Tiếng đàn đá trên nóc nhà Đông Dương

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Từ những viên đá, ống nứa vô tri, một nghệ nhân người đồng bào Xê Đăng đã biến chúng thành những chiếc đàn đá, đàn nước với âm thanh trong trẻo mang đặc trưng riêng của núi rừng Ngọc Linh.

 

Ông Thập đi ra suối để tìm những phiến đá về làm đàn đá
Ông Thập đi ra suối để tìm những phiến đá về làm đàn đá




Bản giao hưởng của đá

Đỉnh núi Ngọc Linh tiếp giáp giữa 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum được mệnh danh là nóc nhà Đông Dương của dãy Trường Sơn. Nóc Măng Tó (xã Trà Cang, H.Nam Trà My, Quảng Nam) là một trong những bản nằm trong đó. Nóc chừng vài chục hộ, nhà sàn thấp lè tè chen chúc nhau giữa sườn đồi, khói un lên từ những căn bếp.

Chúng tôi băng qua cánh đồng cỏ xanh rì để tới nóc, khi đi đến lưng chừng đồi, những thanh âm thoát ra khỏi căn nhà gỗ nằm chênh vênh trên sườn dốc, réo rắt vang lên. Bản giao hưởng cô đơn dường như đã xua tan đi cái lạnh trong sương sớm của đỉnh trời Ngọc Linh.


 


  "Mình muốn khôi phục lại bộ nhạc cụ này như là một cách để trả ơn ông cha, những người đã chế tác ra loại nhạc cụ độc đáo này".

Nghệ nhân ưu tú Hồ Văn Thập  




Hỏi ra mới biết, người đánh thức núi rừng Ngọc Linh bằng những âm thanh đặc biệt ấy là nghệ nhân Hồ Văn Thập (54 tuổi). Ông là người sưu tầm, chế tác ra hàng chục loại nhạc cụ rất độc đáo, trong đó có bộ đàn đá, đàn nước. Loại nhạc cụ tưởng chừng như đã bị lãng quên trong quá khứ, nay lại được phục dựng một cách sống động.

Thời điểm chúng tôi đến, ông Thập đang ở nhà cùng 4 đứa trẻ. Chúng là con của ông, qua 3 đời vợ. Một bà bỏ đi, để lại thằng con lớn nhất cho ông nuôi. Hai bà khác không may bạo bệnh qua đời, còn một mình ông và lũ trẻ. Những đứa con của ông Thập tự lớn khôn, khỏe mạnh, như cây trái, như muông thú trên đỉnh Ngọc Linh này, với thứ “dinh dưỡng” lớn nhất là tình yêu của người cha già dành cho con.



 

Ông Thập trong một lần biểu diễn đàn đá do mình sáng chế tại lễ hội sâm Ngọc Linh tại H.Nam Trà My - Ảnh: Mạnh Cường
Ông Thập trong một lần biểu diễn đàn đá do mình sáng chế tại lễ hội sâm Ngọc Linh tại H.Nam Trà My - Ảnh: Mạnh Cường




Tri kỷ của ông là bộ đàn đá đặc biệt và những đêm nghêu ngao hát từ ô cửa nhỏ nhà sàn trên lưng chừng dốc. “Đàn đá” là những viên đá với đủ hình thù, kích thước. Khi ông chơi, âm thanh réo rắt, vui tươi, tha thiết, sâu lắng, mọi cung bậc của xúc cảm hòa vào “bản giao hưởng” ngẫu hứng. Những giai điệu của xúc cảm, của năm tháng tuổi trẻ đã qua, của tình yêu với quê, với rừng và cả nỗi cô đơn của một “nghệ sĩ làng” giữa ngôi làng Măng Tó.

Chúng tôi như bị cuốn vào thế giới của những thanh âm mê đắm ấy, theo bàn tay, theo đôi mắt nhắm nghiền của ông già “phiêu” trong từng giai điệu. Một bản giao hưởng được “ký âm” bằng trái tim, bằng đôi tai kỳ diệu...

Thổi hồn cho phiến đá vô tri

Ngày còn nhỏ, theo chân cha lên rẫy, ông Thập thấy cha mình gắn những ống lồ ô, những viên đá bằng dây rừng rồi treo khắp rẫy. Gió, nước trở thành thứ năng lượng bất tận vận hành “dàn nhạc” kỳ lạ ấy. Thích thú với thanh âm trong trẻo của dàn nhạc kỳ lạ, ông Thập bắt chước cha, tự mày mò tìm kiếm những viên đá, tách ra thành 12 viên đá lớn nhỏ trở thành một cây đàn đá hoàn chỉnh cho riêng mình. “Cây đàn đá là ký ức tuổi thơ của chính tôi”, ông Thập trầm tư nói.

Ông chia sẻ, không phải viên đá nào cũng phát ra nhạc được, cũng không phải cứ sắp xếp theo thứ tự từ nhỏ đến lớn là ra một bộ đàn đá. “Mình đánh thử, nghe thử, so sánh từng viên với nhau, rồi từng viên với nhiều viên khác để sao cho mỗi viên có một âm sắc riêng. Nhưng cũng chưa đủ, phải mài giũa, phải gọt đẽo sao cho tiếng vang của đá giòn giã hoặc trầm vang, theo đúng cảm nhận của tai mình”, ông Thập nói.




 

 Cây đàn tre do ông Thập tự chế
Cây đàn tre do ông Thập tự chế





Mòn mỏi suốt nhiều tháng nhiều năm, ông như một gã dị thường ham mê với đá. Nhiều buổi lang thang một mình chỉ để tìm kiếm được một viên đá trong bộ đàn đá của mình.

Dân làng Măng Tó nhiều đời nay truyền nhau rằng, người Xê Đăng từ xa xưa có một bộ đàn đá, mỗi khi tấu lên dân làng sẽ tụ hội. Nhưng bộ đàn đá nguyên thủy ấy đến nay không còn nữa. “Mình muốn khôi phục lại bộ nhạc cụ này như là một cách để trả ơn ông cha, những người đã chế tác ra loại nhạc cụ độc đáo này”, nghệ nhân Xê Đăng tâm sự.

Điều đáng nói, ông Thập không hề biết về âm nhạc, cũng chẳng được học nhạc, làm nhạc cụ ngày nào. Không ai truyền dạy kỹ năng thẩm âm và định âm. Bộ đàn đá đầu tiên ông Thập làm ra chỉ có 7 viên. Sau khi hoàn thành, đánh thử cho người dân nghe, ai cũng thích thú. Tuy nhiên, âm thanh chưa chuẩn. Sau đó, ông tiếp tục đi kiếm những viên đá phù hợp, có tiếng dài và mình lấy mang về nhà. Ông chỉnh tiếng xong, phơi đá khô rồi tiếp tục chỉnh nốt. Hiện bộ đàn đá đã đủ 14 viên cho đúng hợp âm về âm nhạc.

Con người “đặc biệt”

Ông Thập không nhớ đôi chân mình đã đi qua bao con suối sâu, bao nhiêu khe núi, lật giở không biết bao nhiêu hòn đá chỉ để tìm được phiến đá có âm thanh tương hợp trong một bộ đàn. Vạn viên đá là vạn hình dáng, âm thanh khác nhau, để chúng đứng được cùng nhau trong một dàn hợp âm chuẩn của bộ đàn hoàn chỉnh, công việc của ông Thập như tìm “kim đáy biển”. Vậy mà những phiến đá vô tri ấy, nằm tản mát khắp nơi trên rừng sâu núi thẳm lại có một cơ duyên với ông vô cùng.


Để tìm kiếm đủ các phiến đá làm nên bộ đàn là vô hạn định. Hai tháng, ba tháng cũng có thể một năm, hai năm… Về được với nhau, những phiến đá ấy còn tiếp tục trải qua nhiều lần định âm sau khi rửa, phơi, làm sạch cho hết đất bụi đại ngàn. Không chỉ vậy, để có được âm thanh tương xứng trong một tổ hợp đàn đá, những phiến đá ấy còn phải gọt giũa, tạo tác nhiều lần.

Ông Thập đã từng mang bộ đàn đá ra tận Hà Nội biểu diễn vào năm 2009, nhân sự kiện “Tuần văn hóa - du lịch Quảng Nam hướng đến 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội”. Sau đó, cũng đã nhiều lần ông được đi đó đây, mang tài nghệ và bộ đàn đá độc đáo của mình trình diễn ở các sự kiện văn hóa lớn. Tại lễ hội sâm Ngọc Linh, người ta lại thấy ông “phiêu” cùng bộ đàn đá. Tháng 3.2019, ông Thập được phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú vì đã gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.

Nhạc sĩ Dương Trinh, hội viên Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc VN, cho rằng để tìm được một người như ông Thập rất hiếm. Đây là một người khá đặc biệt vì có bản năng về cảm âm các viên đá nhặt ở bờ suối, sông và kết nối lại thành một bộ đàn đá để phát ra những âm thanh sinh động. “Bộ đàn đá này có từ xa xưa, người đồng bào thường dùng để đuổi khỉ, đuổi vượn, đuổi chim trên rẫy. Những âm thanh phát ra từ bộ đàn đá của ông Thập mang âm thanh lạ và mang tính hoang dại của núi rừng”, ông Trinh nói.

Như gió núi Ngọc Linh vẫn thổi qua miền ngược, như nước từ đỉnh Ngọc Linh vẫn lặng lẽ chảy về xuôi, ông Hồ Văn Thập lặng lẽ với những bản du ca của cuộc đời mình, với đàn đá, với thứ âm nhạc đầy mê đắm của vùng cao. Đó, cũng là cách mà ông giữ gìn lấy một thứ vốn quý của văn hóa cha ông, cất lại đó, không phải cho riêng mình…

 

Theo Mạnh Cường (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

(GLO)- Sáng 6-11, tại TP. Pleiku, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức hội thảo khoa học di tích lịch sử “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947, xã Kông Bơ La, huyện Kbang” nhằm hoàn thiện hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền đề nghị xếp hạng di tích quốc gia.

Trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống tạo ra các sản phẩm lưu niệm phục vụ du khách

Trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống tạo ra các sản phẩm lưu niệm phục vụ du khách

(GLO)- Nằm trong khuôn khổ Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya, chiều 9-11, tại khu vực sân nhà rông làng Gri, xã Chư Đang Ya (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai), Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND huyện Chư Păh tổ chức trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống.

Các nghệ nhân làng Chuet 2 (phường Thắng Lợi) phục dựng lễ báo hiếu cha mẹ tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Thu

Lễ báo hiếu của người Jrai

(GLO)- Lễ báo hiếu cha mẹ là tập tục văn hóa truyền thống đã có từ xa xưa trong đời sống của cộng đồng người Jrai. Đây là dịp để những người con đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục và cầu mong thần linh ban sức khỏe cho cha mẹ.

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Cách đây gần 18 năm, trong một số công trình điều tra văn hóa các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở TP. Pleiku thì người ta xếp một số buôn làng trong khu vực, trong đó có làng Wâu và Ktu (xã Chư Á) là làng tương đối có giá trị, đưa vào diện bảo tồn và phát triển.

Sân trường rộn tiếng cồng chiêng

Sân trường rộn tiếng cồng chiêng

(GLO)- Cứ mỗi buổi sinh hoạt, khuôn viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Lơ Pang (xã Lơ Pang, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) lại rộn ràng tiếng cồng chiêng. Âm thanh quen thuộc ấy đến từ đôi tay nhỏ bé của các em học sinh thuộc Câu lạc bộ (CLB) Cồng chiêng của trường.

Người giữ nghề dệt thổ cẩm ở Ia Rsươm

Người giữ nghề dệt thổ cẩm ở Ia Rsươm

(GLO)- Không chỉ dệt thổ cẩm giỏi, chị Rah Lan H’Nghí (SN 1988, buôn Toát, xã Ia Rsươm, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) còn nhiệt tình chỉ dạy cho chị em trong buôn để góp phần bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.

Bảo tồn bản sắc văn hóa ở TP. Pleiku dưới góc nhìn mới - Kỳ cuối: Giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa

Bảo tồn bản sắc văn hóa ở TP. Pleiku dưới góc nhìn mới - Kỳ cuối: Giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa

(GLO)- Chính quyền TP. Pleiku đã dành nguồn lực đầu tư để Plei Ốp thành điểm đến của du khách trải nghiệm văn hóa truyền thống và bản sắc dân tộc Jrai thông qua phục dựng một số lễ hội cộng đồng như: cúng giọt nước, pơ thi…

Rơ Châm Nguyên nặng tình với dân ca Jrai

Rơ Châm Nguyên nặng tình với dân ca Jrai

(GLO)-Nhiều năm qua, người dân làng Kte (xã Ia Phí, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) luôn dành sự yêu mến và kính trọng đối với bà Rơ Châm Nguyên bởi bà biết hát và lưu giữ nhiều bài dân ca của dân tộc Jrai.