Trả nợ rừng xanh

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Ông Lê Văn Hòe (tên dân tộc là Nai Hòe, 54 tuổi, người gốc ở Thà Phải Bản, huyện Na Kai, tỉnh Khăm Muộn, Lào - hiện sống tại bản Phú Lâm, xã Phú Gia, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) trước đây từng bị các chủ đầu nậu, lâm tặc dụ dỗ thuê vào rừng sâu chặt kéo gỗ lậu trái phép… Nhưng nay, ông đã quay trở lại với quyết tâm thực hiện lời thề “giữ rừng - trả nợ rừng xanh” của mình.

Thức tỉnh

Sau nhiều giờ vượt qua đường đèo dốc, khe suối quanh co hiểm trở, chúng tôi cũng tìm đến được trang trại của ông Lê Văn Hòe, nằm sâu hút giữa những cánh rừng rậm rạp gần vùng biên giới Việt - Lào.

Tiếp chuyện chúng tôi, ông Hòe với vóc dáng gầy nhỏ, nước da ngăm đen, trên khuôn mặt luôn nở nụ cười hiền hậu: “Bố của tôi là Lê Văn Hiếu (sinh năm 1933, đã mất) người dân tộc ở Thà Phải Bản, huyện Na Kai, tỉnh Khăm Muộn (Lào), sang bản Phú Lâm định cư, xây dựng gia đình và sinh ra tôi. Khi còn nhỏ, quanh năm suốt tháng tôi theo chân bố vào rừng sâu đào củ mài, sắn, chặt cây gỗ, mây hèo, tre nứa, lá nón… đem ra chợ Gia ở trung tâm xã Phú Gia, cách nhà khoảng 15km bán lấy tiền đong gạo ăn. Lớn lên, năm 1984, tôi xây dựng gia đình với bà Ngô Thị Cúc (cùng tuổi) và có với nhau 4 con trai, hiện đều đã trưởng thành, trong đó có 3 người con đang cùng tôi nhận bảo vệ rừng ở vùng biên giới này…”.

Ông Lê Văn Hòe và cháu nội tại một cây cổ thụ ở vùng rừng biên giới xã Phú Gia
Ông Lê Văn Hòe và cháu nội tại một cây cổ thụ ở vùng rừng biên giới xã Phú Gia



Ông Hòe cho biết, trước đây dân bản Phú Lâm ai cũng nghèo và đông con, cuộc sống hoàn toàn dựa vào rừng, cứ nghĩ rừng ở đây là của tự nhiên, nên mạnh ai nấy chặt phá, kéo về xuôi bán. Ngoài ra, do dân bản thông thạo đường đi lối lại trong rừng sâu nên các chủ đầu nậu, lâm tặc vào bản dụ dỗ thuê đi chặt cây rừng.

“Lúc đó chúng tôi không nghĩ mình đang tiếp tay tàn phá, làm cạn kiệt tài nguyên rừng. Rừng xanh vì đó mà trơ trụi trong thời gian dài. Chỉ đến khi bị cơ quan chức năng phát hiện và được giải thích, tuyên truyền cặn kẽ những lợi - hại của việc phá rừng, chúng tôi mới bắt đầu nhận thức được việc làm sai trái của mình”, ông Hòe nói. Kể từ đó, ông Hòe trở thành một con người hoàn toàn khác.

“Tôi đã từng có lời thề phải trả nợ rừng xanh bằng những việc làm thiết thực; đồng thời, tuyên truyền, vận động, thuyết phục con cháu, bà con dân bản cùng bảo vệ rừng”, ông Hòe chia sẻ.

Ông Hòe đã làm đơn gửi chính quyền địa phương, cơ quan chức năng xin nhận chăm sóc hơn 239ha rừng phòng hộ tại tiểu khu 225, 228 (thuộc khu vực rừng Rào Cam, giáp biên giới Việt - Lào), rồi ngày qua ngày, cứ tờ mờ sáng ông lại đùm theo cơm nắm, công cụ… một mình lủi thủi vào rừng sâu tuần tra. Chỉ khi ốm đau, ông mới giao trách nhiệm lại cho các con. Chính nhờ vậy, suốt nhiều năm qua, ở khu vực rừng Rào Cam không xảy ra tình trạng chặt phá rừng, cháy rừng và khu rừng này đang ngày càng quay về với nguyên trạng rừng tái sinh đẹp, rậm rạp; đặc biệt là bảo tồn, phát triển được rất nhiều loại cây gỗ quý lâu năm như vàng tim, cồng, dổi, de, táu, lim, sến…

Ngoài ra, ông còn xin nhận thêm 19ha đất rừng ở bản Phú Lâm để trồng cây keo tràm, các loại cây ăn quả, chăn nuôi heo rừng, gà, trâu bò để tăng gia sản xuất, đảm bảo ổn định cuộc sống.

“Hòe Lào - Nai Hòe Lào”

Nhiều năm rồi, “Hòe Lào” hay “Nai Hòe Lào” là 2 cái tên đã quá quen thuộc mà người dân ở bản Phú Lâm gọi ông để bày tỏ sự tin tưởng đối với ông Lê Văn Hòe. Năm 2009, ông Hòe được tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn Phú Lâm, kiêm Trưởng bản Phú Lâm (toàn thôn Phú Lâm có 114 hộ dân, 430 nhân khẩu; trong đó, bản Phú Lâm có 57 hộ người dân tộc Lào Thưng, với 227 nhân khẩu - Lào Thưng tức người dân tộc ở bên Lào sang bản Phú Lâm cư trú, sinh con cháu và làm ăn).

Ông Hòe cho biết: “Thời gian đầu đi tuyên truyền, vận động người dân không tiếp tay phá rừng gặp rất nhiều khó khăn, người dân chỉ nghe chứ không thực hiện. Họ vẫn lén lút mang rìu, cưa xẻ, dắt trâu kéo đi phá rừng, nhưng tôi không bỏ cuộc, không ngại đường xa, ngày đêm vẫn kiên trì đến tận nhà, gặp từng người dân thuyết phục bà con không nghe theo lời xúi giục, của lâm tặc đi chặt phá rừng trái phép; đồng thời, động viên, khuyến khích người dân tự lập và lồng ghép các mô hình sản xuất trồng cây ăn quả, keo tràm, chăn nuôi để tự tạo thêm thu nhập. Từ đó, người dân dần thấu hiểu, có ý thức trách nhiệm bảo vệ rừng và đến nay, người dân trong thôn bản Phú Lâm đã không còn tiếp tay phá rừng như trước đây nữa”.

 


Ngày 13-6-2012, tại bản Phú Lâm, xã Phú Gia, Ban tổ chức Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn của Báo SGGP và Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh đã khánh thành, đưa vào hoạt động Trạm xá Quân dân y kết hợp. Công trình gồm 5 phòng kiên cố dùng làm phòng khám và điều trị, có vườn trồng cây thuốc Nam… trị giá hơn 500 triệu đồng, do Tổng công ty Rượu - Bia - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) tài trợ.

Thiếu tá Lê Ngọc Thiện (Đồn Biên phòng 571, đóng tại xã Phú Gia), Trạm trưởng Trạm xá Quân dân y kết hợp, cho biết từ khi hoàn thành đến nay, trạm xá hoạt động rất tốt, đáp ứng hiệu quả, kịp thời việc khám chữa bệnh, điều trị, chăm sóc bảo vệ sức khỏe cho bà con ở thôn Phú Lâm, bản Phú Lâm và bà con dân tộc ở huyện Na Kai (tỉnh Khăm Muộn, nước bạn Lào), với bình quân từ 150 - 200 người/quý.

Theo Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Tiêm, thời gian đầu khi ông Hòe đi vận động thì nhiều người dân còn nghi ngại, nhưng sau đó bằng chính những việc làm cụ thể, tích cực đối với nhiệm vụ bảo vệ rừng, người dân trên địa bàn đã tin tưởng, ủng hộ ông. Sự hăng hái, nhiệt tình, quyết tâm thực hiện lời thề “trả nợ rừng xanh” của ông Hòe cũng được chính quyền tin tưởng. Xã giao ông Hòe giữ chức trưởng thôn, trưởng bản và mời tham gia vào đội tuần tra quản lý, bảo vệ rừng của Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Tiêm.

Nhiều năm qua, ông Hòe còn vào rừng sâu tìm cây khôi tía đưa về trang trại ươm trồng thành công vừa để lấy lấy lá bán làm thuốc, nâng cao thu nhập vừa giúp bà con nhân rộng (lá cây khôi tía có tác dụng chữa bệnh đau dạ dày và một số bệnh khác rất hiệu quả). Ngoài ra, mỗi khi có người trong thôn, bản bị ốm đau bệnh tật, đến nhờ ông chở ra Bệnh viện Đa khoa huyện Hương Khê (cách bản Phú Lâm gần 18km đường rừng), nếu như không ở trong rừng sâu, thì bất cứ lúc nào, dù ngày hay đêm, mưa hay nắng, ông Hòe luôn sẵn sàng lấy xe máy và tự đổ xăng rồi chở họ đến tận nơi mà không nhận tiền công.

Để hoàn thành nhiệm vụ tập trung bảo vệ hơn 239 ha rừng ở vùng biên giới, đầu năm 2017, ông Hòe xin nghỉ chức trưởng thôn, trưởng bản Phú Lâm. Khi đó, hầu hết người dân ở đây không đồng ý. Sau nhiều lần giải thích thấu đáo, cuối cùng người dân mới đồng ý để ông tạm thời nghỉ từ 1 - 2 nhiệm kỳ…

Ông Nguyễn Văn Nhân, Chủ tịch UBND xã Phú Gia, nhận xét, ông Hòe là người dân sống ở vùng sâu biên giới nhưng luôn có những việc làm ý nghĩa thiết thực cho cộng đồng xã hội, được bà con, dân bản tín nhiệm. Ngoài ra, ông Hòe còn trực tiếp giúp đỡ rất nhiều hộ dân phát triển sản xuất chăn nuôi, trồng rừng để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống…

Dương Quang (sggp)

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.