Tôi là thiên thần 6 chân - Kỳ 6: Đứng trên đôi chân của mình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Năm 2011, Công ty H chính thức ra đời và thuê trụ sở tại chung cư HAGL ở quận 7. Tôi chuyển về đó ở, vừa làm việc và ban đêm giữ nhà luôn.
Tôi phải ra sống một mình, yên tĩnh để viết văn - Ảnh: NVCC
Tôi phải ra sống một mình, yên tĩnh để viết văn - Ảnh: NVCC
Mọi người ở công ty hay gọi tôi là "mama tổng quản". Bởi ngoài phụ trách mảng truyền thông, trông coi nhà cửa, tôi còn làm kế toán nội bộ, quản lý chi tiêu và kiêm luôn "cái máy chấm công" của công ty.
Một đứa không có bằng cấp gì nhưng tinh thần ham học hỏi và nhiệt huyết tuổi trẻ đã khiến tôi quên mất mình là người khuyết tật.
Những ngày bệnh triền miên
Tôi sống trong căn bếp của công ty vì những phòng còn lại dành để làm việc. Và hằng ngày sau 17h, khi mọi người về hết, tôi trở về góc bếp nhỏ của mình, nấu mì gói ăn xong lại tiếp tục công việc, hoặc có khi viết văn đến khuya.
Quả thật ai khởi nghiệp mới thấm thía hết sự gian khổ của thời kỳ đầu mới mở công ty. Có thể nhân sự của bạn làm 8 tiếng mỗi ngày rồi về, còn những người nằm trong ban sáng lập phải "cày" gấp đôi. Nhất là đứa không học hành như tôi lại phải nỗ lực gấp đôi mới đủ sức theo với mọi người trong team.
Lương của tôi lúc bấy giờ chỉ đủ ăn 1 hộp cơm trưa 20.000 hay 25.000 đồng, còn lại tối tối tôi đều ăn mì gói hay ăn qua loa cái gì đó. Sức khỏe tôi bắt đầu báo động, dường như tháng nào tôi cũng phải gặp trận sốt siêu vi.
Ban ngày, mọi người trong công ty thay phiên nhau chăm sóc khám bệnh và truyền nước cho tôi, cứ hễ chiều tối mọi người về hết là cơn sốt kéo đến. Có những hôm tôi sốt mê man, vừa nôn ói và vừa bị triệu chứng rối loạn kinh nguyệt.
Ông trời càng thử thách thì tôi càng cố gắng, cuối cùng không biết thế nào mà tôi gặp được hai bạn nữ ở gần chỗ tôi làm, nên mỗi lần tôi sốt về đêm là hai bạn ấy thay phiên nhau qua ngủ với tôi.
Cứ về đêm là người tôi lại lên cơn sốt và có khi tôi chìm vào hôn mê, hai bạn ấy phải thức trắng chườm khăn hay giúp tôi uống nước cho hạ sốt, rồi giúp tôi thay quần áo vì mỗi lần sốt tôi sẽ liên tục nôn ói.
Làm được hơn 1 năm thì công ty gặp sự cố, tôi tiếp tục xin ở nhờ và ráng cầm cự để tự mình tìm công việc khác. Cứ vậy, tôi bươn chải ở cái thành phố đông đúc này. Sài Gòn có 19 quận thì tôi đã ở hết 13 quận rồi.
Sự gan lì của tôi có những lúc tôi không biết nó đến từ đâu? Nhưng dù có những ngày tôi ốm đau, nằm cấp cứu trong bệnh viện và khi bạn bè hay người thân chưa đến kịp thì chính tiềm thức đã nói với tôi rằng không được chết, không được gục ngã!
Tôi phải thành công, phải làm người có giá trị, chứ không thể làm một người khuyết tật ăn bám xã hội.
Tôi không nhớ bao nhiêu lần mình đã bật khóc khi ngửi thấy mùi cơm sôi bên nhà hàng xóm, ngửi thấy mùi xào thức ăn của nhà ai đó. Cuộc đời rất chua chát như chính câu ca dao: "Cơm người khổ lắm mẹ ơi. Chẳng như cơm mẹ chỉ ngồi xuống ăn".
Và tôi từng trả giá rất đắt cho chính sức khỏe của mình khi không có kiến thức về dinh dưỡng, cộng với việc thu nhập ít ỏi nên chỉ ăn uống qua loa, chủ yếu là thức ăn lề đường và dùng đồ ăn công nghiệp.
Trong suốt 6, 7 năm làm dân văn phòng, tôi thường xuyên nằm bệnh viện đến mức bạn bè phải thốt lên rằng: "Làm được đồng nào lại cúng hết cho bệnh viện đồng đó". Không có kiến thức dinh dưỡng cộng với việc thiếu ngủ trầm trọng, tôi còn phải chiến đấu thêm căn bệnh rối loạn tiền đình và phải thường xuyên đi cấp cứu.
Tuy nhiên, nằm bệnh viện cũng giúp tôi thật sự ý thức hơn về sức khỏe của mình, bởi lên cơn tiền đình thì ngay cả uống ngụm nước nhỏ cũng khiến tôi ói hết. Đó là lý do dù có khó khăn thế nào thì tôi cũng dần phải tự nấu cơm ăn.
Tôi cũng phải học cách tự làm bác sĩ cho mình, bởi nếu không cơ thể tôi rất dễ đột quỵ. Cũng may tôi đã tìm hiểu về thực dưỡng và tập giữ cho tâm mình luôn ở trạng thái cân bằng nhất, đồng nghĩa với việc tôi giảm hẳn đi bệnh viện.
Trà My ký tặng sách cho độc giả - Ảnh: NVCC
Trà My ký tặng sách cho độc giả - Ảnh: NVCC
Hài hước để quên đi nỗi sợ
Chắc hẳn nhiều người sẽ thắc mắc tại sao, lý do gì mà ba mẹ tôi lại để tôi một mình bươn chải ở Sài Gòn?
Nhiều gia đình Việt Nam nói chung và ngay cả những gia đình không may sinh con bị khuyết tật nói riêng luôn quan niệm rằng con cái sinh ra là "tài sản" của mình, thay vì nghĩ con trên 18 tuổi đã thuộc "tài sản" của xã hội rồi, dĩ nhiên trừ những gia đình không may sinh trẻ khuyết tật nặng về trí não.
Và điều quan trọng là cha mẹ phải gieo vào tiềm thức tự lập của trẻ ngay từ nhỏ.
Ở gia đình tôi, ba mẹ tôi chia ra hai phe rạch ròi về cách dạy con cái. Bản thân tôi chịu ảnh hưởng từ cách dạy của ba tôi, từ việc rèn thói quen đọc sách, rèn tính tự lập và phải tự đứng trên đôi chân của mình. Từ nhỏ, ba tôi đã dạy rằng nếu mình sống đúng thì ra xã hội không việc gì phải sợ ai cả.
Tôi nhớ có lần 2h sáng, sau khi quay cảnh ra sân bay đón anh Nguyễn Sơn Lâm cho bộ phim tài liệu Cuộc đời sau trang sách của chị Phan Huyền Thư, lúc tôi về đến căn nhà xin ở nhờ của một người bạn ở đường Tôn Thất Thuyết, quận 4 thì cửa nẻo đã đóng kín.
2h sáng, tôi không dám gọi điện thoại nhờ họ mở cổng. Tim tôi đập mạnh khi nhìn thấy hai thanh niên có vẻ nghiện hút đang tiến về phía mình. Tôi tự nhủ nếu mình lấy chìa khóa ra tự mở cổng thì có thể sẽ nguy hiểm.
Cô gái khuyết tật đứng giữa đêm khuya một mình như vậy nhưng bên ngoài tôi vẫn giữ vẻ bình tĩnh. Phát hiện bên kia đường là quán nhậu, tôi ú ớ kêu cứu vợ chồng chủ quán...
Sau khi nhờ họ mở cổng giúp, tôi vội vào trong khóa cổng lại, rồi quan sát hai người như nghiện hút vẫn cứ đứng nhìn vào nhà tôi. Nhưng rồi tôi bật cười với ý nghĩ chắc họ chỉ ngạc nhiên khi nhìn thấy cô gái khuyết tật như mình dám đi về khuya như vậy, chứ họ không hại mình đâu.
Quả thật tôi luôn có những suy nghĩ hài hước ngay cả những lúc nguy hiểm nhất. Nhờ vậy tôi mới có thể dám sống tự lập một mình trên đất Sài Gòn đông đúc này.
...Trải qua những tháng ngày xin ở nhờ, tôi quyết tâm đi tìm nhà trọ để thuê. Việc viết văn của tôi đòi hỏi sự im lặng một mình mới có thể viết được. Đây cũng là lý do nhiều người thắc mắc tôi khuyết tật như vậy nhưng chọn sống một mình. Vì công việc của tôi chỉ cần ồn ào một chút là mọi ý tưởng sáng tạo sẽ bay sạch.
13 năm qua, tôi không nhớ hết được mình đã chuyển nhà bao nhiêu lần. Tôi chỉ nhớ nhà tôi ở ít nhất là hai tuần. Còn nhà lâu nhất (tính tới thời điểm hiện tại) là được 4 năm.
Mà xin mọi người đừng cho tôi là cô gái nghị lực hay mạnh mẽ gì cả! Bởi khi rơi vào hoàn cảnh như tôi thì mọi người cũng sẽ có hai sự lựa chọn buông xuôi hay chiến đấu với... chính bản thân mình. Dù có những đêm tôi phải khóc rất nhiều vì kiệt sức.
Tôi nhớ hồi thuê trọ trong con hẻm nhỏ đường Nguyễn Đình Khôi, quận Tân Bình. Một đêm, kẻ trộm lẻn vào nhà kế bên ăn trộm chiếc xe máy, trong khi nhà tôi để cái laptop cạnh cửa sổ, còn cửa chính của tôi chỉ khóa một lớp mà thôi.
Sáng ngủ dậy, tôi đã thấy hàng xóm và công an đứng bu quanh. Tôi tái xanh mặt nghĩ đến cảnh nếu như đêm qua kẻ xấu bẻ khóa nhà trọ của mình thì...
Từ đó, mỗi lần đi tìm nhà trọ tôi phải để ý xem nơi đó có an toàn hay không. Tôi thà chấp nhận bỏ thêm khoản tiền, rồi dù ăn cơm với muối tôi cũng cam lòng.

Đa số phòng trọ tôi thuê đều bé tí, tầm 12m2 chỉ có thể trải chiếu mà thôi. Tôi tự nhủ từng ngủ dưới chân xe máy, ngủ dưới góc bếp rồi, nên được thế này là quá hạnh phúc, rồi tưởng tượng ngày mà mình sẽ được nằm trên cái giường thật đẹp, có cửa sổ để đêm đêm ngắm sao trời.

Và cái lưng tôi phải trả giá đắt cho những tháng ngày ngủ dưới nền nhà lạnh lẽo…

Cô gái chỉ có thể nhúc nhắc đi lại bằng 6 chân với chiếc xe đẩy, nói năng ú ớ người khác không nghe rõ và chưa bao giờ đến trường thì học được gì ở... ngôi trường làm giàu giữa Sài Gòn?

Kỳ tới: Tôi đi học... làm giàu

Theo TRẦN TRÀ MY (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

(GLO)- Trong những bưu thiếp đơn sơ và bị kiểm duyệt gắt gao từ phía chính quyền bờ Nam chứa đựng biết bao điều mà niềm nhớ nhung khắc khoải của người xa xứ đã lầm lỡ nghe theo lời dụ dỗ và ép buộc của kẻ thù mà rời xa quê hương.

Ký ức 30/4

Ký ức 30/4

Đã 49 năm trôi qua, kể từ Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), nhưng với những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” ký ức ngày 30/4/1975 không thể nào quên.
Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

(GLO)- Giữa tiết trời nóng nực hơn 40℃, trên những ngọn núi, triền đồi, lực lượng bảo vệ rừng Gia Lai vẫn kiên nhẫn sải bước tuần tra. Khó khăn của thực tại là động lực để họ vượt lên nhằm ngăn ngừa "bà hỏa", giữ màu xanh của rừng cho mai sau.

Khát vọng phồn vinh

Khát vọng phồn vinh

Đất nước ta đã bước qua cánh cửa đói nghèo nhưng sự thịnh vượng của dân tộc vẫn còn ở phía trước, rất cần sự chung tay góp sức của mọi con dân nước Việt, nhất là thế hệ trẻ.
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

“Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Ở TP.HCM, có những người dành hơn nửa đời để làm đẹp khuôn mặt, mái đầu cho thiên hạ. Không biển hiệu, không tiện nghi hiện đại và chỉ với chiếc ghế bành sờn da, chiếc gương cũ và bộ đồ nghề, nhiều năm qua những người thợ cắt tóc vỉa hè đã góp phần làm nên một nét văn hóa rất đặc trưng của TP.HCM.
Người trở về

Người trở về

Sự trở về là minh chứng sinh động cụ thể nhất cho việc vượt qua định kiến và mặc cảm về những gì họ đã từng nghĩ, từng hành động.