TP. Hồ Chí Minh hiện có rất nhiều nhà hàng 4-5 sao, đồng thời đã quy hoạch 22 tuyến phố ẩm thực, đây là động lực phát triển, phục vụ đa dạng ẩm thực từ trung đến cao cấp cho đối tượng là khách quốc tế.
Phát huy lợi thế về ẩm thực, với những món ngon, đặc sản sẽ giúp du lịch TP.HCM thu hút được nhiều du khách. Nguồn: VGP |
Chiều 11-1, Ban Vận động thành lập Hiệp hội Ẩm thực Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Đại hội thành lập Hiệp hội; phối hợp với Mạng lưới Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam (VISTARTUP) tổ chức Ngày hội F&B Việt Nam 2022 và Diễn đàn Ẩm thực Việt Nam 2023 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), Quận 7.
Đại hội thành lập Hiệp hội Ẩm thực Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra thành công và bầu ra Ban Chấp hành nhiệm kỳ I (2023-2028) gồm 43 thành viên.
Ban Thường vụ Hiệp hội có 19 thành viên, trong đó ông Nguyễn Tấn Việt, Chủ tịch Hội Food&Beverage Việt Nam được bầu làm Chủ tịch Hiệp hội. Đại hội biểu quyết thông qua Điều lệ Hiệp hội Ẩm thực Thành phố Hồ Chí Minh; phương hướng hoạt động; đề án nhân sự...
Với chủ đề “Chung tay kiến tạo Hệ sinh thái F&B Việt Nam," Ngày hội F&B Việt Nam 2022 có 50 đơn vị tham gia gian hàng trưng bày.
Các đơn vị đã quảng bá sản phẩm liên quan đến ẩm thực, thực phẩm chế biến sâu, đồ uống, nguyên phụ liệu dùng trong công nghiệp chế biến thực phẩm, máy móc thiết bị sản xuất, đóng gói, bảo quản…
Các doanh nghiệp đã giới thiệu hơn 100 món ăn, thức uống đặc trưng vùng miền và món quốc tế như Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản...
Ngày hội là nơi hội tụ, kết nối tinh hoa ẩm thực đến với cộng đồng, xúc tiến tiềm năng thương mại, kinh doanh ngành ẩm thực tại Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung.
Đây cũng là hoạt động hướng đến mục tiêu kích cầu tiêu dùng, phục hồi du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước, góp phần làm phong phú hoạt động chào đón Tết Quý Mão 2023.
Diễn đàn Ẩm thực Việt Nam 2023 với chủ đề “Kinh tế Đêm và Ẩm thực phát triển," được Ban Tổ chức kỳ vọng là “nhịp cầu” kết nối cộng đồng ngành F&B (loại hình dịch vụ kinh doanh ẩm thực, nhà hàng, ăn uống), doanh nghiệp “Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo," nhượng quyền thương hiệu..., mang lại cho doanh nghiệp cơ hội tiếp cận thị trường, phát triển thương hiệu Việt ra thị trường trong nước, khu vực và quốc tế.
Theo ông Nguyễn Quang Huy, Chủ tịch Mạng lưới Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam (VISTARTUP), tại Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, ẩm thực là thế mạnh rất đặc trưng để thu hút khách, nhất là nhóm khách quốc tế.
Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh có rất nhiều nhà hàng 4-5 sao, đồng thời đã quy hoạch 22 tuyến phố ẩm thực sẽ là động lực phát triển, phục vụ đa dạng ẩm thực từ trung đến cao cấp cho đối tượng khách châu Âu, Mỹ, Hàn, Nhật... Đây là lợi thế rất lớn cho cộng đồng ngành F&B Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước.
Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, phát huy lợi thế hội tụ ẩm thực để gia tăng giá trị và tính cạnh tranh cho du lịch thành phố đã được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành.
Năm 2023, ngành Du lịch thành phố sẽ tập trung xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá, xếp hạng các cơ sở dịch vụ ẩm thực của thành phố; chú trọng phát triển sản phẩm du lịch gắn với chủ trương phát triển Kinh tế Đêm của Thành phố.
Sở Du lịch thành phố rất mong nhận được sự đồng hành hiệu quả của Hiệp hội Ẩm thực Thành phố trong triển khai những hoạt động này để góp phần nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm, thu hút ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước đến thành phố, tạo thêm việc làm, cải thiện thu nhập cho người dân.
Theo Mỹ Phương (TTXVN/Vietnam+)