Tìm cây chữa thất tình-kỳ 2: Chuyện người trong cuộc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đồng bào Pa Kô trên dãy Trường Sơn gọi loại cây này là Păr Kếh, nghĩa là đoạn tình. Song không phải người Pa Kô nào ở đây cũng biết đến. Păr Kếh chỉ mọc dưới những gốc cây lim già, chỗ đất phải ẩm ướt, nước tù đọng. Păr Kếh thuộc họ cỏ, thân mềm, có lá dài và mỏng dẹt gần giống với cây cỏ voi.

Trở lại câu chuyện của già Hồ Ku Chánh (ở kỳ trước). Già bảo, người Pa Kô gọi loại cây này là Păr Kếh (Parakê), có nghĩa đoạn tình, dứt tình. Cây có củ và mỗi cây có duy nhất một củ to bằng ngón tay trỏ người lớn, dài nhất khoảng 10cm. Păr Kếh không có mùi vị đặc trưng song rất độc, nhất là phần củ. Nó độc vì khi sử dụng khiến mọi sinh hoạt, suy nghĩ của con người bị đảo lộn, thường rất ghét cái cũ và có chiều hướng tìm kiếm, đi theo cái mới bởi những yếu tố xung quanh, gần nhất tác động vào… Nghe già kể, chúng tôi nài nỉ được “mục sở thị” loại cây này nhưng ông im lặng. Lúc sau, ông bảo: “Các con muốn biết thì phải ở lại đây. Sớm mai, bố sẽ vào rừng tìm kiếm, mang cây đó về cho các con tận mắt thấy với điều kiện, một là các con chỉ ở đây thôi, chứ không được theo bố vào rừng, hai là sau khi con xem xong thì bố sẽ hủy bỏ cái cây đó bởi bố không muốn bất kỳ ai bị liên lụy vì nó”.

 
Bản làng Kỳ Rỹ hôm nay đã không còn những câu chuyện buồn đau về cây Păr Kếh.
Bản làng Kỳ Rỹ hôm nay đã không còn những câu chuyện buồn đau về cây Păr Kếh.

Đêm ở bản Kỳ Rỹ thật huyền ảo. Các nếp nhà sàn như chìm dưới chân núi Rô-ri-đăng bao bọc xung quanh bản làng. Ngoại trừ những ánh điện đường thưa thớt, thấp thoáng dưới màn sương đêm, dọc hai bên con đường Lìa láng nhựa phẳng phiu do một số hộ dân tự bỏ tiền túi xây mắc trước cổng nhà mình. Ở trên con đường đó, tiếng của lũ trẻ đi dạo chơi ríu rít. Tiếng sáo đôi Amam, tiếng kèn Pi, kèn môi Adon thổi, tiếng khèn bè ngân và tiếng hát gọi bạn tình đi sim của những cặp đôi mới lớn. Chúng tôi chìm vào giấc ngủ tự lúc nào, lúc choàng tỉnh thấy mặt trời đã nhô lên khỏi rặng núi cao Rô-ri-đăng phía trước. Nhà của già Chánh lúc này chỉ còn lại hai đứa tôi. Ông lên núi tìm cây Păr Kếh, còn người nhà đã gùi a-chói lên nương.

Hơn 10 giờ sáng, già Chánh trở về, trên tay cầm một  cây nhỏ. Quan sát kỹ, thấy cây giống như cây cỏ voi, nhưng lá của nó nhỏ và ngắn hơn. Ông bảo: “Chỉ là cái cây cỏ thôi nhưng không ít người xấu biết và dùng nó đã gây ra bao tai họa cho người tốt”. Bỗng dưng ông lắc đầu, cắn chặt đôi môi, xót xa nhớ lại câu chuyện liên quan tới loại cây này trong chính đại gia đình của mình: “Cách đây hơn nửa thế kỷ, người rành sử dụng nhất cây Păr Kếh, ở Kỳ Rỹ chính là người thân trong đại gia đình của bố. Bà ấy rất nhiều lần sử dụng nó với mục đích xấu xa. Ở bản làng, hễ bà không thích ai, hoặc ai đó không thích bà ấy, là bà liền sử dụng cây này để làm hại, chia cắt tình cảm trong gia đình của họ. Vào năm 1990, bà ấy bỗng ngã bệnh nặng song không mất ngay mà trước lúc mất phải vật vã thân xác hơn 2 ngày 2 đêm. Dân bản Kỳ Rỹ vì thế cho rằng bà ăn ở độc ác, nên bị quả báo, bị trời hành trước lúc chết. Sau cái chết bi thảm ấy, không còn ai ở đây sử dụng loại cây này để hãm hại người khác nữa”.

Chúng tôi hỏi già Chánh, có thầy thuốc nào ở bản hoặc nơi khác có thể chữa khỏi cho người bị cây Păr Kếh chia cắt tình cảm không?. “Có chứ! Như trường hợp của vợ chồng bố chẳng hạn. Vợ chồng bố bị một người ở cùng bản sử dụng cây này để chia cắt tình cảm. Nguyên do ông đó yêu vợ của bố trước nhưng vợ của bố không yêu người này. Một thời gian ngắn sau khi mẹ và bố lấy nhau, người đàn ông đó đang tâm ra tay làm hại. Bố không biết mình bị trúng độc Păr Kếh lúc nào, nhưng vào thời điểm đó, bố và mẹ bỗng dưng rất ghét nhau, mà không rõ vì lý do gì. Thấy tình cảnh này, anh trai của bố là Hồ Văn Chôn đi tìm hiểu. Sau đó, ông ấy đã chữa trị cho vợ chồng bố. Cách chữa trị khá đơn giản. Chỉ việc dùng 2 cái máng lợn, đổ đầy nước vào đó rồi để hai nơi theo 2 hướng khác nhau. Rồi bắt cả 2 người nhìn bóng mình trong 2 cái máng lợn đó, cùng một lúc. Xong, đi ngủ, không được ăn uống gì. Hôm sau, mặt trời đứng đỉnh núi thì cả 2 đều phải uống thuốc, cùng một loại. Đây là thuốc giấu do người anh của bố sắc chế từ một loại lá và rễ cây rừng. Thật kỳ diệu, 3 ngày sau, tình cảm của vợ chồng bố quay trở lại như cũ. Bố nhớ mãi, câu đầu tiên mà mẹ nói với bố lúc đó, “Anh ơi, anh vào ăn cơm kẻo đói!”. Chuyện là vậy đó”, già Chánh chậm rãi.

 

Già Hồ Ku Chánh (phải) và Hồ Văn Khẹc kể chuyện cây Păr Kếh.
Già Hồ Ku Chánh (phải) và Hồ Văn Khẹc kể chuyện cây Păr Kếh.

Già Chánh tiếp chuyện.“Có nhiều cách để người xấu sử dụng Păr Kếh làm hại người khác, sau này bố biết được có 2 cách chủ yếu. Một, phơi thật khô cây Păr Kếh rồi đem giã thành bột mịn. Dùng bột này bỏ vào nước uống, hoặc tẩm vào khăn mặt ướt. Người nào uống phải hay lau phải thứ bột đó sẽ bị trúng độc ngay. Với triệu chứng ban đầu như bị say thuốc lá hay say cau trầu đầu óc lâng lâng, choáng váng nhẹ. Sau đó không nhớ gì những thứ xung quanh mình,  ghét những người mình gặp và gần gũi hằng ngày. Cách thứ 2, cũng bột Păr Kếh nhưng người dùng nó “cao tay ấn hơn”, chứa nó trong một chiếc lá tươi cuốn lại, rồi đứng từ xa thổi vào miệng, mũi của người mà mình muốn gây hại. Nói chung Păr Kếh không đến nỗi kỳ bí, khó tìm, khó sử dụng như cây Tình Yêu (A Nang). Nó cũng có tác dụng nhất thời đối với một số trường hợp, hoàn cảnh nhất định. Theo bố, tốt nhất khi sử dụng nó, dù với mục đích tốt, cũng phải có sự tìm hiểu, nghiên cứu kỹ càng của những người làm công tác khoa học liên quan”.

13 giờ chiều, chúng tôi chia tay già Chánh để về xuôi thì nhà có khách là một cụ ông cao tuổi. Cụ nhìn chằm chằm vào cây Păr Kếh trên sàn nhà, rồi hỏi già Chánh bằng tiếng của người Pa Kô. Già Chánh đáp lại bằng tiếng Pa Kô.

Chúng tôi không biết họ đã nói những gì nhưng cụ già chợt quay sang chúng tôi nở nụ cười đôn hậu. Cụ nói tiếng Kinh chậm như nhặt hạt: “Bố nghĩ việc con viết báo về tác hại của cây Păr Kếh sẽ giúp ích cho đồng bào ở đây rất nhiều. Bởi trên thực tế, gần 30 năm nay, người dân Kỳ Rỹ không còn là nạn nhân của một số người xấu biết và sử dụng cây này vào mục đích xấu xa của họ, song đâu đó, ở những bản làng khác vẫn còn không ít con người như thế, nên họ cần được tuyên truyền, giáo dục để từ bỏ những cái cũ xấu xa, tiếp thu những cái mới bổ ích để tiến bộ”.

Cụ bảo: “Lời đồn thổi về công năng của cây Păr Kếh thì có nhiều. Song nhìn chung, bố thấy nó có hại nhiều hơn là có lợi. Mấy chục năm qua ở bản Kỳ Rỹ, duy nhất một lần, Păr Kếh được sử dụng vào mục đích tốt. Nhưng sau đó, người được Păr Kếh “cứu” cũng có cuộc sống không lành lặn gì”. Đó là trường hợp của ông Hồ Văn Tr.

Cách đây hơn 40 năm, gia đình bố mẹ của ông ấy rất nghèo. Trong khi, ông ấy lại yêu con gái của một gia đình tương đối khá giả. Nhưng rồi do không có của cải đáp ứng yêu cầu thách cưới của gia đình kia, nên gia đình đó đã gả con gái cho người khác ở cùng bản. Quá đau xót trước sự mất mát tình cảm, ông Tr. như hóa điên, nhiều lần định gieo mình xuống vách núi sâu tự vẫn. Trong bản có ông Ăm Pơ (nay đã mất) làm thầy thuốc nam thấy tình cảnh của anh Tr. như thế rất thương xót. Ông Pơ đã phải sử dụng cây Păr Kếh cứu chữa cho chàng thanh niên có tình duyên trắc trở này. Kết quả, chàng thanh niên đó đã quên hẳn quá khứ của mình. Sau này, anh cũng lấy vợ, sinh con. Song sức khỏe, đầu óc anh không được như người bình thường. Anh lúc nhớ lúc quên, có khi đi làm nương rẫy suốt 2 ngày đêm không tìm được đường về nhà mình.

Bậc cao niên mà chúng tôi đang tiếp chuyện đây là cụ Hồ Văn Khẹc, tên gọi khác Vỗ Thư, là chú ruột của già Chánh. Vỗ Thư đã 95 tuổi. Cụ từng giữ nhiều chức vụ trong xã A Xing từ sau ngày giải phóng đến cách đây 2 năm. Cũng như già Chánh, cụ Vỗ Thư từng là nạn nhân của cây Păr Kếh, nên sau này khi đã được cứu chữa, ông không chỉ là người tiên phong trong bản làng tổ chức các buổi họp dân, tuyên truyền, vận động bà con tuyệt đối không sử dụng loại cây này vào bất cứ mục đích gì, mà còn là người sẵn sàng bỏ của cải riêng của gia đình mình để phát thưởng cho những ai phát hiện ra đối tượng xấu sử dụng loại cây đó vì mục đích riêng.

… Chúng tôi trở về TP Đông Hà không mang theo cây Păr Kếh bởi ngoài giữ lời hứa với già Chánh, còn thấy nó hoàn toàn không cần thiết cho Độ, một chàng trai trẻ hàng xóm của chúng tôi đang thất tình. Thế nhưng, lúc thấy Độ đợi chúng tôi ở ngõ, một cảm giác chợt xót xa... Chúng tôi bảo Độ: “Không có cây Chữa Thất Tình của người Pa Kô nào cả. Vậy nên cháu cần phải chuẩn bị kỹ tinh thần để sống, để chiến đấu với cuộc sống vốn dĩ không bằng phẳng này!”.  Nghe xong, Độ lẳng lặng bỏ về. Sớm hôm sau, chúng tôi qua nhà, thấy Độ đã dậy ngồi đọc sách ở hiên. Độ kéo chúng tôi ra khoảng sân phía trước, chỉ vào một cái cây héo lá và bảo: “Cây này cháu mới trồng đêm hôm qua sau khi từ nhà chú về đấy. Nó sẽ sớm bén rễ lên xanh thôi phải không chú?!”. Chúng tôi gật đầu, lòng thấy vui vui,  Độ bây giờ đã hiểu chuyện!

Hữu Thành - Hiền Lương/tienphong

Có thể bạn quan tâm

'Người cha' của rừng gỗ quý

'Người cha' của rừng gỗ quý

Gần 30 năm miệt mài ươm trồng, cánh rừng với hàng vạn cây Pơmu, Samu của gia đình ông Vừ Rả Tênh (trú xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) đã trở thành một trong những điểm đến thu hút du khách trong và ngoài huyện vui chơi, tận hưởng không khí trong lành.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...