Trải nghiệm lễ bỏ mả của người Jrai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Lễ bỏ mả của người Jrai ở vùng hạ lưu sông Ba được tổ chức với quy mô lớn và hội tụ nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống nhất so với các lễ hội khác. Vì vậy, khi những thanh âm cồng chiêng vang xa “9 suối 10 đồi” trong mùa lễ hội ở vùng đất Krông Pa (tỉnh Gia Lai) thì đó như lời mời gọi thôi thúc mọi người tìm về, để được hòa mình vào một đêm say, được sống trọn vẹn với vô vàn cung bậc cảm xúc trong không gian hội hè của “Tháng ba Tây Nguyên”.

Say một đêm pơ thi

Bố mẹ mất được 1 năm, ông Ksor Bu (buôn Hdreh, xã Ia Hdreh, huyện Krông Pa) quyết định làm lễ bỏ mả cho các đấng sinh thành. Ông Bu cho biết: “Gia đình mình đã góp lại mua 2 con trâu, 6 con bò, 10 con heo để chuẩn bị cho lễ bỏ mả. Ngoài ra, anh em dòng họ còn góp thêm gần 10 con heo, bò nữa. Hai con trâu trước khi mang ra hành lễ, ngày nào cũng phải được tắm táp sạch sẽ trong vòng 2 tuần cho đến ngày lễ bỏ mả chính thức diễn ra”.

Cồng chiêng thanh niên trong lễ bỏ mả. Ảnh: Minh Châu
Cồng chiêng thanh niên trong lễ bỏ mả. Ảnh: Minh Châu


Ông Ksor Sí là người nắm rõ những lễ nghi trong phong tục truyền thống Jrai nên được mời đến thực hiện nghi lễ trong suốt 3 ngày. Trong ngày đầu lễ bỏ mả, ông kính cẩn làm nghi lễ cúng Yàng, cùng các thần núi, thần sông, nhất là thần núi Chư Xiêng trước mặt. Lễ vật gồm một ché rượu cần, một con gà luộc. Ông đánh một hồi trống, gọi con gái, con rể của người đã khuất đi xung quanh cột đâm trâu và nhà mồ 3 lần để báo cáo với các thần linh. Trong ngày thứ 2, trước khi thực hiện nghi lễ ăn trâu ở nhà mồ, người chủ lễ lặp lại những lễ thức tương tự như ngày hôm trước. Thay mặt con cháu, người thân trong dòng họ, ông Ksor Sí nói lời tiễn biệt cuối cùng với người chết: “Cùng với lễ vật là một con gà, một ché rượu, cầu xin linh hồn người đã khuất chứng kiến nghi lễ cùng con cái, người thân. Mong linh hồn người chết thanh thản về với cội nguồn, không vướng bận cuộc sống. Mong người sống ở lại có cuộc sống tốt đẹp, suôn sẻ, không hiềm khích, cãi vã…”.

Suốt thời gian diễn ra lễ bỏ mả, thanh niên trai tráng trong làng luôn giữ cho tiếng chiêng âm vang. Tiếng chiêng khi chậm rãi, buồn bã nhịp điệu tiễn đưa, khi thúc giục, mời gọi mọi người cùng đến tham gia lễ hội. Trong khi đó, tùy vào nội dung bài nhạc chiêng, những phụ nữ hết nhảy xoang lại chuyển sang điệu tơ pia (một điệu nhảy cổ truyền mô phỏng chim đại bàng chỉ dùng trong lễ bỏ mả). Những ghè rượu ngày càng nối dài cùng với sự có mặt của dân làng để tiễn đưa. Người làng đến không chỉ bởi tình nghĩa với người chết, mà còn là sợi dây gắn bó đoàn kết với những người ở lại, chia sẻ mất mát với người sống. Những câu chuyện về người đi và người ở cứ thế được rì rầm kể cho nhau suốt đêm bên lửa ấm, trong những cang rượu cứ vơi lại đầy, trong nhịp chiêng không dứt suốt ngày dài sang đêm thâu.

Đêm, trong tiếng chiêng bịn rịn tiễn đưa, bà Ksor HBri (buôn Hdreh) trò chuyện với bố mẹ đẻ y như hồi ông bà còn sống. Bà không giấu nỗi buồn trong giây phút chia lìa. Bà nói đây là lần cuối cùng bà được chăm lo cho bố mẹ của mình nên chỉ muốn đêm dài thêm và mặt trời đừng lên để giây phút riêng tư này của bà với những đấng sinh thành kéo dài mãi.

Ăn trâu trong lễ bỏ mả

Lễ bỏ mả của người Jrai ở Krông Pa thường được tổ chức trong 3 ngày 2 đêm. Nhưng trước đó, những người đàn ông trong làng chịu trách nhiệm dựng các phần của nhà mồ cho người chết, có khi mất cả tuần, thậm chí cả tháng mới xong. Sau đó, những đồ dùng cá nhân như trang phục, trang sức (vòng cườm, lục lạc) và một số dụng cụ lao động (tất nhiên là đã cố tình đập cho sứt mẻ, hư hỏng)... sẽ được người thân của người đã khuất chôn theo, nhiều hay ít là tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của gia đình. Lễ bỏ mả của người Jrai độc đáo ở chỗ luôn có ăn trâu trong lễ hội.

 Người Jrai ở vùng hạ lưu sông Ba thường ăn trâu trong lễ bỏ mả. Ảnh: Minh Châu
Người Jrai ở vùng hạ lưu sông Ba thường ăn trâu trong lễ bỏ mả. Ảnh: Minh Châu


Già làng Ksor Quan (buôn Hdreh) cho biết: Ăn trâu ở nhà mả khác với ăn trâu ở gia đình hoặc trên nhà rẫy, nhưng đều giống nhau ở chỗ, trâu thường được nuôi từ nhỏ, được chăm sóc như một thành viên trong gia đình. Tuy nhiên hiện nay, nhiều gia đình chọn mua trâu lớn trước khoảng 2 tuần hoặc 1 tháng nhưng vẫn không làm giảm đi sự thiêng liêng của nghi lễ này. “Trước khi ăn trâu trong lễ bỏ mả, gia chủ và đội cồng chiêng, đội xoang đều mặc trang phục truyền thống, đeo còng tay, lục lạc, vòng cổ, đánh chiêng và xoang đủ 3 vòng quanh cột trâu và nhà mả. Người giết trâu cũng là thanh niên khỏe mạnh, có kinh nghiệm và nhất là phải có những phẩm chất tốt”-già làng Ksor Quan cho biết.

Người Jrai ở vùng hạ lưu sông Ba vẫn gìn giữ những nghi thức cổ truyền trong lễ bỏ mả. Họ mặc những bộ váy áo đẹp nhất, đeo những trang sức quý nhất và giữ cho mình sự thanh sạch từ tinh thần đến thể chất để đến với lễ hội. Những bộ chiêng quý nhất được mang ra cho mùa lễ hội. Những chiếc dùi được bọc lại thật sặc sỡ, để tấu lên những khúc nhạc chiêng trầm hùng nhất đủ đánh thức, lay động cả sông suối, núi đồi. Có thể thấy sự hội tụ của văn hóa và nghệ thuật, những ứng xử nhân văn giữa con người với con người, con người với vạn vật để duy trì một đời sống tinh thần phong phú suốt chiều dài lịch sử.

 

 MINH CHÂU - SƠN TRUNG 

Có thể bạn quan tâm

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

(GLO)- Quà lưu niệm từ sản phẩm văn hóa vừa là “sứ giả” du lịch, vừa góp phần đem lại thu nhập cho người dân. Việc tổ chức các cuộc thi tay nghề đan lát, dệt thổ cẩm nhằm tìm kiếm sản phẩm đặc sắc làm quà tặng đã góp phần nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy du lịch nông thôn phát triển.

Chuyện một “công trình sư” Bahnar

Chuyện một “công trình sư” Bahnar

(GLO)- Sau khi hoàn tất việc cắt lúa, ông Chánh thư thái ngồi trò chuyện cùng chúng tôi bên ghè rượu. Phẩm chất nghệ sĩ của người nông dân với tư cách “công trình sư” một loạt công trình, mô hình ghi dấu bản sắc văn hóa tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku) hiện diện trước mặt chúng tôi.

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

(GLO)- Sáng 6-11, tại TP. Pleiku, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức hội thảo khoa học di tích lịch sử “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947, xã Kông Bơ La, huyện Kbang” nhằm hoàn thiện hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền đề nghị xếp hạng di tích quốc gia.

Trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống tạo ra các sản phẩm lưu niệm phục vụ du khách

Trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống tạo ra các sản phẩm lưu niệm phục vụ du khách

(GLO)- Nằm trong khuôn khổ Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya, chiều 9-11, tại khu vực sân nhà rông làng Gri, xã Chư Đang Ya (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai), Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND huyện Chư Păh tổ chức trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống.

Các nghệ nhân làng Chuet 2 (phường Thắng Lợi) phục dựng lễ báo hiếu cha mẹ tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Thu

Lễ báo hiếu của người Jrai

(GLO)- Lễ báo hiếu cha mẹ là tập tục văn hóa truyền thống đã có từ xa xưa trong đời sống của cộng đồng người Jrai. Đây là dịp để những người con đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục và cầu mong thần linh ban sức khỏe cho cha mẹ.

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Cách đây gần 18 năm, trong một số công trình điều tra văn hóa các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở TP. Pleiku thì người ta xếp một số buôn làng trong khu vực, trong đó có làng Wâu và Ktu (xã Chư Á) là làng tương đối có giá trị, đưa vào diện bảo tồn và phát triển.

Ngân vang giai điệu cồng chiêng

Ngân vang giai điệu cồng chiêng

(GLO)- Suốt 1 tháng qua, sau khi hoàn tất công việc gia đình, những người nông dân Jrai chân chất, mộc mạc ở tổ 6 (phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) lại say sưa luyện tập đánh cồng chiêng.