Thủ tướng Chính phủ: Tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ tại Trung Bộ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)-  Mưa lũ đã làm một số người chết và mất tích, hàng chục ngàn nhà dân ngập sâu, hàng loạt công trình hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học bị thiệt hại nặng nề; Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương và các Bộ, ngành liên quan tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ tại khu vực Trung Bộ để người dân sớm ổn định đời sống, khôi phục sản xuất và sinh hoạt sau lũ.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Công điện của Thủ tướng Chính phủ tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ tại khu vực Trung Bộ.

(Ảnh minh họa, nguồn NDO)
Thủ tướng Chính phủ đề nghị tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ. Ảnh: Nguồn NDO


Nội dung Công điện gửi: Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng và các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi; các Bộ: Nông nghiệp và PTNT, Giao thông-Vận tải, Giáo dục và Đào tạo, Công thương, Quốc phòng, Công an, Lao động-Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính;  Ban chỉ đạo quốc gia về phòng-chống thiên tai; Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Hoàn lưu bão số 5, kết hợp với không khí lạnh đã gây mưa rất lớn tại một số địa phương khu vực Trung Bộ, đặc biệt là tại TP. Đà Nẵng và các tỉnh: Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị, Quảng Nam. Mưa lũ đã làm một số người chết và mất tích, hàng chục ngàn nhà dân ngập sâu, sạt lở đất xảy ra ở nhiều nơi, hàng loạt công trình hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học bị thiệt hại nặng nề.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố nêu trên và lãnh đạo các Bộ, cơ quan liên quan tập trung chỉ đạo, khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ để hỗ trợ người dân sớm ổn định đời sống, khôi phục sản xuất, sinh hoạt sau lũ:

Các địa phương bị ảnh hưởng của đợt mưa lũ vừa qua, nhất là TP. Đà Nẵng và các tỉnh Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Trị tập trung chăm lo, bảo đảm cuộc sống cho người dân sau mưa lũ, không để người dân thiếu đói, không để người dân không có chỗ ở. Tập trung tìm kiếm người còn mất tích; hỗ trợ cứu chữa người bị thương; tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại do mưa lũ, nhất là các gia đình có người bị chết, mất tích, gia đình chính sách, hộ nghèo, khó khăn; khẩn trương rà soát các hộ có nguy cơ thiếu đói, nhất là hộ nghèo, hộ có nhà bị sập đổ, trôi, hộ ở nơi bị ngập sâu, sạt lở, chia cắt giao thông, tổ chức cứu trợ khẩn cấp lương thực, nhu yếu phẩm, bảo đảm không để người dân bị đói, rét; sắp xếp, bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà ở do mưa lũ; huy động các lực lượng quân đội, công an, thanh niên xung kích hỗ trợ người dân sửa chữa lại nhà ở, dọn vệ sinh môi trường, không để bùng phát dịch bệnh sau bão lũ.

Đồng thời, tập trung khắc phục nhanh công trình hạ tầng thiết yếu bị hư hại, ngập lũ, nhất là trường học, trạm y tế, hệ thống điện, nước sinh hoạt, các tuyến giao thông huyết mạch, công trình thủy lợi, đê điều, hồ đập để sớm cho học sinh trở lại trường, bảo đảm hoạt động khám, chữa bệnh, khôi phục sản xuất sau lũ, góp phần ổn định đời sống cho người dân và chủ động ứng phó với những đợt thiên tai mới. Tiếp tục tổ chức lực lượng rà soát khu dân cư, trụ sở cơ quan, trường học có nguy cơ bị ảnh hưởng do sạt lở đất, chủ động sơ tán người và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm, hạn chế thiệt hại do sạt lở đất. Ngoài ra, khẩn trương rà soát, thống kê, đánh giá mức độ thiệt hại do mưa lũ, kịp thời báo cáo cấp cơ thẩm quyền theo đúng quy định.

Bộ Giao thông-Vận tải phối hợp với các địa phương chỉ đạo, triển khai khắc phục nhanh nhất các tuyến giao thông trọng yếu, đồng thời bảo đảm an toàn giao thông cho người dân; tập trung huy động lực lượng, vật tư, phương tiện khắc phục ngay các tuyến giao thông bị sạt lở, nhất là khu vực Km32+200 quốc lộ 9C (tỉnh Quảng Bình) và quốc lộ 15D đi cửa khẩu quốc tế La Lay (tỉnh Quảng Trị), bảo đảm thông xe nhanh nhất và an toàn giao thông.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo vệ sinh trường lớp, khắc phục công trình bị hư hỏng; vận động hỗ trợ trang thiết bị giảng dạy, sách vở và đồ dùng học tập cho các trường học, cơ sở giáo dục bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ tạo điều kiện cho học sinh trở lại học bình thường sớm nhất.  

Cạnh đó, Bộ Y tế chỉ đạo bảo đảm công tác khám-chữa bệnh cho người dân vùng ngập lũ, hướng dẫn xử lý nguồn nước sinh hoạt, xử lý môi trường, không được để phát sinh bệnh dịch sau lũ.

Bộ Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo chuẩn bị giống cây trồng, vật nuôi để phục hồi sản xuất; chủ động hướng dẫn khôi phục sản xuất sau mưa lũ; rà soát, kiểm tra hồ đập thủy lợi, kịp thời sửa chữa khắc phục sự cố hồ đập để chủ động ứng phó và bảo đảm an toàn trong những đợt mưa lũ tới.

Bộ Công thương chỉ đạo khôi phục nhanh hệ thống điện, sản xuất công nghiệp; có phương án cung ứng đủ hàng hóa, tăng cường kiểm soát thị trường, không để tình trạng khan hiếm hàng dẫn tới tăng giá bất hợp lý, tiêu thụ hàng giả, kém chất lượng; rà soát, kiểm tra, kịp thời triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn hồ đập thủy điện.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với các địa phương rà soát những hộ dân bị ảnh hưởng mưa lũ, kịp thời đề xuất hỗ trợ lương thực cho các hộ có nguy cơ thiếu đói, bảo đảm ổn định đời sống cho người dân.

Theo Công điện, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo Quân khu 4, Quân khu 5 và các đơn vị trên địa bàn chủ động triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ vận chuyển lương thực, hàng cứu trợ, nhu yêu phẩm cho người dân, nhất là tại các khu vực còn bị chia cắt, hỗ trợ Nhân dân và địa phương khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ theo đề nghị của địa phương.

Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ưu tiên cân đối, bố trí nguồn vốn từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương hàng năm để tập trung hỗ trợ khắc phục nhanh hậu quả thiên tai.

Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 6, dự báo chính xác, thông tin kịp thời cho các cơ quan chức năng và Nhân dân biết để chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó phù hợp, hiệu quả.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban chỉ đạo quốc gia về phòng-chống thiên tai đôn đốc các địa phương khẩn trương triển khai công tác khắc phục hậu quả, ổn định đời sống Nhân dân; tổng hợp tình hình thiệt hại, nhu cầu hỗ trợ khẩn cấp của các địa phương, phối hợp với các cơ quan có liên quan đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ kịp thời, theo đúng quy định; đồng thời tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến bão số 6, chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo thẩm quyền; kịp thời báo cáo, đề xuất cấp thẩm quyền chỉ đạo, xử lý những vấn đề vượt thẩm quyền.

* Ngày 17-10, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng-chống thiên tai ban hành Văn bản số 84/QGPCTT gửi các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định về việc tăng cường đảm bảo an toàn tàu thuyền ứng phó với bão số 6.

Theo bản tin của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, bão số 6 sẽ đi vào khu vực Hoàng Sa ngày 18-10 đến 19-10 với sức gió mạnh cấp 12-13, giật cấp 15. Dự báo bão còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới.

Đến 6 giờ 30 ngày 17-10, theo thông tin từ Cơ quan thường trực Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, phòng-chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ đội Biên phòng vẫn còn 50 tàu/489 người hoạt động ở khu vực Hoàng Sa (Quảng Nam 28 tàu/290 người; Quảng Ngãi 20 tàu/184 người; Bình Định 2 tàu/15 người).

Để đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyền, không để xảy ra thiệt hại, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng-chống thiên tai đề nghị các tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương (đến UBND cấp xã), chủ tàu thuyền, gia đình,... bằng mọi biện pháp thông báo, kêu gọi, hướng dẫn 50 tàu trên và các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trong khu vực nguy hiểm hoặc có khả năng ảnh hưởng của bão, di chuyển thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc vào nơi tránh trú an toàn.

 

G.B

 

Có thể bạn quan tâm