Tiếng nói chủ quyền từ Hoàng Sa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

“Tình hình trên biển ổn, không ghi nhận tàu Trung Quốc xâm phạm chủ quyền”, tiếng một ngư dân đang đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa (Đà Nẵng) nói rành rẽ qua bộ đàm. Từ tổng đài vang lên giọng cán bộ biên phòng: “Đã nhận rõ!”.
 

Trung úy Phan Hoàng Hiệp treo cờ Tổ quốc lên tàu cá chuẩn bị vươn khơi, bám ngư trường Hoàng Sa - ẢNH: S.X
Trung úy Phan Hoàng Hiệp treo cờ Tổ quốc lên tàu cá chuẩn bị vươn khơi, bám ngư trường Hoàng Sa - ẢNH: S.X


Cuộc đàm thoại nghe có vẻ rất bình thường ấy lại mang cho tôi rất nhiều cảm xúc. Tuy ngắn gọn nhưng nó lại xuất phát từ tọa độ, ký hiệu báo tọa độ quy ước riêng mà chỉ thuyền trưởng và bộ đội biên phòng biết tại một tàu ngư dân đang bám biển Hoàng Sa với tổng đài ICOM ở Đồn biên phòng Sơn Trà (còn gọi là Đồn 252, Đà Nẵng).

“252 gọi tất cả đài tàu”

Cùng thời điểm, tôi còn nghe trung úy Mai Hồng Lý, cán bộ trực ICOM, tiếp nhận thêm vài cuộc điện đàm nữa, cũng với nội dung báo về tình hình ngoài Hoàng Sa. Cảm xúc vừa mừng, lâng lâng niềm tự hào vì ngư dân mình có thể yên tâm khai thác hải sản, bởi tiếng nói chủ quyền được vang lên từ chính vùng biển Hoàng Sa nối điểm cầu trong đất liền chỉ cách trụ sở UBND huyện đảo Hoàng Sa chưa đầy 100 m.

 

Ngư dân mình ý chí mạnh mẽ lắm! Qua nói chuyện trực tiếp cũng như điện đàm, chưa một ai lung lay tinh thần. Ai cũng quả quyết ngư trường của mình thì mình đánh bắt, chủ quyền của mình thì mình kiên quyết bảo vệ.

Đại úy Dương Hữu Hưng,
Chính trị viên phó Đồn biên phòng Sơn Trà



Cơn gió từ biển thổi vào Đồn biên phòng Sơn Trà không làm vơi bớt cái oi bức mùa hè ở miền Trung. Ngồi “ôm” đài ICOM trong phòng trực, trung úy Lý cứ liên tục vuốt mồ hôi. Ấy vậy mà anh chẳng rời khỏi máy nửa bước. Những năm gần đây, lấy lý do bảo tồn tài nguyên, cứ vào mỗi mùa hè, phía Trung Quốc lại đơn phương ra lệnh cấm đánh bắt. Với dự báo tình hình sẽ căng thẳng hơn khi mới đây Trung Quốc ban hành luật Hải cảnh mới, trung úy Lý xác định càng phải “ôm chặt” máy tổng để bám sát tình hình. Thông qua tần số riêng, các ngư dân sẽ báo tin về đất liền để lực lượng biên phòng tiếp nhận, xử lý.

Nói đoạn, trung úy Lý tiếp tục ấn nút trên bộ đàm: “252 gọi tất cả đài tàu…! 252 gọi tất cả đài tàu…!”. Dứt lời, từ tọa độ khác, một tàu cá của ngư dân Đà Nẵng báo thêm về tình hình thời tiết trên biển Hoàng Sa. Ngoài báo tên, số hiệu tàu, ngư dân này còn kể đang chuẩn bị cho chuyến lưới buổi tối bằng giọng điệu dí dỏm... “Mình trong bờ, mỗi lần nghe đàm của các ngư dân, rồi nghe thêm tiếng máy nổ, nghe tiếng sóng… lại hình dung ra đủ thứ. Từ khung cảnh trên biển cho đến cả sự nhộn nhịp ở ngư trường. Vì kết nối đến 600 tàu cá xa bờ nên gần như mọi người chỉ biết tên nhau mà chưa hề gặp mặt. Nhưng mỗi lần nghe giọng nói, lại thấy thân thương đến lạ”, trung úy Lý chia sẻ.

Trực ICOM riết rồi trung úy Lý quen dần với những cung bậc cảm xúc. Đó là nhẹ lòng khi sóng yên biển lặng. Là hồi hộp khi gọi tàu về bờ tránh bão. Là như ngồi trên đống lửa khi tàu ngư dân gặp nạn vì bão, hoặc cả những vụ đâm va do tàu Trung Quốc gây ra… Từ năm 2014, khi diễn ra sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 khiến tình hình trên biển Hoàng Sa ngày càng phức tạp. Những tin báo của ngư dân về tàu Trung Quốc hung hãn, xâm lấn ngư trường truyền thống của ta lại càng nhiều lên.

“Hằng ngày, qua ICOM, tôi đều động viên bà con yên tâm bám biển. Tiếng là “động viên” vậy, chớ ngư dân mình can trường lắm. Có người còn động viên ngược lại mình nữa, bảo ngoài này đã có ngư dân chúng tôi rồi, anh cứ yên tâm”, trung úy Lý kể.


 

Trung úy Mai Hồng Lý trực tổng đài ICOM, sẵn sàng hỗ trợ ngư dân trong tình huống khẩn cấp - ẢNH: HOÀNG SƠN
Trung úy Mai Hồng Lý trực tổng đài ICOM, sẵn sàng hỗ trợ ngư dân trong tình huống khẩn cấp - ẢNH: HOÀNG SƠN


Đồng hành tin cậy

Thấu cảm nỗi vất vả của bà con ngư dân bám biển, nhất là lắm lúc thiên tai không đáng lo bằng nhân tai, trung úy Mai Hồng Lý luôn cố gắng tiếp nhận và xử lý thông tin một cách chuẩn xác để hỗ trợ ngư dân trong các tình huống khẩn cấp.

Đại úy Dương Hữu Hưng, Chính trị viên phó Đồn biên phòng Sơn Trà, kể gần như trong các trường hợp tàu cá bị nạn, tổng đài ICOM của đơn vị là nơi mà ngư dân nghĩ đến và gọi đầu tiên. Sau khi tiếp nhận thông tin, tổng đài sẽ đề nghị tàu cá hỗ trợ lẫn nhau. Tình huống nghiêm trọng hơn, Đồn 252 sẽ chuyển thông tin, tọa độ chính xác cho Trung tâm phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực II để đơn vị này điều động tàu ứng cứu.

Đáng nhớ nhất là lần tổng đài ICOM hỗ trợ cho trường hợp tàu cá của ngư dân Nguyễn Đình Bê (thường trú Đà Nẵng). Đó là sáng 26.9.2019, Đồn 252 nhận được thông tin từ tàu cá ĐNa 90929 báo về: Tàu đã mắc cạn tại bãi đá ngầm gần đảo Bạch Quy, thuộc quần đảo Hoàng Sa. Cán bộ biên phòng lập tức chuyển thông tin cho tàu cá khác đến ứng cứu. Tuy nhiên, do vị trí tàu mắc cạn khá xa lại bị ngăn cản bởi 2 tàu hải cảnh của Trung Quốc nên các tàu không thể tiếp cận. Trong khi đó, thông qua tin báo từ Đồn 252, một tàu cá khác của ngư dân Quảng Ngãi đã đến ứng cứu kịp thời 8 ngư dân và đưa họ về đất liền an toàn.

“Không chỉ hỗ trợ cho các tàu ngay trên biển, chúng tôi thông qua hệ thống điện đàm xa bờ đã hỗ trợ cứu sống nhiều người dân bị nạn ở vị trí gần bờ. Nghe có vẻ phi lý, nhưng có nhiều trường hợp tàu cá từ Hoàng Sa trở về đã kịp thời cứu giúp nhiều người”, đại úy Hưng kể. Điển hình vào tháng 10.2020, một bè nuôi trồng thủy sản bị cơn bão đánh xa ra khỏi vịnh Đà Nẵng khiến 4 người bị trôi dạt. Nhận được tin báo, Đồn 252 đã phát thông tin lên tần số riêng để các tàu cá từ Hoàng Sa trở về nắm bắt. Thời điểm đó, tàu ĐNa 90507 đang từ Hoàng Sa về tránh bão đã chắn giữ chiếc bè và cứu sống 4 người. Với thành tích này, UBND Q.Sơn Trà đã thưởng nóng cho ngư dân tàu ĐNa 90507 cùng lực lượng biên phòng tham gia cứu nạn.

 

Cán bộ Đồn biên phòng Sơn Trà (Đà Nẵng) đồng hành cùng ngư dân qua các chương trình tặng ảnh Bác Hồ, cờ Tổ quốc, phao cứu sinh… - ẢNH: S.X
Cán bộ Đồn biên phòng Sơn Trà (Đà Nẵng) đồng hành cùng ngư dân qua các chương trình tặng ảnh Bác Hồ, cờ Tổ quốc, phao cứu sinh… - ẢNH: S.X


Vững tin bảo vệ biên cương trên Biển Đông

Đại úy Dương Hữu Hưng bảo, với ngư dân, Hoàng Sa - Trường Sa là nhà. Chăm chút, bảo vệ ngư trường truyền thống trở thành bản năng của mỗi người, ngấm sâu máu thịt. “Ngư dân mình ý chí mạnh mẽ lắm! Qua nói chuyện trực tiếp cũng như điện đàm, chưa một ai lung lay tinh thần. Ai cũng quả quyết ngư trường của mình thì mình đánh bắt, chủ quyền của mình thì mình kiên quyết bảo vệ”, đại úy Hưng nói. Nhưng theo anh, có những thời điểm, ngư dân cần được động viên nhiều hơn, được quan tâm hỏi han nhiều hơn, nhất là thời điểm này khi Trung Quốc ban hành luật Hải cảnh mới.

Cùng với động viên, rất cần những hỗ trợ thiết thực để ngư dân cảm thấy mình không đơn độc trên biển. Bởi vậy, trong quá trình trực ICOM, việc giúp ngư dân xử lý nhanh nhất các sự cố phải luôn được ưu tiên hàng đầu. Làm sao thông tin khẩn cấp đến được ngay với lực lượng thường trực trên biển như kiểm ngư, cảnh sát biển… để đồng hành cùng ngư dân lúc hoạn nạn.

Đội phó Đội vận động quần chúng - trung úy Phan Hoàng Hiệp, kể không chỉ tiếp xúc động viên ngư dân Đà Nẵng, các anh còn thường xuyên đến âu thuyền Thọ Quang - nơi neo đậu của hàng trăm tàu vươn khơi của ngư dân các tỉnh miền Trung (Quảng Bình, Quảng Ngãi, Bình Định…) để tặng các phần quà hỗ trợ các tàu cá, tặng cờ Tổ quốc, ảnh Bác Hồ… giúp mọi người thêm vững tin bám biển, góp phần quan trọng bảo vệ biên cương trên Biển Đông.

Theo HOÀNG SƠN (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.