Trải nghiệm với rừng sao xanh quý hiếm

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Tại làng A Mơng (xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) có một rừng sao xanh hơn 20 năm tuổi được người dân bảo vệ nghiêm ngặt; là điểm đến thu hút du khách tham quan, trải nghiệm. Đơn vị chủ quản cũng đang mong chờ một giải pháp khả dĩ để phát huy giá trị của rừng gỗ quý này.
Ba thế hệ gác rừng sao
Cuối tháng 11, trời như trút mưa xuống rừng sao xanh rộng chừng 20 ha ở cuối làng A Mơng. Bên bếp lửa trong túp lều nhỏ, anh Siu Nal (SN 1984) kể cho tôi nghe công việc gác rừng sao xanh hiếm có này. Nhanh tay bỏ thêm vài nhánh củi khô vào bếp cho đỡ lạnh, anh kể: “Năm 2002, bố mình được Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Ly giao gác rừng sao này. Hồi đó, ông ăn ở tại đây để phát cỏ, tưới nước rồi canh gác đảm bảo cho rừng không bị cháy, cây không bị người xấu chặt phá. 6 năm trước, bố mất nên mình nối bước đảm nhận công việc bảo vệ rừng. Hàng ngày, mình thường xuyên tuần tra, bảo vệ. Hôm nào bận việc thì cử mấy đứa con thay phiên trông coi”.
Rừng sao xanh tại làng A Mơng (xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh) rộng hơn 20 ha. Ảnh: Hoành Sơn
Rừng sao xanh tại làng A Mơng (xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh) rộng hơn 20 ha. Ảnh: Hoành Sơn
Canh giữ để rừng sao xanh ở cuối làng và trên con đường giao thông dẫn vào thác Công chúa không bị xâm hại là việc không dễ dàng gì. Chỉ cần sơ ý chút đỉnh là một đám cháy sẽ có thể bùng lên nếu ai đó tiện tay ném xuống mẩu thuốc lá còn cháy dở khi đi ngang khu rừng. Chỉ cần thiếu một vòng tuần tra kiểm soát là có thể vài cây sao bị đổ gục dưới những nhát dao của kẻ xấu. Và, trên hết là phải biết từ chối khi có người đưa tiền để di thực cây sao có thế đẹp về trồng. “Hàng ngày, mình chạy xe máy mấy vòng tuần tra rừng, nếu phát hiện người dân xâm lấn, chặt phá cây thì nhắc nhở, cảnh báo. Nếu vận động, tuyên truyền không hiệu quả, nhất là trường hợp có biểu hiện chống đối thì báo về UBND xã và Ban Quản lý rừng phòng hộ phối hợp xử lý. Cũng có nhiều người thấy cây sao đẹp đã tìm mọi cách mua chuộc mình đào bán lại, thậm chí có cả đe dọa nữa nhưng mình kiên quyết từ chối. Điều đáng mừng là khi làm việc, mình nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của dân làng. Bà con thường chăn thả bò trong rừng hoặc đi ngang qua để vào nơi sản xuất nên có phát hiện điều không hay là xua đuổi hoặc báo mình ngay. Ngoài ra, lực lượng tuần tra của Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Ly cũng thường qua lại nơi này nên người xấu bụng không dám xâm hại rừng sao”-anh Nal thủ thỉ.
Tranh thủ lúc trời ngớt mưa, chúng tôi dạo một vòng tham quan khu rừng. Chắt chiu chất dinh dưỡng trong từng thớ đất làng A Mơng, rừng sao phát triển xanh tốt. Có nhiều cây sao xanh đường kính 50-60 cm, cao 20-30 m. Trong rừng cũng có rất nhiều tầng cây bụi rậm rạp, sóc chuyền cành, chim hót ríu ran, tạo cảm giác như một khu rừng nguyên sinh. 
Về nguồn gốc của rừng sao xanh được xem là độc nhất vô nhị ở Gia Lai này, Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Ly Phạm Thành Phước thông tin: Khu vực này trước đây là bãi đất trống trên con đường dẫn vào xã Ia Kreng. Để bảo vệ hành lang cho con đường, Ban Quản lý chủ trương trồng thông và sao xanh. Khoảng năm 1998 thì tiến hành trồng thông. Do không hợp thổ nhưỡng nên thông kém phát triển và chết. Ban thống nhất phương án chuyển sang trồng sao xanh. 
Anh Sil Nal bên gốc sao xanh có đường kính chừng 1 người ôm. Ảnh: Hoành Sơn
Anh Siu Nal bên gốc sao xanh có đường kính chừng 1 người ôm. Ảnh: Hoành Sơn
Là người trực tiếp tham gia trồng rừng sao ở làng A Mơng, ông Phạm Đình Hào-cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Ly-kể lại: “Năm 1998 và 1999, tôi được phân công giám sát việc trồng, chăm sóc và bảo vệ cây con mới trồng ở đây. Thời kỳ đó, đường sá lầy lội và cánh đồng Ia Rana sát rừng sao thường xuyên ngập nước. Do đó, chúng tôi phải ở lại cả tuần trong căn lều tạm để trông coi, giám sát. Lực lượng trồng rừng là người dân xã Ia Mơ Nông, nhiều nhất là bà con làng A Mơng. Ngày đó khổ lắm. Thường thì mọi người đi bộ 3-4 km để gùi cây giống, nhiều hôm phải chèo thuyền ra tăng bo để hôm sau có cây trồng. Thức ăn toàn cá khô, rau rừng. Đêm hôm sương xuống lạnh tê tái, có khi thức trắng ngồi bên bếp lửa cho ấm. Vắt rừng thì nhiều vô kể. Chúng tôi bị vắt đốt đến lở loét, còn da thì tái xanh như tàu lá chuối. Khó khăn là vậy nhưng chúng tôi cố gắng bám trụ hoàn thành công việc rồi bàn giao lại cho hộ nhận khoán trông coi”.
Lợi ích thiết thực cho cộng đồng
Khi những cánh rừng tự nhiên ngày một vắng bóng thì sự tồn tại của một rừng trồng cây gỗ quý như ở làng A Mơng mang lại nhiều giá trị lớn lao. Đó không chỉ là để bảo tồn giống cây quý mà còn góp phần giáo dục thế hệ trẻ ý thức bảo vệ môi trường. Giá trị nhất là giữ nước, điều hòa không khí. Vì thế mà dân làng A Mơng luôn tự hào và chung tay bảo vệ rừng sao. 
Ngồi trông đàn bò thảnh thơi gặm cỏ ở một góc rừng sao xanh, già Rơ Châm Ít hào hứng nói về lợi ích của rừng cây với làng. Già Ít bảo: “Dân làng mình quý rừng cây này lắm. Nhờ nó mà dân làng có nơi chăn thả gia súc. Đàn bò của làng được vỗ béo nhờ lá cây, các loại cỏ mọc đầy dưới tán rừng. Rừng còn giúp chắn gió, giữ nước để mùa khô tưới cho các loại cây trồng và cánh đồng cận kề. Chỗ đó cũng là nơi để dân làng ra tránh nóng mùa hè. Đám thanh niên cũng thường ra đó vui chơi. Vì vậy, bà con coi rừng sao xanh như tài sản chung của làng”.
Làng A Mơng đang là điểm đến yêu thích của nhiều du khách. Họ đến để ngắm thác Công chúa, tìm hiểu nghề dệt thổ cẩm, tham dự lễ bỏ mả và tham quan rừng sao xanh. “Mấy năm gần đây, khách du lịch đến tham quan làng đông lắm, điểm đông khách nhất là thác Công chúa. Do thác nước ở sát rừng sao nên sau khi ngắm thác, du khách thường di chuyển ra các khoảng đất trống dưới tán rừng sao nghỉ ngơi, thư giãn. Mỗi lúc vậy, mình vẫn thường nhắc nhở khách không xả rác bừa bãi và đặc biệt cẩn trọng khi dùng lửa, tránh gây hỏa hoạn”-anh Nal chia sẻ.
Đi gác rừng gặp trời mưa to và lạnh, anh Nal đốt lửa để sưởi ấm. Ảnh: Hoành Sơn
Những hôm đi gác rừng gặp trời mưa to và lạnh, anh Siu Nal đốt lửa để sưởi ấm. Ảnh: Hoành Sơn
Từng nhiều lần đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp tự nhiên của các thắng cảnh ở xã Ia Mơ Nông, anh Trần Quốc Khánh (phường Phù Đổng, TP. Pleiku) cho hay: “Trước khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tôi và bạn bè thường chọn làng A Mơng là điểm dừng chân dịp cuối tuần. Ở phía cuối làng có một cánh đồng lúa, tiếp đến là rừng cây và thác nước nên rất thích hợp cho 1 chuyến picnic cùng bạn bè, người thân. Không gian ở đây thoáng mát và yên tĩnh, phù hợp cho du khách yêu thích khám phá tự nhiên, dã ngoại”.
Thời gian qua, huyện Chư Păh đã triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy ngành “công nghiệp không khói”. Các thắng cảnh ở làng A Mơng là một phần trong kế hoạch phát triển du lịch của huyện. Một số nhà đầu tư đã tiến hành khảo sát để xin chủ trương đầu tư. Theo ông Nay Kiên-Chủ tịch UBND huyện Chư Păh, mới đây, có doanh nghiệp ở TP. Pleiku tiến hành khảo sát để đầu tư phát triển du lịch ở thác Công chúa gắn với rừng sao xanh và một số địa điểm khác ở làng A Mơng. Nhưng do một số vướng mắc liên quan đến giá cả đền bù đất đai, giải phóng mặt bằng nên phía công ty đang tính toán lại phương án.
Hơn 23 năm qua, rừng sao phát triển xanh tốt thể hiện được tinh thần trách nhiệm của đơn vị quản lý. Tuy nhiên, để rừng cây sinh trưởng, phát triển bền vững, người dân được hưởng lợi nhiều hơn từ rừng thì rất cần sự quan tâm của các cấp chính quyền và ngành liên quan. “Cây sao càng lớn thì càng có giá trị kinh tế. Theo đó, việc quản lý, bảo vệ khó khăn hơn, trong khi mức tiền chi trả cho hộ nhận khoán còn thấp. Những năm gần đây, du khách đến tham quan rừng sao tăng nhưng chúng tôi không có kinh phí để phát dọn, tạo cảnh quan thoáng đãng nhằm hút khách hơn. Chúng tôi rất mong cấp trên quan tâm hơn những điều đó để phát huy giá trị của rừng cây gỗ quý này”-Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Ly nhấn mạnh.
HOÀNH SƠN

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Lão nông cả đời bảo tồn cá quý trên dòng Mê Kông

Lão nông cả đời bảo tồn cá quý trên dòng Mê Kông

Sông Mê Kông đang ngày càng cạn kiệt về các loài cá quý hiếm. Ông Bảy Bon - lão nông ở Cần Thơ trên dòng sông Hậu dành gần cả đời sưu tầm và bảo tồn các loài cá quý với hy vọng chúng sẽ không biến mất. Kết hợp du lịch, ông đã tạo nên một điểm đến hấp dẫn mỗi khi khách đến cồn Sơn của TP Cần Thơ.

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.