(GLO)- Một quán trà sữa truyền thống có mặt từ gần chục năm nay ở Pleiku mỗi ngày bán ra hơn 200 ly mang về, chưa kể phục vụ tại quán. Một quán trà sữa khác của một thương hiệu nổi tiếng vừa khai trương cũng bán ra mỗi ngày từ 400 đến 500 ly. Những con số nói trên chứng tỏ nhu cầu trà sữa hiện nay là rất cao và đa dạng.
Trà sữa là thức uống không mới ở Phố núi. Từ hàng chục năm trước, khi quán trà sữa Hoa Hướng Dương trên đường Hai Bà Trưng mở ra, đây được xem là địa điểm gặp gỡ, giải khát sang chảnh bậc nhất của các bạn trẻ, nhất là giới học sinh, sinh viên. Hoa Hướng Dương sau đó còn mở thêm 2 quán khác trên đường Hùng Vương và Phan Đình Phùng. Ngoài ra còn có một quán trà sữa khác mở khá lâu năm là Domino trên đường Phạm Văn Đồng và vô số quán trà sữa vỉa hè không có tên. Vị trà sữa thơm ngậy, beo béo, mát lạnh, nhấm nháp cùng vài hạt trân châu sần sật đi kèm có sức mê hoặc các “tín đồ” của loại thức uống này. Tuy nhiên, chỉ đến khi các thương hiệu trà sữa thế giới lẫn trong nước xuất hiện tại Gia Lai với cách tiếp thị mới, trà sữa mới bắt đầu tạo thành “cơn sốt”.
Khách đông đúc tại một quán trà sữa mới mở trên đường Hùng Vương . Ảnh: N.B |
“Cơn sốt” trà sữa
Hiện nay khi nhắc đến trà sữa ở Phố núi, người ta có thể kể hàng loạt tên quán mới như: Cỏ (đường Nguyễn Du), Gongcha, Imo (đường Hùng Vương), Kap (đường Lê Lợi), Mamut (đường Đinh Tiên Hoàng)... Chưa dừng lại ở đó, một số thương hiệu trà sữa được nhượng quyền cũng chuẩn bị gia nhập thị trường Gia Lai với nhiều cách quảng bá gây tò mò, háo hức cho giới trẻ như Ding Tea (đường Lý Thái Tổ).
Nói về sự gia nhập ồ ạt của nhiều thương hiệu trà sữa vào Gia Lai, anh Nguyễn Văn Dương-nhân viên quản lý trà sữa Gongcha tự tin cho rằng, Gongcha sẽ chinh phục được “tín đồ” trà sữa Gia Lai vì đã thành công ở nhiều quốc gia trên thế giới. Anh Dương cho biết: “Gongcha mới hoạt động được khoảng 2 tháng và đang trong thời gian thăm dò khẩu vị cũng như thói quen của khách hàng. Khởi đầu chúng tôi đã có nhiều thuận lợi khi mỗi ngày phục vụ ổn định từ 400 đến 500 ly, trong đó khách mua về khoảng 100 ly. Chúng tôi sẽ cố gắng tạo ra không gian gần gũi, chuyên nghiệp hơn để hướng tới phục vụ đa dạng đối tượng khách hàng chứ không riêng gì giới trẻ”. Nói về mức giá khá cao cho một ly trà sữa Gongcha so với những quán trà sữa khác (50-60 ngàn đồng/ly), anh Dương cho rằng, quán hướng đến nhiều nhóm đối tượng và khách hàng ở mức thu nhập nào cũng có thể thưởng thức trà sữa của thương hiệu này.
Trước sự gia nhập của nhiều thương hiệu trà sữa với cách tiếp thị, quảng bá lẫn mức độ đầu tư lớn, những quán trà sữa lâu năm cũng không thể “bình yên trong tâm bão”. Anh Nguyễn Ngọc Vui-đại diện Hoa Hướng Dương cho biết: “Sắp tới, chúng tôi sẽ sửa sang lại quán theo thị hiếu của khách hàng, đa dạng món uống và không ngừng đổi mới thực đơn”. Tuy phải tìm hướng đổi mới để không mất đi khách hàng lâu năm, anh Vui vẫn tự tin rằng, dù có nhiều thương hiệu trà sữa mở ra nhưng những quán trà truyền thống sẽ vẫn trụ vững vì mức giá hợp lý. “Gần 10 năm nay, chúng tôi vẫn duy trì lượng khách hàng ổn định. Hiện tại, mỗi ngày chúng tôi bán mang về khoảng trên dưới 200 ly với mức giá từ 20 ngàn đồng đến 30 ngàn đồng/ly, chưa kể phục vụ tại quán. Tôi nghĩ rằng cái gì tạo thành “cơn sốt” cũng sẽ có lúc hạ nhiệt, chỉ có chất lượng và phục vụ tốt mới là yếu tố vững bền để có thể tồn tại lâu dài với thị trường”.
Chất lượng hay hình ảnh?
Dạo một vòng Quảng trường Đại Đoàn Kết hay những địa điểm công cộng tại Pleiku, không khó để bắt gặp hình ảnh từng nhóm bạn trẻ đang cầm trên tay ly trà sữa, vừa thưởng thức vừa trò chuyện. Nhiều bạn trẻ còn coi đây là thức uống thời thượng, thường xuyên cập nhật hình ảnh uống trà sữa lên facebook cá nhân như một trào lưu. Thậm chí, có lần người viết bài này đi cài đặt lại máy tính tại một cửa hàng điện thoại di động cũng nghe nhân viên ở đây bàn tán sôi nổi về các loại trà sữa.
Chị Lê Bảo Ly (30/7 Sư Vạn Hạnh, TP. Pleiku) cho biết, chị rất mê loại thức uống này, có thời kỳ ngày nào chị cũng uống. “Mỗi quán trà sữa có một vị khác nhau để khách hàng lựa chọn. Bản thân tôi rất thích vị trà sữa ở Gongcha nhưng do mức giá quá cao nên thỉnh thoảng tôi mới uống, bình thường tôi chọn những quán có mức giá hợp lý hơn”. Chị Ly cũng cho biết, với các bạn trẻ hiện nay, yếu tố quan trọng là quán phải có chỗ ngồi đẹp, bắt mắt để chụp hình đăng lên mạng xã hội.
Nắm bắt tâm lý này, các thương hiệu trà sữa khi gia nhập thị trường thường rất chú trọng đến việc thiết kế cửa hàng, bao bì sản phẩm, đồng nghĩa với việc đầu tư lớn và tốn kém chi phí hơn. Vì thế, mức giá của một ly trà sữa không chỉ nằm ở chất lượng mà kèm theo rất nhiều yếu tố. Đại diện trà sữa Gongcha tại Gia Lai thừa nhận: “Muốn tạo ra sự ấn tượng, mọi thứ trông phải thật chuyên nghiệp, bắt mắt, do vậy mức đầu tư sẽ càng cao”.
Nguyên Bình