Tiếng khóc diệu kỳ: 'Gia đình Kangaroo' ở Sài Gòn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Ý tưởng lập nhóm được khởi đầu từ một ông bố từng ấp con theo phương pháp Kangaroo ở Bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM.
Ở TP.HCM, có một nhóm cha mẹ nuôi con theo phương pháp Kangaroo (KMC) đã tụ lại với nhau, thân thiết như một gia đình với nỗi lo chung. Họ lặng lẽ làm cánh tay nối dài giúp nhân viên y tế hỗ trợ các bà mẹ sinh non từ chính câu chuyện họ đã vượt qua.
Người đi trước tiếp sức người đi sau
Ý tưởng lập nhóm được khởi đầu từ một ông bố từng ấp con theo phương pháp Kangaroo ở Bệnh viện (BV) Từ Dũ, TP.HCM. Trưởng nhóm cha mẹ KMC hiện nay, bà Trần Thị Hiếu Hạnh (60 tuổi), từng là một mẹ KMC trong năm 2004. Theo bà, những ông bố bà mẹ thời đó thường giữ liên lạc với nhau sau khi ra viện vì bé sinh non luôn gặp vấn đề sức khỏe cho tới qua tuổi thứ ba mới tạm ổn. “Chúng tôi ban đầu chỉ chia sẻ kinh nghiệm, tâm sự động viên nhau cùng vượt qua các bệnh lý của con cái do sinh non. Sau có một anh cũng có con non tháng đề nghị lập một nhóm cha mẹ KMC với người phụ trách chương trình Kangaroo của BV lúc đó là bác sĩ (BS) Lương Kim Chi. Bác Chi rất ủng hộ, thế là tụi mình có thêm động lực để tụ lại”, bà Hiếu Hạnh chia sẻ.

Các bé Kangaroo thế hệ đầu tiên của Khoa Sơ sinh, BV Từ Dũ họp mặt lần đầu tiên sau 1 năm nhóm ra đời.
Các bé Kangaroo thế hệ đầu tiên của Khoa Sơ sinh, BV Từ Dũ họp mặt lần đầu tiên sau 1 năm nhóm ra đời.
Ban đầu, nhóm thường tranh thủ các ngày thứ bảy, chủ nhật để vào Khoa Sơ sinh, BV Từ Dũ cùng BS Lương Kim Chi hỗ trợ sản phụ sinh non. Đã có hàng nghìn bạn nhỏ nuôi KMC ngày ấy nay trưởng thành, xem nhau như một gia đình từng trải qua biến cố sinh tử.
Còn bà Trương Ngọc Đỗ Quyên (46 tuổi, ngụ TP.HCM), người có cô con gái sinh non chỉ hơn 27 tuần, nặng 1,2 kg, vẫn nhớ cảm xúc bấn loạn khi lần đầu được ẵm con gái. Hành trình gian nan nuôi con của bà kéo dài mãi tới khi cô bé qua tuổi thứ bảy mới tạm ổn. “Các nguy cơ bệnh lý sinh non như bé bị bong võng mạc dẫn đến mù lòa, bệnh về não, viêm tắc ruột, ngưng thở, ngưng tim… khi mà máy móc thiết bị y tế thời đó còn rất thiếu thốn. Chúng tôi đã tìm đủ mọi cách để giành lại sự sống cho con”, bà Quyên bộc bạch.
Ngồi cạnh bà Quyên là Phúc Nhi, cô con gái non tháng năm nào, nay đã 19 tuổi, hiện là sinh viên Trường ĐH Văn Lang, TP.HCM. Nhi xúc động khi nghe các bà mẹ kể lại những lần sinh tử giữ sinh mạng cho mình và các bạn trong gia đình KMC.
Còn con trai bà Trần Ngọc Trâm (44 tuổi, ngụ Q.1, TP.HCM) nay đã 23 tuổi. Bà sinh con khi kỹ thuật ấp con Kangaroo mới có ở TP.HCM được khoảng 2 năm. Bé trai con bà bị suy dinh dưỡng bào thai nên chỉ nặng 1,4 kg. “Khổ nhất là bé bị sứt môi hai bên không bú được. Cả nhà chạy khắp nơi kiếm núm vú cho bé mà không có, nên phải cho ăn bằng xi lanh 10 ml từng chút, từng chút. Vật vã suốt hai tuần trong viện vì mất ngủ, chỉ được nằm trên ghế bố để ấp con đủ góc nghiêng 45 độ. Nay BV cơ sở khang trang hơn, tụi mình vào thăm thấy tuy phải nằm hành lang nhưng mẹ được nằm ấp con trên chiếc giường có thể điều chỉnh lên xuống được, tiện lợi quá”, bà Trâm chia sẻ.
Nhớ lại lúc đầu vào tiếp sức những người đi sau, bà Hiếu Hạnh cho hay: “Họ y như mình hồi xưa là bấn loạn, không dám chăm con. Nghe BS, người hộ sinh dặn tiếng trước tiếng sau quên. Thế nên tụi này mới đi thuê người về, ghi lại bài giảng của má Chi (BS Lương Kim Chi - PV) để phát trên đầu máy có ti vi, treo ngay góc giường. Rồi nhóm may quần áo, nón, địu ấp con, xin tài trợ cho các bà mẹ khó khăn… Đặc biệt là cùng chia sẻ lại thành quả mình đã có sau thời gian nuôi con KMC để các bà mẹ vững tin, vượt qua được giai đoạn bỡ ngỡ lúc đầu”.

Nguyễn Tuấn Khải chơi đàn tặng các bà mẹ KMC.
Nguyễn Tuấn Khải chơi đàn tặng các bà mẹ KMC.
Giúp nhau vượt qua sợ hãi
Nhóm cha mẹ KMC tại TP.HCM có một ký ức chung là những ngày sống trong sợ hãi khi nuôi con non tháng, suy dinh dưỡng. Nỗi ám ảnh với các bà mẹ KMC những năm 1999 - 2003 là bệnh lý bong võng mạc sơ sinh (bệnh ROP). Bà Nguyễn Thị Tố Nga (43 tuổi, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) là một bà mẹ KMC sinh con năm 2005. Khi đó thai kỳ của bà Nga mới 32 tuần, bé gái con bà chỉ nặng 1,5 kg.
“Bé 2 lần tím tái, ngắt thở trên tay mình. Riết cái ở khu KMC thời ấy ai cũng sợ chữ “tím”. Như mình hồi ấy còn không có sữa, phải cho bé uống sữa ngoài. Bé nhà mình được 1 tháng tuổi thì phải đi mổ mắt vì bị ROP. Năm 2 tuổi vẫn theo dõi 8 thứ bệnh. Mỗi tháng đi khám 8 lần các bệnh khác nhau như giãn nhẹ não thất nguy cơ chuyển não úng thủy rất nhiều, chân thấp cao, lệch xương sống… Tới khi con vào lớp 1, mình mới thở phào”, bà Nga kể.

Những bà mẹ trong nhóm Hỗ trợ cha mẹ KMC từ thời đầu nay cũng trở thành những người bạn thân thiết.
Những bà mẹ trong nhóm Hỗ trợ cha mẹ KMC từ thời đầu nay cũng trở thành những người bạn thân thiết.
Bà Hiếu Hạnh sinh con ở tuổi 42, lại con so, non tháng, bé chỉ nặng 900 gram sau sinh. Hai mẹ con phải cách ly nhau cho bé ở lồng ấp. Theo bà Hiếu Hạnh, hồi đó mọi người đã quen với phương pháp KMC nhưng kiến thức về trẻ sinh non của bà mẹ lần đầu có con là số 0. Có bé bị khiếm thính, khiếm thị vì không phát hiện được bệnh ROP do những năm đầu còn thiếu máy móc kiểm tra. Các bà mẹ luôn trong tâm trạng mệt mỏi, sợ hãi. Mãi tới sau năm 2004, TP.HCM mới có máy chữa bệnh ROP, còn trước nữa là phải đi Thái Lan hay ra Hà Nội điều trị, nên có mẹ phải ôm con với bình ô xy lên máy bay đi trị bệnh rất cực.
Liệu con có thể ở lại cùng ba mẹ ?
Mẹ KMC “đời đầu” Trần Ngọc Trâm đến nay vẫn còn giữ lại những bộ quần áo sơ sinh đặc biệt của con trai vào hơn 20 năm trước. Bà ngoại bé “tự chế” từ chiếc áo thun cũ của ông ngoại thành những bộ đồ sơ sinh bởi ngày ấy, với những bé cân nặng dưới 2 kg thì quần áo, tã của con thường gia đình phải tự may. Bà Trâm thổ lộ: “Khi sinh, thấy con mình chỉ nặng 1,4 kg cả tã quấn, cảm giác như mình vừa nhận án tử cho con, chẳng có chút hy vọng nào. Lúc đó, mình tự hỏi: Liệu con có thể ở lại cùng ba mẹ?”.
Trước đây, năm nào nhóm cha mẹ KMC cũng tổ chức chương trình gặp mặt các bé tại BV Từ Dũ. Nhóm có khoảng mấy trăm thành viên nhưng do khoảng cách nơi ở nên thường xuyên gặp nhau chỉ vài chục người tại TP. Hiện tại, Hội cha mẹ KMC cố gắng duy trì gặp nhau vào tháng 6 và tháng 12 hằng năm để giao lưu và hỗ trợ các mẹ KMC thế hệ sau này. Nếu có ca nào cha mẹ cần tư vấn, họ đưa lên nhóm mạng xã hội để cùng chia sẻ.

Phúc Nhi và mẹ Trương Ngọc Đỗ Quyên. Ảnh: Ngọc Dương
Phúc Nhi và mẹ Trương Ngọc Đỗ Quyên. Ảnh: Ngọc Dương
Con trai bà Trâm từng bị chứng tăng động nhẹ do bệnh lý sinh non. Vượt qua chặng đường vất vả, nay Nguyễn Tuấn Khải đã trở thành sinh viên Khoa Sáng tác, Nhạc viện TP.HCM. Trở lại mái nhà KMC năm xưa, Khải đàn bài Cơn gió cho đại dương và ban mai tặng các mẹ. Khải xúc động chia sẻ: “Mình nghĩ về các mẹ như cơn gió giữa đại dương đã vượt qua bóng tối để tìm thấy ban mai cho tụi mình. Vì vậy, mình lấy cảm xúc để sáng tác bài hát tặng các mẹ như một lời tri ân”.
Khải và Phúc Nhi, hai trong số các bé KMC đời đầu ở BV Từ Dũ, cũng thường trở về BV khi có dịp để giúp đỡ các BS những việc như truyền thông, lan tỏa tinh thần “trẻ KMC” tự tin trưởng thành đến các bà mẹ đang nuôi con KMC sau này. (còn tiếp)
Theo Lê Vân (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 2: “Nữ hoàng” sắc hương giữa môi trường sinh thái

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 2: “Nữ hoàng” sắc hương giữa môi trường sinh thái

Nông gia Nguyễn Đáp sinh ra, lớn lên và tạo lập cơ nghiệp trên những thửa rau, hoa bậc thang của thành phố cao nguyên Đà Lạt, hiện đang chạm ngưỡng tuổi lục thập vẫn dốc tâm sức và tiền vốn để bổ sung “công năng” trên từng diện tích đất nông nghiệp của mình.

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 1: Hoa trời Âu “phát sáng” góc trời Ðà Lạt

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 1: Hoa trời Âu “phát sáng” góc trời Ðà Lạt

Trên nền tảng dẫn đầu cả nước về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, vùng đất Nam Tây Nguyên Lâm Đồng đã và đang mở rộng những miền quê tập trung tạo ra những mặt hàng có giá trị khác biệt, trong đó nổi trội với sản phẩm du lịch cộng đồng gắn xây dựng NTM, phát triển làng nghề ở địa phương.

Người Thái Bình bên dòng sông Ba

Người Thái Bình bên dòng sông Ba

(GLO)- Mỗi chiều, nhìn đàn cò trắng bay về ngang dòng sông Ba mênh mang sóng nước, ông Nguyễn Văn Để (86 tuổi) lại bâng khuâng nhớ về quê nhà. Tròn 40 năm rời quê hương Thái Bình vào vùng đất Krông Pa định cư, nỗi nhớ nguồn cội vẫn dâng đầy trong ông khi bắt gặp hình ảnh thân thuộc như vậy.

“Thời hoa lửa” của đôi vợ chồng chiến sĩ Trường Sơn

“Thời hoa lửa” của đôi vợ chồng chiến sĩ Trường Sơn

(GLO)- Trong ngôi nhà nhỏ ở làng Ia Tum (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) có 1 cặp vợ chồng đều trải qua “thời hoa lửa” Trường Sơn huyền thoại. Đó là ông Lê Đức Chinh (SN 1952) và bà Lê Thị Chỉnh (SN 1951). Ông Chinh hiện là Trưởng ban liên lạc Hội Truyền thống Trường Sơn huyện Đức Cơ.

Người mở cánh cửa hy vọng cho bệnh nhi ung thư

Người mở cánh cửa hy vọng cho bệnh nhi ung thư

Trong suốt câu chuyện, bác sĩ Bùi Ngọc Lan luôn nhắc, để có được những thành tựu trong việc chữa trị cho bệnh nhi ung thư là nhờ có teamwork (nhóm làm việc) mạnh, với nhiều bác sĩ giỏi từ các chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh, ung thư, ngoại khoa, di truyền, giải phẫu bệnh...