Sau khi vượt qua nghịch cảnh của số phận, chúng ta sẽ làm được gì để trả ơn cuộc đời này? Đối với tôi, đó thực sự mới là điều quan trọng chiếm gần hết suy nghĩ của mình.
|
Khát vọng vươn lên được Trà My thể hiện vào sách - Ảnh: NVCC |
Lần đầu ra công chúng
Năm 2006, một người em họ đang học Trường CĐSP Quảng Trị báo cho tôi biết nhà trường tổ chức cuộc thi văn học và kêu tôi gửi bài dự thi. Rồi tôi chợt nhớ mình đã từng sáng tác truyện ngắn "Mặc cảm" kể về cô sinh viên nhà quá nghèo nên phải bỏ học để đi phụ quán cơm và cô luôn bị mặc cảm bởi điều này.
Nhưng đến một ngày, cô phát hiện người khách vào ăn cơm chính là cha bạn học mình. Khi nghe ông tâm sự con trai mình chẳng chịu học hành gì dù nhà rất có điều kiện, lúc đó cô sinh viên nghèo kia mới giảm đi sự mặc cảm của mình.
Tôi nhờ người bạn nộp bài dự thi và chỉ để tên tác giả là tôi kèm theo số di động của ba tôi mà thôi. Chẳng mong mình được giải gì, chẳng qua tôi muốn cho mình cơ hội được trải nghiệm. Ai ngờ cái tên của tôi lại được ban tổ chức truy lùng khắp các khoa vì họ nghĩ tôi là một trong những sinh viên.
Thầy cô truy không ra, bèn gọi vào số điện thoại tôi ghi bên dưới bài dự thi. Ba tôi đang đi làm nghe điện thoại bất ngờ từ nhà trường thì cũng giật mình. Thế là ngay ngày hôm đó, cô hiệu phó đã xuống nhà tôi. Rồi ba dẫn tôi lên trường nhận giải và giao lưu với các bạn sinh viên, thầy cô.
Đó là lần đầu tiên trong đời tôi xuất hiện trước công chúng.
Bài dự thi của tôi được giải ba (hình như cuộc thi không có giải nhất). Giấy khen được nhà trường đề tặng là "Sinh viên Trần Trà My", vì nhầm tôi là sinh viên trường. Đối với tôi, điều này mới tạo ra sự công bằng nhất, bởi tôi không thích bất kỳ sự ưu ái nào!
Cả đêm hôm đó tôi mất ngủ vì hạnh phúc, đây là trái ngọt đầu tiên đến với tôi trong cuộc đời viết văn. Tôi quyết định viết bức thư cho chương trình "Ước mơ Việt Nam" để kể về câu chuyện này. Và thay vì gửi thẳng địa chỉ Đài Truyền hình Việt Nam, tôi lại gửi cho chị họ tôi lúc bấy giờ đang là sinh viên để nhờ chị ấy đem đến thẳng đài VTV.
Mấy tháng sau, êkip truyền hình đã gọi điện thoại cho ba tôi và báo sẽ về Quảng Trị để làm chương trình về tôi.
Thời đó, chương trình này do chị Mộng Hoài làm MC rất nổi tiếng. Chị ấy ở ngoài trẻ trung và thân thiện, nên mới gặp nhau vài phút tôi đã có cảm giác như chị em thân thiết từ lâu. Tôi quan sát cách họ làm việc, cách viết kịch bản và cách khai thác nhân vật, rồi ước gì sau này mình cũng được như họ...
Tâm lý cô gái khuyết tật 20 tuổi lần đầu được lên chương trình truyền hình quốc gia có thời lượng 30 phút làm cho tôi hồi hộp. Hôm đó, êkip chương trình đã đến nhà tôi vào lúc 8h sáng để setup mọi thứ.
Nhưng đó lại là một ngày mưa gió bão bùng, thành ra không thể thu âm thanh trực tiếp và mãi đến tận trưa mới quay được. Khi êkip truyền hình ra về, lòng tôi lại trỗi lên khát khao muốn vào Sài Gòn lập nghiệp.
20 tuổi, tôi đứng nơi hiên nhà và hình dung về một tương lai tươi sáng. Rồi tôi sẽ trở thành một cô gái xinh đẹp, tự tin, đi khắp nơi và được gặp gỡ rất nhiều người. Và tôi luôn tin vào điều đó! Tại sao không dám cho mình một ước mơ lớn lao?
|
Khuyết tật, nhưng Trà My rất thích đi và giao lưu - Ảnh: NVCC |
Biến khuyết điểm thành ưu điểm
Còn nhớ khi đang quay chương trình "Ước mơ Việt Nam", khi êkip vừa off máy là tôi đã xin ngay tờ kịch bản chương trình. Vì tôi muốn học thêm cách viết nội dung kịch bản. Tôi tin rằng sau này mình sẽ không dừng lại ở việc viết văn.
Cho đến khi vào Sài Gòn lập nghiệp, tôi càng cố gắng làm quen với nhiều người thành công, thành đạt. Cách hay nhất là tham gia nhiều sự kiện quan trọng, qua đó tôi được học hỏi thêm nhiều thứ và xây dựng các mối quan hệ xã hội.
Một đứa con gái khuyết tật, chỉ có thể nhúc nhắc đi lại bằng xe đẩy, nói không ai nghe rõ, nhưng tôi cố tham dự nhiều sự kiện dành cho giới doanh nhân, nghệ sĩ hay bạn trẻ sinh viên. Đến mức nhiều người ngạc nhiên sao sự kiện nào cũng thấy mặt tôi cả.
Vào chỗ đông người, tôi thường quan sát và cũng chủ động làm quen, trao đổi name card, chứ chẳng hề thụ động ngồi một chỗ. Thậm chí, tôi sẵn sàng đặt câu hỏi với diễn giả hay phản biện vấn đề họ vừa nói.
Tất nhiên là tôi phải nhờ thêm giấy viết, vì giọng ú ớ của tôi nói thì họ sẽ rất khó nghe được. Có hôm tôi còn "chạy show" hai, ba sự kiện trong ngày, và tôi quan sát luôn cả êkip tổ chức sự kiện để học hỏi...
Nhờ mạnh dạn đi nhiều như vậy nên kiến thức, mối quan hệ, sự tự tin trong tôi đã tăng lên rất nhiều.
Dù rất mệt và có tình huống bước vào những nơi sang trọng thì bảo vệ không cho tôi vào, vì họ nghĩ cô gái khuyết tật vào để xin xỏ gì đó. Bởi hồi đó tôi chưa biết trau chuốt ngoại hình, toàn mặc đồ trẻ con, thậm chí ngay giày dép tôi cũng chỉ có thể mua đồ nhỏ của em bé.
Đã vậy, tôi còn toàn xin đi nhờ xe máy, tóc tai bê bết mồ hôi thì nhìn ngoại hình của tôi có lẽ chẳng khác gì "đứa ăn xin". Trong khi các sự kiện này đa số là dành cho những người thành đạt, nổi tiếng.
Quả thật tôi cũng biết tận dụng những khuyết điểm của mình để biến thành ưu điểm. Nhưng cứ để cho truyền thông nói lui nói tới về sự "vượt lên số phận" của mình thì sẽ tạo ra sự nhàm chán cho cả chính tôi lẫn khán giả. Bởi suy cho cùng, mỗi cuộc đời ai cũng có lúc vượt lên nghịch cảnh cả, huống gì người khuyết tật như tôi.
Dần dần tôi suy tư nhiều về những khoảnh khắc trong cuộc sống vô tình gặp một người xa lạ nào đó cảm ơn mình, rồi nói rằng nhờ sự cố gắng của mình đã giúp họ thay đổi tương lai hoặc vượt qua được bế tắc cuộc sống.
Có lẽ lúc đó chúng ta mới thấm thía về sự cố gắng của mình không chỉ giúp cho chính cuộc đời mình mà còn tạo niềm hi vọng cho hàng triệu người khác có cơ hội vươn lên.
Và cuộc đời tôi trong suốt mấy năm qua đã gặp được những khoảnh khắc tuyệt vời như vậy! Có rất nhiều người xa lạ ngoài kia đã chạy đến cảm ơn tôi khi vô tình tôi đã giúp họ chiến thắng được số phận.
Thậm chí, có những bạn nữ mà ngay cả ước mơ đơn giản nhất là mặc cái váy hai dây hay mang một đôi giày cao gót đẹp cũng không dám thực hiện. Chỉ tới khi họ thấy những bức hình "chưng diện" đầy tự tin của cô gái khuyết tật cao 1,32m của tôi trên Facebook, họ mới thêm tự tin hiện thực hóa những mơ ước đơn giản trên.
Mới đây nhất, tôi ngồi xem chương trình "Điều ước thứ 7" trên VTV3 kể về cô bé Hà Phương sinh ra bị mất một tay nhưng có ước mơ thành người mẫu. Và tôi rất xúc động phát hiện ra chi tiết người mẹ của bé vẫn hay sưu tầm những bài báo viết về các tấm gương vượt lên số phận, trong đó có những bài báo viết về tôi.
Đôi khi chỉ cần không bê tha với chính cuộc đời mình cũng là cách "cứu rỗi" được biết bao cuộc đời xa lạ ngoài kia. Tương lai còn dài và tôi cũng còn rất nhiều hoạch định cho bản thân.
Tuy nhiên, tôi không thích đao to búa lớn theo kiểu mình là diễn giả đi truyền nghị lực sống cho ai cả, mà chỉ đơn giản một điều: khi cuộc sống của ai đó bế tắc thì xin hãy nhớ có một người đã từng vô cùng bất hạnh như tôi, nhưng bây giờ tôi đang thực hiện ước mơ lên đến những vì sao...
Vươn đến những vì sao trên trời Chương trình truyền hình được phát, tôi nhận được rất nhiều thư từ của khán giả cả nước. Ngoài ra, tôi cũng có một số tiền do chương trình trao tặng để được nối mạng Internet. Từ đó các bài viết của tôi không cần phải in giấy gửi bưu điện cho các báo nữa. Nhờ có mạng mà tôi được giao lưu, học hỏi thêm nhiều điều mới lạ. Tôi lập blog và xin được kết bạn với rất nhiều người thành công để học tập ở họ những cái hay. Một cô gái khuyết tật ngồi ở nhà như tôi đã có thể vươn đến những vì sao trên trời... |
_________________________________
Tôi hình dung nếu mình rạch tay, máu chảy lênh láng và chắc phải vài ngày mới có ai đó phát hiện. Tôi nghĩ về cái chết của mình vào những ngày tối tăm, những ngày mà tôi chỉ chờ một cuộc điện thoại.
Kỳ tới: Tình yêu và nếu tôi chết đi
Theo TRẦN TRÀ MY (TTO)