Tìm vàng dưới tán rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Việc trồng thành công nấm linh chi đỏ cùng các loại dược liệu khác trên thảm thực vật rừng là một trong những hướng đi giúp Tây nguyên thêm mãi xanh.

Nhìn từng cây nấm linh chi nhú lên từ lớp lá keo đang phân hủy trên đất bazan, khuôn mặt anh Nguyễn Công Hiệu sáng lên: “Thành công rồi!”. Đấy là kết quả của nhiều năm ròng mất ăn mất ngủ, thử nghiệm trong nhiều môi trường để có được thành quả hôm nay.

Việc trồng thành công nấm linh chi đỏ cùng các loại dược liệu khác trên thảm thực vật rừng là một trong những hướng đi giúp Tây nguyên thêm mãi xanh.

Cây linh chi giữ rừng

Nhìn những tán rừng keo xanh tốt, rộng mênh mông đến độ thu hoạch ở xã Hòa Phú, H.Chư Pah (Gia Lai), nhiều người chắc mẩm vườn cây này sẽ có giá. Nhưng không, nó đang… có giá hơn bởi dưới tán là hàng chục ngàn phôi nấm đang phát triển tốt, chỉ khoảng vài tháng nữa là cho thu hoạch tiền tỉ. Một vùng rừng keo rộng lớn ngỡ chặt bỏ khi đến độ thu hoạch đã cho hướng đi mới: Giữ rừng để trồng dược liệu bên dưới. Đấy là mô hình đầy triển vọng của anh Nguyễn Công Hiệu (43 tuổi, ở TP.Pleiku, Gia Lai) sau nhiều năm thử nghiệm.


 

 Nấm linh chi đỏ phát triển tốt và dược tính cao khi trồng dưới tán rừng. Ảnh: Trần Hiếu
Nấm linh chi đỏ phát triển tốt và dược tính cao khi trồng dưới tán rừng. Ảnh: Trần Hiếu



Anh Hiệu kể: “Trồng nấm linh chi đỏ trên các giá thể trong nhà thì ở VN đã áp dụng thành công từ lâu rồi. Cụ thể ở vùng rừng các huyện Mang Yang, K’bang (Gia Lai) cũng có nấm linh chi rừng. Hằng năm người dân vẫn đi lấy về bán cho thương lái. Nhưng có điều quan trọng mà chỉ dân chuyên môn mới biết, đó là hầu hết, nếu không nói là tất cả, nấm bán ra thị trường là nấm không còn bào tử vì đã thu hoạch, bảo quản không đúng cách hoặc bị thu hoạch bào tử trước đó. Theo tôi biết, 1 kg bào tử nấm linh chi đỏ có giá lên tới 70 - 80 triệu đồng”.

Sau nhiều năm mày mò, thử nghiệm, anh Hiệu cùng với những cộng sự đã trồng thành công giống nấm linh chi đỏ dưới tán rừng keo. Trước đó, anh cũng từng thử nghiệm trồng nấm linh chi dưới tán cây bơ, sầu riêng hay các loại cây nông nghiệp khác cũng như một số tán rừng tự nhiên nhưng hiệu quả thấp hoặc không thành công. Từ 4 năm nay, cây linh chi đỏ cho hiệu quả cao khi trồng dưới tán keo.

Ấy là vào năm 2017, anh Hiệu cùng một số người nhận chuyển nhượng lại 40 ha cây keo tại xã Hòa Phú, H.Chư Pah. Đây là rừng keo sắp đến độ thu hoạch. Sẵn phôi nấm, anh đem trồng thử dưới tán keo. Không ngờ, những phôi nấm phát triển tốt. Anh đem nấm thu được đi kiểm nghiệm và nhận được kết quả quá bất ngờ vì dược tính tốt hơn nấm trồng trên giá thể trong rừng. Vậy là anh Hiệu giữ lại toàn bộ diện tích rừng keo để phát triển diện tích nấm linh chi đỏ dưới tán rừng.

Cứ mỗi 1.000 phôi nấm hiện có giá 60 triệu đồng, sau 3 tháng trồng có thể thu hoạch lai rai đến 4 lần, trị giá khoảng 120 triệu đồng. Một con số quá ấn tượng! Mới đây, anh Hiệu thành lập Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp Núi Cờ ở xã Ia Ka, H.Chư Pah để mở rộng sản xuất và đưa sản phẩm ra thị trường rộng lớn hơn.


 

Anh Nguyễn Công Hiệu thành công với mô hình trồng linh chi dưới rừng keo. Ảnh: Trần Hiếu
Anh Nguyễn Công Hiệu thành công với mô hình trồng linh chi dưới rừng keo. Ảnh: Trần Hiếu



Giúp dân cùng làm giàu

Theo tính toán của anh Hiệu, mỗi héc ta keo trồng sau 5 năm người dân sẽ chặt bán với giá từ 50 - 70 triệu đồng tùy chất lượng vườn cây. Như vậy, thời gian trồng quá dài trong khi hiệu quả thu được không cao. Với mô hình trồng nấm linh chi dưới tán rừng sẽ cho giá trị kinh tế cao hơn nhiều lần. Đây là mô hình mới ở VN trong lĩnh vực trồng nấm linh chi.

Anh Hiệu nói: “Ban đầu chúng tôi trồng dưới tán cây bơ nhưng không hiệu quả vì lá, thân bơ che đi ánh sáng, cùng chi phí nhân công chăm sóc, làm cỏ lớn. Khi trồng dưới tán keo sẽ có nhiều lợi ích như công làm cỏ ít, lá keo rụng xuống sẽ tạo nên lớp mùn giúp nấm phát triển tốt. Vào mùa khô, chúng tôi lắp hệ thống tưới phun sương để giữ ẩm cho thảm thực vật này”.

Linh chi trồng dưới tán keo đạt tỷ lệ sống hơn 97%, cao hơn so với trồng trên các giá thể trong nhà. Cứ mỗi héc ta rừng sẽ trồng được 20.000 phôi nấm và sau 3 tháng trồng là có thể thu hoạch với thời gian thu chia thành 4 đợt trong vòng một năm. Sau đó sẽ tiến hành trồng lại lứa nấm mới. Hiện HTX của anh Hiệu đã trồng được hơn 40.000 phôi nấm và bắt đầu thu những lứa đầu tiên. Linh chi trồng ở đây đã được đưa đi kiểm nghiệm và cho dược tính cao so với trồng trong nhà. Ưu điểm nữa là so với linh chi rừng thì người trồng chủ động được thời gian thu hoạch nên tránh được tình trạng thu non hoặc linh chi hóa gỗ sẽ giảm hoặc mất dược tính.

Cứ mỗi ký linh chi tươi đang được HTX của anh Hiệu bán ra với giá 500.000 đồng. Toàn bộ nấm đều phát triển tự nhiên, không dùng thuốc bảo vệ thực vật hay phân bón. Nấm thu được đạt tiêu chuẩn organic. Hiện đã có một công ty dược phẩm lớn ở VN đặt mua để sản xuất các sản phẩm liên quan.

Theo anh Hiệu, thời gian tới HTX sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất, phát triển thêm diện tích trồng nấm để xuất đi thị trường Nhật Bản và Trung Quốc. Số còn lại, HTX sẽ chế biến các sản phẩm chuyên sâu từ nấm để tiêu thụ tại thị trường trong nước. Song, để trồng nấm linh chi cần vốn đầu tư lớn. Theo tính toán cứ 1 ha nấm cần vốn đầu tư khoảng 1 tỉ đồng.

Anh Hiệu chia sẻ: “Thời gian tới chúng tôi sẽ đưa cho người dân trồng thử nghiệm, đặc biệt là người dân tộc thiểu số. Đây là mô hình rất tốt, tạo điều kiện phát triển kinh tế cao, thoát nghèo bền vững. Trước mắt, chúng tôi đặt mục tiêu liên kết, tạo điều kiện cho người dân hai làng Mrông Ngó 3, Mrông Ngó 4 ở xã Ia Ka, H.Chư Pah có thêm nguồn thu nhập. Chúng tôi đã có khu sản xuất phôi nấm ở H.Đăk Đoa để chủ động nguồn giống, có chế độ hỗ trợ ưu đãi cho bà con người bản địa. Chúng tôi cũng liên kết với những hộ có rừng trồng hoặc có nhu cầu trồng nấm dược liệu để mở rộng sản xuất. HTX sẽ cung ứng phôi giống, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. Kinh phí đầu tư hỗ trợ ban đầu sẽ được khấu trừ khi người dân có sản phẩm bán cho HTX”.


 

Thu hoạch sâm dây trồng trong rừng ở H.K’bang (Gia Lai). Ảnh: Trần Hiếu
Thu hoạch sâm dây trồng trong rừng ở H.K’bang (Gia Lai). Ảnh: Trần Hiếu



Khai “mỏ vàng” dưới tán rừng

Gia Lai đang có nguồn tài nguyên lớn là đất nông, lâm nghiệp với trên 1,4 triệu ha, tỷ lệ che phủ rừng hơn 41%. Theo thống kê, tỉnh này cũng có khoảng 80% loại cây dược liệu hiện có của VN. Đây là những điều kiện thuận lợi để Gia Lai phát triển các loại cây dược liệu dưới tán rừng, giúp giữ rừng và tạo sinh kế cho người dân, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa.

Ông Nguyễn Hữu Quế, Giám đốc Sở KH-ĐT Gia Lai, cho biết: “Tỉnh Gia Lai đã phê duyệt chủ trương đầu tư 4 dự án trồng dược liệu, ứng dụng công nghệ cao với tổng vốn khoảng 497 tỉ đồng. Nhiều dự án liên quan tỉnh cũng có trong danh mục kêu gọi đầu tư với số vốn hàng ngàn tỉ đồng. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở đang tiếp tục hoàn thiện thủ tục để bổ sung, kêu gọi đầu tư thêm 9 dự án trồng, nhân giống, phát triển cây dược liệu ứng dụng công nghệ cao, phát triển dược liệu dưới tán rừng với tổng diện tích gần 8.500 ha, tổng vốn hơn 4.000 tỉ đồng”.

 

“Gia Lai có nhiều điều kiện rất thuận lợi để phát triển trồng dược liệu dưới tán rừng, vừa tạo sinh kế cho người dân lại gìn giữ rừng tốt. Đây là một trong nhiều chương trình trọng điểm trong lĩnh vực nông nghiệp của Gia Lai. Tỉnh đã rất chú trọng lĩnh vực này và có nhiều chỉ đạo bằng văn bản cụ thể”.

Ông Lưu Trung Nghĩa, Giám đốc Sở NN-PTNT Gia Lai


Theo TRẦN HIẾU (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.