tỉnh Bình Định phối hợp Bảo tàng Quang Trung khai mạc triển lãm ảnh chủ đề “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Bình Định - Sắc màu hội tụ”.

Thơ Nguyễn Thanh Mừng: Gia Lai một hai ba

Thơ Nguyễn Thanh Mừng: Gia Lai một hai ba

(GLO)- "Gia Lai một hai ba" của Nguyễn Thanh Mừng dẫn người đọc qua những nẻo đường dốc đèo, qua tiếng thác reo và chiêng cồng, để gặp lại khí phách người xưa. Mỗi hình ảnh, mỗi nhịp thơ là một lát cắt vừa hoang sơ, vừa tự hào về bản sắc không thể phai mờ của đại ngàn Tây Nguyên.

Thơ Lê Thành Văn: Nghe con đọc thơ về Tổ quốc

Thơ Lê Thành Văn: Nghe con đọc thơ về Tổ quốc

(GLO)- Trong bài thơ "Nghe con đọc thơ về Tổ quốc", tác giả Lê Thành Văn để mạch cảm xúc tuôn chảy tự nhiên: từ sự rưng rưng khi nhớ về chiến tranh đến niềm tin lặng lẽ gửi gắm vào thế hệ mai sau. Bài thơ như một nhịp cầu nối liền quá khứ đau thương và hiện tại bình yên.

Thơ Lê Vi Thủy: Biên cương mùa gió

Thơ Lê Vi Thủy: Biên cương mùa gió

(GLO)- Giữa những cơn gió xào xạc của núi rừng Tây Nguyên bỏng rát, bài thơ “Biên cương mùa gió” của Lê Vi Thủy như thổi vào lòng người nỗi xúc động lặng thầm. Từ ánh mắt trẻ thơ đến no ấm buôn làng và những giọt mồ hôi người lính, tất cả hòa quyện trong khát vọng yên bình nơi địa đầu Tổ quốc.

Tổ quốc trong tim

Thơ Lenguyen: Tổ quốc trong tim

(GLO)- Bài thơ “Tổ quốc trong tim” của tác giả Lenguyen là lời tri ân sâu sắc với cha ông đã hy sinh vì độc lập dân tộc. Từ Cửu Long đến Trường Sơn, từ Điện Biên đến Sài Gòn, một Việt Nam bất khuất vươn lên giữa máu và hoa, rạng ngời sắc cờ Tổ quốc.

Thơ Đào An Duyên: Lòng quê

Thơ Đào An Duyên: Lòng quê

(GLO)- Trong nhịp sống hiện đại hối hả, bài thơ "Lòng quê" của tác giả Đào An Duyên là tiếng vọng thầm lặng mà day dứt. Người xa quê, dù ở đâu chăng nữa vẫn mang trong tim nỗi nhớ cội nguồn. Qua hình ảnh nước xuôi nước ngược, bài thơ gợi về sự gắn bó thiêng liêng giữa con người và quê hương.

Người nặng lòng với dân ca Tày

Người nặng lòng với dân ca Tày

(GLO)-Hơn 30 năm kể từ ngày rời quê hương Cao Bằng vào Gia Lai lập nghiệp, ông Mã Văn Chức (SN 1961, tổ 3, thị trấn Phú Thiện) vẫn nặng lòng với văn hóa dân tộc Tày. Hơn 100 bài hát đã được ông sáng tác theo làn điệu dân ca Tày với mong muốn “giữ lửa” cho âm nhạc dân gian.

Thơ Lữ Hồng: Những gương mặt hoa cài

Thơ Lữ Hồng: Những gương mặt hoa cài

(GLO)- Bằng hình ảnh thiên nhiên giàu biểu cảm, bài thơ "Những gương mặt hoa cài" của Lữ Hồng gợi nên vẻ đẹp bình yên ẩn sâu trong nhịp sống phố thị. Lời thơ không chỉ là hoài niệm, mà còn là nơi gửi gắm tình yêu, ký ức và những giấc mơ không lời giữa tháng năm xoay vần.