Tiếng chuông chùa vọng từ Trường Sa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Giữa ầm ào bão gió biển đảo Trường Sa, tiếng chuông chùa ngân vọng, khiến lòng người lắng lại, bình yên đến lạ thường…
Bài 1: Vượt bão gió, thỉnh chuông chùa ở Trường Sa
Từ bán đảo Cam Ranh (Khánh Hòa), đoàn công tác chào đất liền. Biển lặng, sóng yên, trời xanh ngắt nhưng theo những người lính biển lâu năm đây là dấu hiệu của cơn bão sắp đến. Dự báo của đài Hải quân, giữa chuyến hải trình này biển sẽ động mạnh.
Tiếng chuông chùa giữa ầm ào biển khơi
Sau 38 giờ, tàu HQ 571 đưa đoàn tới đảo Song Tử Tây, điểm cực bắc của quần đảo Trường Sa, khi chiều vừa ngả bóng. Tàu neo đậu ngoài khơi, cách đảo chừng gần 1km, mọi người chờ sáng hôm sau lên đảo. 
Thấp thoáng một ở góc đảo, đường nét mái chùa cong thân thuộc in lên nền trời vàng rực. Giữa tiếng gió ầm ào biển khơi, tiếng chuông từ chùa Song Tử Tây thong thả nhẹ ngân.
Trên boong tàu, 40 nhà sư khoác áo vàng nghệ ngồi xếp bằng, tụng niệm với tiếng mõ đều đều. Những âm thanh bình yên như ở một ngôi làng quê Việt ở đất liền. Đêm xuống, nhiều người không ngủ, ngắm nhìn Song Tử Tây lấp láp ánh đèn, mong ngóng khoảnh khắc bình minh, để được đặt chân lên đảo.
 
Chùa Song Tử Tây, huyện đảo đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa . Ảnh: Bình Nguyên
Chùa Song Tử Tây, huyện đảo đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa . Ảnh: Bình Nguyên
Chùa Song Tử Tây hiện lên sừng sững, uy nghi giữa bãi cát san hô. Gió muối phủ lên mái chùa, cột gỗ màu trắng bạc trầm mặc. Bên trong chính điện, các vị sư đứng nghiêm cẩn hành lễ Tam Bảo (ba ngôi báu: Phật, Pháp, Tăng)  – nghi lễ quan trọng của các tín đồ Phật giáo. Thượng tọa Thích Minh Quang, Trưởng ban trị sự Giáo hội Phật giáo Ninh Bình, chậm rãi đánh chày kình vào quả chuông lớn in hình quốc huy.
"Lắng lòng nghe, lắng lòng nghe
Tiếng chuông huyền diệu đưa về nhất tâm.
.....Siêu nhiên vượt thoát vòng sanh tử
Giác ngộ tâm tư một hướng về"
Lời kệ thỉnh chuông qua giọng tụng ngân trong, lúc trầm lúc bổng của Thượng tọa Minh Quang khiến không gian phút chốc như ngưng đọng.
 
Thượng tọa Thích Minh Quang, Trưởng ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Ninh Bình thỉnh chuông ở chùa Song Tử Tây. Ảnh: Bình Nguyên
Thượng tọa Thích Minh Quang, Trưởng ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Ninh Bình thỉnh chuông ở chùa Song Tử Tây. Ảnh: Bình Nguyên
Lần đầu đến Trường Sa, Thượng tọa Thích Nguyên Đạt, Viện phó Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế chia sẻ đây là chuyến đi ông đã mong mỏi từ lâu, đến nay mới có duyên. Sinh ra từ làng, lớn lên xuất gia, hình ảnh mái chùa, tiếng chuông sớm chiều tự nhiên với vị tu sĩ như hơi thở. 
Ở các chùa tiếng chuông sử dụng như phương tiện báo giờ sớm chiều, thước đo thời gian tu tập trong ngày. Đối với Phật giáo, tiếng chuông còn là pháp âm, mang tính thức tỉnh.
"Cảm nhận âm thanh quen thuộc mà nghe kỳ diệu lạ thường, bằng ngôn ngữ không diễn tả hết được tầng sâu của cảm xúc. Tiếng chuông vang ở đây, giữa nơi biển đảo đầy sóng gió, lắng nghe lâu hơn một chút, tiếng chuông như ngân hơn, vọng hơn khiến cho những người dân, chiến sĩ trên đảo thấy bình an. Khi tâm con người bình an mới khởi sinh trí tuệ để xử trí ở nơi đầy bất trắc của tự nhiên, của con người", Thượng tọa Nguyên Đạt chia sẻ.
Chùa giữa biển khơi, hướng về Thủ đô
Rời Song Tử Tây, đoàn công tác tiếp tục đưa các nhà sư đến các ngôi chùa trên đảo Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn Đông, Sinh Tồn dâng hương. Những ngôi chùa trên quần đảo Trường Sa đều có chính điện hướng về Thủ đô Hà Nội. 
Họa tiết hoa văn trang trí mái, cột, bậc tam cấp đục trạm hình hoa sen hoa cúc, hình rồng, mây cuốn thời Lý – Trần. Tất cả văn bia, hoành phi câu đối sơn song thếp vàng đều được khắc viết bằng chữ Việt ca ngợi hình ảnh đất nước như "Quần đảo huy hoàng chất ngất biển Đông ngời thắng cảnh - Chùa chiền sừng sững nguy nga đất Việt nổi danh lam".
Nhà ở ngay sát chùa Sinh Tồn, chị Ngô Thị Kim Vũ, 35 tuổi, ngày nào cũng đến chùa quét dọn. Vào ngày rằm, mùng 1, lễ Vu Lan, Tết Nguyên đán…chùa Sinh Tồn nghi ngút khói hương. 
Các gia đình sinh sống trên đảo sửa soạn những lễ vật đơn sơ như quả đu đủ, đĩa xôi, gói bánh dâng lên chùa. Tiếng chuông chùa sớm chiều từ lâu đã trở thành âm thanh thân thuộc của người dân nơi đây.
 
Xuồng máy đưa đoàn công tác vào đảo Đá Tây A, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Bình Nguyên
Xuồng máy đưa đoàn công tác vào đảo Đá Tây A, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Bình Nguyên
Sau khi thăm đảo Sinh Tồn, trời mưa lớn, gió to, biển động. Vùng biển ảnh hưởng của cơn bão số 1, gió cấp 7 - cấp 8, sóng lên đến cấp 6 đánh tràn cả lên hành lang tàu. Tàu đến đảo Phan Vinh nhưng không thể hạ xuồng vào bờ. Neo lại gần đảo một đêm, sáng hôm sau biển động mạnh hơn.
Con tàu HQ 571 nặng hơn 2.000 tấn, chòng chành, nhấp nhô theo từng đợt sóng bạc đầu. Nhiều người không quen đi biển bắt đầu say sóng. Đại tá Hồ Thanh Hoàn trưởng đoàn công tác quyết định nhổ neo. Tàu rúc một hồi còi chào đảo Phan Vinh, đến Đá Tây A tránh trú bão.
Khu vực neo đậu là lòng hồ thuộc đảo Đá Tây A, hơn 10 tàu cá ngư dân cũng về đây tránh trú bão. Hồ được hình thành bởi hoạt động của một dải núi lửa ngầm dưới đáy biển từ hàng triệu năm trước. Các dải san hô trải dài bao quanh tạo thành vành đai chắn sóng, nơi trú ẩn tự nhiên, an toàn cho tàu thuyền.
Sau ba ngày, cấp gió giảm dần, tàu hạ xuồng đưa đoàn vào đảo thăm chùa Đá Tây A. Ngôi chùa nằm ngay sát âu tàu trên đảo, tiếng kinh cầu nguyện của các nhà sư vang xa. Ngư dân trên những tàu câu mực đang neo đậu gần đó đều tập trung bên mạn tàu, chắp tay hướng về chùa. Một nhóm ngư dân  đem theo hương, đi thuyền thúng để tiến gần hơn để cầu khấn.
Nhìn những khuôn mặt ngư dân đen sạm nắng gió đang thành kính hành lễ, Thượng tọa Thích Minh Quang xúc động chia sẻ: "Đây là khoảnh khắc đáng nhớ trong cuộc đời các nhà sư. Nơi tiền tiêu của tổ quốc, mái chùa thực sự đã trở thành điểm tựa tâm linh cho ngư dân trước giông bão biển khơi".
Đoàn công tác do Quân chủng Hải quân phối hợp với Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường, đại biểu các tỉnh, thành vừa có chuyến ra thăm, làm việc và động viên quân, dân trên huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa).
Theo Bình Nguyên (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.