Thông tin mới về sức khoẻ 3 người tình nguyện sau tiêm vắc-xin Covid-19

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sau 1 ngày tiêm thử nghiệm vắc-xin Covid-19, đến sáng 18-12, sức khoẻ của nhóm 3 người tình nguyện đầu tiên đều ổn định. Theo giới chuyên môn, sau tiêm, tình nguyện viên có thể gặp sưng, nóng, đỏ, đau tại vị trí tiêm, sốt nhẹ.
Nguồn tin từ Học viện Quân y cho biết sau 1 ngày tiêm thử nghiệm vắc-xin Covid-19, đến sáng nay 18-12, sức khỏe của nhóm 3 người tình nguyện đầu tiên đều ổn định, không có phản ứng bất thường. Các tình nguyện viên này hiện vẫn đang được theo dõi sức khỏe ngay tại Viện Nghiên cứu Y dược học quân sự (Học viện Quân y).
Những người tình nguyện sẽ được theo dõi tại đây trong 72 giờ sau tiêm, tức tới ngày 20-12. Tại đây, có 2 phòng theo dõi sau tiêm dành riêng cho nam và nữ, có 3 người thường xuyên trực tại mỗi phòng, được trang bị mọi vật dụng sinh hoạt. Sau thời gian này, tình nguyện viên được về nhà và được giám sát bởi cán bộ y tế xã, phường. Mũi tiêm thứ 2 được tiến hành sau 28 ngày.

Một trong 3 tình nguyện viên đầu tiên tiêm vắc-xin Covid-19
Một trong 3 tình nguyện viên đầu tiên tiêm vắc-xin Covid-19

Người đầu tiên tiêm thử nghiệm vắc-xin Nano Covax
Người đầu tiên tiêm thử nghiệm vắc-xin Nano Covax
Trước đó, sáng 17-12, tại Viện Nghiên cứu Y dược học quân sự (Học viện Quân y), 3 người Việt Nam đầu tiên (2 nam và 1 nữ) đã được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 Nano Covax. Ông Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học - Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế), Chánh văn phòng Chương trình Quốc gia nghiên cứu phát triển vắc-xin, cho biết khi thử nghiệm vắc-xin Covid-19, tình nguyện viên có thể gặp sưng, nóng, đỏ, đau tại vị trí tiêm, sốt nhẹ. Đây là phản ứng thường gặp của các loại vắc-xin sau tiêm.
Trong giai đoạn 1 thử nghiệm vắc-xin Nano Covax, Học viện Quân y chỉ chọn khoảng 60 người độ tuổi 18 - 50 để tiêm thử nghiệm vắc-xin Nano Covax. 60 tình nguyện viên trên sẽ được phân ngẫu nhiên vào 3 nhóm. Nhóm 1A với 20 người dùng mức liều 25 mcg/mũi tiêm sẽ được thu tuyển đầu tiên. Nhóm 1B gồm 20 người dùng mức liều 50 mcg. Nhóm 1C gồm 20 người dùng mức liều 75 mcg. Tất cả người tham gia nghiên cứu giai đoạn 1 sẽ được tiêm bắp 2 mũi vắc-xin khoảng cách giữa 2 mũi tiêm là 28 ngày. Để bảo đảm tính an toàn cho người tham gia nghiên cứu, giai đoạn thu tuyển 60 người tham gia đánh giá an toàn theo thiết kế dò liều tăng dần.
Quy trình thu tuyển người tham gia vào giai đoạn 1 sẽ được bắt đầu với 3 người thuộc nhóm liều 25 mcg. Trên cơ sở kết quả theo dõi đánh giá 72 giờ sau tiêm vắc-xin trên 3 người đầu tiên mới quyết định mức liều và số người tham gia tiếp theo. Thời gian nghiên cứu cho mỗi người tham gia là khoảng 56 ngày để đánh giá mục tiêu nghiên cứu và theo dõi đến tháng thứ 6 kể từ liều tiêm đầu tiên.

Người tình nguyện được nghỉ ngơi và sinh hoạt ngay tai nơi tiêm thử nghiệm vắc-xin Covid-19
Người tình nguyện được nghỉ ngơi và sinh hoạt ngay tai nơi tiêm thử nghiệm vắc-xin Covid-19
GS-TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y cho biết đến thời điểm này, đã có khoảng 300 người tình nguyện tham gia đăng ký thử nghiệm vắc-xin Covid-19. Các trường hợp này được khám sàng lọc, khai thác kỹ tiền sử dị ứng, lấy máu xét nghiệm, điện tim, chụp X-quang… Sau đợt thử nghiệm này, tháng 3-2021 tới, Học viện Quân y sẽ tiến hành tiếp giai đoạn 2 của thử nghiệm trên người, dự kiến tiêm cho 400 - 600 người.
Trước đó, nhà cung cấp dịch vụ bảo hiểm và Công ty Nanogen, đơn vị phát triển vắc-xin ngừa Covid-19, đã ký hợp đồng "Bảo hiểm trách nhiệm cho chiến dịch thử nghiệm lâm sàng vắc-xin Nanocovax", với giá trị bảo hiểm tối đa 100 triệu đồng/cá nhân, trong trường hợp xảy ra tai biến vắc-xin và các vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe người tình nguyện. Chương trình bảo hiểm này kéo dài trong suốt 3 giai đoạn thử nghiệm vắc-xin Covid-19, với tổng quyền lợi bảo vệ là 20 tỉ đồng.
N.Dung (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Cảnh báo nguy cơ bùng phát bệnh sởi

Cảnh báo nguy cơ bùng phát bệnh sởi

(GLO)- Những ngày gần đây, số ca mắc sởi trên địa bàn tỉnh Gia Lai có chiều hướng tăng nhanh. Trước tình hình đó, ngành Y tế đang triển khai đồng bộ nhiều biện pháp phòng ngừa, quyết tâm không để bệnh sởi bùng phát và lây lan trên diện rộng.