Tình yêu đôi lứa trong dân ca Jrai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Theo cách hiểu phổ quát thì dân ca là những bài hát cổ (có cả phần nhạc và lời), không có tác giả, được truyền khẩu trong dân gian, nối tiếp từ thế hệ này sang thế hệ khác nhằm diễn đạt tâm tình của cá nhân người thể hiện, mang rõ đặc trưng, phong tục tập quán của một dân tộc. Từ đây, chúng ta có thể thống nhất cách tiếp cận cả nội dung và hình thức ở một số dân ca của các dân tộc bản địa Tây Nguyên đã được sưu tầm thời gian qua. Trong phạm vi bài viết, chúng tôi chỉ đi sâu tìm hiểu và phân tích một số khía cạnh trong quan niệm về tình yêu đôi lứa thể hiện qua các bài dân ca Jrai được phổ biến ở các cộng đồng dân tộc địa phương.
Trong cuốn “Dân ca Jrai” tập 2 do nhạc sĩ Lê Xuân Hoan sưu tầm và giới thiệu xuất bản năm 2017, có trên 100 bài dân ca thể hiện nhiều nội dung khác nhau, nhưng đặc biệt là có đến trên 40% bài dân ca đề cập đến chủ đề tình yêu đôi lứa, trong đó có nhiều bài giao duyên giữa nam và nữ. “Xét về mặt cấu tạo, các làn điệu dân ca Jrai đã được xác lập tính ổn định của giai điệu với nội dung lời ca. Cấu trúc âm nhạc trong dân ca Jrai với câu cú khúc chiết, vuông vắn, thường chỉ 2 câu hoặc 4 câu nhạc trong một “lòng bản”-làn điệu…”-nhạc sĩ Lê Xuân Hoan nhận xét.
 Một tiết mục hát dân ca, hòa tấu nhạc cụ dân tộc. Ảnh: PHƯƠNG LINH
Một tiết mục hát dân ca, hòa tấu nhạc cụ dân tộc. Ảnh: PHƯƠNG LINH
Đi sâu tìm hiểu về tình yêu nam nữ của người Jrai qua nội dung bộc lộ của các bài dân ca, chúng ta nhận thấy nhiều đặc điểm về phong tục và tâm lý các đôi lứa ở tuổi yêu đương. Trước hết, về phong tục tập quán, người Jrai theo chế độ mẫu hệ nên phụ nữ trong cộng đồng được đề cao. Vì vậy, trong chuyện tình yêu, phụ nữ Jrai cũng luôn chủ động. Trong số hơn 40 bài dân ca Jrai nói về tình yêu đôi lứa mà nhạc sĩ Lê Xuân Hoan sưu tầm được, có đến 80% là tiếng lòng của nữ giới khi chủ động nói lên tình cảm của mình trước nam giới. Trong bài “Dăm dra adôh tơlơi pơ glăi” (Lời hát giao duyên), người con gái đã không ngại ngùng “tấn công” chàng trai mà mình yêu thích: “Anh ơi, em thật buồn. Em chỉ muốn có anh bên cạnh. Ước gì bắt được anh làm chồng…”. Họ luôn bộc lộ tình cảm của mình mà không hề e ngại trước “đối tác”. Trong bài “Tìm người thương” (Chor brơi na pla brơi king), người con gái tâm sự: “Anh ơi, em đây không có người thương. Chưa có người bên cạnh để chung sống cả đời. Một mình lẻ loi, mong được có người cùng tâm sự…”.
Về tâm lý trong tình yêu, ngoài sự thủy chung, sẻ chia, người con gái Jrai cũng rất dịu dàng và lãng mạn: 
“…Nếu trời mưa, em sẽ bẻ lá môn che mưa cho anh. Nếu mưa to, em sẽ lấy lá chuối chặn mưa cho anh. Ta chạy về dưới chòi nhà em, cầm tay nhau sưởi ấm…” (Em yêu anh-Adơi khăp yong). Trái tim yêu thương của người con gái Jrai khá mãnh liệt, chân thành; đôi khi không có gì ngăn trở được sự thức dậy của tình yêu: “…Dù anh không thích nhưng em không bao giờ quên anh. Đêm đêm em lại mơ thấy anh ở cùng em…” (Nhớ anh nhiều-Eng dăm bĩ eng). Đôi khi, họ cũng thể hiện sự thiếu tự tin trước người con trai mà mình thầm thương trộm nhớ: “…Em đây chậm chạp, không tài giỏi. Sợ anh chê cười rồi bỏ rơi em. Anh ơi, em biết làm sao đây để anh chấp nhận lời tâm sự của em…”.
Ước mơ hạnh phúc trong tình yêu của họ cũng giản đơn và mộc mạc, miễn là 2 người được ở bên nhau. Trong bài ca “Gõm kâo hmâu khăp ih” (Mong được có anh), người con gái chỉ ước: 
“…Nếu em có được anh, em sẽ cùng anh đi lên rẫy… Cùng nhau hái lá mì, cùng ăn cơm với gia đình là hạnh phúc cuộc đời em…”. Trong cộng đồng Jrai, trai gái đến tuổi được tự do yêu đương, luyến ái; người con gái chủ động tìm người bạn đời và khi thuận tình họ trao vòng cầu hôn. Khi đã hứa hôn mà hai bên vì điều gì đó không hòa thuận nhau dẫn đến từ hôn cũng bị xử phạt theo luật tục. Người con gái Jrai khi đã chọn người yêu thì họ luôn chung tình và rất sợ sự lạnh nhạt từ phía đối tác: “… Đuan Nam hỡi! Ngày xưa lòng anh nhớ, dạ anh thương đến em. Lời anh nói ngọt ngào, giờ sao anh hững hờ như lá cây bông, lạnh lùng như lá cây mía. Lòng dạ anh không còn thương yêu…” (Ơi Đuan Nam).
Trong thời gian yêu nhau say đắm, họ cũng đong đầy kỷ niệm lãng mạn cùng với buôn làng, núi rừng: “… Hỡi chàng đẹp trai Lang Tang. Em ngồi chơi với anh lúc trăng lên. Em trò chuyện với anh lúc trăng tàn…” hay “… Hỡi Hlir. Kìa cơn mưa đằng Tây rơi trên lá trâm bầu. Kìa cơn gió đằng Đông thổi đung đưa lá ngô. Đừng quên quê hương làng buôn Hlir nhé!...”. Tình yêu của người con gái Jrai cũng trải qua nhiều cung bậc, từ mến nhau với cái nhìn ban đầu đến tiếng sét ái tình, từ nhớ nhung đến muốn chiếm hữu, từ ích kỷ trong tình yêu đến hờn ghen khi người tình thiếu quan tâm, chia sẻ… Trong bài dân ca “Ơ ayong hiam rơkơi kâu dih” (Hỡi chàng đẹp trai của em), người con gái đã thể hiện rõ sự sở hữu: “… Hỡi chàng đẹp trai của em. Đừng va vào cái giường, đừng đá vào cầu thang kẻo mọi người chê trách. Đừng ngồi gần người ta kẻo bén mùi, kẻo say mê. Hãy thương yêu thật lòng…”. Cô cũng gọi người thương của mình đừng để lòng dạ bên ngoài, tham đó bỏ đăng: “Đừng tham chi tôm dưới suối. Đừng mê chi cá dưới sông. Đừng tham cái lược đẹp người ta buôn. Đừng tham đôi guốc đẹp người ta bán…”.
Về hình thức, các bài dân ca Jrai có cấu trúc theo nhịp điệu giản đơn mang tính phổ quát trong cộng đồng với ca từ bình dân gắn với cuộc sống thường nhật nên dễ nhớ và dễ đi vào lòng người. Chúng ta thường thấy xuất hiện ở phần mở đầu hay kết thúc các bài dân ca có các tiếng đệm “ơ…ơ” hay “ i…i” để bắt nhịp; trong lời hát, người Jrai hay sử dụng hình thức đối làm tăng thêm độ hấp dẫn của ý tứ muốn bộc lộ. Ví dụ: “Đừng quên con suối ta từng qua. Đừng quên con đường ta đã bước…”. Cứ vậy, dân ca Jrai đi vào lòng bao thế hệ, làm nên nét đẹp tâm hồn cũng như bản sắc văn hóa các cộng đồng dân cư sinh sống trên vùng đất cao nguyên. 
BÙI QUANG VINH

Có thể bạn quan tâm

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

(GLO)- Đây là số cuối cùng của chuyên mục “Gương mặt thơ” trên báo Gia Lai Cuối tuần do tôi phụ trách.Chuyên mục đã đi được hơn 2 năm (từ tháng 10-2022), tới nay đã giới thiệu tác phẩm của hơn 100 nhà thơ nổi tiếng trên thi đàn cả nước.

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

(GLO)- Rời quê vào thôn Đà Bắc (xã Ia Lâu, huyện Chư Prông) lập nghiệp đã hơn 30 năm, nhưng cộng đồng người Mường vẫn luôn duy trì và nỗ lực bảo tồn văn hóa cồng chiêng của dân tộc. Với họ, “giữ lửa” cồng chiêng chính là cách làm thiết thực nhất tạo sự gắn kết bền chặt với quê hương, nguồn cội.

Già làng Đônh (bìa phải) giới thiệu về chiếc nỏ của người Bahnar. Ảnh: R.H

Điểm tựa Kon Brung

(GLO)- Không chỉ tâm huyết với công tác hòa giải, già làng Đônh (SN 1960; làng Kon Brung, xã Ayun, huyện Mang Yang) còn rất tâm huyết với việc bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Với bà con, ông là điểm tựa của làng Kon Brung.

Về miền di sản

Về miền di sản

(GLO)- Những địa danh lịch sử, điểm di sản là nơi thu hút nhiều người đến tham quan, tìm hiểu. Được tận mắt chứng kiến và đặt chân lên một miền đất giàu truyền thống luôn là trải nghiệm tuyệt vời và xúc động đối với nhiều người.

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

(GLO)- Tại Kỳ họp thứ 19 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể diễn ra tại Thủ đô Asunción (Cộng hòa Paraguay) vào ngày 4-12, UNESCO đã chính thức ghi danh Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam của Việt Nam vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

“Điểm sáng văn hóa vùng biên”

“Điểm sáng văn hóa vùng biên”

(GLO)- Năm 1993, Sở Văn hóa-Thông tin (VH-TT) và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai đã ký kết chương trình phối hợp hành động với nhiều hoạt động thiết thực, trong đó có mô hình “Điểm sáng văn hóa vùng biên”.

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

(GLO)- Quà lưu niệm từ sản phẩm văn hóa vừa là “sứ giả” du lịch, vừa góp phần đem lại thu nhập cho người dân. Việc tổ chức các cuộc thi tay nghề đan lát, dệt thổ cẩm nhằm tìm kiếm sản phẩm đặc sắc làm quà tặng đã góp phần nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy du lịch nông thôn phát triển.