Tỉnh chưa nhận được yêu cầu kiểm tra đối với Công ty Thuận Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Lời Tòa soạn: Thời gian gần đây, có nhiều luồng dư luận xung quanh việc Công ty TNHH Xây dựng Thuận Nguyên (26 Trần Khánh Dư, TP. Pleiku) và liên danh với công ty này liên tiếp trúng thầu nhiều dự án từ nguồn ngân sách. Để rộng đường dư luận, P.V Báo Gia Lai Điện tử đã có cuộc trao đổi với ông Đinh Hữu Hòa-Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư xung quanh vấn đề này. 
* P.V: Ông có thể đánh giá về năng lực của Công ty TNHH Xây dựng Thuận Nguyên?
- Ông ĐINH HỮU HÒA: Trước tiên, tôi muốn nói rõ, Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan cấp phép đăng ký kinh doanh cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, trên cơ sở đó hình thành pháp nhân của các doanh nghiệp, là điều kiện cần và đủ để tổ chức được phép hoạt động kinh doanh hợp pháp. Giấy phép kinh doanh là chứng nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với cơ sở kinh doanh và là cơ sở giúp cơ quan quản lý nhà nước quản lý trật tự xã hội về điều kiện kinh doanh được dễ dàng hơn.
Công ty TNHH Xây dựng Thuận Nguyên đăng ký kinh doanh lần đầu ngày 6-3-2006, cấp đổi lần cuối ngày 12-11-2018, vốn điều lệ là 90 tỷ đồng. Công ty hoạt động 17 ngành nghề kinh doanh, trong đó có lĩnh vực xây dựng nhà ở, xây dựng công trình đường bộ, xây dựng công trình thủy lợi, lắp đặt hệ thống cấp, thoát nước, xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng khác...
 Ông Đinh Hữu Hòa. Ảnh: H.D
Ông Đinh Hữu Hòa. Ảnh: H.D
Về năng lực hoạt động xây dựng của các tổ chức, cá nhân được Sở Xây dựng cấp chứng chỉ hoạt động xây dựng và được công bố trên trang web của Sở Xây dựng tại địa chỉ: http://sxd.gialai.gov.vn/chuyen-muc/%C4%90ang-tai-thong-tin-nang-luc/QLXD-Thong-tin-nang-luc-to-chuc.aspx. Theo đó, Công ty TNHH Xây dựng Thuận Nguyên được cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng trong lĩnh vực thi công xây dựng: công trình dân dụng-hạng III; công trình giao thông (đường bộ)-hạng II; công trình hạ tầng kỹ thuật (cấp, thoát nước)-hạng III theo Quyết định số 73/QĐ-SXD ngày 26-7-2017 của Sở Xây dựng và bổ sung nội dung chứng chỉ năng lực thi công xây dựng công trình thủy lợi-hạng III theo Quyết định số 27/QĐ-SXD ngày 5-2-2018 của Sở Xây dựng.
* P.V:Vậy việc trúng thầu nhiều dự án từ nguồn ngân sách tỉnh của Công ty Thuận Nguyên là dựa trên những tiêu chí nào, thưa ông?
- Ông ĐINH HỮU HÒA: Về đánh giá năng lực của nhà thầu nói chung khi tham gia đấu thầu rộng rãi, theo quy định của Luật Đấu thầu, các nhà thầu tham gia dự thầu phải nộp hồ sơ dự thầu trước thời điểm đóng thầu đáp ứng đầy đủ các yêu cầu (trong đó có yêu cầu về năng lực kỹ thuật và năng lực tài chính) của hồ sơ mời thầu do bên mời thầu phát hành theo mẫu được Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành và được chủ đầu tư phê duyệt. Bên mời thầu sẽ đánh giá hồ sơ dự thầu của các nhà thầu phải tuân thủ theo quy trình được quy định tại Nghị định 63/2014/NĐ-CP ngày 26-6-2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu (sau đây gọi tắt là Nghị định 63/2014/NĐ-CP).
Cụ thể, với phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ, tại Điều 18 Nghị định 63/2014/NĐ-CP về đánh giá hồ sơ dự thầu được tiến hành lần lượt theo các bước: kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ dự thầu; đánh giá tính hợp lệ của hồ sơ dự thầu; đánh giá về năng lực và kinh nghiệm; đánh giá về kỹ thuật và giá (trong đó, nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật được xem xét xác định giá thấp nhất đối với trường hợp áp dụng phương pháp giá thấp nhất hoặc giá đánh giá đối với trường hợp áp dụng phương pháp giá đánh giá).
Đối với phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ, tại Điều 28, 30, 31 Nghị định 63/2014/NĐ-CP, trước tiên sẽ đánh giá hồ sơ đề xuất về kỹ thuật rồi mới đánh giá hồ sơ đề xuất về tài chính. Sau đó tiến hành thương thảo hợp đồng; trình, thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu, trong đó nhà thầu xếp hạng thứ nhất được bên mời thầu mời đến thương thảo hợp đồng.
Từ quy trình cụ thể trên cho thấy việc đánh giá hồ sơ dự thầu là hình thức mà chủ đầu tư xem xét về kỹ thuật cũng như khả năng tài chính của các nhà thầu trong hồ sơ dự thầu đã gửi về cho bên mời thầu, bên mời thầu sẽ đánh giá về mặt kỹ thuật trước, sau khi chọn được các nhà thầu có kỹ thuật tốt sẽ xem xét đến yếu tố tài chính của các hồ sơ dự thầu đã được chọn vào vòng trong. Nếu nhà thầu nào đưa ra được mức tài chính thấp nhất trong các hồ sơ đã được đánh giá đạt yều cầu kỹ thuật thì sẽ trúng thầu. Vì vậy, trường hợp nhà thầu bỏ giá thấp vẫn không trúng thầu vì nhà thầu được đánh giá là không đạt về mặt kỹ thuật và bị loại trước khi đến bước xét về tài chính.
* P.V: Vừa qua, có dư luận cho rằng việc trúng thầu nhiều dự án từ nguồn ngân sách của Công ty TNHH Xây dựng Thuận Nguyên là có dấu hiệu bất minh, bị Ủy ban kiểm tra Trung ương yêu cầu tỉnh kiểm tra lại việc này. Điều này có hay không thưa ông?
- Ông ĐINH HỮU HÒA: Ngày 28-8, lãnh đạo UBND tỉnh cũng đã tiếp một cơ quan báo chí và đã có câu trả lời là: Cho tới thời điểm này, UBND tỉnh chưa nhận được kế hoạch hay quyết định nào của Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu tỉnh về việc kiểm tra đối với nội dung này.
* P.V: Xin cảm ơn ông!
HÀ DUY (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.

Sắp diễn ra thương vụ 'khủng' của Sabeco

Sắp diễn ra thương vụ 'khủng' của Sabeco

Tổng Công ty CP Bia rượu Nước Giải Khát Sài Gòn sẽ chi hơn 830 tỷ đồng để mua công khai hơn 37,8 triệu cổ phiếu SBB của Công ty CP Tập đoàn Bia Sài Gòn - Bình Tây và chi hơn 100 tỷ đồng để mua hơn 2 triệu cổ phiếu WSB của Công ty CP Bia Sài Gòn - Miền Tây.