Thủy điện Ia Ly thiếu nước giữa mùa mưa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sông Sê San chảy qua 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum cung cấp nước cho gần chục công trình thủy điện. Tuy đang giữa mùa mưa nhưng các nhà máy thủy điện trên tuyến sông này đang chạy cầm chừng do thiếu nguồn nước.
Ông Đinh Viết Thiện-Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Ia Ly-nhìn nhận: Toàn bộ nguồn nước cung cấp cho các nhà máy trên tuyến sông Sê San đều phụ thuộc vào 2 hồ chứa Ia Ly và Plei Krông. Tuy nhiên, hồ Ia Ly đã ở mực nước chết, còn hồ Plei Krông chỉ cách mực nước chết khoảng 1 m. Hiện tại, nguồn nước cung cấp cho các nhà máy thủy điện hết sức căng thẳng và nếu không có sự cải thiện nào khác thì thời gian tới, việc cung cấp nước để phát điện càng căng thẳng hơn.
Plei Krông là hồ chứa đầu nguồn, bên cạnh cung cấp nước phục vụ việc phát điện của Nhà máy Thủy điện Plei Krông thì còn có vai trò cung cấp nước cho các nhà máy thủy điện khác phía hạ lưu sông Sê San. Ông Nguyễn Công Tám-Phó Quản đốc Phân xưởng Vận hành Nhà máy Thủy điện Plei Krông-cho biết: Ngày 26-8, mực nước hồ Plei Krông thấp hơn 15 m so với cùng thời điểm năm ngoái, chỉ đạt mức 538,06 m/553,53 m, tương ứng với dung tích hồ chứa còn lại là 12,4 triệu m3/311,82 triệu m3, thấp hơn cùng kỳ năm 2019 đến 299,41 triệu m3.
Do nguồn nước bị hạn chế nên tình hình sản xuất điện năng giảm. Đến cuối tháng 8-2020, Nhà máy Thủy điện Plei Krông mới chỉ sản xuất được 176,89 triệu kWh, trong khi đó ở thời điểm cùng kỳ năm ngoái sản lượng điện đã đạt 288 triệu kWh. Như vậy, sản lượng điện sản xuất được đến thời điểm này chỉ đạt 48% so với kế hoạch do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giao và thấp hơn cùng kỳ năm ngoái 100 triệu kWh.
Mặc dù các chỉ tiêu kỹ thuật: tỷ lệ điện tự dùng, hệ số khả dụng, tỷ lệ ngừng máy do sự cố, tỷ lệ ngừng máy để bảo dưỡng, sửa chữa theo kế hoạch đều đạt, nhưng với nguồn nước hạn chế, Nhà máy Thủy điện Plei Krông đang đứng trước nguy cơ không đạt sản lượng điện cả năm theo kế hoạch, kể cả khi tình hình thủy văn thuận lợi trong những tháng cuối năm và được Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) cho chạy hết công suất thiết kế của nhà máy cũng như duy trì thời gian chạy máy, phát điện liên tục.
Nhà máy Thủy điện Ia Ly. Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc
Nhà máy Thủy điện Ia Ly. Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc
Trong thực tế, lưu lượng nước về hồ tự nhiên có đột biến vào ngày 26-8 là 229 m3/s (các ngày trước đó lưu lượng về hồ bình quân chỉ đạt 41 m3/s/ngày) nhưng không thể biết trước được diễn biến trong những ngày tiếp sau thế nào. Bởi lưu lượng nước về hồ chứa Plei Krông phụ thuộc vào khu vực đầu nguồn. Nếu tại khu vực lòng hồ Plei Krông có mưa lớn, nhưng khu vực đầu nguồn gồm phía Bắc dãy Trường Sơn (các huyện Đak Tô, Đak Glei, Ngọc Hồi thuộc tỉnh Kon Tum) và khu vực giáp ranh giữa tỉnh Kon Tum với tỉnh Quảng Nam mưa ít hoặc không có mưa thì lưu lượng nước về hồ Plei Krông là không đáng kể.
Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Ia Ly cho biết: Sản lượng điện của Công ty (bao gồm 3 nhà máy thủy điện: Ia Ly, Plei Krông, Sê San 3) đến cuối tháng 8-2020 chỉ đạt 2,06 tỷ kWh, chỉ bằng 42,54% sản lượng điện kế hoạch cả năm. Lý do sản lượng điện đạt thấp cũng vì lượng nước về 2 hồ chứa Plei Krông và Ia Ly rất thấp. Tần suất nước trong tháng 8-2020 so với cùng kỳ năm ngoái chỉ bằng 74% và chỉ bằng 53% so với trung bình nhiều năm. Tổng lượng nước về 2 hồ chứa trong suốt 8 tháng qua cũng chỉ bằng 75% so với cùng kỳ năm 2019 và chỉ bằng 67% so với trung bình nhiều năm. Hiện lưu lượng nước cũng như lượng nước về 2 hồ chứa trên chưa được cải thiện đáng kể, do đó dự kiến năm nay Công ty khó hoàn thành chỉ tiêu sản lượng điện cả năm của EVN giao.
Cũng theo ông Thiện, tuy tình hình thiếu nước đang xảy ra trên toàn tuyến sông Sê San nhưng công tác phòng-chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn vẫn phải triển khai từ đầu tháng 5. Trước mùa mưa bão, các nhà máy thủy điện phải hoàn thành việc báo cáo tình hình thiết bị công trình, tổ chức diễn tập các phương án theo kế hoạch của Công ty, đảm bảo luôn sẵn sàng, đóng, mở thử nghiệm các van cung đập tràn trước mùa mưa, lũ. Cùng với đó, phải luôn duy trì 4 tại chỗ (phương án tại chỗ, phương tiện tại chỗ, lực lượng tại chỗ và hậu cần tại chỗ) để luôn chủ động ứng phó với các tình huống có thể xảy ra, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân.
HOÀNG ANH PHƯỢNG

Có thể bạn quan tâm

Triển vọng rõ ràng

Triển vọng rõ ràng

Bên lề hội nghị Fitch On Vietnam 2024 diễn ra cuối tháng 8 vừa qua, người viết đã có cuộc phỏng vấn các quản lý khu vực của Hãng đánh giá tín nhiệm tín dụng Fitch Ratings.
Hàng tỉ USD sẽ được rót vào nếu Việt Nam được nâng cấp thành thị trường mới nổi

Hàng tỉ USD sẽ được rót vào nếu Việt Nam được nâng cấp thành thị trường mới nổi

Theo WB, các chính sách nhằm tạo điều kiện nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, kết hợp với những cải cách nhằm nâng cao minh bạch thị trường và bảo vệ các nhà đầu tư, sẽ giúp thu hút thêm các nhà đầu tư nước ngoài
Công ty Cao su Chư Sê vươn ra biển lớn

Công ty Cao su Chư Sê vươn ra biển lớn

(GLO)- Lựa chọn nơi dừng chân khi “ra biển lớn” của Công ty Cao su Chư Sê trên vùng đất của tỉnh Kampong Thom là một lựa chọn đúng đắn, bởi  vùng đất này đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”.