Thủy Tùng - những cá thể cuối cùng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Chưa một nhà nghiên cứu nào giải thích rõ loài thực vật cổ sinh thông nước (thủy tùng) ở Đak Lak tồn tại và phát triển ra sao suốt hàng triệu năm qua. Mãi đến khi loài cổ sinh vật này đứng trên bờ tuyệt chủng - chỉ còn 161 cá thể, công tác bảo tồn loài thủy tùng mới được chính quyền đặt ra dù khá muộn...

Nứt vỡ trong buôn làng

Tôi tìm xã Ea Ral, huyện Ea H’leo (tỉnh Đak Lak) một tuần sau khi sự kiện cây thủy tùng gần 500 tuổi bị 7 đối tượng người địa phương cưa trộm lấy tiền tiêu xài.

 

Thủy tùng được ghép vào chính bộ rễ thở của những cây trưởng thành (ảnh lớn).
Thủy tùng được ghép vào chính bộ rễ thở của những cây trưởng thành (ảnh lớn).

Về buôn A Riêng, đề cập chuyện thanh niên, thiếu niên cưa trộm thủy tùng, người dân ai cũng xót xa vì một phút nông nổi khiến các thanh niên này dính vào vòng lao lý. Nhà có khách, nhưng mãi gần nửa tiếng sau, Buôn trưởng Y Mna Ksor (SN 1943) mới lững thững quay về tiếp chuyện. Hỏi ra mới hay, ông Y Mna phải hòa giải một vụ mâu thuẫn nhỏ của vài dân trong buôn.

Nhắc chuyện cây thủy tùng bị cưa trộm vừa xảy ra, ông Y Mna nói tránh: “Ngày xưa bà con trong buôn thiếu cái ăn cái mặc nhưng đoàn kết một lòng. Bây giờ, cuộc sống hiện đại, văn minh thì sự kết nối giữa người dân trong buôn không còn khăng khít như trước...”.

“Đoàn kết một lòng” theo lời Buôn trưởng Y Mna là giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong lúc khó khăn, hoạn nạn. Quan trọng hơn, đó là đoàn kết bảo vệ rừng thủy tùng hàng ngàn năm tuổi của bao thế hệ người Ê Đê. Mà một khi sự đoàn kết bị rạn nứt thì cái xấu trỗi dậy. Lật cuốn sổ ghi chép kiểm tra, ông Y Mna cho biết, thời gian tới buôn làng sẽ tổ chức họp dân để tuyên truyền, giáo dục cho người dân những truyền thống của người Ê Đê trước đây và vai trò của rừng thủy tùng trong đời sống người dân.

Tìm về nhà anh Y Mít Ksor (SN 1977), nơi còn lưu giữ tấm E Ban (tấm phản - PV) bằng gỗ thủy tùng duy nhất trong buôn, chúng tôi được biết, phản gỗ thủy tùng được sử dụng trong các dịp lễ hội lớn của người Ê Đê. Xưa, chỉ buôn trưởng hoặc người có địa vị mới được vào rừng xăm tìm những thân thủy tùng chôn sâu dưới sình lầy về chế tác. Tuyệt nhiên không có việc chặt hạ thủy tùng nếu không được phép.

Nghi lễ tiếp theo trước khi vào rừng xăm tìm thủy tùng là gia chủ phải mổ bò, trâu cúng trời đất, thần rừng. “Thời đó đồng bào tuân thủ thực hiện nghiêm quy định để gìn giữ rừng già” - anh Y Mít ngày nhỏ được cha tự hào khi nhắc như vậy ý thức của người dân trong buôn trong việc gìn giữ rừng thủy tùng.

“Vậy điều gì đẩy thủy tùng đến nguy cơ tuyệt chủng?”, tôi hỏi. Giữa gian nhà sàn đang rôm rả cười nói của các thanh niên, không khí bỗng chùng xuống. Nhấp chén rượu cần, anh Y Mít kể, thủy tùng đối với đồng bào Ê Đê ít có giá trị vì gỗ mềm, dễ bén lửa nên không ai chọn làm nhà.

Rồi độ năm 2000 trở đi, giới chơi gỗ rộ tin đồn gỗ thủy tùng chữa bệnh ung thư, gỗ thủy tùng vân đẹp có mùi thơm nếu trưng trong nhà có thể trừ tà ma(!?) Những tin đồn kiểu vậy khiến giá gỗ thủy tùng đẩy lên cao.

“Hàng ngàn người từ khắp nơi đổ xô về xã Ea Ral xăm tìm, đốn hạ thủy tùng với mộng đổi đời. Rừng bị tàn sát không thương xót…” - anh Y Mít chua xót.

Suốt cuộc trò chuyện ở nhà anh Y Mít, Buôn trưởng Y Mna ít nói hẳn. Ông ngồi dựa lưng vào tấm E Ban, mắt nhắm chặt sau mỗi hớp rượu cần. Giọng ông Y Mna bỗng cất lên khiến mọi người chăm chú: “Trước giai đoạn Y Mít kể, đó là những năm 90 trở về trước, hàng ngàn cây tại rừng Ea Ral thuộc xã Ea Ral, bị chặt hạ chôn vùi dưới lòng hồ của công trình thủy lợi trên địa bàn”.

Thêm hớp rượu vào người, Buôn trưởng Y Mna sang sảng: “Giá mà thời điểm đó chúng ta nghĩ tới việc làm thế nào hài hòa giữa xây dựng đập thủy lợi với bảo tồn thủy tùng thì giờ đâu đến nỗi!”.

Bí ẩn triệu năm chưa có lời giải

Trước nguy tuyệt diệt loài 2 quần thể thủy tùng, năm 2012, UBND tỉnh Đak Lak công bố quyết định thành lập Ban Quản lý Khu bảo tồn loài sinh cảnh thông nước để quản lý, bảo tồn loài thực vật cổ sinh này. Thời điểm tiếp nhận, 161 cây thủy tùng phân bố rải rác ở hai huyện Ea H’leo và Krông Năng rộng lớn nên dự án phải lập 2 trạm và chia lực lượng canh chừng. Những ngày cuối tháng 10, chúng tôi có mặt tại Trạm Quản lý Khu bảo tồn loài sinh cảnh thông nước Ea Ral (Trạm QLBT) tại thôn 4, xã Ea Rah, huyện Ea H’leo để tìm hiểu về công tác bảo tồn 161 cá thể cây cuối cùng tại Việt Nam.

Ông Võ Thành Tám - Trạm trưởng Trạm QLBT Ea Ral - dẫn chúng tôi ra khu vực vạt rừng chếch hướng tây - nơi cây thủy tùng gần 500 tuổi vừa bị cưa trộm. Tại khu vực này trong tháng 10 vừa rồi, 7 đối tượng xấu lợi dụng thời tiết mưa bão, đêm khuya lẻn vào rừng dùng cưa tay cưa trộm thủy tùng. Sau khi các đối tượng đang dùng xe rùa di chuyển ra khỏi rừng thì bị lực lượng chức năng bắt giữ sau đó.

Ông Tám thừa nhận thời điểm cây bị chặt hạ, đơn vị có sơ hở, chủ quan. Từ bài học vừa qua, ông chia sẻ, qua đó đơn vị sẽ tăng cường cảnh giác và chấp nhận hình thức kỷ luật của cấp trên đưa ra thời gian tới.

Qua nhiều ngày khảo sát và trò chuyện với đồng bào địa phương, tôi nghe mọi người rỉ tai nhau việc lực lượng chức năng đã cấy “chíp” theo dõi vào 161 cây thủy tùng. Việc cấy “chíp” mục đích để lực lượng giữ rừng phát hiện và bắt giữ ngay khi lâm tặc ra tay...

Đến ngã tư giữa rừng, ông Tám rẽ ngoặt bên trái đi thẳng về một chòi canh của anh em trong trạm giữa rừng. Chòi canh được dựng khá kiên cố cạnh cây thủy tùng gần ngàn tuổi. Tôi quan sát cây cổ thụ này cao chót vót phải 4 người ôm không xuể thân cây. Phía trên, tán lá cây cổ thưa thớt nhưng tỏa hương thơm thoang thoảng.

Ông Tám dùng rựa phát quang bụi rậm xung quanh, để rễ thở (giúp cây hô hấp trên mặt nước - PV) cao khuất đầu gối người lớn. Lội xuống sình tiếp cận những rễ thở này có thể quan sát chồi non xanh đang đâm chồi vươn cao. Hiểu sự tò mò của khách, ông Tám giải thích, trước nguy cơ tuyệt chủng của thủy tùng trong tự nhiên, nhiều năm qua đơn vị triển khai phương pháp ghép chồi non vào rễ thở của cây lớn tuổi để cây con phát triển.

Tôi thắc mắc phải chăng loài thủy tùng không tự thụ phấn được nên phải ghép chồi non. Ông Tám cười bí ẩn. Chưa vội trả lời, ông tìm một nhành cây gãy có hoa thủy tùng rồi tách nhỏ bên trong cánh hoa cho mọi người xem. Lúc này, ông giải thích, thủy tùng là loài thực vật cổ sinh hiện chỉ ghi nhận tồn tại ở Việt Nam, Trung Quốc và Lào. Riêng thủy tùng tại Việt Nam vô cùng đặc biệt vì hoa không có hạt. Mà không có hạt thì cây không thể thụ phấn.

“Nếu thủy tùng ở Việt Nam không thụ phấn thì chúng từ đâu đến và phát triển như thế nào. Tại sao lại có một quần thể hàng ngàn cây tại Đắk Lắk mà không phải địa phương khác” - câu hỏi của ông Tám cũng là câu hỏi khiến nhiều nhà nghiên cứu đến nay đang đau đầu chưa tìm được lời giải.

Ông Trần Xuân Phước - Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn loài sinh cảnh thông nước Đak Lak - cho biết, trong khi đợi lời giải thích từ các nhà khoa học về sự hình thành, phát triển của thủy tùng, đơn vị đã phối hợp với các nhà nghiên cứu trên địa bàn nghiên cứu nhân giống và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.

“Bên cạnh việc ghép chồi vào rễ thở, BQL cũng đang cùng các nhà nghiên cứu nuôi cấy mô và giâm hom. Chưa thể khẳng định những phương pháp có thành công hay không nhưng qua đó cũng mở ra hy vọng khôi phục lại rừng thủy tùng trong tương lai” - ông Phước nói.

Hữu Long/laodong

Có thể bạn quan tâm

Sống ở TP.HCM: Người hạnh phúc vẽ nên sắc hồng cho bệnh nhân ung thư

Sống ở TP.HCM: Người hạnh phúc vẽ nên sắc hồng cho bệnh nhân ung thư

Hiến tóc cho bệnh nhân ung thư là một trong những hoạt động ý nghĩa nằm trong khuôn khổ chương trình 'Ngày hội Nón hồng' do Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam (BCNV) tổ chức. Những mái tóc được gửi đến các bệnh nhân chính là biểu tượng của sự sẻ chia, tiếp thêm sức mạnh để họ tiếp tục chiến đấu.

Khơi dậy ý chí, khát vọng thoát nghèo - Kỳ 1: Những “đốm lửa hồng” nêu gương trong việc khó

Khơi dậy ý chí, khát vọng thoát nghèo - Kỳ 1: Những “đốm lửa hồng” nêu gương trong việc khó

Những năm qua, nhiều chính sách phát triển kinh tế-xã hội, an sinh xã hội, ba chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới (NTM), giảm nghèo bền vững, những chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được triển khai sâu rộng.

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Cách đây gần 18 năm, trong một số công trình điều tra văn hóa các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở TP. Pleiku thì người ta xếp một số buôn làng trong khu vực, trong đó có làng Wâu và Ktu (xã Chư Á) là làng tương đối có giá trị, đưa vào diện bảo tồn và phát triển.

Tượng đài “Chiến sĩ bất khuất Vĩnh Trinh” ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam là một trong các tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Phan. Ảnh: Tư liệu

Ký ức vỡ

Những gì không lặp lại sẽ dễ lãng quên. Người thân cũng thế, ký ức về một ai đó, sau thời gian dài không gặp sẽ bị im lìm, đóng băng. Một phần nào trong ký ức tôi tưởng chừng như thế, đã im ngủ hơn 14 năm qua tính từ ngày anh từ bỏ cõi trần gian phiền muộn này.

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 2: “Nữ hoàng” sắc hương giữa môi trường sinh thái

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 2: “Nữ hoàng” sắc hương giữa môi trường sinh thái

Nông gia Nguyễn Đáp sinh ra, lớn lên và tạo lập cơ nghiệp trên những thửa rau, hoa bậc thang của thành phố cao nguyên Đà Lạt, hiện đang chạm ngưỡng tuổi lục thập vẫn dốc tâm sức và tiền vốn để bổ sung “công năng” trên từng diện tích đất nông nghiệp của mình.

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 1: Hoa trời Âu “phát sáng” góc trời Ðà Lạt

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 1: Hoa trời Âu “phát sáng” góc trời Ðà Lạt

Trên nền tảng dẫn đầu cả nước về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, vùng đất Nam Tây Nguyên Lâm Đồng đã và đang mở rộng những miền quê tập trung tạo ra những mặt hàng có giá trị khác biệt, trong đó nổi trội với sản phẩm du lịch cộng đồng gắn xây dựng NTM, phát triển làng nghề ở địa phương.

Đời chìm nước nổi…

Đời chìm nước nổi…

Thời điểm này, khu vực biên giới Tây Nam đang đỉnh lũ. Mùa nước nổi năm nay lượng nước sông Mê Kông đổ về Đồng bằng sông Cửu Long cao hơn trung bình nhiều năm trước. Mùa nước nổi là lúc người dân vùng biên thức thâu đêm giăng lưới, thả câu tận hưởng lộc trời.