Trầm bổng ting ning

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Tôi lắng nghe tiếng đàn, say sưa theo từng nốt nhạc trầm bổng từ ngón tay uyển chuyển của ông A Phênh (76 tuổi, thôn Tu Mơ Rông, xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông) biểu diễn trên cây đàn ting ning. Ở cuối dốc cuộc đời, ông A Phênh vẫn xem đàn ting ning như người bạn tri kỉ, chia sẻ mọi vui buồn.

Ông A Phênh giới thiệu về đàn ting ning. Ảnh: VT
Ông A Phênh giới thiệu về đàn ting ning. Ảnh: VT



Mời khách ngồi, già A Phênh lui cui trong góc nhà tối mờ mờ mang bình nước  ấm mời khách trước khi say sưa kể về chuyện gắn bó với “người bạn” ting ning.

Già A Phênh và đàn ting ning đến với nhau như duyên nợ. Từ thuở lọt lòng, những khúc nhạc phát ra từ đàn ting ning do cha ông ngẫu hứng thể hiện đã trở thành những khúc hát ru mang đậm nét văn hoá của người Xơ Đăng. Chính những khúc hát ru ấy đã “ươm mầm” vào tâm hồn non nớt của ông ngày ấy.

Lớn lên khi vững bước đi, A Phênh lẽo đẽo theo chân ba bên cây đàn lên rẫy. Rồi những hôm làng có hội, A Phênh ngồi trên vai ba mình đến xem các nghệ nhân trong làng biểu diễn ting ninh. Những khúc nhạc vang lên, âm thanh khi trầm, khi bổng như tiếng chim lanh lảnh gọi bầy rồi lại mất hút trong thinh không.

Âm thanh phát ra từ đàn ting ning gieo vào lòng A Phênh những tình cảm sâu đậm. Đến một ngày, khi tình yêu đủ lớn, A Phênh nâng niu từng sợi đàn và khảy lên những âm thanh trong trẻo. Ngay cả trong mơ, A Pênh vẫn thấy mình chơi đàn ting ning, những âm thanh vang lên kì dịu.

Ông A Phênh nhớ lại: Cảm giác lần đầu tiên được sờ vào và đánh đàn ting ning nó lạ lắm, nghe âm thanh do chính tay mình khảy đàn phát ra tạo cảm giác lâng lâng khó tả. Khi ấy tôi thấy ting ning như một thế giới khác đang cần được mình khám phá. Và trong suy nghĩ của một cậu bé nghịch ngợm ngày ấy, tôi quyết “trộm” đàn của cha ông để tự học.

Những lần học về, thấy vắng bóng cha mẹ, A Phênh lại lân la vào chỗ cây đàn ting ning, ngắm nghía thật kỹ “người bạn”, rồi từ từ đặt đàn vào mình để khảy. Giữ đàn đúng cách, A Phênh từ tốn khảy nhẹ vài nốt, miệng nhẩm vài câu hát tiếng địa phương. Thấy câu hát khớp với tiếng đàn, A Phênh đắm mình theo tiếng đàn như một nghệ sĩ thực thụ.

Rồi những đêm trăng sáng, cả gia đình quay quần bên ghè rượu ngoài sân. Bên cạnh việc phụ giúp ba mẹ dọn mâm cơm, A Phênh còn phụ giúp cha mình mang cây đàn ting ning ra để gần đó. Ông vừa nô đùa cùng đám bạn, vừa để ý xem cha mình đã thấm dần men rượu hay chưa. Bởi ông biết, hễ cha mình say sẽ tìm đến đàn ting ning để hát, để biểu diễn cho bạn bè cùng nghe. Và đó là lúc để A Phênh có thể quan sát cách cha mình chơi đàn một cách tường tận nhất.

Ông A Phênh thổ lộ: Ngày đấy cha tôi chỉ có duy nhất một cây đàn ting ning do ông nội để lại. Tôi thì còn bé, tay chân “hậu đậu” nên cha thường dặn dò không được đụng vào đàn, để sau này lớn lên sẽ dạy. Chính vì quá thích ting ning nên tôi đã tìm mọi cách để được tiếp xúc với cây đàn, được lắng nghe âm thanh do chính tay mình đánh.

Mãi sau này khi trở thành thanh niên, tự cầm chắc chiếc cuốc mưu sinh, người cha mới giãn mặt cho phép A Phênh tự do đụng vào cây đàn. Và cũng khi ấy, cha ông mới tận tình hướng dẫn ông tỉ mỉ cách chơi đàn ting ning đúng cách.

Từ những lần lén lút tiếp xúc với cây đàn cùng những lời cha dạy đàn ân cần đã giúp A Phênh nhanh chóng chơi đàn một cách thành thục. Tình yêu ting ning cùng kỹ năng điêu luyện đã được ông thể hiện qua những lần biểu diễn cho gia đình  cùng bạn bè. Theo đó, ông được nhận vô số lời khen.

Thế nhưng, lắm lúc ông A Phênh cùng ting ning trải qua những “nốt trầm”. Ngày cha ông qua đời, cả nhà chìm trong nỗi buồn, ting ning cũng ở yên góc nhà. Cây đàn ting ning đã 2 lần trải qua “nỗi buồn” xa chủ (ông nội, cha ông).

Ông thổ lộ: Sau khi cha mất, có một khoảng thời gian dài tôi và đàn ting ning chỉ nhìn nhau vì có nhiều chi tiết có dấu hiệu đàn muốn hỏng. Sợ rằng nếu tiếp tục chơi cây đàn ting ning này - tài sản tinh thần vô giá mà cha ông để lại sẽ hoá cát bụi. Do đó, tôi quyết tìm đến nhiều người lớn tuổi biết cách chế tạo đàn ting ning để học hỏi cách chế tạo đàn và khắc phục lại cây đàn cũ đã xuống cấp.

Tình yêu ting ning đã thôi thúc cậu thanh niên A Phênh ngày ấy không ngại khó, ngại khổ, mày mò để tự tay tạo ra cây đàn ting ning mới và khắc phục lại cây đàn cũ. Theo ông A Phênh, đàn ting ning được tạo ra từ những vật dụng gần gũi, có sẵn trong đời sống như tre, nứa, quả bầu hồ lô. Còn dây đàn, ngày xưa cha ông thường dùng lõi dây cáp điện thoại của lính Mỹ, giờ đây mọi người thường dùng sợi dây phanh xe đạp để làm dây đàn. Đàn ting ning tuy thô sơ, không cầu kỳ, nhưng những âm thanh phát ra trong trẻo, nhỏ nhẹ như chuyện tâm sự đôi lứa.

 

Hiện tại ông A Phênh còn lưu giữ 3 cây đàn ting ning tại nhà. Ảnh: VT
Hiện tại ông A Phênh còn lưu giữ 3 cây đàn ting ning tại nhà. Ảnh: VT

Theo ông A Phênh, đàn ting ning gồm 2 loại: 8 dây và 12 dây. Để thoả niềm đam mê, ông tự tay làm cho gia đình mình 2 cây đàn, 2 loại khác nhau để chúng có thể “bầu bạn” với cây đàn ting ning cũ mà ông và cha để lại. Nói rồi, ông Phênh mời tôi vào xem gia tài với 3 cây đàn ting ning được treo ngay ngắn trên tường. Lựa một cây đàn có quả bầu to nhất, ông A Phênh tự hào hát bài “Tou cheng” - có nghĩa là “đánh chiêng” của người Xơ Đăng.

Ông Phênh chia sẻ, bài “Tou cheng” có giai điệu vui nên khi kết hợp với ting ning sẽ tạo cảm giác vui tai. Âm thanh phát ra từ đành ting ning vui tươi, rộn rã, hay du dương, sâu lắng… là tùy thuộc vào giai điệu của bài dân ca, cũng như tâm trạng của người chơi đàn.

Ngồi chăm chú nghe hết bài hát, tôi hỏi già A Phênh: Nếu ông mất đi, những chiếc đàn này sẽ cho ai?

Ông A Phênh đưa mắt nhìn về phía xa, trầm tư một lúc lâu rồi cười buồn: “Chắc sẽ chôn nó theo. Tôi mê đàn ting ning, nhưng con cháu tôi không đứa nào yêu đàn. Tôi sẵn lòng dạy đánh và làm đàn nhưng con cháu tôi không chịu học. Sắp tới, tôi sẽ kết nối với chính quyền địa phương để tìm những người có nhu cầu học chơi đàn ting ning và tôi sẽ truyền dạy lại kinh nghiệm”.

Nỗi niềm của ông A Phênh cũng là trăn trở của chính quyền địa phương khi giới trẻ ngày nay rất ít người có đam mê với đàn ting ning. Ông Dương Đăng Khoa – Chủ tịch UBND xã Đăk Hà cho biết: Ông A Phênh là một người rất yêu nghê thuật, yêu văn hóa dân tộc Xơ Đăng. Ngoài biết chơi và chế tạo đàn ting ning, ông A Phênh còn biết đánh cồng chiêng, múa xoang. Mỗi khi ở xã có các lớp dạy cồng chiêng và múa xoang, xã đều mời ông A Phênh đến dạy. Bên cạnh đó, khi huyện tổ chức các hoạt động nghệ thuật, ông A Phênh đều xung phong mang đàn ting ning đến biểu diễn, hát những ca khúc truyền thống của đồng bào Xơ Đăng. Để có thể bảo tồn đàn ting ning, sắp tới xã sẽ tuyên truyền, vận động những người trẻ có tình yêu âm nhạc, nghệ thuật, sau đó sẽ kết nối các đơn vị, tìm nguồn kinh phí và phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện mời ông A Phênh dạy đàn và cách chế tạo đàn ting ning.


https://www.baokontum.com.vn/dat-nguoi-kon-tum/tram-bong-ting-ning-24500.html

Theo Văn Tùng (baokontum)

 

Có thể bạn quan tâm

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

(GLO)- Sáng 6-11, tại TP. Pleiku, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức hội thảo khoa học di tích lịch sử “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947, xã Kông Bơ La, huyện Kbang” nhằm hoàn thiện hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền đề nghị xếp hạng di tích quốc gia.

Trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống tạo ra các sản phẩm lưu niệm phục vụ du khách

Trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống tạo ra các sản phẩm lưu niệm phục vụ du khách

(GLO)- Nằm trong khuôn khổ Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya, chiều 9-11, tại khu vực sân nhà rông làng Gri, xã Chư Đang Ya (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai), Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND huyện Chư Păh tổ chức trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống.

Các nghệ nhân làng Chuet 2 (phường Thắng Lợi) phục dựng lễ báo hiếu cha mẹ tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Thu

Lễ báo hiếu của người Jrai

(GLO)- Lễ báo hiếu cha mẹ là tập tục văn hóa truyền thống đã có từ xa xưa trong đời sống của cộng đồng người Jrai. Đây là dịp để những người con đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục và cầu mong thần linh ban sức khỏe cho cha mẹ.

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Cách đây gần 18 năm, trong một số công trình điều tra văn hóa các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở TP. Pleiku thì người ta xếp một số buôn làng trong khu vực, trong đó có làng Wâu và Ktu (xã Chư Á) là làng tương đối có giá trị, đưa vào diện bảo tồn và phát triển.

Sân trường rộn tiếng cồng chiêng

Sân trường rộn tiếng cồng chiêng

(GLO)- Cứ mỗi buổi sinh hoạt, khuôn viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Lơ Pang (xã Lơ Pang, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) lại rộn ràng tiếng cồng chiêng. Âm thanh quen thuộc ấy đến từ đôi tay nhỏ bé của các em học sinh thuộc Câu lạc bộ (CLB) Cồng chiêng của trường.

Người giữ nghề dệt thổ cẩm ở Ia Rsươm

Người giữ nghề dệt thổ cẩm ở Ia Rsươm

(GLO)- Không chỉ dệt thổ cẩm giỏi, chị Rah Lan H’Nghí (SN 1988, buôn Toát, xã Ia Rsươm, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) còn nhiệt tình chỉ dạy cho chị em trong buôn để góp phần bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.

Bảo tồn bản sắc văn hóa ở TP. Pleiku dưới góc nhìn mới - Kỳ cuối: Giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa

Bảo tồn bản sắc văn hóa ở TP. Pleiku dưới góc nhìn mới - Kỳ cuối: Giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa

(GLO)- Chính quyền TP. Pleiku đã dành nguồn lực đầu tư để Plei Ốp thành điểm đến của du khách trải nghiệm văn hóa truyền thống và bản sắc dân tộc Jrai thông qua phục dựng một số lễ hội cộng đồng như: cúng giọt nước, pơ thi…

Rơ Châm Nguyên nặng tình với dân ca Jrai

Rơ Châm Nguyên nặng tình với dân ca Jrai

(GLO)-Nhiều năm qua, người dân làng Kte (xã Ia Phí, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) luôn dành sự yêu mến và kính trọng đối với bà Rơ Châm Nguyên bởi bà biết hát và lưu giữ nhiều bài dân ca của dân tộc Jrai.