Trăm năm vó ngựa thị thành: Lò ngựa lẫy lừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Miền Nam có nhiều nơi nuôi ngựa, nhưng nơi tập trung đông nhất, sản sinh nhiều chiến mã nhất là H.Đức Hòa, Long An. Thời cực thịnh, Sài Gòn và các tỉnh lân cận có đến 4.000 con ngựa, trong đó khoảng 1.200 con tham gia đua thì ngựa từ những lò ở H.Đức Hòa, Long An luôn chiếm đa số.

Nhà thị trấn ngàn mét vuông không bằng… một con ngựa

Thập niên 1990, dân ở H.Đức Hòa không mấy ai quan tâm tới đất mà chỉ chăm chăm vô ngựa vì ngựa là vàng. Xem lò nào có bao nhiêu ngựa là có thể biết mức độ giàu có của lò đó. Một con ngựa giá 20 cây vàng là rất bình thường. Dân Đức Hòa giàu lên, sắm ruộng vườn chủ yếu từ nghề nuôi ngựa. Nghề nuôi ngựa ở Đức Hòa nổi tiếng đến mức một đại gia ngựa người Hoa thời đó là Philip Châu từ Hồng Kông cũng qua đây mua ngựa.

Chủ lò ngựa Sáu Lào mỗi ngày vẫn đích thân chăm ngựa

Chủ lò ngựa Sáu Lào mỗi ngày vẫn đích thân chăm ngựa

Nhớ về thời vàng son của nghề nuôi ngựa, ông Sáu Lào (tên thật là Huỳnh Văn Lào, 52 tuổi, ngụ xã Đức Hòa Thượng, H.Đức Hòa) ngậm ngùi lau bức ảnh lúc còn là một nài chiến trên lưng ngựa tung vó ở Sài thành: "Một con ngựa thắng độ giá đến vài chục cây vàng. Con ngựa làm giàu đất Đức Hòa này, hai đứa con tôi vào đại học cũng nhờ ngựa. Một con ngựa đổi vài công đất là bình thường".

Nài ngựa số 1 Phú Thọ một thời Lê Thành Nguyên (49 tuổi, ngụ xã Đức Hòa Thượng) xác nhận: "Năm 1995, khi đã là nài chiến, tôi mua con Trúc Hương của Sáu Lào với giá 20 triệu đồng và vô địch nhiều giải với con ngựa này. Còn anh Sáu bán con Trúc Hương mua miếng đất thổ cư 500 m2 làm nhà cho con trai ảnh".

Ngoài gia đình Sáu Lào, gia tộc ông Võ Tấn Hồng, 62 tuổi, cũng là "đối thủ" nặng ký của các lò ngựa khắp miền Nam bấy giờ. Thời "chiến chinh" đỉnh cao của những năm 1990 khiến ông xúc động nhớ lại. Ngày ấy cái tên Võ Tấn Hồng được tán thưởng khắp vùng nhờ hai chị em chiến mã Thủy Long Mã và Thủy Long Phụng - nỗi e dè của ngựa chiến vùng Củ Chi, Tây Ninh, Hóc Môn… trên cùng đường đua.

Từng là "đối thủ nặng ký" của các lò ngựa ở miền Nam, ông Võ Tấn Hồng (62 tuổi) bên một số chiếc cúp của mình

Từng là "đối thủ nặng ký" của các lò ngựa ở miền Nam, ông Võ Tấn Hồng (62 tuổi) bên một số chiếc cúp của mình

"Ra sân bảy lần thì cả hai Thủy Long Mã và Thủy Long Phụng đã lấy bốn cái nhất. Không chỉ thế, đàn ngựa từ lò của tôi còn có những cái tên gây "khiếp đảm" ngựa đua lò khác là Lý Tiểu Long, Dương Quý Phi, Hoàng Xuân Quân… Mỗi cái tên giá trị vài chục cây vàng. Một cái nhà rộng cả ngàn mét vuông ở thị trấn Hậu Nghĩa thời đó còn thua một con ngựa chiến", ông Võ Tấn Hồng cho biết.

Rồi cái ngày cuối cùng của tháng 5 năm 2011, sân Phú Thọ nhận quyết định không được tổ chức giải đua ngựa nữa. Cả huyện Đức Hòa hoang mang. Nhìn mấy chuồng ngựa được xây mới, đầu tư bài bản cho ngựa chiến mà làng trên, xóm dưới ai cũng nức nở. Mấy anh em tâm huyết chụm đầu lại với nhau, quyết tâm bằng mọi giá phải giữ cho được cái truyền thống nuôi ngựa đã ba đời này.

Lò ngựa giống nước ngoài

Hiện tại, hầu hết trại ngựa ở TP.HCM đều lấy ngựa từ một chỗ: lò ông Sáu Lào. Nhắc đến Sáu Lào, cụ ông Nhan Văn Trâm, 86 tuổi, cựu Hội trưởng Hội chủ ngựa trường đua Phú Thọ, tự hào: "Nó là học trò tui. Sáu Lào giỏi đến mức vừa nuôi ngựa, vừa tìm đầu ra cho ngựa tốt nhất vùng".

Chúng tôi đến lò ngựa của ông Sáu Lào. Ở đây không chỉ cung cấp ngựa cho trại ngựa ở TP.HCM mà còn "phủ sóng" toàn quốc, nhất là các tỉnh thành phía bắc như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh…

Tiêu chuẩn đánh giá ngựa tốt, đẹp là: móng đứng, ngực nở, lông mượt, cằm rộng, chân thẳng, tai thuôn (hai tai vểnh lên, ôm sát mặt)…

Tiêu chuẩn đánh giá ngựa tốt, đẹp là: móng đứng, ngực nở, lông mượt, cằm rộng, chân thẳng, tai thuôn (hai tai vểnh lên, ôm sát mặt)…

Khi được hỏi về ngựa, chưa kịp mở miệng, ông Lào đã cưỡi con ngựa lông kim phi nước đại thẳng ra cánh đồng non cỏ. Con ngựa lộng vó, hí vang. "Ngựa Mỹ đó, cao tới mét bảy (1,7 m) nhìn giống phim cao bồi hông?", ông Sáu Lào cười tươi, hét vọng lại.

Trại ngựa của ông Sáu Lào nằm trên con đường liên xã diện tích chỉ 1.700 m2. Khu vực nuôi ngựa của ông chen chung với chỗ làm nhà ở và khoảnh sân nhỏ chứa nhiều nông cụ. Nhiều năm nay, Sáu Lào không còn nuôi giống ngựa lùn thuần Việt nữa mà ông chuyển sang nuôi các giống ngựa nhập khẩu.

Chỉ vào chuồng có con ngựa xám chiều cao lưng khoảng 1,6 m, ông Sáu Lào cho biết con ngựa này được hai tuổi (tuổi bắt đầu trưởng thành). Thông qua một mối quan hệ ở Quảng Ninh, ông Sáu Lào mua tinh trùng của ngựa cha giống Mỹ (được nhập khẩu với đầy đủ giấy khai sinh, xuất xứ, kiểm dịch) rồi thụ tinh cho ngựa cái giống Mỹ của mình. Vậy là con ngựa Mỹ đã được nhân giống thành công trên đất Việt. Sáu Lào là một trong số hiếm hoi chủ trại ở Việt Nam làm được việc này.

Dượt ngựa để khỏi cuồng chân

Dượt ngựa để khỏi cuồng chân

Ngoài ngựa con giống Mỹ, trang trại 20 con (lúc cao điểm) của ông còn có ba chú ngựa con giống Úc chỉ mới sáu tháng tuổi. Số ngựa còn lại trong đàn đa số là ngựa Úc, ngựa Anh với thể hình to lớn, đẹp mã. Ông giữ hai con ngựa đực làm giống, còn lại là ngựa cái. Để đỡ tốn kém, ông Sáu Lào nhân giống ngựa, nuôi ngựa con đến khi cai sữa khoảng một năm tuổi thì bán cho các trại nuôi kiểng phục vụ khách du lịch ở Đà Lạt, Hà Nội, TP.HCM…

"Nuôi ngựa là nghề truyền thống của gia đình, dù ngựa giống thuần chủng nước ngoài giá hơn 100 triệu đồng/con nhưng không phải lúc nào cũng bán dễ dàng, nên tôi chủ yếu lấy công làm lời thôi. Đời tôi gần 60 năm gắn bó với ngựa nhưng con tôi chẳng đứa nào theo nghề", ông Sáu Lào tâm sự.

Tuổi thọ trung bình của một con ngựa khoảng 20 - 30 năm. Với những con ngựa trẻ, ông Sáu Lào bán về các thành phố vì đó là việc kinh doanh; nhưng với những chú ngựa già, ông để chết rồi chôn như một người bạn hoặc tìm trang trại tốt mà gửi để nó an dưỡng. Khi sức cùng lực kiệt, người chủ mới sẽ quyết định với nó. Hiện nay, ông chỉ tập trung bán ngựa cho các câu lạc bộ ngựa để tập cưỡi, đóng phim, quay quảng cáo…

(còn tiếp)

Ước mơ mở lại trường đua

Những buổi trưa buồn, ông Sáu Lào thường thắng yên ngựa cưỡi rảo quanh những cánh đồng trong xã cho đỡ nhớ trường đua mà ngựa cũng đỡ chồn chân trong chuồng nhỏ hẹp. Lần giở lại cái yên cương mà ông từng mua hàng chục cây vàng giờ đã phủ bụi thời gian, cứng đanh vì lâu không sử dụng, ông Sáu Lào cười buồn: "Tôi vẫn mong có ngày trường đua được tổ chức trở lại. Con ngựa hầu như cả đời không nằm, nó chỉ đứng và thích tự do cất vó mà bây giờ tù túng trong mấy bức tường thấy tội quá".

Nhắc lại thuở vàng son, cụ ông Nhan Văn Trâm dụi mắt, chùng giọng: "Tôi sống với ngựa đã hơn nửa thế kỷ, nhớ như in dân Sài Gòn, Long An mê đua ngựa không kém đá banh. Sân Phú Thọ lúc nào cũng kín với vài chục ngàn khán giả. Thử hỏi có môn thể thao nào mà hấp dẫn đến vậy?".

Đa dạng thị trường ngựa

Chiều cao của ngựa được đo từ u vai (chỗ cao nhất ở lưng ngựa) xuống đất. Theo thông lệ quốc tế, ngựa có chiều cao khoảng 1,4 m trở lên gọi là ngựa (horse); còn dưới 1,4 m thì gọi là ngựa lùn, ngựa mini (pony).

Tại miền Nam, ngựa được nhập khẩu từ châu Âu, châu Mỹ và phổ biến nhất là ngựa Úc thuần chủng. Sau khi giải tán trường đua Phú Thọ vào năm 2011, các chủ ngựa vẫn giữ giống lại và lai tạo ra nhiều chủng ngựa phù hợp cho người Việt nuôi kiểng như thú cưng, ngựa không thuần một màu nữa mà sẽ có khoanh đen, trắng, hoặc vàng cam rất bắt mắt.

Hiện nay, sở hữu một con ngựa không còn quá khó khăn so với thu nhập của nhiều người dân thành phố. Giá một con ngựa dao động từ 20 triệu đồng đến nhiều tỉ đồng. Ngựa mini giá khoảng 20 - 60 triệu đồng/con. Mỗi con ngựa lai, ngựa thuần chủng có giá từ 100 triệu đồng trở lên.

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.