Tình người và những mảng màu sáng – tối

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
"Cha mẹ nuôi con bằng trời bằng bể, con nuôi cha mẹ kể tháng kể ngày", đau đớn hơn còn có những đứa con trời đánh không chỉ kể khổ vì phải nuôi cha mẹ mà còn ngược đãi hành hạ khi cha mẹ về tuổi xế chiều.
Như trường hợp của Nguyễn Thị Hoa (ngụ ở Cần Đước, Long An) là một ví dụ điển hình. Bản án sơ thẩm 4 năm tù giam cho hành vi ngược đãi mẹ của Hoa khiến dư luận phần nào bớt bức xúc, nhưng xét về đạo đức, bản án lương tâm dành cho Hoa còn nặng nề hơn. Tuy nhiên, trong gam màu tối này, đâu đó còn ánh lên những gam màu sáng về tình yêu thương cha mẹ, trong đó có những trường hợp xem người dưng như cha mẹ mình đưa về chăm sóc, phụng dưỡng những ngày cuối đời mà chẳng vụ lợi gì….
Nước mắt trước vành móng ngựa
Trước vành móng ngựa, Hoa khóc khi xem lại những đoạn clip mà trong đó Hoa là nhân vật chính khi dùng những lời lẽ láo xược mắng nhiếc người mẹ ruột của mình, bà N.T.Đ. (79 tuổi). Không những vậy, hành động dùng tay đánh tát mẹ mình, dùng chổi hốt đồ dơ đổ lên người mẹ già yếu ớt chỉ biết ngồi chịu trận mà không hề có một chút phản kháng nào.

Nhìn Hoa quệt nước mắt, trong khán phòng của tòa án có người nhìn hình ảnh này nhưng không đồng cảm được với Hoa. Bởi họ không biết Hoa khóc vì hối hận về những hành động của mình hay khóc chỉ vì mức án mà tòa án tuyên đối với hành vi của mình. 4 năm không ngắn cũng không nói là dài, án tù có thể trả, Hoa có thể hòa nhập với cộng đồng, nhưng bản án lương tâm, Hoa phải mang đến hết cuộc đời.Hành động như Hoa không thể chấp nhận dù với bất cứ lý do nào, đối với người ngoài là phạm pháp, đối với người trong nhà, đó là hành vi bất hiếu. Dù những lời biện hộ tại tòa có người cảm thông khi một tay Hoa chăm sóc cụ Đ mà tài sản trong nhà Hoa không được chia một phần nhỏ, tất cả tài sản, cụ Đ. chia cho cháu ngoại và em ruột.

Nguyễn Thị Hoa bị TAND huyện Cần Đước tuyên án 4 năm tù về hành vi ngược đãi mẹ ruột mình.
Nguyễn Thị Hoa bị TAND huyện Cần Đước tuyên án 4 năm tù về hành vi ngược đãi mẹ ruột mình.
Đỉnh điểm của vụ việc là cụ Đ. bị té, chỉ nằm một chỗ. Từ ăn uống, vệ sinh, một mình Hoa phải làm. Vừa cực khổ, vừa bị coi như "người làm không công", rồi nợ nần bủa vây, Hoa như người bị kích động mạnh và hành động theo cảm tính chứ không như một người con chăm sóc cho chính mẹ ruột của mình. Trong cáo trạng, Hoa thừa nhận hành vi của mình, một tuần ít nhất 3 lần Hoa lấy mẹ ra để trút giận.
Hôm cụ Đ. mất, cơn bực tức làm lu mờ đi chuyện đúng sai, Hoa đem toàn bộ tiền phúng điếu đám tang bỏ đi. Cũng vì hành động này mới dẫn đến việc tung những đoạn clip Hoa hành hạ mẹ ruột, từ đó hành vi của Hoa mới bị phát giác.
 
Hình ảnh Nguyễn Thị Hoa ngược đãi mẹ ruột khiến dư luận bức xúc.
Hình ảnh Nguyễn Thị Hoa ngược đãi mẹ ruột khiến dư luận bức xúc.
Điều mà dư luận có thể nguôi ngoai là những đứa con bất hiếu bạo hành, ngược đãi cha mẹ đã bị pháp luật xử lý, xã hội lên án. Khi đối diện với mức án mà tòa tuyên, đa phần các bị cáo đều bật khóc và đưa ra nhiều lý do để biện minh cho hành vi bất hiếu của mình. Dương Thị Ngọc Mai, sinh năm 1965, ngụ ấp Sóc Triết, xã Cô Tô, huyện Tri Tôn, An Giang bị khởi tố, tạm giam khi hành hạ người mẹ ruột 87 tuổi của mình. Người mẹ già này sau một thời gian khổ sở, uất ức vì hành động của đứa con do mình dứt ruột đẻ ra cũng qua đời. Biện minh cho hành vi ngược đãi mẹ già, Mai được cho là người không bình thường.
Nhà có đến 6 anh chị em nhưng ai cũng có gia đình riêng, Mai không chồng không con nên anh em đẩy mẹ qua cho Mai chăm sóc. Khó khăn, túng quẫn, quán nước bán trước nhà không thể kham nổi cuộc sống, lại bị các chủ nợ réo đòi tiền, Mai bị kích động và cho rằng mẹ là nguyên nhân chính dẫn đến việc mình phải gánh nợ nần. Vậy là những gì bực tức bên ngoài, Mai đem về "xả" lên người mẹ ruột già cả, đau yếu bệnh tật.
"Hành động và giọng điệu của Mai đối với mẹ như kẻ thù, đòi đánh, đòi giết rồi bóp cổ, tắm rửa thay đồ cho mẹ một cách thô bạo, mất nhân tính. Tưởng sinh nhiều con sẽ hưởng phước khi về già, ai ngờ cuối đời người mẹ này lại chịu cảnh ngược đãi, đau đớn!" - Anh Ngô Tấn Hoàng (ngụ quận 6) xem xong đoạn clip bức xúc.
Trường hợp mà gần đây nhiều người phẫn nộ đó là hình ảnh 2 vợ chồng Võ Quốc Tuấn (56 tuổi) và Phạm Thị Loan (57 tuổi, quê Chợ Gạo, Tiền Giang) liên tục hành hạ mẹ ruột của mình là bà V.T.D (88 tuổi). Mỗi lần chăm sóc cụ D là Loan mắng nhiếc, đánh đập.
Một ngày cụ D. phải chịu cảnh ngược đãi của Loan nhiều lần. Không những không khuyên can vợ mà Tuấn còn hùa theo Loan hành hạ mẹ ruột. Bản án 3 năm tù giam đối với Tuấn và 2 năm 6 tháng đối với Loan khiến dư luận dường như chưa hả cơn giận.
Những đoạn clip mà 2 vợ chồng Tuấn hành hạ mẹ được tung lên mạng, trong đó những đoạn clip đứa cháu gái chừng 6-7 của Tuấn cũng có mặt trong clip, chứng kiến ông bà mình hành hạ mẹ, thì vợ chồng Tuấn sẽ dạy dỗ con cháu như thế nào. Và hành động ngược đãi mẹ ruột của Tuấn, của Loan có khiến tâm hồn non nớt của đứa trẻ "sao chép" và hành động như một cách tất yếu nếu chăm sóc vợ chồng Tuấn lúc về già.
Tình thương lay động lòng người
Những vụ án hành hạ, ngược đãi cha mẹ như một gam màu tối khiến dư luận bức xúc, phẫn nộ. Nhưng đây chỉ là những vụ việc thiểu số, còn lại, ai cũng canh cánh trong lòng, mong muốn được chăm sóc thờ phụng cha mẹ mình một cách chu đáo, để mong được trả ơn công sinh thành nuôi dưỡng. Những gam màu sáng có rất nhiều, rất nhiều trong xã hội, mà trong đó có những câu chuyện cảm động về tình mẫu tử, dù rằng người đó không ruột rà thân thích gì với mình.
 
Mặc dù mái tóc đã bạc nhưng thêm một lần nữa ông Đinh Tiên Sinh được thốt lên tiếng mẹ khi đưa cụ So về phụng dưỡng.
Mặc dù mái tóc đã bạc nhưng thêm một lần nữa ông Đinh Tiên Sinh được thốt lên tiếng mẹ khi đưa cụ So về phụng dưỡng.
Cha mẹ mất sớm phút chốc ông Đinh Tiên Sinh (63 tuổi) trở thành trẻ mồ côi. Sống rày đây mai đó, mái hiên nhà người khác hằng đêm là tổ ấm không trọn vẹn với giấc ngủ chập chờn nhiều lo toan. Ông làm đủ thứ nghề, từ phụ hồ, bốc vác, thu gom rác. Lớn lên lập gia đình với người phụ nữ cùng cảnh ngộ là Nguyễn Thị Ngọc Loan nhỏ hơn ông 5 tuổi, có 2 con.
Mặc dù phải đổi phòng trọ liên tục nhưng gia đình ông Sinh vẫn vui vì không còn những ngày lay lắt trên những vỉa hè đầy rác, hôi thối mùi nước cống, chuột bọ. Hai đứa con lớn dần, lập gia đình ra ở riêng. Không may đứa con lớn của ông Sinh bạo bệnh qua đời, gia đình lại thêm một lần trống vắng.
Năm 2010, ông Sinh làm công việc thu gom rác đêm ở khu vực chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh). Lần nào cũng vậy, ông đều thấy cụ bà Nguyễn Thị So (80 tuổi) ngồi co ro với xấp vé số trên tay. Nghĩ thương, mỗi lần gặp ông đều mua giúp cụ một hai tờ. Một đêm tình cờ thấy cụ So nằm co ro ngủ bên mái hiên, ông động lòng. Cụ So không nhà cửa, không gia đình, con cái.
Nghĩ, gần hết cuộc đời nhưng chưa bao giờ ông có thứ tình cảm mẹ con bình thường như những người khác, ông muốn có thứ tình cảm này, muốn đưa cụ So về nhà phụng dưỡng. Kết thúc công việc, ông trở về phòng trọ bàn với vợ đón cụ So về ở chung. Nhìn quanh căn phòng trọ 12m2 mà 4 người chui rúc, bà Loan cảm thấy ái ngại nhưng cũng gật đầu đồng ý vì biết bản tính thương người của chồng.
Hai vợ chồng ông Sinh chuyển phòng trọ về quận 12, dù quãng đường đi làm xa gần 10 cây số. Hai vợ chồng ông ở trên gác, phần sinh hoạt chung của gia đình dưới đất, ông Sinh dọn dẹp, lắp thêm tủ quần áo, mua chăn gối mới, gắn quạt tinh tươm rồi đi tìm cụ So, nài nỉ về ở với mình.
Cái gật đầu của cụ khiến ông Sinh mừng mừng tủi tủi. Sau hàng chục năm giờ ông lại được kêu tiếng mẹ vừa mừng vừa ngượng!. Vậy mà ngót nghét 10 năm trôi qua, cụ So hằng ngày vẫn bắt xe buýt đi bán vé số, tối lại bắt xe buýt về lại mái ấm của mình bên vợ chồng đứa con tóc đã ngả màu bạc. Hằng ngày người dân nơi này vẫn nhìn thấy hình ảnh ông Sinh ra bến xe buýt đón cụ So, hỏi han đủ chuyện "Mẹ mệt không, bán được không, mẹ đã ăn gì chưa!" với cả một tấm lòng yêu thương.
Tại khu nhà trọ trên đường Nguyễn Văn Linh, ấp 2, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, nhiều người vẫn kể cho nhau nghe câu chuyện về trường hợp "mẹ nhặt" Bùi Thị Út (81 tuổi) sống hạnh phúc bên gia đình cô con gái nuôi Nguyễn Thị Lợi (56 tuổi).
 
 Trong căn phòng trọ, chị Lợi chăm sóc cho người
Trong căn phòng trọ, chị Lợi chăm sóc cho người "mẹ nhặt" như mẹ ruột của mình.
Bà Út quê Bến Tre trôi dạt lên TP Hồ Chí Minh mưu sinh, có chồng và một con gái, chồng mất do bạo bệnh, đứa con gái cũng bệnh tật, không kham nổi cuộc sống khó khăn nên bỏ nhà, bỏ bà Út đi biền biệt. Tuổi già, sống lay lắt cô quạnh trong căn phòng trọ ọp ẹp, không người thân thích, mọi thứ bà đều nhờ vào tình thương của những người ở trọ cùng. Ốm đau chỉ một mình chịu đựng, bà chẳng dám than với ai. Chị Lợi bán nước ven đại lộ Nguyễn Văn Linh, thu nhập cũng chỉ đủ đắp đổi qua ngày, chồng thì làm thợ "đụng", ai thuê gì làm nấy. Cũng thân phận sống trọ, cũng khó khăn nhưng vợ chồng chị Lợi được cái thương người.
Những lần ngồi canh quán, thấy bà Út cực khổ, chật vật ngồi đón xe buýt, chị Lợi hỏi han thì biết bà Út sống một mình, không người thân thích, lại bị bệnh tim, cứ cách mấy ngày thì đón xe đi xin thuốc. Nghe câu chuyện, chị Lợi thấy thương, thấy đâu đó hình bóng người mẹ của mình, chị bàn với chồng con và ngỏ ý đưa bà Út về sống cùng để tiện bề chăm sóc.
Nghe chị Lợi đề nghị, bà Út cảm động lắm nhưng cũng sợ chị thêm gánh nặng nên lần lữa muốn chối từ. Hàng xóm biết tin, mỗi người một tay gom góp thuê một căn phòng trọ sát nhà của chị Lợi cho bà Út có chỗ ra vào. Chuyện cơm nước, chở bà Út đi lấy thuốc, một mình chị Lợi làm hết. Từ ngày về ở, bà Út không còn lo lắng chuyện cơm nước, dọn dẹp, chị Lợi cứ rảnh là qua hỏi han, người trong phòng trọ có gì cũng gom góp mang sang.
Một người già chỉ quen bên đường nhưng lại được người dưng cưu mang đưa về chăm sóc như mẹ ruột như ông Sinh, chị Lợi bất giác khiến chúng tôi nghĩ đến những vụ hành hạ, ngược đãi cha mẹ ruột của các đối tượng trong các vụ án xảy ra gần đây.
Những gam màu tối trên có lẽ chỉ một phần nhỏ, nhưng qua các vụ án đối xử ngược đãi với cha mẹ ruột như các vụ án trên, nhiều người cũng rút ra được một bài học cho riêng mình, không chỉ bản án mà pháp luật trừng trị với những hành vi bất hiếu, mất đạo lý, mà sau đó, bản án lương tâm mới đích thực dành cho họ.
Nhìn những gam màu sáng, chợt nghĩ, cuộc sống này vẫn còn nhiều điều đáng trân quý, còn rất nhiều người tốt, biết sống không chỉ cho riêng mình mà sống cho những người khác. Người dưng còn biết thương những người cơ nhỡ, già yếu thì cha mẹ ruột của mình, người cưu mang nuôi dưỡng ta khôn lớn sao lại có thể nhẫn tâm đối xử, hành hạ. Cha mẹ thì chỉ có một, đừng để khi cha mẹ mất đi lúc đó mới hối hận, nhỏ vài giọt nước mắt để che đậy tội lỗi của mình.
Tự Trọng (CAND)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.