Trao nhau chiếc áo nhiệm màu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Phần lớn diện tích căn hộ trên lầu 2, chung cư 76 Ngô Tất Tố của gia đình bà Sầm Kim Tương (65 tuổi) từ giữa năm 2023 đến nay phục vụ cho cửa hàng “Áo dài 0 đồng” dưới sự vận hành của Hội Phụ nữ Phường 19, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh.

Không chỉ hỗ trợ địa điểm, tự nguyện túc trực, bà Tương còn vui vẻ chi tiền túi mua hơn 2.000 bộ áo dài, bà ba tặng chị em phụ nữ khó khăn.

Giấc mơ mang tên “Áo dài”

Dẫn khách vào tham quan căn phòng ngủ đặc biệt trong nhà, bà Tương không quên dặn đi cẩn thận kẻo té. Căn phòng rộng được phủ kín bởi cả ngàn bộ quần áo nữ, phần lớn là áo dài, bà ba, phụ kiện đi kèm như túi xách, giày dép, kẹp tóc... Năm 2020, bà Tương bắt đầu sưu tầm áo dài, áo bà ba cho thỏa đam mê. Gom góp tiền lương hưu, con cái tặng thêm, mỗi tháng, bà chi vài triệu đồng cho căn phòng áo dài với rất nhiều kiểu dáng, mầu sắc. Bộ sưu tập tuy giá trị không quá cao nhưng là ước mơ được bà nung nấu từ ngày trẻ, lúc gia đình nghèo khó. “Ngày tôi còn nhỏ, gia đình khổ lắm. Nhà ba chị em gái mà có duy nhất bộ áo dài, chia nhau mặc đến cũ mèm. Lúc đó tôi tự dặn mình “Sau này nhất định phải có một tủ áo dài”. Gần 70 tuổi, chồng con ủng hộ tôi thực hiện ước mơ ngày ấy”, bà Tương kể, giọng phấn chấn.

Ban đầu, bà Tương chỉ mua một cỡ, phục vụ chính mình. Về sau, nhận thấy nhiều chị em phụ nữ trong khu phố chưa lần nào mặc áo dài vì không có điều kiện, bà chuyển sang sưu tầm áo đủ kích cỡ để nếu có ai cần sẽ tặng. Sở hữu nhiều áo dài, năm 2023, biết địa phương phát động mô hình cửa hàng “Áo dài 0 đồng”, bà Tương xung phong làm quản lý kiêm “mạnh thường quân” chính. Đến nay, bên cạnh những bộ trang phục truyền thống kiểu “cũ người mới ta” do chị em phụ nữ trên địa bàn phường quyên góp, bà Tương đã mua gần 2.000 bộ áo dài mới dành tặng các vị khách đặc biệt. Đi đâu, thấy ai khen áo dài mình mặc đẹp, bà đều hỏi “Mấy chị thích không? Nếu có thì ghé nhà, tôi tặng về mặc. Chị mặc size mấy, muốn kiểu nào?”. Thấy bà Tương hào hứng rủ rê, nhiều người tưởng nói đùa, ai dè đến thăm được tặng toàn áo dài mới nên vui lắm. Cửa hàng “Áo dài 0 đồng” của Phường 19, quận Bình Thạnh cứ vậy mà đông thêm.

Trước nhà, bà Tương treo chiếc băng-rôn nhỏ nhắn, ghi cụ thể ba khung giờ phục vụ chính của cửa hàng áo dài. Vậy mà, bà “tăng ca” mãi để phục vụ cho nữ công nhân lao động, mấy chị em buôn bán ngoài chợ đi sớm về trễ. Có nề hà chi, miễn ai cần áo dài, cửa hàng sẵn sàng phục vụ. Tối nọ, thấy một phụ nữ trung niên lạ mặt ngượng ngùng đứng trước nhà hồi lâu, bà Tương chủ động ra hỏi thăm. Nghe bà Tương trò chuyện đôi câu, vị khách rụt rè nói: “Cô ơi, bây giờ em rất cần một cái áo dài mẹ (áo dài làm sui trong đám cưới con - PV). Áo dài mẹ mắc lắm, chắc cô không cho phải không?”. Đúng là khi ấy cửa hàng không có chiếc áo dài mà vị khách mong cầu. Nhưng bà Tương chợt nhớ ra mình đã may một bộ trước đó không lâu, định bụng để dành mặc vào ngày cưới con trai. Chẳng tính toán nhiều, bà đi vào nhà lấy bộ áo dài còn thơm mùi vải ra tặng người phụ nữ mới gặp lần đầu. “Khi đó tôi chỉ nghĩ, người ta khó khăn và đang cần gấp, thôi cứ tặng trước đã. Chị ấy bán hành tỏi ngoài chợ, thu nhập đâu bao nhiêu. Sau đó, vợ chồng chị và con gái ghé nhà tôi cảm ơn, tặng chút quà sau lễ cưới. Chị ấy kể, mặc chiếc áo dài đẹp quá nên ai cũng khen. Vậy là vui rồi”, bà Tương nhớ lại.

Bà Sầm Kim Tương dành cả căn phòng ngủ của mình để chứa áo dài tặng phụ nữ khó khăn.

Bà Sầm Kim Tương dành cả căn phòng ngủ của mình để chứa áo dài tặng phụ nữ khó khăn.

Áo dài trao tay

Mấy tuần giáp Tết hay sát ngày 8/3, cửa hàng “Áo dài 0 đồng” của chị em phụ nữ Phường 19, quận Bình Thạnh lúc nào cũng nhộn nhịp. Lúc đó, Hội Phụ nữ phường sẽ bố trí thêm nhiều nhân sự cùng bà Tương tư vấn, hỗ trợ chị em chọn trang phục. Ghé cửa hàng và tìm được bộ áo dài ưng ý để mặc tham gia cuộc thi thời trang áo dài dành cho người cao tuổi dịp 8/3 năm nay, bà Võ Kim Hoàng (70 tuổi, Phường 19, quận Bình Thạnh) cứ đứng ướm mãi trước gương, cười thật tươi. Đây là lần đầu bà ghé thăm cửa hàng, thế nhưng, mọi thứ đều thân thương. Các sào đồ treo ngay ngắn, phân chia đủ kích cỡ, từ mới hoàn toàn đến đã qua sử dụng đều tinh tươm, thơm tho. Người phụ trách cửa hàng lúc nào cũng vui vẻ tư vấn, hỗ trợ, sao cho người cần áo dài chọn được món quà ưng ý nhất. Bà Hoàng nói như khoe: “Cửa hàng miễn phí mà chuyên nghiệp dữ lắm, tư vấn rất kỹ nên ai ra về cũng có áo dài đẹp. Tôi chọn được một bộ rất đúng ý, mặc vừa khít, tự tin dự thi rồi. Về nhà, tôi sẽ rủ con cháu gom áo dài không sử dụng nữa đem ra tặng”.

Bà Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Bình Thạnh cho biết, trước đây, mô hình “Áo dài 0 đồng” đã xuất hiện tại một vài phường trên địa bàn nhưng chỉ manh mún, chủ yếu tập trung tặng áo dài theo đợt, khó duy trì lâu dài. Muốn tà áo truyền thống đến với nhiều phụ nữ khó khăn hơn nữa, từ tháng 3/2023, quận Bình Thạnh triển khai chuỗi cửa hàng “Áo dài 0 đồng” ở tất cả các phường. Tùy theo đặc điểm sinh hoạt và điều kiện của mỗi địa phương, 20 cửa hàng áo dài có thể được bố trí tại khu chung cư, nhà văn hóa, tụ điểm sinh hoạt của khu phố hay nhà dân, miễn sao người cần dễ tìm thấy, tiếp cận.

Trước ngày khai trương, cán bộ, hội viên phụ nữ tại 20 phường tất bật ngày đêm với việc quyên góp, tiếp nhận, xử lý và phân loại áo dài. Hơn 3.840 bộ áo dài huy động từ cộng đồng đã được phân chia đến 20 cửa hàng nhờ sự nỗ lực của nhiều người. Từ lãnh đạo đến người dân, ai có dư áo dài đều gửi tặng cho chương trình. Sau một năm hoạt động, đến nay, mô hình đã tiếp nhận thêm khoảng 5.500 bộ áo dài và trao món quà tinh thần đến gần 3.200 chị em phụ nữ khó khăn. Bà Loan chia sẻ thêm: “Đâu chỉ tặng áo, nhiều cửa hàng còn tổ chức trang điểm, chụp hình tặng chị em phụ nữ khó khăn để họ biết mình đẹp và duyên dáng ra sao khi mặc trang phục truyền thống. Xét về góc độ kinh tế, bộ áo dài không nhiều tiền lắm nhưng việc được chia sẻ với các chị em khó khăn là điều vô cùng ý nghĩa. Ngoài ra, chúng tôi còn muốn lan tỏa hình ảnh chiếc áo dài để chị em nào cũng tự tin mặc vào các dịp lễ, Tết. Đó cũng là cách trân trọng, giữ gìn văn hóa dân tộc”.

Bà Loan nói, muốn triển khai hiệu quả và duy trì tốt một mô hình cộng đồng như cửa hàng “Áo dài 0 đồng”, điều cần thiết là phải cho các cô, các chị thấy rõ ý nghĩa quan trọng của từng phần việc dù là nhỏ nhất. Ai có gì góp nấy, cùng chung tay xây dựng. Đến thời điểm hiện tại, điều đáng quý chẳng nằm ở số áo dài trao đi mà là tấm lòng sẻ chia của cộng đồng cho mô hình thiết thực này. Các cô, các chị phụ trách chuỗi cửa hàng hay truyền tai những câu chuyện xúc động về sự “cho đi”. Đó là chị giáo viên nghèo nọ, quý áo dài lắm nhưng vẫn chọn mấy bộ thật đẹp tặng người khó khăn. Rồi có cả những chị không hề tiếc nuối khi trao tặng áo dài kỷ niệm, vì biết đâu đó ngoài kia sẽ có người cần mặc hơn mình.

Các tủ áo dài miễn phí cứ thế mang những câu chuyện đẹp đi xa. Một chủ tiệm may áo dài ở Phường 5, khi nghe cán bộ hội phụ nữ đến vận động đặt tụ điểm cửa hàng “Áo dài 0 đồng” liền gật đầu đồng ý. Ngay lập tức, một sào áo dài miễn phí được đặt trong cửa hàng may của chị. Bên cạnh việc đứng ra tiếp nhận, hỗ trợ xử lý, tư vấn khách chọn áo phù hợp, chủ tiệm may này còn bổ sung thêm hoạt động ý nghĩa cho cửa hàng: tặng áo dài cho học sinh khó khăn, trẻ em mồ côi. Chị tìm mua vải, tỉ mẩn cắt may cho thật đẹp rồi trao tặng. Ngày nối ngày, thêm nhiều bộ áo dài mới tinh theo chân trẻ em nghèo trên địa bàn đến lớp. Niềm vui giản đơn được góp nhặt từ nụ cười rạng rỡ của cả người cho lẫn người nhận.

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.